(- Lần Cuối Với Thầy Vi
– TRỰC CHỈ PHƯƠNG TOA-Phẩm:„Nhiên Thảo Chi Dụng“
– Tam Tiêu Biện Lý- Phẩm: „Thiên- Địa- Nhân“ tùy nhi „Tinh- Khí- Thần“ biệt giải tòng „Tam Nguyên Chi Lộ“
– Hồng Nhan Luận- Phẩm: „ Hoa nhường, Nguyệt thẹn“ duy xuất Thập nhị chỉ tràng)
– Thỉnh thoảng pha chút Nho (nhe) “ Nôm“ (na) cho nó „Thần tiên chi Đạo“ …khẹc…khẹc…khẹc….
( Phần kết này quá dài nên sẽ ngắt ra thành 2 đoạn, post lên trên 2 statut liên tục)
1
…Thầy Vi dẫn tôi theo quí Tăng trong Thảo trại đi dùng sáng. Quí tăng ở đây tu theo dòng Tiểu thừa nguyên thủy, thuộc về Nam Tông, cho nên lúc dùng sáng chỉ có tôi và thầy Vi. Quí thầy trong Thảo trại này chỉ „Ngọ trai“ vào một buổi giữa trưa, và không thực sự là thuần chay, và nghe nói hình như không cấm cả bia rượu.
Vừa ăn sáng xong, tôi nheo nheo mắt, gật gật nhìn thầy Vi nói
– Thầy, thầy… tam… tam hè!
– Chưa uống trà mà tám tám cái gì bậu!
– Tam là Tam tiêu í, chứ tám gì đâu Thầy
– Bậu nói giọng Trung có nặng lắm thì cũng hạ xuống „Tạm“ chứ „Tam“ mà bậu hất lên đến „Tám“ là tró tré chứ không phải trọ trẹ ấy à nghen…
– Hì hì…tại vì con quá phấn khích nên mới cho thăng lên một quảng đấy ạ!
Thầy Vi nhìn tôi đá một phát lông nheo cực kỳ ấn tượng. Nhìn kiểu cách phóng khoáng này, tôi chắc mẫm là đã „hạ“ Thầy xuống ngang tầm „lầy, bựa“ của mình. Có thoát ra khỏi cảnh giới „khoảng cách thế hệ“, thì tiếng nói chung sẽ có phần liễu nghiệm hơn. Tôi đã „hạ“ Thầy vượt qua khỏi khoảng cách này, đã là một thành công trong việc „tầm đạo“ của mình. Thầy nói với tôi như nhả ra từng chữ:
– Chương Dinh vệ sinh hội, sách Linh khu phân cơ thể ra 3 PHẦN bao gồm:
Thượng tiêu bắt đầu từ miệng trên của Vị (bí môn) đến dưới lưỡi; bao gồm cả bộ phận lồng ngực và 2 tạng Tâm Phế. Sách viết “THƯỢNG TIÊU NHƯ SƯƠNG MÙ”. Nói sương mù là hình dung Thượng tiêu nhiều khí. Trong chương Quyết khí, sách Linh khu luận giải viết: “Thượng tiêu phân bổ khí ngũ cốc (thức ăn) đi khắp nơi làm ấm da dẻ, nuôi thân thể, mượt tóc như sương mù rơi xuống gọi là khí” .Sách Trương thị loại kinh giải thích: “Tỳ tán tinh khí ra, khí ấy như sương mù và quy về Phế, nên nói Thượng tiêu như sương mù”. Chính vì Thượng tiêu đưa khí đi khắp toàn thân mà có tác dụng làm ấm ngoài da, mượt lông tóc, vì thế phần cơ biểu được dinh dưỡng và do đó phát sinh được công năng bảo vệ ở ngoài (gọi là Vệ Khí- Khí lực bảo vệ, là Sức đề kháng, Immun-sytem). Nếu cơ năng của Thượng tiêu mất bình thường, sự phân bố bị trở ngại, DA DẺ KHÔNG ĐƯỢC ÔN NHUẬN của Vệ khí, lỗ chân lông mở đóng không thuận lợi sẽ sinh ra hiện tượng rét run phát nóng. Ngoài ra Thượng tiêu còn có công năng chủ việc thu nạp. Nạp bao gồm thu nhận cả hô hấp và ăn uống, bởi vì Vị chủ việc tiếp nạp đồ ăn không để nôn ra ngoài, Phế chủ việc hô hấp. Cả 2 tạng phủ ấy đều khai khiếu ở Thượng tiêu cho nên nói Thượng tiêu có công dụng chủ việc thu nạp.
Vừa chủ về việc thu nạp, vừa chủ về phối tán khí, lại chủ về việc phòng vệ từ bên ngoài cho nên da NHĂN, da KHÔ HÉO, tóc BẠC, tóc RỤNG, mắt MỜ, toàn thân toát lên vẻ GIÀ NUA lụm khụm, gối mỏi chân run, tuổi chưa cao mà thân đã già héo là cái THẦN của Thượng tiêu mà ra vậy“
Trung tiêu thì từ miệng trên của Vị (bí môn) đến miệng dưới của Vị (u môn) bao gồm cả bộ phận bụng trên và Tỳ, Vị, Thập nhị chỉ trường đều thuộc phạm vi của Trung tiêu. Chương Dinh vệ sinh hội , sách Linh khu nói: “TRUNG TIÊU NHƯ BỌT NƯỚC SỦI LÊN”. Bọt nước sủi lên là chỉ vào trạng thái hóa sinh của Tỳ, Vị. Bởi vì, nhìn vào phạm vi của Trung tiêu và công năng của Tạng phủ ở trong đó thì chủ yếu là vận hóa thủy cốc và chưng bốc khí huyết Tân Dịch để nuôi dưỡng khắp toàn thân. Chức năng Trung tiêu bao gồm: thu nạp cốc khí, lọc cặn bã, chưng Tân dịch, làm thành tinh hoa đưa lên Phế mạch biến hóa ra sắc đỏ gọi là HUYẾT. Tác dụng của Trung tiêu chủ yếu là chuyển hóa thủy cốc thành ra khí huyết TÂN DỊCH, là chất có đủ tác dụng DINH DƯỠNG. Sở dĩ gọi như „bọt nước sủi lên“ là muốn nói đến hoạt động sinh lý như làm chín thức ăn uống, chưng hóa Tân Dịch, tiếp thu tinh khí của thủy cốc, hóa sinh ra Khí- Huyết. Vì lẽ đó mà Trung tiêu là gốc gác, nơi thu liễm và hoạt hóa khí Hậu Thiên, lớn NHANH hay CHẬM, MẬP BÉO hay GẦY GÒ, VẠM VỠ hay QUẮT QUEO, UY DŨNG hay BẠC NHƯỢC, PHÚC HẬU hay KIỆT QUỆ…. Tất cả đều do KHÍ hóa từ Trung tiêu mà ra
Hạ tiêu thì từ miệng dưới của Vị xuống đến tiền âm, hậu âm; bao gồm cả bộ phận bụng dưới, Can, Thận, Đại, Tiểu trường, Bàng quang đều thuộc phạm vi của hạ tiêu.
Thiên Dinh vệ, sách Linh khu nói: “HẠ TIÊU NHƯ NGÒI RÃNH”. Sách Trương thị loại kinh nói “Ngòi rãnh là chỗ chảy nước ra” ý nói Hạ tiêu chủ việc xuất chứ không chủ nạp. Cho nên công năng chủ yếu của hạ tiêu là thấm thủy dịch xuống, gạn lọc ra thanh trọc và bài tiết ra đại tiểu tiện ở tiền âm và hậu âm. Hạ tiêu bao quát luôn cả Gan, Thận, Tiểu trường, Đại trường, Bàng quang cho nên đây cũng là nơi chắt lọc, thu nạp TINH CHẤT, HUYẾT DỊCH cho cơ thể, nên nói nó là nơi tàng ẩn của Khí Tiên Thiên, là Chân Nguyên chi đạo. Vì vậy Sinh lực DỒI DÀO hay KHIẾM KHUYẾT, CĂNG ĐẪM hay MỎI MÒN, TRÁNG KIỆN hay HẮT HIU… mọi chứng đau nhức, phù nề cơ nhục, xương khớp là từ Hạ tiêu mà có,
Vậy nên nói TIÊU là thiêu hủy, đốt cháy, nhưng vì có chữ TAM là tổng hội đứng trước, nên trở nên to lớn bao trùm tất cả cái lý của Vũ Trụ chi đạo. Nên nó là NGUYÊN. Nguyên thủy, Nguyên chung, Nguyên lai, Nguyên kết…TAM TIÊU là NGUYÊN nên nó hàm chứa cả cái lý Thiên- Địa- Nhân của Vũ Trụ. Thượng tiêu hàm luôn Tâm- Phế là THƯỢNG THIÊN chi đạo, Trung tiêu hàm cả Tỳ- Vị là TRUNG NHÂN chi đạo, Hạ tiêu hàm cả Can- Thận là HẠ ĐỊA chi đạo. Đã là Tam Nguyên chia ra Tam Tiêu chi xứ. Cho nên mỗi Tiêu có riêng một NGUYÊN THẦN, Mỗi Tiêu có riêng một „Sinh Mệnh“. Không tách rời ra khỏi Căn Nguyên của đất trời vũ trụ, không tách rời khỏi bản năng sinh tồn tổng thể của Cơ thể, nhưng lại có cách hành hóa biệt lập. Đó là cái lý Sinh- Thành- Trụ- Hoại- Không của Nguyên Lai, vô cùng vô tận, vô thủy vô chung… của thuở mới tạo Thiên lập địa cho đến vĩnh hằng mãi mãi. Từ cái nhỏ nhất của một phần triệu triệu hạt cát cho đến vô lượng Thiên hà. Cái lý đó Bậu có biết là gì không?
Đang trố mắt trừng trừng như uống lấy từng lời của thầy Vi, chợt nghe Thầy hỏi, tôi bừng tỉnh, chìa cả hai tay, ngón cái bóp chặt ngón nhẫn và ngón út, ngón giữa và ngón trỏ bật ra như khẩu súng lục chỉa thẳng vào người thầy Vi, miệng „pằng… pằng..“ liên tục. Thầy Vi thấy tôi có hành động như con nít, cũng hùa theo giả vờ ôm ngực gục xuống. Rồi sau đó cả hai thầy trò chỉ tay vào nhau cười như „nghé vào hợp tác“. Dứt cơn cười thống khoái, thầy Vi hất đầu nói:
– Bậu nói đi chớ, cười hoài vậy!
– Thưa Thầy, cái lý đó chính là TINH- KHÍ- THẦN. Tinh là tinh túy của vật chất, Khí là Năng lượng hàm chứa của vật chất và Thần là biểu hiện chất lượng chuyển hóa của vật chất. Trong cơ thể Tinh là các vật thể cấu trúc nên những thứ nhìn được, như da thịt, xương cốt, máu huyết, tân dịch, đờm giải v..v.. Nên nó thuộc về Hạ Tiêu như những gì Thầy đã nói. Khí là Năng lượng sinh tồn đảm bảo cho các cơ quan nội tạng vận hành hoạt động được, cơ chế này giống như sự hoạt hóa của Trung tiêu nên nó ứng với Trung tiêu. Biểu hiện chất lượng của cuộc sống là thần sắc, phong thái, cốt cách của da tóc và ngoại quan… nên Thần thuộc về Thượng tiêu
Tinh- Khí- Thần tuy 3 nhưng lại là 1, là một „Sinh Mệnh“ hiện hữu hoạt động trong một cơ chế, một lập trình đồng nhất. Sự kết nối và điều tiết lập trình hoạt động đồng nhất đó phải thông qua một cơ quan tạng phủ về cấu tạo mà nó phải có thực thể liên kết được cả 3 phần của Tam Tiêu. Có được màng mỡ, hệ mao mạch, hệ bạch huyết…bao trùm, kết nối, kéo giăng tất cả các Tạng- phủ chỉ có một thứ đó là „Thập nhị chỉ trường“ (Hành tá tràng). Nên nói rằng, xấu- đẹp, mạnh- yếu, mập- gầy, cao- thấp, già- trẻ, khỏe-bệnh….gì cũng nắm lấy „thằng có tóc“ Thập nhị chỉ trường này phải không? Thưa Thầy!
Lần này thì thầy Vi chỉ ngón tay vào tôi „pằng..pằng…“ và gật gật giục tôi:“ Nói tiếp, nói tiếp… nghe coi“. Tôi nhìn thầy với đôi mắt hàm ơn rạng rỡ, và có phần cầu cạnh, Thầy nói luôn cho luôn mạch hì… hì…:
– Tinh- Khí- Thần của cơ thể ứng với Tam Nguyên của Trời Đất mà thể hiện ra bên ngoài bằng thực thể. Cái Thân là bể chứa của tinh chất, nơi tân dịch, tinh huyết sinh ra, đó là TINH. Khí hóa là cội rễ của hoạt động, nên Tứ chi là là nơi thể hiện sự linh hoạt của KHÍ. Đầu mặt là thể hiện chất lượng của sự hoạt hóa Sinh tồn nên nó là THẦN. Vì vậy về mặt tổng thể Ngoại quan thì biện chứng của Thân là biện chứng của Tinh và cũng chính là biện chứng của Hạ tiêu. Biện chứng của của Tứ chi là biện chứng của Khí và cũng là biện chứng của Trung tiêu. Biện chứng của Đầu mặt, Ngũ quan là biện chứng của Thần cũng là biện chứng của Thượng tiêu. Phàm khi quan sát Thân bệnh, thấy các chứng khác thường hiện ra ở phần nào thì qui kết về Tiêu tuông ứng mà tìm cách hóa giải ở cái gốc Tam Tiêu. Ví dụ như bệnh khai hiện ra ở đầu mặt, ngũ quan thì tìm liệu pháp xử lý ở Thượng tiêu, bệnh khai hiện ra ở vùng Thân, như bụng, lưng ngực… thì tìm liệu pháp đắc dụng ở Hạ tiêu, hoặc bệnh khai hiện ở Tứ chi thì tìm liệu pháp ở Trung tiêu mà ứng xử. Đó cũng là một trong những cái lý của nguyên tắc chẩn trị „ Trị bệnh tất cầu kỳ bản“ là vậy. Thân thể người ta như cái cây sống ngoài thiên nhiên vậy, cho dù là toàn cục hay chia ra từng chi tiết nhỏ. Nơi bắt đầu sinh ra là TINH, nơi phát triển hình hài là KHÍ, nơi kết thúc là Thần, ví như chi trên là Tay nơi sinh ra là Vai, nên vai là gốc là TINH, cả cánh tay là nơi phát triển và làm chủ vận động, nên nó là KHÍ, ngón tay là kết của Tay nên nó là THẦN.
Nghe đến đây, tôi chồm tới, vung tay trước mặt Thầy Vi, cướp lời Thầy như bị Thầy nói hết phần mình:
– Cho nên đau nhức vùng khớp vai, khớp háng thì phải trị ở Tinh, tức là Hạ tiêu, và tức nhiên ngược lại nếu bị bệnh ở Hạ tiêu bao gồm bệnh lý của Gan, Thận, Ruột già, Ruột non, Bàng quang thì nên tương tác vật lý và kích thích ở vùng Vai và khớp háng vì đó là biểu lý trong ngoài của Hạ tiêu nơi cánh tay và cẳng chân được bắt đầu. Và tương tự với đau nhức, và biểu hiện bệnh lý ở Cùi chõ và Đầu gối thì phải trị ở Trung tiêu , và ngược lại Tỳ, Vị có vấn đề thì phải kích hoạt ở vùng huyệt đạo xung quanh Cùi chõ và Đầu gối mới đắc cách. Và đương nhiên khi bị chứng gì đó ở bàn tay, bàn chân, ngón tay, ngón chân… thì phải dụng pháp ở Thần tức Thượng tiêu. Và nếu có chuyện bất an ở Tâm- Phế thì cũng nên kích hoạt ở vùng cổ tay và ngón tay…. Quá tuyệt Thầy ơi, mấy chục năm hành nghề, biết phải làm thế mới đúng, mới hiệu quả, nhưng vẫn mù mờ chưa biết tại sao, hôm nay nghe Thầy lý giải về Tam Tiêu ứng với nguyên lý Tinh- Khí- Thần con mới ngộ ra, hóa ra „tất cầu kỳ bản“ là vậy đó, „biểu lý lưu chú“, tý ngọ lưu chú“… gì đó thì cũng là đơn giản vậy đó.
– Ơ này, biện chứng bệnh lý muôn hình muôn trạng, tại sao Bậu chỉ chăm chú vào mỗi vụ đau nhức không vậy- Thầy Vi nhìn tôi có vẻ như thất vọng.
– Con biết, con biết mà Thầy, nhưng Thầy thông cảm, mấy chục năm hành nghề ở Châu Âu người ta chỉ quan tâm đến tác dụng chữa đau nhức của thuật Châm- Cứu thôi, vả lại ở bên đó con cũng chỉ hành nghề Y theo bằng cấp là „Chuyên viên điều trị đau nhức Quốc tế“ thôi, nên mảng này con thấu ngộ nhiều hơn, vì vậy chỉ lấy nó làm ví dụ thôi. Mà Thầy! Con có một thỉnh cầu.
Thầy Vi nhìn tôi lại đá lông nheo phát nữa và hất cằm:
– Chuyện giề, ngay và luôn đi!
….
(Nhớ theo dõi đọc phần kết nhé. Phần cốt lõi đấy các „Cụ“ ạ…..hì hì…Không phải là „giật tít“ đâu mà bài nó dài quá thôi)
….
22.06.20
Thuận Nghĩa