Huyện tôi có tên Lệ Thủy, tức là “nước mắt”. Có lẽ vì vấn đề “cân bằng sinh thái” hay sao ấy… cho nên dân quê tôi rất hay cười. Thậm chí có làng có xã, ví dụ như làng Quảng Cư, ở xã Xuân Thủy còn có tục nói “trạng” (Như kiểu ông Ba Phi trong Nam ấy..). Không phải là chỉ có một vài người có khả năng nói chuyện gây cười như kiểu ông Ba Phi đâu, mà cả làng cả xã, từ đứa con nít mới tập nói cho đến các cụ già móm mém, từ ông giáo làng cho đến cô thôn nữ, và kể cả cán bộ xã, cán bộ lãnh đạo cũng có khả năng này.
Càng ở trong hoàn cảnh nghiệt ngã bao nhiêu họ càng “bịa” chuyện ra để cười nhạo. Cười nhạo hoàn cảnh trớ trêu, cười nhạo chính mình… Quê tôi gọi kiểu nói này để cười là “nói trẹp” (Nói phóng đại).
“Nói trẹp” là cả một nghệ thuật. Họ phóng đại chuyện có thật “nhỏ như con thỏ” thành những chuyện “hoang đường” với vẻ mặt tỉnh bơ như có thật. Sự “lật ngửa” sự thật ra ở đoạn cuối câu chuyện, cuối câu nói của họ sẽ tạo ra sự “bùng nổ” bất ngờ của ngôn ngữ, ngữ cảnh “tréo ngoe”, gây nên sự trào lộng khó có thể cưỡng lại được nụ cười ở người nghe. Buồn bã đến đâu, tang thương đến đâu…nghe họ nói chuyện, nhìn vẻ mặt biểu cảm tiếu lâm của họ, cũng phải cười theo…
Bởi vậy mới tội nghiệp cho mấy cô ca sĩ, người mẫu, đi làm từ thiện cứu trợ ở quê tôi, bị họ “chọc” cho cười ngất… như ca sĩ Phi Nhung, Thủy Tiên…chẳng hạn. Cho nên những người ấy mới bị các “anh hùng bàn phim” mới bị “cơn lốc kền kền” của các Youtube xỉa xói là: “cười tươi như hoa khi đi làm cứu trợ trong thảm họa” là rất phản cảm. Thực ra cho dù các cô ca sĩ ấy có giỏi diễn đến đâu cũng không “thoát khỏi” khả năng gây cười của dân quê tôi đâu. Nghĩ cũng tội cho họ, sau đó phải “đăng đàn” phân bua mãi mà vẫn không thoát khỏi “búa rìu” của dư luận.
Mà sao những con “kền kền” bàn phím ấy không nghĩ được rằng, cuộc đời này, chúng ta đang thiếu những “nụ cười” chứ không thiếu sự ỉ ôi đầy nước mắt. Và mục đích của sự nhân hậu và từ ái là đem đến cho người khác Nụ Cười, chứ không phải đem lại sự hằn học, đố kỵ và buồn phiền…
01.11.20
Thuận Nghĩa