3- “Hành Trang” Quan Trọng Nhất: “BIẾT LẮNG NGHE CƠ THỂ”- (Phương Pháp Thực Hành và Các Đối Tượng Trải Nghiệm)

“Biết Lắng Nghe Cơ Thể” là cụm từ mô tả một cảnh giới trải nghiệm cuộc sống khá sâu sắc. Cụm từ này không những được sử dụng như một “định danh” cho một phương pháp tu tập của Huyền Học, của Tâm Linh của Dưỡng Sinh… mà nó còn được sử dụng như một cụm từ ngữ chuyên môn của Khoa học Thực nghiệm. Đặc biệt là trong lĩnh vực Chăm sóc Sức khoẻ và Tâm lý học Hiện đại….

“Lắng Nghe Cơ Thể” thực sự là một môn học vô cùng quan trọng của Nghệ thuật sống nói chung và Kỹ năng sống nói riêng.

Trong các trước tác kinh điển của Đạo Gia và đặc biệt là trong các Y thư cổ nói về các phương pháp chẩn trị và bệnh lý học, kể cả về Nhân tướng học và Dự đoán học. (Tất nhiên kể cả Thuật toán số và Phong thủy) có một câu nói gần như là một mệnh đề tất yếu, mang tính khẳng định, không có phản biện đó là câu: “Hữu ư trung, tất hình ư ngoại” Câu này có nghĩa là “Cái gì có ở bên trong ắt sẽ biểu hiện ra bên ngoài”.

Nhìn thấy, nghe thấy, cảm nhận được…. là những biểu hiện đã được khẳng định bằng các giác quan cụ thể. Nhưng cụm từ “Lắng Nghe Cơ Thể” lại mô tả một cảnh giới hoàn toàn khác.

Chữ “NGHE” ở đây không phải chỉ là cái sự nghe của thính giác. Chữ “Nghe” trong cụm từ này mang tích biểu tượng, hàm chứa toàn bộ sự hiểu biết và thấu nghiệm của Ý thức và Tư duy. Chữ “Lắng” mô tả cảnh giới của sự tập trung cao độ của ý thức, sự yên tĩnh- lắng động của tâm tư, để định hướng các giác quan, ý thức…về hướng đối tượng cần hiểu biết và trải nghiệm. (Có cơ chế hình thành Kỹ năng và hoàn thiện Kỹ xảo/ Sự tập luyện)

Cơ thể con người vốn đã là một kiệt tác hoàn hảo của Tạo hóa. Ngôn ngữ của Cơ thể con người lại càng phong phú, phức tạp và hoàn mỹ hơn, khi Cơ thể không những có những thị hiện của Ngôn ngữ mô tả bản năng sinh tồn của Sự sống, mà còn mô tả những hình thái hoạt động của Trí tuệ. Cho nên “Biết Lắng Nghe Cơ Thể” của chính mình là đỉnh cao của giao tiếp, là cái “BIẾT” tối thượng của khả năng sinh tồn. Cũng chính vì vậy mà “BIẾT LẮNG NGHE CƠ THỂ” là loại “Hành Trang” quan trọng nhất, mang tính quyết định sống còn khi phải chấp nhận ngữ cảnh phải “SỐNG CHUNG VỚI LŨ”

Đối với lĩnh vực Sức khoẻ và “Những Cơn Lũ” có ảnh hưởng trầm trọng đến Đời sống Sức khoẻ thì Kỹ năng “Biết Lắng Nghe Cơ Thể” lại có một tầm “siêu ảnh hưởng” hơn nữa trong vấn đề Sinh- Tử.

Sức khoẻ không có nghĩa chỉ là một Cơ thể không có tật bệnh và khiếm khuyết… Sức khoẻ còn có nghĩa là Cơ thể luôn luôn ở trạng thái Khoan khoái, thoải mái và dễ chịu… Sự khoan khoái, thoải mái, dể chịu này là cảm nhận không những có từ thực thể cấu trúc vật chất của cơ thể mà còn từ các hoạt động về Tâm lý, Tình cảm và hoạt động về Tư duy… Chính vì vậy mà “Lắng Nghe Cơ Thể” là lắng nghe những biểu hiện khác thường làm tổn hại, suy giảm và mất đi sự “Khoan khoái, thoải mái, dễ chịu”… của cả Thực thể vật chất và cả Tinh thần của chính mình.

“Biết Lắng Nghe Cơ Thể” không chỉ là kỹ năng nhận biết ra những cái “Hữu ư trung, tất hình ư ngoại” như những biểu hiện mang tính “cảnh báo” có sự chuyển biến thay đổi theo chiều hướng tiêu cực ở bên trong nội tạng, biểu hiện ra các hình thái thay đổi bên ngoài, có nguy cơ làm tổn hại đến trạng thái “Khoan khoái, thoải mái và dể chịu” của Cơ thể mà còn là kỹ năng cảm nhận ra những phản ứng có tính bản năng sinh tồn của Cơ thể trước những mối đe dọa của Môi trường sống.

Một vài ví dụ cho luận chứng “Hữu ư trung, tất hình ư ngoại”. Những biểu hiện khác thường được liệt kê dưới đây, là những biểu hiện có liên quan đến các bệnh lý từ bên trong mà chúng ta nên quan sát. (Đây chỉ là những ví dụ)

– Nhận biết ra có sự đau nhức, tê buốt hoặc bại xuội vô lực ở một chỗ nào đó ở bên ngoài, như đau khớp, hay tê bại cánh tay, nhức xương cốt….
– Cảm thấy nóng sốt
– Cảm thấy ớn lạnh, run rẩy bất thường
– Thường bị hoa mắt, chóng mặt, thỉnh thoảng mắt bị tối sầm…
– Ngáp quá nhiều.
– Lông mày bị mỏng đi
– Lòng bàn chân, bàn tay đổi màu khác thường
– Da viêm đỏ và nổi mụn
– Mắt thường xuyên bị quáng gà
– Tự nhiên khó phát âm, nói lắp, nói líu
– Khuôn mặt ửng đỏ thường xuyên
– Mũi nổi mụn sần sùi
– Thường xuyên khó thở
– Luôn cảm thấy khát nước
– Nhạy cảm với thời tiết
– Da khô nứt nẻ
– Da thường bị bầm tím không rõ nguyên nhân
– Da nổi ngứa khi bị cào gãi
– Hụt hơi khi leo cầu thang, hoặc hoạt động mạnh
– Màu sắc và hình dạng nốt ruồi thay đổi
– Phù nề bắp chân khi ngồi lâu
– Rụng tóc, tóc khô gãy
– Móng tay thay đổi màu sắc và giòn gãy
– Vàng mắt, vàng da
– Khô môi, nứt môi
– Lở mép
– Mắt hay đổ ghèn, đóng ghèn
– Hay chảy máu cam
– Chảy nướu răng
– Mất ngủ thường xuyên
– Hay giật mình thức giấc
– Tiểu dắt, tiểu són
– Hắt hơi liên tục
– Táo bón thường xuyên

– Hay quên sự kiện, quên hẹn
– Nhầm lẫn tên gọi
– Thường nằm mơ về một đề tài
– Mất sự nhạy bén về con số
– Chữ viết thay đổi

Vân và vân vân…..

Các thay đổi bất thường ở những biểu hiện bên ngoài đó bao giờ cũng có nguyên nhân thay đổi từ bên trong. Nhận biết ra nó, tìm hiểu nguyên nhân và tích hợp các tình trạng có liên quan để kịp thời xử lý…. không những đòi hỏi có một số hiểu biết về thường thức nhất định về Cơ thể học và Bệnh lý học mà còn có sự nhạy bén của sự quan sát mang tính Kỹ năng.

Đã là gọi là “Kỹ năng” thì phải có tập luyện mới hình thành “Kỹ xảo”. Vậy thì làm thế nào để Kỹ năng “Lắng Nghe Cơ Thể” được dễ dàng và có kết quả chính xác được. Đây là vấn đề cần bàn tới trong những phần tiếp theo….


(Còn nữa)

21.05.20
Thuận Nghĩa

SHARE