Có chuyện mới về về bọn Tùng, Quang, Nụ khá hấp dẫn. Trước lúc post chuyện này lên, tôi xin post lại chuyện kể về tụi nó trước đây để khỏi gián đoạn mạch chuyện.
LUÂN KHÚC (truyện)
1
Ba đứa chúng nó từ Nga sang Đức bằng những con đường khác nhau.
Nghe nói chúng nó đều là dân Mát. Nina và thằng Tùng đều học ở nhạc viện Tchaikovsky, thằng Quang học ở Học viện quân sự.
Nina tên thật là Nụ quê ở Vĩnh Long, hồi học ở khoa sáng tác bên Nga, bạn bè nước ngoài không gọi là Nụ mà gọi là Nina. Có lẽ do cái tên Nụ nghe hơi nhà quê, không phù hợp với phong cách của một cô gái hiện đại như Nụ nên bạn bè người Việt cũng thích gọi Nụ là Nina. Đến bây giờ thì rất ít ai biết cái tên cúng cơm của bà mệnh phụ xinh đẹp và tài ba Ninna là Nụ nữa.
Hồi ở Mát, thằng Tùng là một thần đồng Piano rất nổi tiếng của Học viện Âm nhạc Tchaikovsky. Người ta đồn rằng trình độ chơi đàn Piano và khả năng thẩm thấu âm nhạc của thằng Tùng còn cao hơn cả Đặng Thái Sơn, nhưng vì Tùng tính tình nhút nhát, trầm lặng ít giao du nên nhận được ít sự giúp đỡ nhiệt thành của các Giáo sư, vì vậy mà Tùng không may mắn bằng họ Đặng.
Hồi còn ở Nhạc viện Tùng và Nụ rất thân nhau. Đã nhiều lần Tùng ngõ lời với Nụ. Nhưng Nụ không chấp nhận. Nụ chê Tùng nhút nhát nhà quê và lúc nào cũng trọ trẹ giọng Huế. Nụ nói Tùng tâm sự bằng tiếng Việt mà nghe cứ tưởng như nói bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ khi Nụ cặp bồ với thằng Quang bên Học viện Quân sự, và bỏ khoa sáng tác chuyển sang học múa ba lê, thì Tùng hết hy vọng và đắm chìm vào thế giới âm nhạc của riêng mình.
Quang là người Hà Nội gốc, con một ông Tướng nổi tiếng trong quân đội, được cử sang học khoa “Vũ khí không gây nổ” ở Học viện quân sự Mát.
Thằng Quang có khiếu ăn nói, tính tình sôi nổi trào lộng. Dù ở hoàn cảnh nào hắn cũng bịa chuyện pha trò làm trò cười được. Bạn bè thường trêu Quang là vì hắn học khoa “vũ khí không gây nổ”, bí quá nên ra đời mới “nổ” banh thiên địa như vậy.
Tùng hết hy vọng yêu Nụ, nhưng vẫn thân với nhau. Vì vậy Tùng, Nụ và Quang trở thành một bộ tam rất ăn ý hồi còn ở Mát.
Vào thời kỳ nhộm nhoạm của thập niên cuối 80 đầu 90, tình hình lưu học sinh của mình bên ấy cũng đa đoan lắm. Nụ bỏ trường múa theo thằng Quang đi đánh hàng từ Nam Tư sang Mát. Thằng Tùng thì vẫn cặm cụi với đèn sách và những cái phím đàn của nó.
Khi bức tường Berlin sụp đổ, phong trào người Việt chạy sang Đức ty nạn rất rầm rộ. Nụ rủ thằng Quang sang Đức làm ăn. Quang trừng mắt nói, em có điên không đấy, bố anh là Tướng, anh chạy sang đó tỵ nạn có mà loạn à.
Thuyết phục mãi Quang không chịu đi nên Nụ bắt mối tự đi một mình.
Nụ sang đến Ba Lan thì bị kẹt lại đó vì hết tiền. Không còn tiền để trả cho đường dây dẫn người sang Đức. Nụ gọi điện về Nga, thì đúng lúc Quang đang ở Nam Tư, đành phải cầu cứu Tùng. Tùng nói, em yên tâm, anh sang ngay.
Vậy là Tùng bỏ nhạc viện, vay mượn bạn bè một ít tiền và tìm đường sang Ba Lan gặp Nụ.
Tùng và Nụ đến Đức xin vào trại tỵ nạn ở Braunschweig. Vì không khai là vợ chồng, nên khi bổ đi định cư. Tùng về định cư ở Bad Nenndorf ở phía tây thủ phủ Hannover của tiểu bang Nidensachsen. Nụ về Usla một thành phố nhỏ nằm ở vùng rừng núi phía cực nam của tiểu bang.
Vì bặt tin Quang đã lâu, nên Nụ chấp nhận lời cầu hôn của Tùng, hai đứa muốn về sống chung với nhau. Tùng làm đơn lên sở ngoại kiều xin chuyển vùng về Ursla ở.
Đơn xin chuyển vùng của Tùng mãi đến gần một năm sau mới được chấp nhận. Tùng và Nụ chuẩn bị ra sở hộ tịch đăng ký kết hôn và đã thông báo cho hai gia đình ở Việt Nam cùng làm lễ đám cưới vắng mặt cho hai đứa.
Sắp đến ngày cưới thì thằng Quang đùng đùng xách va ly đến. Hắn nhe răng ra cười hề hề nói với Nụ “Mịa, nhớ em đéo chịu được, anh lặn lội sang đây xin tỵ nạn cũng vì em đấy”.
Nụ dở khóc dở cười không biết làm sao, vì Nụ vẫn còn rất yêu Quang, mà đám cưới với Tùng thì đã hẹn ngày.
Thằng Tùng hẹn thằng Quang ra ngoài bìa rừng, chụp tay thằng Quang vặn ra sau lưng, đè cổ xuống đám cỏ, tẩn cho thằng Quang một trận. Quang to con và bặm trợn hơn thằng Tùng nhiều, nhưng vẫn nằm chịu trận không một chút kháng cự.
Đấm thằng Quang một chầu xong, Tùng hổn hển nói “Mày mà còn làm Nina khổ nữa thì mày liệu hồn với tao đấy”. Thằng Quang xoa xoa vào mạng sườn lại nhe răng hề hề “Mịa, tay mày chuyên lã luớt trên phím piano mà oánh đau ra phết đấy”. Thằng Tùng buồn bả nói: “Bàn phím cái của khỉ, mấy năm nay chuyên đi hái nấm, đào măng tây, móc ruột gà chứ có đàn sáo gì nữa đâu”. Thằng Quang trố mắt lên hỏi “Thần đồng piano như mày mà không có đất dụng võ trên cái xứ âm nhạc này à”. Quang xịu mặt nói: “không đến phần những thằng tỵ nạn mạt rệp chúng mình đâu”
Về danh nghĩa thì Nụ và Tùng là vợ chồng, vì đã đăng ký kết hôn ở sở hộ tịch. Nhưng thực tế thì Nụ sống chung với Quang một nhà, chúng nó mới là vợ chồng thực thụ.
Quang vì có bằng kỹ sư điện tử ở Nga nên xin được vào làm ở một công ty lắp ráp thiết bị y tế ở gần Usla. Tùng thì lên Göttingen làm bếp trong một nhà hàng pissa của Ý.
Hồi ở Göttingen tôi quen thằng Tùng. Ban đầu không biết Tùng là nghệ sĩ piano.
Một lần gặp Tùng ở chùa Viên Giác, biết Tùng là người Huế lại định cư cùng một thành phố, nên chúng tôi hay đi lại với nhau.
Tùng hiền lành, trầm lặng và có cuộc sống nội tâm, ít tham vọng. Cái đặc biệt là Tùng có một trình độ hiểu biết về Phật giáo rất uyên thâm. Tùng sùng bái Thiền Tông và cũng là một hành giả Thiền có một chiều sâu chứng ngộ khá sâu sắc. Tôi cảm thấy rất thú vị và an lành khi mỗi lần trò chuyện và đàm đạo với nó.
Dạo ấy, hầu như cuối tuần nào, Tùng cũng rủ tôi xuống Usla thăm tụi Quang Nụ.
Quang và Nụ đã có một đứa con gái. Nụ ở nhà làm nội trợ, chỉ thỉnh thoảng có tham gia dạy thêm ở lớp múa ba lê ban đêm ở gần nhà.
Quang, Tùng, Nụ vẫn thân mật với nhau như ngày xưa. Thằng Quang có công việc ổn định, thu nhập cũng vào loại khá, nên nhân một dịp sinh nhật của Tùng, hắn mua tặng cho Tùng một chiếc đàn piano vào loại cực xịn. Là loại đàn piano thực sự của hãng Knauer, to tổ chảng để choán gần 1/3 phòng khách, chứ không phải loại đàn điện tử vớ vẫn đâu.
Vào các dịp sinh nhật của ba đứa, hay sinh nhật của con bé Hoài Anh con Quang Nụ. Thằng Tùng đều diễn tấu gần như thâu đêm.
Vào những dịp đó, bọn chúng chẳng mời ai ngoài tôi.
Nói đúng ra tôi chẳng có dính líu gì đến cáí tam giác oái oăm của tụi nó. Nhưng phải công bằng mà nói nếu không có tôi, cái bộ ba của tụi nó chẳng thể bền đến bây giờ.
Chẳng phải là tôi tài giỏi hay đức độ gì để cảm hóa tụi nó, hoặc có ảnh hưởng gì lớn để có thế kéo xệch cái “tam giác” tình cảm của chúng nó ra thêm một góc nữa. Vậy mà trong mấy năm ấy, tôi và bọn Tùng, Nụ, Quang quả thật là trở thành bộ tứ khá ngộ nghĩnh.
Nụ là một cô gái xinh đẹp. Nói là cực xinh thì không đúng lắm nhưng để nói Nụ là một người đàn bà cực kỳ quyến rũ thì không sai chút nào.
Nụ biết cách ăn mặc và trang điểm. Không hở hang nhố nhăng hay lô lố như một số phụ nữ khác.
Nụ có cách ăn mặc tôn tạo được nét khêu gợi hấp dẫn nhưng vẫn rất chừng mực trong sự đài các.
Điều hay nhất ở Nụ là nụ biết cách phối màu đen trắng và màu xám ghi trong trang trang phục, cũng như bài trí nhà cửa, nên không những tôn tạo được nét huyền mị của người thiếu phụ một con có nhan sắc, mà còn làm thăng hoa được nét dịu dàng chân chất của người miền Tây.
Với riêng tôi, Nụ và canh chua bông lau là một “tuyệt phẩm” bậc nhất của thế gian.
Tôi thường nói đùa với ba đứa tụi nó: “Cái Nụ mà không có canh chua cá bông lau là đồ bỏ đi, và canh chua cá bông lau mà không có cái Nụ, cũng là đồ bỏ đi, vì vậy cái Nụ mà ở bên nồi canh chua cá bông lau, thì đúng là cực phẩm trong những thứ cực phẩm của trần gian này”.
Những lúc như thế, thằng Quang nâng ly bia tợp một ngụm, mặt sáng lên như phát hào quang, gật gật đầu mãn nguyện lắm. Còn thằng Tùng thì dồn tiết tấu của một bản xô nát nào đó đến cung cao nhất, réo rắt nhất trên chiếc đàn piano mà thằng Quang tặng cho nó.
Nụ thì không nói gì chỉ tủm tỉm cười, nhưng sau đó thì chắc chắn tôi sẽ được Nụ gắp bỏ vào bát khúc má ngầy ngậy thơm lừng của cái đầu cá bông lau.
Cả ba đứa chúng nó là những “nghệ sĩ” của trường đời, và chỉ có một mình tôi là khán giả đắc ý nhất.
Tôi là người khán giả duy nhất biết tận hưởng những gì tinh túy, sở trường của từng đứa. Nếu không có tôi, cái chất “nghệ sĩ” trong mỗi con người của chúng nó khó có thể mà khẳng định được.
Nếu không có tôi, thì không có ai có thể thấu cảm được những cảnh giới tâm linh mà thằng Tùng trải nghiệm được. Chỉ có tôi mới có thể ngồi hàng tiếng đồng hồ, như uống lấy từng hớp, từng hớp trong dòng chảy tâm thức của thằng Tùng, cái thằng cạy không ra nửa câu trọn vẹn, nhưng có thể thao thao bất tuyệt về những cảnh giới huyền nhiệm trong từng hơi thở Thiền.
Chỉ có tôi mới ôm bụng cười lăn cười lộn trước những câu pha trò, những câu chuyện tưng tửng có xen vài câu chửi thề, nói tục của thằng Quang
Và cũng chỉ có cái nhắm mắt lim dim của tôi để tận hưởng từng thớ cá trắng ngần, từng cọng rau ngỗ, từng nhành đậu bắp ..trong nồi canh chua cá bông lau của cái Nụ nấu. Chỉ có tiếng thít thà rung lên thực sự từ nơi sâu thẳm của sự thèm khát cộng với sự ngưỡng mộ chân tình trước sự hiền dịu từ ái và đoan trang của tôi trước Nụ, thì cái Nụ và nồi canh chua cá bông lau của nó mới có thể trở thành món “tuyệt phẩm” của nhân gian được.
Chỉ có một điều duy nhất mà chúng tôi khó có thể chấp nhận được nhau là vấn đề âm nhạc.
Tôi thì sùng bái cái chất điên loạn, cái hừng hực không có biên giới, cái huyền bí thâm diệu khó có thể cảm thụ được, nhưng lại có những va đập mài xiết vào tâm can của Bach. Thằng Tùng thì trước khi chơi nhạc của ai cũng phải dạo qua mấy bản của Listz, người mà nó coi như thần tượng. Còn cái Nụ thì nhíu mày nếu như thằng Tùng không chịu chơi vài bản của Johann Pachelbel.
Quang thì sao cũng được, hắn nói tất cả những gì mà Bach, Lietz, Pachelbel có, đều là những thứ không có sinh khí hết. Hắn hát rống lên “năm anh em trên một chiếc xe tăng, như năm ngón tay trên cùng bàn tay…”, hát xong hắn nói đó mới là thứ âm nhạc có sinh khí.
2
Mùa hè năm 1997, một cô bạn người Cu Ba, cùng học ở nhạc viện Tchaicovsky với thằng Tùng, giờ định cư ở Mỹ và làm việc trong một dàn nhạc giao hưởng, liên lạc được với Tùng và bay sang Đức lo giấy tờ hợp lệ, kéo thằng Tùng sang Mỹ trở lại với thế giới âm nhạc.
Thằng Tùng đi được không bao lâu, thì thì thằng Quang cũng bỏ Usla đi sang Áo theo một chi nhánh của công ty lắp ráp thiết bị y tế ở bên đó.
Quang Nụ không bỏ nhau (sao có thể nói bỏ nhau được nhỉ, khi mà chúng nó đâu có kết hôn với nhau). Nhưng Quang không sống chung với Nụ nữa. Hắn nói với Nụ, em không thể gắn bó với anh mà để thui chột đi tài năng của em được, chúng ta không thể sống trọn kiếp mờ nhạt của một kiếp người không có hoài bão, không có đam mê.. Chỉ cung cúc trong chuyện áo cơm thế này thà chết đi còn hơn, em còn có rất nhiều thời cơ để phát huy sở trường của em.
Quang bỏ đi, mỗi năm chỉ ghé lại Ursla vài ba bận vào các dịp sinh nhật của Nụ và Hoài Anh. Nụ cũng sống vậy chả đến với ai, mặc dầu có rất nhiều người yêu thương mến mộ.
Có lần gặp lại Quang, tôi hỏi, bọn mày già cả rồi, đâu phải không có điều kiện để ở bên nhau, sao lại để cảnh người Nam kẻ Bắc vậy, mày không sợ cái Nụ lấy người khác à.
Quang cười khùng khục “Ông ngu bỏ mịa đi được, đâu phải sống gần nhau là hạnh phúc đâu, có yêu thương mấy đi nữa, mà cứ cận kề bên nhau, chẳng có gì mới mẻ cũng trở thành nhàm chán thôi, tớ cứ tự do thoải mái, Nụ cũng vậy, chẳng phải bị ràng buộc bằng một thứ ước lệ gì cả, cảm thấy còn yêu thương, còn hấp dẫn nhau, cảm thấy còn vui thì cứ đến với nhau, khi đã cảm thấy đã cũ kỷ, đã mờ nhạt trong nhau thì có sống bên nhau cũng là thứ hạnh phúc giả vờ, là thứ niềm vui ướm ép thôi, Ông không thấy giữa tớ và Nụ, lúc nào cũng mới lạ, cũng cuốn hút quắn quít bên nhau mỗi lần gặp lại à. He he…những lúc như vậy tớ có cảm giác như lại được phiêu lưu tình ái, một thứ hấp dẫn vụng trộm với một người đàn bà khác chứ không phải với vợ mình.”
Tôi trố mắt lên nhìn thằng Quang như một quái vật với thứ triết lý hôn nhân kỳ quặc của nó.
Cho dù đã mười mấy năm nay không còn được ăn canh chua cá bông lau của Nụ nấu nữa. (Và thú thật tôi cũng đã rất nhiều lần thử cái món khoái khẩu của mình do nhiều người nấu, kể cả nhà hàng đặc sẳn ở Việt Nam. Nhưng chẳng có nơi nào có món canh chua này tuyệt hảo như của Nụ cả). Cho dù hầu như năm nào thằng Quang trở lại Usla nhân dịp sinh nhật của Nụ, hắn cũng gửi cho tôi cái thiệp mời về dự sinh nhật Nụ. Nhưng tôi chưa một lần trở lại vùng đó, mặc dầu khi nào cũng khao được có một lần nếm lại món canh chua cá bông lau của Nụ
Trong thiệp mời của thằng Quang, cho dù gửi đi từ năm nào cũng chỉ ghi vẻn vẹn có một câu “Có điều kiện, mời ông về dự sinh nhật của Nụ nhé, không có ai đâu chỉ có tớ và Nụ cùng món canh chua cá bông lau”.
Đã có mười mấy cái thiệp mời như vậy đến với tôi vào dịp cuối tháng Hai hàng năm. Nhưng chưa năm nào tôi sắp xếp được để về lại Ursla.
Thiệp mời năm nay, khác hơn mọi năm.
Trong thiệp Quang ghi “Năm nay thằng Tùng có qua Đức, bọn tớ tổ chức sinh nhật Nụ ở biển Bắc, ông có hứng thú thì đến dự nhé, nhưng nói trước là không có canh chua cá bông lau đâu”
Tùng qua Mỹ đã mười mấy năm, bây giờ mới quay lại Đức. Bọn chúng vẫn liên lạc với nhau thường xuyên.
Vì Nụ và Tùng trên danh chính vẫn là vợ chồng, nên trên danh nghĩa bé Hoài Anh vẫn mang họ của Tùng.
Tùng đến bây giờ vẫn chưa lấy vợ. Năm bé Hoài Anh học hết cấp 2, Nụ được nhận vào làm việc trong một đoàn ca múa tạp kỹ nên phải thường xuyên đi biểu diễn xa. Tùng nói, bọn mày nuôi cái Hoài Anh đến đó đủ rồi, bây giờ đến lượt tao.
Tùng làm giấy tờ cho bé Hoài Anh qua Mỹ học. Nay bé Hoàng Anh đã học đại học báo chí, ở một trường đại học nổi tiếng ở Mỹ.
Nhân dịp bé Hoài Anh đi thực tập nghiệp vụ ở châu Á. Tùng sắp xếp công việc sang Đức.
Nghe nói có Tùng sang, địa điểm hội ngộ trong dịp sinh nhật Nụ cũng không xa nơi tôi ở bao nhiêu, cho nên dù được báo là không có canh chua cá bông lau, tôi vẫn cố gắng sắp xếp thời gian đến gặp tụi nó.
Bọn Tùng, Nụ, Quang tổ chức sinh nhật Nụ ở Copenhagen bên Đan Mạch. Từ chỗ tôi chạy sang đó mất hơn hai tiếng.
Trời tháng hai nhưng vẫn còn lạnh lắm, hôm tôi lên Copenhagen, thời tiết báo âm đến 5 độ. Vậy mà bọn chúng lại thuê khách sạn ở cạnh bãi biển, và đêm sinh nhật của Nụ lại tổ chức dã ngoại ngoài bờ biển thế mới khiếp chứ.
Gặp tụi nó tôi càu nhàu “Lạnh bỏ mẹ đi được, bọn mày điên hay sao mà kéo nhau ra tận đây vậy”. Thằng Quang khà khà “Thế nó mới có sắc màu của Nga chứ”. Tùng tủm tỉm “vì không có canh chua nên ông càu nhàu chứ gì”. Nụ nhìn tôi có vẻ tiếc rẻ “Lâu lắm rồi, canh chua của em không có ai thưởng thức, rất tiếc hôm nay lại không có điều kiện nấu.
Tôi mồi chài “ở Đan Mạch, của hàng Á châu còn đầy đủ hơn ở Đức đấy”. Nụ lắc đầu “Các anh ấy muốn có món khác đấy ạ”.
Đóng trại xong, chúng tôi lần ra bãi biển chơi. Thấy Nụ xách theo cái hộp đàn Violon tôi hỏi “Em chuyển sang chơi Violon từ khi nào vậy”. Nụ bí hiểm nói “Em đâu có chơi đàn”.
Tùng đi bên Nụ, thì thầm trò chuyện. Quang kéo tôi chạy dọc bờ cát. Chúng tôi dừng lại và ngồi xuống. Nụ nhìn ra biển và bâng quơ nói “Biển hôm nay không có sóng nhỉ”. Quang cười lên hô hố “Sóng mẹ gì nổi, nước đóng băng hết xừ nó rồi”. Tôi ghé vào tai Quang nói nhỏ “Ông vô duyên thế, cái Nụ đang mơ mộng, ông lại tương một gáo nước lạnh”. Quang gãi đầu “hì hì…có sao nói vậy”.
Khi Nụ rủ Tùng đi nhặt vỏ sò, Quang hỏi tôi “ông đã đái trên biển đóng băng bao giờ chưa, nó bốc khói lên hay lắm”. Nói xong Quang vạch quần vểnh chim ra đái lên mặt biển đóng băng. Hắn rê một vòng thành hình trái tim. Nước tiểu nóng, gặp băng lạnh nghe xèo xèo bóc khói lên nhìn cũng hay. Thấy vui vui tôi cũng vạch quần, móc ra, bắn một tia xuyên qua trái tim của thằng Quang thành hình mũi tên.
Hai thằng tôi nhìn tác phẩm được vẽ bằng nước tiểu của mình ôm bụng cười ngặt nghẽo.
Tùng và Nụ thấy vậy chạy lại hỏi có gì mà vui vậy, Quang vẫn ôm bụng cười chỉ hình trái tim và mũi tên trên mặt băng. Nụ cau mày trách “anh là đồ quỉ sứ”. Thằng Quang vẫn ngặt nghẽo chỉ tôi nói, “cái mũi tên là của nó”. Cả Tùng và Nụ nhìn tôi không tin, vì bọn nó đâu ngờ người đạo mạo như tôi cũng chơi trò này. Thấy hai đứa nhìn tôi, tôi lăn đùng ra giữa cát cười ngất.
Thằng Quang đột nhiên im lặng, không cười nữa, chạy lại giật lấy cái hộp đàn trên tay Nụ, bật nắp và lôi ra chiếc đàn Violon cũ kỷ.
Hắn như người thất thần đứng xoạc chân trên cát và từ đưa đàn lên kéo.
Những tiết tấu đầu tiên vừa vang lên, tôi thảng thốt ngồi xuống và lẩm bẩm “Luân Khúc của Johann Pachelbel”. Nụ gật đầu và cũng kéo Tùng ngồi xuống.
Tôi há hốc mồm nghệt lên như một thằng dở hơi nhìn thằng Quang kéo đàn. Bên cạnh, thằng Tùng đã ngồi xếp bàng theo tư thế Thiền, hơi thở nhẹ nhàng và tắt dần. Nụ cũng nhắm mắt chìm đắm vào tiếng Violon réo rắt.
Tôi đã nghe hàng trăm lần, nói đúng hơn là hàng ngàn lần bản Luân Khúc Canon D của Johann Pachelbel. Kể cả nguyên bản dành cho piano và những biến tấu được trình bày bằng nhiều thứ nhạc cụ khác nhau của các nghệ sĩ lừng danh trên thế giới. Nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên tôi được nghe một bản biến tấu kỳ tuyệt được kéo trên đàn Violon như thế.
Âm điệu nhẹ nhàng, lặp đi lặp lại không dứt, càng nghe ta lại cảm thấy như chính mình đang hòa mình vào một bức tranh muôn sắc màu của sự sống.
Tiết tấu khi thì như đâu đó một nỗi buồn da diết bên cửa sổ, mà mình đang cô đơn nhìn ánh tà dương dần lặng, rồi có lúc chợt dâng lên một niềm vui lâng lâng khó tả như vào lúc bình minh với người yêu bên cạnh
Đắm chìm trong tiếng nhạc tôi cảm giác thấy thật thư thái và nhẹ nhàng, tôi cảm tưởng như có một dòng suối ngọt ngào đang chảy qua thân thể của mình, tôi thấy tâm hồn mình bồng bềnh trải rộng ra như một thảo nguyên bao la bất tận, trên thảo nguyên bình lặng đó có những hạt sương long lanh đang nhấp nháy dưới ánh mặt trời đong đưa trên những lá cỏ non tơ
Rồi có lúc tôi cảm thấy như trước mắt mình là dòng sông Kiến Giang hiền hòa của quê tôi, tôi nghe thấy có tiếng sóng vỗ ì oạp vào mạn thuyền, tôi thấy mình được dầm mình trong dòng nước ngọt ngào đó, nước như bàn tay dịu dàng của người Mẹ đang vuốt ve tôi…
Khi thằng Quang ngừng kéo, phải mất một thời gian khá lâu tôi mới trở lại thực tại.
Nhìn sang bên cạnh thấy khuôn mặt của Nụ chan chứa hạnh phúc với hai giọt nước mắt long lanh như hạt châu lăn trên gò mà nồng nàn yêu thương đang ửng đỏ.
Nụ thì thầm như nói với không gian chứ không phải nói với Quang hay nói với tôi “Em không ngờ bản biến tấu Canon D mà em soạn riêng cho violon lại được anh ấy chơi hay đến như vậy”.
Tôi nói “tớ không thể tưởng tượng nổi, thằng Quang, cái thằng nói tục như hát hay, tay chân như thợ sắt ấy là một nghệ sĩ violin tài ba đến vậy, nó biết chơi đàn từ khi nào vậy?, đây là lần đầu tiên tớ thâm nhập vào được thế giới của Luân Khúc, mặc dầu đã nghe bản này hàng ngàn lần rồi”.
Thằng Quang nói “tớ biểu diễn tấu thành công là nhờ thể hiện trước những con người mà tớ yêu thương đấy”.
Nụ an nhiên nói với, “Đến bây giờ thì em mới hiểu, tại sao anh lại từ chối không theo lời mời của Giáo sư âm nhạc Chechanov, khi ông ấy nhận ra thiên tài âm nhạc ở trong một người lính quân khí”.
Quang ân cần nói “Tài năng đó chỉ thể được phát tiết được khi đời anh có em mà thôi”.
Nãy giờ thằng Tùng vẫn ngồi bất động, như ngưng thở. Cát đông cứng dưới chỗ ngồi của hắn từ từ mềm nhũn ra.
Nụ định đập lay Tùng dậy. Tôi dang tay cản Nụ lại thì thầm, “Để yên, hắn đang ở trong trạng thái đại định, cứ để hắn tự xả Thiền, đừng đánh động nó, đó là giây phút hạnh phúc tột đỉnh nhất của một hành giả thiền đấy”.
Chúng tôi ngồi đợi Tùng xả thiền, đợi mãi mà hắn vẫn chưa thèm nhúc nhích. Gió bắt đầu thổi hắt từ dưới biển lên lạnh buốt, tôi thít thà run lên cầm cập định đến dụng pháp gõ gậy lai tỉnh thằng Tùng.
Đến gần nó, tôi thấy một luồng hơi ấm từ thân thể nó ùn ùn tỏa ra. Tôi gọi Nụ và Quang đến đến, chúng tôi ngồi bao quanh Tùng, hai tay huơ huơ trước thân thể của hắn như người đi rừng đốt lửa và hơ tay chống lạnh vậy.
Chúng tôi không nói với ai điều gì, mỗi người đeo đuổi một ý nghĩ.
Tôi thì đang lý giải, không biết hơi ấm từ thằng Tùng tỏa ra trên biển lạnh là do hơi nóng của lửa tam muội từ công phu Đại định Thiền hay là do hơi ấm từ tình yêu vị tha và nồng nàn sâu lắng của trái yêu của Tùng.
Nhưng biết đâu, hơi ấm đó cũng có thể kết tinh nguyên lực từ những tiết tấu âm nhạc diệu kỳ mà có cũng nên.
03.03.11
Thuận Nghĩa