Tính tôi hay đùa và thích cười. Đối với những người thân quen, thường hay bông phèng cợt nhã, nhiều lúc như thằng hề.
Với học trò thân cận của mình, ngoài tình sư đồ trong khi trì luyện ra, thì chúng thôi coi nhau như ruột thịt, như bạn bè đồng trang lứa. Sau thời gian chia sẻ công phu nghiêm túc ra là chỉ trêu chọc nhau để cười cho đả nư. Cũng chính bởi cái tính bông phèng, khùng khùng, ngộ ngộ đó của mình mà học trò ruột chẳng có đứa nào dám gọi tôi bằng Thầy.
Đứa thì gọi tôi là “Lão Già”, đứa thì gọi là “Lão Khùng”, có đứa thì gọi là “Hắn Ta”. Khi bắt buộc phải nghiêm túc lắm thì mới gọi hai tiếng “Đại Phu”…he he he…
Ngược lại, số học trò công truyền thì lễ nghi thái quá. Có người khi xưng hô cứ phải bắt buộc phải kèm hai chữ “Bạch Thầy” mới chịu. Khi tặng quà cho tôi thì dùng hai chữ “Cúng dường”. Tôi tặng lại họ cái gì thì cứ phải “Cho con thỉnh ạ”. Nhiều lúc nghe tức chết đi được. Mà có nghe miết cũng không thể quen được.
Gặp hoài trường hợp như vậy, nên trong các cuộc công giảng, khi giới thiệu về mình, tôi đều phải mào đầu trước là tôi không phải là Thầy Tu, tóc cắt ngắn là để tiết kiệm thời gian cắt và sấy tóc, thường ăn rau quả là vì không muốn ăn xác động vật…và bao giờ cũng kết lại là “tôi xuất thân là Giang Hồ”.
Vậy mà cũng không tránh khỏi hai chữ “Bạch Thầy” khi giao tiếp với chúng đệ tử. Trong khi cách xưng hô ấy chỉ để dùng khi giao tiếp với các vị Tỳ Kheo, các bậc Đại Sư mà thôi.
Có lần bị mấy bị mấy người hâm mộ khủng bố “Bạch Thầy” nhiều quá, tôi nổi khùng tuyên bố, “Tớ là dân giang hồ, nếu các vị cứ xưng hô kiểu này là tớ chạy, tớ không dám giao tiếp nữa đâu”.
Có một lần, sau một cuộc thính giảng về Nội công Phật gia cho một Pháp đàn thường niên của Phật tử chùa Hoè Nhai, Hà Nội. Một chị quen, là người hâm mộ Khí Công Dưỡng Sinh, gặp tôi cứ Bạch Thầy và xưng Con. Tôi phải chấp tay diễn giải nhiều lần rằng, “Chị là vợ anh ấy, anh ấy là người của công chúng, bạn anh ấy cũng là bạn của em, chị mà cứ xưng hô kiểu này, họ biết họ chửi em chết”. Nói mãi, cuối cùng mới hạ xuống gọi tôi là Thầy và xưng Chị, cũng may là chị ấy chiụ bỏ chữ “Bạch”..không thì nguy to… hehehehe….
Trong số này, có một đứa, cũng đã sàng sàng độ tuổi trung niên rồi, nó theo tôi cũng đã 3 năm. Trước đây cũng “Bạch Thầy”, sau vì tôi nhăn nhó khó chịu quá, nên hạ xuống “Thưa Thầy” thôi, nhưng vẫn xưng là Con và lúc nào cũng cung kính. Mặc dầu nó đã từng chứng kiến khả năng “siêu bựa” của tôi rồi.
Hôm về Hà Nội đợt rồi, nó thăm tôi ở Trung tâm tại Hồ Ba Mẫu. Thấy nó cứ chắp tay, ấp a ấp úng. Tôi hỏi, có chuyện gì. Nó nói có món quà, con muốn cúng dường Thầy, mà phải hỏi trước xem Thầy có nhận không đã mới mang đến. Tôi nói, OK, nhưng cho thì lấy, nhưng cúng dường thì lão phu không nhận đâu. Nghe tôi đồng ý, mặt nó tươi như bắt được vàng, nhảy lên xe lao đi ngay.
Món quà mà nó tặng tôi là bức tượng đồng của Tế Công. Khi nó vừa bóc tấm vải bọc pho tượng ra, nó vừa hồ hởi noi “Con thấy bức tượng này có điệu cười giống Thầy lắm, và cái dáng bước đi giống y chang như Thiên Lý Tiêu Dao và Miêu Bộ của Thầy, lại thêm cái bụng Phúc Hồ Lô và các đốt xương sống cũng y hệt như những gì Thầy dạy, nên thấy là con chớp ngay ₫ể biếu Thầy, tượng hoàn hảo đến từng milimet, lạ một cái là tượng chỉ có một bức, có tìm khắp chân trời góc bể cũng không có bức thứ 2 ”
Thấy bức tượng Tế Công này, tôi đã thích tít tò lò nhưng vẫn chảnh nói, có có tâm tặng Thầy không, chứ tính của Lão Phu là không muốn chiếm đoạt đồ của người khác thích đâu nhé. Nó nở nụ cười cực hoan hỉ nói, Thầy thích là con khoái rồi.
Chuyện không có gì để nói nếu như đợt rồi Thầy Huyền Trường không đến thăm tệ xá của tôi. Khi Thầy Huyền thấy bức tượng Tế Công này tôi để trên kệ đầu nằm, thì Thầy trố mắt lên nhìn, rồi tủm tỉm cười. Tôi gạn hỏi mãi vì sao cười, Thầy không nói. Cuối cùng tôi làm mặt sưng sỉa, Thầy mới hỏi lại là làm sao tôi có bức tượng này. Tôi kể lại chuyện đứa học trò kia tặng. Thầy nhắm mắt mơ hồ nói mỗi chữ Duyên. Trước khi chia tay để trở lại Nepal, Thầy mới nói, bức tượng Tế Công này là của Sư Tỷ tôi cho đúc ra, và lấy nụ cười “lựu đạn” của tôi làm cảm hứng sáng tác, tượng của Ngài Tế Công, nhưng lại mô tả các môn pháp Khí Công và Nội Công mà tôi đã và đang tuyên dạy khắp đó đây giang hồ.
Tôi không tin vào điều này lắm. Nhưng đến khi có một nữ đệ tử tặng tôi một tác phẩm điêu khắc cổ về người chèo đò. Tác phẩm được được điêu khắc trên một gốc tre vĩ đại. Thì tôi tin có chữ Duyên này thật.
Tôi tin vì Thiên Lý Tiêu Dao và Chèo Đò Công là hai môn Khí Công ruột của tôi, khi muốn tuyên dạy về Hơi Thở. Tôi tin, vì hai đệ tử này không hề quen biết nhau, nhưng đều tặng tôi những tác phẩm nghệ thuật có điêu khắc lại những pháp môn Nội Công của tôi. Và điều quan trọng nhất là cả hai người này đều có hướng Xuất Gia. Người tặng tôi bức Tế Công, nguyện sẽ Xuất Gia làm Tỳ Kheo vào năm 49 tuổi. Người tặng bức chèo đò thì hiện đang hùng hục kiếm tiền, để sang năm đến Tây Trúc Thiền Viện bên Nepal để tịnh tu.
Và điều đặc biệt quan trọng hơn cả là cả hai người này tôi đều có một lời khuyên như nhau là: ” Xuất Gia hay không Xuất Gia, và Tịnh Tu ở bất kỳ chỗ nào, nếu không thấu ngộ được Hơi Thở, thì không thể nào khai mở được Sinh tử Huyền Quang, không làm chủ được Sinh Mệnh và kiếp này vẫn cứ phải mãi mãi ở trong Mê Lầm….”
(Hình ảnh của bức tượng Tế công và bức Người Chèo Đò có đính kèm phía dưới. Và hai người tặng tượng này được tag cùng bài viết, để tỏ lòng cảm tạ.
Bài viết hoàn thành trước khi ra phi trường đi Borduax- Pháp Quốc. Lão Phu sẽ tạm vắng Facebook trong 4 ngày. Rất cảm ơn sự theo dõi của quí vị)
30.09.16
thuận nghĩa