Home Mẹo Vặt Thuận Nghĩa Dưỡng Sinh Đường Phần 2 : “MẸO VẶT TỐ VẤN” CHO VIỆC HOẠT THÔNG THỦY...

Phần 2 : “MẸO VẶT TỐ VẤN” CHO VIỆC HOẠT THÔNG THỦY ĐẠO

2665
0

Khi tôi hỏi thầy Vi (Tên thường gọi của ông thầy thuốc nhuận trường ở Đôn Thuận, Tây Ninh).
– Thưa Thầy, không chỉ có Ngũ tuyệt đại Khí công, mà hầu như tất cả các môn Khí Công chính thống khác được truyền thừa một cách có hệ thống từ xưa đến nay, ngoại trừ các môn Khí Công tạp chủng, quái thai do một vài bậc cao thủ xuất môn từ “động YouTube” ra, xào nấu để điều chế thành môn, thành phái nhằm đoạt danh trục lợi, thì tất cả các môn Khí Công chính thống ấy đều lấy việc kích hoạt Tam Tiêu làm động thái khai mở công phu. Không chỉ trong động công, mà trong tĩnh công cũng vậy, khi dụng Hành Tức cũng bắt đầu từ hành khí kinh Tam Tiêu. Con vẫn biết là khai cuộc bằng kich hoạt Tam Tiêu không những hỗ trợ cho việc thông Nhâm Đốc và khởi chuyển khí hóa trong vòng Tiểu chu thiên được thuận lợi, ngoài ra còn có thể thông hoạt một cách nhanh chóng cả 12 Kinh chính và Kỳ kinh bát mạch. Nhưng con không hiểu vì sao khi bắt đầu hành khí Tam Tiêu ở khai cục, thì không những cơ thể cảm thấy thoải mái, khoan khoái ngay đã đành, nhưng tâm trí cũng trở nên bình thản và an định một cách nhanh chóng đến thế được. Theo con được biết thì cơ chế hành hóa của Tam Tiêu không có liên hệ gì với khí hóa của Thần Thức cả, tại sao lại có hệ quả này ạ?.

Thầy Vi nghe tôi hỏi, không mỉm cười nhếch nhếch như bình thường, mà bật cười lên ha hả rất khác thường. Thầy nhìn tôi hỏi: “Thiếu chủ có rảnh được vài ngày không?”. Tôi nói: “Con có thể sắp xếp hoãn được vé máy bay, nhưng con còn có việc bên kia nữa, nên cũng chỉ sắp xếp được 3 ngày thôi ạ!”. Thầy nói: “Vzậy thì mình sắp xếp đi lẹ chi kịp, Qua sẽ đưa Bậu đi Thất Sơn”

(Thầy xưng hô với tôi rất phức tạp, có khi xưng là “Cậu” với “Tớ”, có khi xưng là “Kẻ hèn” với “Thiếu chủ”, có khi xưng “Anh với Tôi”, có khi xưng “Huynh” với “Đệ”, Có khi xưng “Qua” với “Bậu”…, thậm chí nhiều khi gọi tôi là “Cán bộ”. Nói tóm lại là cách xưng hô tùy thuộc vào đề tài bàn luận. Còn tôi thì từ đầu đến cuối chỉ xưng “Thầy với Con”. )

Khi nghe nói Thầy sẽ dẫn tôi về huyện Tri Tôn, vì trời nóng bức, tôi đề nghị nên bắt tắc xi đi cho khoẻ. Thầy cười khì khì bảo, đi đến nơi hẻo lánh, không có đường xe chạy, liệu Việt Kiều có đi nổi không. Tôi nhìn vóc dáng gầy guộc đen nhẻm của Thầy, cũng cười theo nói, riêng khoản lênh đênh thương hồ thì Thầy yên tâm, chỉ sợ lúc đó con phải cõng Thầy đi thôi.

Xe đò đến Tri Tôn, lại bắt tiếp xe về thị trấn Ba Chúc, rồi từ Ba Chúc lại bắt xe thồ đi khoảng gần cả tiếng nữa mới tới nơi. Thầy dẫn tôi đến một vùng rất hẻo lánh không có dân cư, tôi không biết đó là vùng nào của tỉnh An Giang nữa. Ở đó có một trang trại, có vài căn nhà gỗ, xây dựng theo dạng như am chùa nửa Miên nửa Việt.

Người trong trang trại ra đón tôi với Thầy là các vị Thầy Tu trẻ ăn vận theo kiểu Nam Tông. Tất cả những người trong trang trại, kể cả người làm vườn có khoảng 10 người. Tất cả họ đều chấp tay đảnh lễ với thầy Vi rất cung kính.

Tôi và Thầy được sắp xếp ở trong một am nhỏ có đầy đủ tiện nghi như một nhà nghỉ cao cấp. Tôi cảm thấy lạ, nhưng không tiện hỏi. Bởi trước khi vào đây Thầy có dặn tôi, chúng ta làm chuyện của chúng ta cần, còn mọi chuyện khác ở đây không cần thiết quan tâm, và đừng có hỏi gì nhiều làm khó người ta

Sáng sớm độ 4 giờ sáng, Thầy gọi tôi dậy và dẫn tôi đến một dòng suối ở sau hậu viện của một dãy thất nhỏ. Ở đó đã có 5 người chờ sẵn. Có vị Thầy Nam Tông trẻ trị sự ở đây và thêm 4 người khác nữa, ngoài Thầy trị sự ra, những người khác, mặt mũi hốc hác, thần sắc tán loạn không có vẻ là người tu hành.

Vị Thầy Nam Tông trẻ nhìn thầy Vi, cung kính chấp tay. Thầy Vi gật đầu. Vị Sư trẻ rót trong bình nước mang theo một loại chất lỏng sóng sánh màu xanh ra ly cho 4 người kia uống. 4 người kia uống xong khoảng một vài phút, thì tất cả đều ôm bụng, ngồi thụp xuống bên dòng suối, quằn quại nôn thốc nôn tháo ra bờ suối. Họ nôn như vậy khoảng 10 phút. Tôi có cảm tưởng như tất cả họ đều như muốn ép bụng từng cơn để tống cả lòng ruột của họ ra ngoài. Khi họ đang nôn mửa như một dàn đồng ca, tôi ngước qua Thầy Vi hỏi, họ đang cai nghiện ma túy phải không Thầy. Thầy gật đầu. Tôi lại hỏi, con biết muốn cắt tất cả các loại cơn nghiện một cách triệt để, phải bắt đầu từ Thập nhị chỉ trường và Trung vị. Nhưng tại sao họ lại không cho công Tả (đi tháo chảy) mà lại công Thổ (nôn mửa). Thầy gật gật bảo chú đi theo huynh.

Rời khe suối, nơi những người đang thực hiện một phương pháp cai nghiện ma túy độc đáo. Thầy dẫn tôi ra một khu vườn ở cuối trang trại, nơi mảnh vườn trồng một loại cây có lá xoăn tít rất kỳ lạ. Thầy chỉ vườn cây rồi hỏi tôi, chú là hậu duệ của Thanh Long chắc đã đọc “Linh Khu Luận Giải” của thân phụ huynh rồi chứ. Tôi nói, dạ con đã được Sư phụ cho đọc qua trước tác của Bá Bá rồi ạ.

Thầy ân cần nhìn tôi nói, những sách đó giờ lớp trẻ không ai muốn đọc đâu. Tôi cũng thần thờ, dạ đúng vậy thưa Thầy. Thầy nói tiếp:
– Hôm trước chú hỏi về khởi cuộc Tam Tiêu, và nói rằng hành hóa của Tam Tiêu không có liên hệ gì với Thần Thức, ý nghĩ đó là sai. Trong cuốn “Linh khu Luận giải”, Cha của huynh có chiết giải về vấn đề này rất rõ khi luận giải về chương ” Dinh Vệ Sinh Hội”, Cha ta viết, trong Tam Tiêu thì Hạ Tiêu bắt đầu từ phần dưới của Vị, tức là từ Hạ Vị, giáng xuống Tiền âm (ở bộ phận sinh dục- TN), Hậu âm (vùng hậu môn- TN), Hạ Tiêu điều tiết tất cả sự hoạt hóa của Thủy đạo của vùng bụng dưới bao gồm cả Gan, Thận, bộ phận Sinh dục, Đại trường, Tiểu trường, Ruột dư, Bàng quang, và các huyết mạch của vùng chi dưới. Sách “Nạn Kinh” và “Thương Hàn Luận” đều cho rằng Hạ Tiêu chỉ chủ về XUẤT mà không chủ về NẠP, tức là làm chủ về nhiệm vụ trọng yếu là dẫn truyền và tống khứ các chất cặn bả và độc tố gạn động lại từ khắp châu đi ra ngoài bằng đường nước tiểu và đường phân. Nhưng trong chương “Thiên Dinh Vệ Sinh Hội”, thì nói rằng Hạ Tiêu không chỉ có chủ xuất mà còn có dung nạp. sách “Linh Khu” nói có lý, vì không phải tất cả các loại Nước/ Thuỷ Khí đi xuống như dòng chảy ở Hạ Tiêu mà xả tuột ra ngoài hết. Đại trường không chỉ có một khúc gần dưới Hạ môn. Đại trường nằm quanh co uốn khúc khắp cả ổ bụng, tổng hội 3 phần, manh tràng, kết tràng và trực tràng dài gần cả trượng, nếu chỉ chủ xuất thì Ruột già không cần phải dài đến như vậy. Thủy Khí (Nước) vận chuyển qua chiều dài của Đại Trường còn có nhiệm vụ thanh lọc lần cuối ở đây, Thanh Thủy (Nước sạch) sẽ được hấp thu trở lại một lần nữa, cho nên nói Hạ Tiêu chỉ chủ về xuất là không thực sự nói hết hoá năng của Hạ Tiêu. Bởi vậy, nếu niêm mạc của Đại trường không ổn hóa, thì các chất độc do Gan, Thận lọc ra một cách tinh hóa sẽ theo Thuỷ đạo của Ruột già mà trở lại châu thân. Chính vì vậy mà việc tống giải chất độc chỉ lo chăm chú ở việc phục Thận và bình Can là không trọn vẹn. Khi ruột già bất ổn, các chất độc và khí hóa, độc tố, trọc trược tồn động ở đây sinh ra táo bón, kết u kết khối, nhỏ thì như đầu tăm hạt gạo, to thì như hạt đậu, có khi uất cứng cả như nắm tay, đó là cội rễ của tất cả các chứng ung thủng, thư hoại của các Phủ- Tạng khác (Ung Thư)…

Nghe thầy Vi nói đến đây, tôi không kiềm chế được cảm xúc, vỗ đùi đánh đét một cái và thúc cùi chõ vào mạng sườn của Thầy cái ự. Thầy không né tránh mà xuýt xoa hít hà và nói, cậu làm cái gì thế hả Thiếu chủ, có nổi hứng giang hồ thì cũng phải nên thương cái thân già này một chút chứ, có gì muốn nói thì để nói sau, để kẻ hèn này nói hết cả 2 Tiêu còn lại trong “Linh Khu Luận Giải” của Cha ta cho mà nghe đã chứ.

Tôi biết lỗi, cúi đầu cào tóc rồn rột vì quá ân hận khi thúc Thầy một phát cùi chõ quá mạnh. Thầy nhìn điệu bộ của tôi, ôn tồn nói, nhìn cái điệu bộ này của Bậu, Qua không rút ruột ra cho Bậu không được. Và Thầy lại bắt đầu nói tiếp:

– ….. (Còn nữa)

(Topic này đã viết kể lại chuyện đời thường cho dễ tiếp thu. Đối với người trong nghề chắc không vấn đề gì, tuy nhiên vẫn còn nhiều từ ngữ chuyên môn của YHCT, cho nên nếu ai không hiểu chỗ nào xin để lại comment, Lão phu sẽ tận tâm trà lời cặn kẽ..)


12.06.20
Thuận Nghĩa

SHARE