1
…Sáng nay nước rút, nghe nói mấy xã cao cao một chút đã có điện. Đã thấy anh Ba tôi ở quê lên “tút” ở trên “phây”. Hôm nay sinh nhật ổng, ổng lên “tút” là một cái clip đang chống bè chuối lướt trên đường làng, vừa lướt bè vừa cười phe phé… hỏi to một mình: “ Trời… trời… cá nhà ai mà thả nuôi trên đường nhiều ri hè…”. Ổng cười dòn phết, tôi không biết kiểu cười ấy có hàm chứa chút chua chát nào hay không, vì tôi biết chắc chắn trong trận lụt này, mấy cái ao cá mà ổng om nuôi cả năm nay không còn một con… Nhưng tôi biết ổng cười rất lạc quan. Tôi nhắn tin hỏi đùa ổng: “Toe tua chưa đủ hay sao mà cười dữ vậy cha nội…”. Ổng nhắn tin: “He.. he… cười mà làm lại từ đầu chơ răng chú mi, khóc than được ích gì…”. Tôi nghe ổng nói cái cụm từ “…Làm lại từ đầu” mà chua chát. Làm lại từ đầu, làm lại từ đầu… năm nào cũng phải làm lại từ đầu. Mấy chục năm nay rồi, từ khi tôi có nhận thức, tôi đã tận mắt mình chứng kiến tất cả. Đúng!, dân quê tôi năm nào chẳng “làm lại từ đầu” tất cả. Năm nào cũng phải làm lại từ đầu, không nghèo mới lạ. Có điều nghèo gì thì nghèo, dân quê tôi lại không nghèo nụ cười, nụ cười của lòng tin, nụ cười của lạc quan, nụ cười của sự cam chịu, nhẫn nại… để động viên mình, động viên nhau làm lại từ đầu…
…Tôi còn nhớ, hồi ấy anh Ba tôi làm giáo viên tiểu học trong Triệu Trạch, Quảng Trị. Mùa hè năm 1979 tôi tìm đến thăm ổng. Tối hôm tôi đến, ổng cùng mấy Thầy cô trong trường tụ tập đàn hát nghêu ngao trên cồn cát nơi mé biển. Khi thấy ổng len lén đi vào trong hàng dương thì thầm với ai đó, tôi cũng lén đi theo… Khi trở vào, tôi hỏi ổng, anh đi nói chuyện với ai vậy. Ổng cười hê hê…bảo: “Nói chuyện với mấy đứa học sinh đến nộp bài”. Nghe ổng nói vậy, tôi cũng cười cười phụ họa nhưng không nói gì. Vì trước đó, tôi rình nghe, thấy ổng thì thầm với đám học sinh, là cố gắng tìm đâu đó mua chịu cho Thầy mấy loong gạo, mai thầy chiêu đãi em Thầy mới ngoài quê vô thăm. Trưa hôm sau, trong bếp ăn tập thể của trường. Tôi thấy các thầy cô đồng nghiệp của ổng ăn rất ít. Mới có lưng bát, mà ai cũng vỗ bụng kêu no rồi bỏ đi. Tôi hỏi anh Ba tôi, sao các thầy cô ăn ít vậy… Ổng lại cười hê hê…nói là các Thây cô để dành bụng chiều nay đi ăn tiệc tổng kết thi đua. Tôi không nói gì, cũng hì hì cười theo. Sáng đó, tôi đã nghe các cô trong trường thì thầm với nhau là đã cho người nằm chờ ở kho lương thực trên Thành Cổ, chờ 3 ngày rồi mà vẫn chưa mua được cân gạo nào trong tiêu chuẩn gạo của 2 tháng trước. Gạo mốc cũng không có, lấy gì mà ăn tiệc. Tôi biết các thầy cô ấy, nhịn ăn để dành cho anh Ba đãi em út cho “phủ phê”.
Cũng lần đến thăm đó, khi đã đến giờ thay tiết lên lớp, tôi thấy anh Ba vẫn chưa đi. Hỏi, thì ổng bảo phải chờ thầy “P” trên lớp về để đổi cái quần đã mới lên lớp dạy được. Tôi hỏi, răng lại đổi quần. Ổng chìa mông ra cười hê hê…”Mi coi, e mang cái cùn trôộng khu ni mà lên lớp à” (Mày xem, chắc mặc cái quần lủng đít này mà lên lớp à). Hôm đó, thấy 2 thầy hối hả thay quần cho nhau như kiểu cha con Chữ Đồng Tử thay khố mà lòng tôi quặn thắt lại. Thời đó nghèo đến thế, “Khố rách, áo ôm” đến thế mà họ vẫn cười, vẫn hát hò vẫn, vẫn ung dung, đạo mạo… làm tròn bổn phận của người Thầy nơi chốn “Khỉ ho cò gáy” ấy…
…Tôi nhớ hồi anh Ba bị thương do bom Mỹ, anh bị cụt một ngón tay, đầu mặt bị găm mấy mảnh bom, đầu gối, mắt cá, cẳng chân, cẳng tay đều gãy và dập nát, phải bó bột rất nhiều ngày. Hồi đó chiến tranh vùng giáp ranh rất khốc liệt, nên công tác cứu hộ Y tế không có. Việc phục hồi hậu thương vong chủ yếu là gia đình tự làm. Cha tôi không biết bó bột cho anh Ba tôi kiểu gì, tôi còn nhỏ không còn nhớ. Nhưng tôi nhớ mang máng là anh Ba phải bó bột rất lâu, và hình như vết thương phải mấy năm sau mới lành được thành sẹo, và anh Ba phải ngồi xe lăn tự chế trong thời gian rất lâu. Vì bó bột chân tay lâu ngày, lại không có thuốc men sát trùng gì, nên vết thương của anh Ba rất hay mưng mũ và bị sinh dòi phía trong lớp bó bột. Vì vậy nên anh Ba thường có một cái que sắt đầu uốn cong để luồn vào trong lớp bột bó để gãi ngứa và móc mấy con dòi lúc nhúc trong vết thương ra. Hồi đó, tôi và anh Ba có một trò chơi rất quái đản (bây giờ nghĩ lại vẫn còn rùng mình không dám nghĩ tới). Đó là khi anh Ba móc mấy con dòi trong vết thương từ trong lớp băng bột ra. Chúng tôi, mỗi đứa sẽ chọn một con mập nhất để làm “ngựa đua”. Chúng tôi bỏ 2 con dòi lên đầu này tấm ván, đầu kia bỏ tấm gạc lôi từ vết thương của anh Ba ra. Các con dòi này sẽ đánh hơi tấm gạc thấm máu mũ và bò về hướng đó. “Ngựa” của ai bò đúng hướng tới trước thì thì thắng. Nếu anh Ba thắng, thì tôi phải đẩy xe lăn của ổng đi chơi đâu tùy ổng định đoạt. Nếu tôi thắng thì ổng phải cho tôi mấy viên Polyvitamin màu vàng vàng ngọt ngọt trong tiêu chuẩn của ổng. Lần nào “ngựa” tôi chọn kiểu gì cũng thua. Mỗi khi hỏi ổng bí quyết chọn “ngựa”, ổng đều lim dim mắt, thò cái móc sắt vào trong lớp băng bột, móc rồn rột… mỗi khi móc bật ra một con dòi trắng phau, ổng lại cười cười hê hê…”Đợ ngá thiệt, đợ ngá thiệt..” (Đỡ ngứa thật, đỡ ngứa thật)…
Nụ cười này của ổng tôi đã quen quen. Hôm nay nước rút, thấy ổng chống bè chuối đi thăm hàng xóm, vừa chống bè vừa hỏi cá ai nuôi thả trên đường… vừa cười hê hê…Tôi đã nghe quen nụ cười này rồi mà vẫn xót….
Quê tôi có tên gọi là “Lệ Thủy”. Lệ thủy là nước mắt. Tên gọi là “nước mắt”. Nhưng dân tôi ít khóc lắm. Có lẽ trời “khóc” làm mưa lũ đủ rồi, cho nên dân quê tôi rất hay cười. Ai nói gì thì nói, ai làm gì thì làm, dân quê tôi biết, chỉ có nụ cười mới đem lại nguồn sinh lực mới cho họ, và chỉ có nụ cười mới có thể giúp họ tự đứng dậy để làm lại từ đầu trong tang thương đổ nát….
(Còn nữa)
23.10.20
TN