(Một phương pháp châm cứu đặc trị hữu hiệu chứng “Co quắp và Bại xuội” sau Phong đột quị của Thái Y Viện triều Nguyễn có thể bị thất truyền)

Phần 1: DẪN NHẬP

Sự kiện “tứ nguyệt tam vương” là giai đoạn lịch sử bi tráng của triều Nguyễn trong lịch sử cận đại Việt Nam.

Để mô tả tình trạng hỗn loạn lúc bấy giờ của Triều đình Huế, dân gian có truyền tụng hai câu thơ sau đây:

“Nhất giang lưỡng quốc, ngôn nan thuyết,

Tứ nguyệt tam vương, triệu bất tường”

Nghĩa đen của hai câu thơ này là:

“Một sông hai nước, nói sao được

Bốn tháng ba vua, biết điềm gì”

Nghĩa bóng của hai câu thơ này nằm ở ý nghĩa ở hai vế phụ trong mỗi câu: “ngôn nan Thuyết” và “triệu bất Tường”. “Ngôn nan thuyết” có nghĩa là không thể luận bàn nói năng gì được nữa, nhưng chữ Thuyết lại là ám chỉ Quan phụ chánh đại thần Tôn Thất Thuyết. Và “triệu bất Tường” có nghĩa là triệu chứng, điềm báo không thể biết được rõ ràng tường tận, nhưng cũng lại ám chỉ tên của một vị quan Phụ chánh đại thần khác tên là Nguyễn Văn Tường.

Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường là 2 trong 4 vị quan Phụ chính triều đình lúc bấy giờ, tục gọi là “Tứ trụ Triều đình”. Hai vị này là hai vị Đại thần có ý chủ chiến với Pháp, và cũng là những người làm nên huyết án “tứ nguyện tam vương” (Bốn tháng ba Vua). Vụ huyết án lịch sử sau khi Vua Tự Đức băng hà mà không có con nối dõi.

Trước đó, khi vua Tự Đực vì lao lực trong vấn nạn mất đất cho Pháp ở Nam Kỳ, lâm trọng bệnh. Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường thuyết phục nhà Vua, cử sứ sang cầu việc nhà Thanh bên Trung Quốc giúp triều Nguyễn đánh nhau với Pháp tới cùng. Trong khi đó quan Phụ chánh đại thần có quyền lực nhất lúc bấy giờ là Trần Tiễn Thành lại có ý chủ hòa, hỗ trợ lý tưởng cách tân, tự cuờng bảo toàn lãnh thổ của Nguyễn Trường Tộ và Ông Ích Khiêm, Nguyễn Lộ Trạch… Vì vậy Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường chủ trương ám sát quan phụ chánhTrần Tiễn Thành. Sau khi ám sát Trần Tiễn Thành xong, hai vị đại thần này đã trong 4 tháng tôn phò và phế lập liên tục 3 vị Vua, đó là vua Dục Đức, Hiệp Hòa và Kiến Phúc (Cả 3 vị vua này đều bị Thuyết và Tường giết), sau này Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường phò cua Hàm Nghi, làm nên sự kiện “Cố đô thất thủ” và dấy lên phong trào Cần Vương khi đưa xa giá của Triều đình nhà Nguyễn ra Bắc.

Trần Tiễn Thành là vị đại thần rất được vua Tự Đức tin dùng, là dòng dõi khoa bảng của đất kinh kỳ, định cư ở làng Minh Hương, huyện Hương Trà. Trần Tiễn Thành là nhạc phụ của nhà cách mạng Duy tân Nguyễn Lộ Trạch, và là thân phụ của Danh thần Trần Tiễn Hối. Danh Y nổi tiếng đất Kinh kỳ và miền Nam ở những thập niên cuối của thế kỷ 20 là Thầy Trần Tiễn Hy, chính là cháu nội đích tôn của quan Phụ chánh đại thần Trần Tiễn Thành.

Vào những năm 1981, 1982, 1983 tôi được sự gửi gắm của Sư phụ là bạn đồng niên thâm giao với thầy Trần Tiễn Hy, đến tư gia của Thầy ở dưới Bao Vinh để trao dồi thêm về thuật châm cứu. Vào những năm này, thầy Trần Tiễn Hy đã già yếu rất ít khi trực tiếp thăm khám mà chỉ chuyên về nghiên cứu Phật pháp và dạy nghề cho học trò. Tôi không phải là học trò chính thức của thầy Trần Tiễn Hy, nhưng do được gửi gắm từ hậu duệ của một Phụ chánh đại thần khác cùng thời với quan Phụ chánh Trần Tiễn Thành, nên thầy Trần Tiễn Hy khá ưu ái khi truyền nghệ. Khi theo học thầy Trần Tiễn Hy, tôi có được thầy cho thực hành trên bệnh nhân 2 phương pháp châm độc bộ, mà theo Thầy nói, đó là bí cấp của Thái Y Viện. Đó là pháp “Độc bộ châm” (Châm 1 kim) và “Lương Hỏa Định Phong Châm”.

Hồi đó, do tôi đã được Sư phụ truyền dạy rất khắt khe về Y đạo, và đã được Hội đông Y tỉnh Bình Trị Thiên phong tặng danh hiệu Châm Sư, cho nên khi học nghệ với Thầy Trần Tiễn Hy, thầy rất tâm đắc với sự hiểu biết vể cổ học và thủ pháp thủ huyệt “nhanh nhơ chớp” của tôi, vì vậy mà thầy chỉ dạy rất nhiệt tình và cặn kẽ.

Cả “Độc bộ châm” và “Lương hỏa định phong châm” đòi hỏi kỹ thuật thủ huyệt rất uyên thâm, và cách tấn kim đắc khí lại liên quan đến khả năng vận khí chân nguyên, cho nên rất ít người thấu ngộ được cảnh giới cao của 2 pháp châm này.

Lúc sinh thời, thầy Trần Tiễn Hy có nói, thầy đã dạy “Độc bộ châm” và “Lương hỏa định phong châm” cho rất nhiều người, nhưng cho đến thời điểm đó, lãnh ngộ được huyền cơ của 2 pháp châm này chỉ có 3 người, đó là tôi, thầy Tuệ Tâm của Huyền Không Tự và Cư sĩ Nguyễn Lộ Hòa.

Thầy Tuệ Tâm sau này cùng lập nên “Tuệ Tĩnh Đường” ở chùa Diệu Đế, và hiện nay là trụ trì chùa Liên Hoa, và là đường chủ của Liên Hoa Đường ở thành phố Huế. Thầy Tuệ Tâm nay là một Danh Y rất nổi tiếng ở Cố đô Huế và cả của Việt Nam đương đại. Cư sĩ Nguyễn Lộ Hòa thì về ẩn cư dưới phá Tam Giang.

Năm 2017 tôi có gặp lại thầy Tuệ Tâm ở Liên Hoa Đường, khi nhắc lại chuyện xưa, tôi có hỏi, tại sao hậu duệ và học trò của Thầy, không có ai dụng châm theo pháp vận khí cổ truyền cả vậy, mà thấy ai ai châm cứu cũng chỉ dụng thuật cấy chỉ và kích điện hết, không thấy ai chịu tấn kim đắc khí thì làm sao mà phát huy “Độc bộ châm” và “Lương hỏa định phong châm” được. Thầy Tuệ Tâm thở dài nói, các thuật châm đó không hợp với thời thế tân tiến, thực dụng, nên có lẽ mai hậu cũng sẽ bị thất truyền mà thôi.

Năm 2018 tôi về tìm lại anh Lộ Hòa ở phá Tam Giang, anh ấy cũng nói giống y chang thầy Tuệ Tâm vậy, rồi anh quay sang hỏi tôi, vậy chú mi đã tìm ra được người mô có tâm để học hai môn đó chưa. Tôi im lặng buồn bã lắc đầu….

Thật ra, chính tôi cũng vậy, cho dù “Độc bộ châm” và “Lương hỏa định phong châm” đã khẳng định vị thế và làm nên tên tuổi của tôi ở xứ người, nhưng tôi rất ít khi sử dụng hai pháp châm này. Có chăng, thì thỉnh thoảng hay đôi khi, tôi thị hiện kỹ thuật này như những “phép lạ” của thuật châm cứu cổ truyền để thị oai mà thôi. Tất cả cũng đều có chung một nguyên nhân…. Nhưng thật lòng thì tôi cũng không nỡ để hai pháp châm này thất truyền với hậu thế….

Phần 2: Lý thuyết về chứng “Co quắp và Bại xuội” sau tai biến não (Đột quị/ Phong bại)

(Còn nữa)

07.05.21

L.Y. Quảng Nhẫn Lê Thuận Nghĩa

SHARE