Trong các „Ngữ Lục“ của Thiền Tông có ghi lại cuộc gặp gỡ giữa Bồ-đề-đạt-ma và Vũ Đế như sau:
Trích:
„…Là một người phụng sự đạo Phật, Lương Vũ Đế đã cho xây trong nước mình nhiều chùa chiền, bảo tháp và cúng dường chư Tăng cũng như làm bố thí, từ thiện không kể xiết. Một hôm được diện kiến một nhà Sư từ Ấn Độ đến,
Vũ Đế hỏi nhà sư Ấn Độ:
– Trẫm từ lên ngôi đến nay, xây chùa, chép kinh, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?
Đạt Ma đáp:
– Không có công đức!
– Tại sao không công đức?
– Bởi vì những việc vua làm là nhân “hữu lậu”, chỉ có những quả nhỏ trong vòng nhân thiên, như ảnh tùy hình, tuy có nhưng không phải thật.
– Vậy công đức chân thật là gì? Vua hỏi.
Sư đáp:
– Tâm Trí phải được thanh tịnh hoàn toàn. Thể Chất phải được trống không vắng lặng, như vậy mới là CÔNG ĐỨC, và công đức này không thể lấy việc thế gian (Như xây chùa, chép kinh, độ tăng, bố thí, làm từ thiện…) mà cầu được.
Vua lại hỏi:
– Nghĩa tối cao của thánh đế là gì?
– Một khi tỉnh rõ, thông suốt rồi thì không có gì là thần là thánh cả
– Vậy ai đang đối diện với trẫm đây? Vua lại hỏi
– Tôi không biết. Sư lại đáp.
Đó là những lời khai thị về yếu tính Phật pháp rất rõ ràng, nhưng Lương Vũ Đế không lĩnh hội.
Lương Vũ Ðế sai người tiễn khách. Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma băng qua sông Giang Bắc, thẳng đường qua nước Ngụy, lên núi Tung Sơn, và diện bích ở đó 9 năm…. (Hết trích)
…Công Đức vô lượng của Đạt Ma Sư Tổ để lại cho Phật giáo hậu thế chính là ở chỗ Người ngồi tĩnh lặng đối diện vách núi trong 9 năm ấy. Giáo lý vi diệu của Phật giáo Đại thừa cũng chính là ở chỗ: „Tâm trí phải được thanh tịnh hoàn toàn, Thể chất phải được trống không vắng lặng“. Nếu không có những phẩm chất đó trong chính mình thì mọi thứ mình làm cũng chỉ là „Như ảnh tùy hình“ mà thôi, chứ đừng nói chi đến „Công đức“ mà trở thành phù phiếm mê lậu…
„Tâm trí phải được thanh tịnh hoàn toàn, Thể chất phải được trống không vắng lặng“… đó cũng là điểm mấu chốt cốt tử của Y thuật hay là công cuộc Chữa lành. Và đương nhiên nếu một người Thầy thuốc tự mình không có được phẩm hạnh „Tâm trí thanh tịnh, Thể chất vắng lặng“ thì không thể nào đưa đến cho người bệnh „bình an về Tinh thần, khoan khoái về Thể chất được“. Bởi vậy người Thầy thuốc, người Chữa lành, trước khi tiếp nhận và thấu ngộ về Y thuật, phải học cách „Thanh tịnh và Vắng lặng“ trước, nếu không, khó tránh khỏi cám dỗ của „Tham, Ái, Danh, Lợi..“ mà đọa trầm vào trong „ma đạo“….
Các Lão đệ có hiểu ý của Lão phu vì sao trước khi chia sẻ về Y thuật, thì LP lại bắt buộc các người phải học cách quản lý cảm xúc trước không vậy?
01.04.21
Thuận Nghĩa