Sau những cơn lũ chồng lũ, bão chồng bão…để tạo nên các cơn “Đại hồng thủy” và “Đại cuồng phong” quét qua, tàn phá dải đất miền Trung đến thảm khốc là đến những cơn “bão” cứu trợ và những cơn lốc “kền kền” của các Youtube nghiệp dư. Thảm họa “kép” từ Thiên tai và Nhân tai đến bao giờ mới thôi càn quét mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này?
Chỉ trừ khi chúng ta có phương án, kế hoạch “Tiền cứu trợ” thích hợp mới khả dĩ có thể giúp quê hương miền Trung nói riêng và Đất nước ta nói chung vượt qua được khổ nạn triền miên này (“Tiền” ở đây là “Trước” chứ không phải tiền bạc- many)
Chúng ta là “dân đen”, dù đã chậm, nhưng có lẽ vẫn còn chưa muộn, chúng ta phải biết cách lựa chọn những người đại diện cho mình ở chốn nghị trường như “Người đẹp Tây nguyên” Ksor H’Bơ Khắp Phước Hà tại Đại hội Đại biểu Quốc hội vừa rồi, đó là cách đầu tư “trí tuệ” cho “Tiền Cứu Trợ”.
Chúng ta phải đầu tư, hun đúc, giáo dục cho con em chúng ta có tinh thần của Greta Thunberg (Chứ không phải o bế, nâng niu, đưa đón đi học từ khi mẫu giáo cho đến tận cổng trường Đại học). Đó là đầu tư “dũng khí” cho “Tiền cứu trợ”. Cái dũng khí như của bé gái chưa đến tuổi dậy thì đã có thể đứng trước các Nguyên thủ Quốc gia hùng mạnh nhất trên Thế giới và hét mắng vào mặt họ: “Các người dám..” (Dám tàn phá Mẹ thiên nhiên và ăn cắp cuộc sống trong lành của thế hệ tương lai…).
…Chứ chỉ có đầu tư vào “lòng trắc ẩn”, và mãi mãi chạy theo những cuốc “làm từ thiện” (mà hầu hết là để “làm màu”) thì cũng chỉ mãi mãi: “Cho vào biển vài hạt muối mà cứ mong sẽ làm biển mặn mòi thêm”
….
Lần đầu tiên tôi được nghe cụm từ “Mẹ Thiên Nhiên” vang lên vừa như dõng dạc, vừa như quằn quại giữa… chốn “Nghị trường” của xứ Việt. Tôi chợt có hy vọng “Rừng đã có cơ hội sống lại rồi”. Dù là hy vọng mỏng manh. Nhưng “đốm lửa” hy vọng này, cũng có thể là một trong những cơ hội để cho Quê hương tôi không còn phải oằn mình trong “sạt lở”….Sạt lở Đất và sạt lở Niềm tin….
“Ksor H’Bơ Khắp Phước Hà”. “Em” mới là Người đẹp, là Hoa hậu, là Người mẫu… là “Cô tiên” của chúng tôi trong lúc này, chứ không phải cái đám “chân dài” ỏng ẹo làm màu kia đâu….(TN)
(Trích báo Pháp Luật:
…Chiều 6-11, đại biểu Ksor H’Bơ Khắp đã chất vấn về vấn đề phát triển thủy điện đối với Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà:
“Bộ trưởng nói bão lũ, sạt lở ở miền Trung trong những ngày qua là do trời mưa, địa chất bị đứt gãy. Vậy bộ trưởng cho biết thời gian tới bộ trưởng vẫn tiếp tục ủng hộ việc xây dựng, phát triển thủy điện nhỏ đúng không?” – ĐB của Gia Lai hỏi.
Rồi bà tiếp tục: “Theo Bộ trưởng, ông trời, mẹ thiên nhiên và rừng có quan hệ gì với thực trạng bảo vệ rừng hiện nay ở Việt Nam. Với tư cách chuyên gia, đơn vị tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng thấy mình có trách nhiệm như thế nào với thực trạng đó?”.
Sau giờ giải lao, ĐB Ksor H’Bơ Khắp tranh luận lại. Vị ĐB là Trung tá Công an nói: “Tôi đã chăm chú lắng nghe và cố gắng thấu hiểu nhưng Bộ trưởng thì có nghe mà không hiểu tôi hỏi gì”.
Theo ĐB, bà hỏi về việc Bộ trưởng có tiếp tục ủng hộ xây dựng thủy điện nhỏ không, Bộ trưởng chưa trả lời. Bà hỏi Bộ trưởng xem trời, mẹ thiên nhiên và rừng có mối quan hệ thế nào đối với sạt lở, lũ lụt hiện nay nhưng Bộ trưởng cũng chưa trả lời.
“Không tự nhiên mà trời mưa được. Không tự nhiên mà địa chất đứt gãy. Bộ trưởng có nói ở hội trường này là dân ở các khu vực đó đã hàng trăm năm nay và họ cần rừng để sinh sống và sản xuất. Đấy chính là lý do của vụ sạt lở” – ĐB Ksor H’Bơ Khắp nói.
ĐB giải thích: Tức là cây rừng ở đó đã đã mất đi rất lâu rồi, không cải tạo đất và điều này đã gây ra địa chấn về môi trường. Trách nhiệm của Bộ TN&MT trong việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án, công trình rõ ràng có sự sai sót nên mới gây hậu quả như ngày hôm nay.
….
( Ksor H’Bơ Khăp (sinh ngày 10 tháng 4 năm 1982, tên thường gọi Ksor Phước Hà) là một nữ Trung tá Công an nhân dân Việt Nam và chính trị gia người Việt Nam, dân tộc Gia Rai. Bà hiện là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV nhiệm kì 2016-2021 thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, Trưởng Công an thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Bà lần đầu trúng cử đại biểu Quốc hội năm 2016 ở đơn vị bầu cử số 3, tỉnh Gia Lai gồm thị xã Ayun Pa và các huyện: Krông Pa, Ia Pa, Phú Thiện, Chư Sê, Chư Pưh
…
Ngày 19 tháng 6 năm 2017, thảo luận về dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), bà đề xuất cần phải xử lý nghiêm khắc việc lấy đất rừng và việc phá cây rừng trái phép.
Bà cũng đề nghị chấm dứt không cho xây dựng thêm các công trình thủy điện nữa.)
07.11.20
Thuận Nghĩa