Bất ngờ thằng Thanh gọi điện tới, chưa kịp hỏi han gì hắn đã quàng quạc réo lên, ông có biết ngày này là ngày gì không hả. Tôi chả nhớ ngày này là ngày gì, nên cũng giả vờ quàng quạc như hắn, phun vào điện thoại, mịa, ngày đíl gì thì ngày, nhưng mấy năm này mày biến đi đâu mất dạng, giờ mới ló mặt ra, chưa kịp hỏi thăm nhau, đã cật vấn tao rồi là sao?
Thanh vẫn giọng nghiêm túc, biến đi đâu đâu, thì tôi vẫn cứ quanh quẩn ở vùng Harz đó chứ, có ông biến đi thì có. Tôi xuống giọng làm hòa ngay, ờ ờ…thì tao bôn ba hết vùng Ruhrgebiet rồi đến vùng Bắc Đức, chừ đang ở Hamburg nì.
Thanh cũng xuống giọng, biết rồi, hỏi mãi mới biết được điện thoại của ông đấy, dạo này ra sao rồi, nghe nói ông vẫn cứ bận bịu với chuyện học hành à, học đếch gì mà học lắm thế, người ta có cần học gì đâu mà vẫn làm nên cơ nghiệp, ông học cho lắm vào rồi cũng cứ lang bang vậy thôi chứ cơm cháo cái nỗi giề, mà ông có còn nhớ ngày này là ngày gì không?. Tôi xẳng giọng, ngày gì mà mày cứ hỏi tao hoài vậy. Là ngày mười lăm tháng tư, sinh nhật cái Thảo vừa tròn hai mươi đấy. Ờ..ờ..tao nhớ ra rồi, cho tao gửi lời chúc mừng nó nhé, mịa, nhanh thật mày nhể, mới đó mà đã hơn chục năm rồi, nó bi chừ chắc nó lớn tướng rồi, nó còn đi học hay đã đi làm?. Thế là ông vẫn không nhớ gì thật à. Nhớ giề?. Sẽ hóa giải lời nguyền chim mura vào năm cái Thảo tròn 20 tuổi, ông nhớ ra chưa hả?…
….Cách đây hơn 15 năm tôi gặp Thanh ở phòng chờ của một phòng khám nhi khoa. Thanh đầu tóc rối bù, áo quần xọc xà xọc xạch, mặt đầy vẻ lo âu phiền muộn, hai tay ôm cái Thảo lúc đó mới khoảng 5 tuổi đang thiêm thiếp trong lòng hắn. Còn tôi cũng với vẻ mặt đầy khắc khổ, cũng đang ôm chặt thằng nhỏ nhà tôi trong lòng, thằng nhóc cũng vừa mới tròn 5 tuổi được mấy ngày. Cái Thảo nhà Thanh và thằng nhóc nhà tôi đều bị lên sưởi.
Thanh ở Hardegsen, tôi ở Bovenden, đều là hai cái làng nhỏ trên đường từ Northeim đi Göttingen. Ở làng nhỏ không có phòng khám nhi khoa, chúng tôi đều phải vào tận phố lớn mới có. Vì cả hai đứa nhỏ đều bị lên sưởi cùng một lúc, nên tôi mới có duyên gặp Thanh ỏ đó.
Dân Việt Nam mình ở thành phố Göttingen và các vùng phụ cận, khác nhiều nơi khác trên nước Đức là rất chân tình và thân thiện. Hầu như họ không phân biệt ai là thuyền nhân, ai là tường nhân. Người Việt cứ gặp nhau là tay bắt mặt mừng, hỏi han nhau thân tình lắm.
Bởi vậy, chúng tôi, hai gã đàn ông, tay ôm con dại, ngồi đợi ở phòng chờ khám bệnh, chẳng có gì cản trở mà không sớm trở thành như thân quen.
Tôi hỏi trước, má nó đâu mà ôm con đi khám một mình vậy. Thanh quạu, biến mẹ nó theo giai rồi, còn ông thì sao, không phải là đàn ông độc thân nuôi con một mình đấy chứ. Thấy thái độ Thanh có vẻ hằn học phụ nữ, tôi cũng hùa theo, đâu phải chỉ có Đàn Bà mới biết nuôi con. Thanh vồ lấy tay tôi bóp chặt, lắc lắc, ờ..ờ..đúng vậy, cần chó gì tụi nó chứ.
Số thằng Thanh khổ. Vợ chồng cưới hỏi đàng hoàng ở bên Tiệp. Dắt díu nhau sang Đức xin tỵ nạn. Ngày cái Thảo gần 3 tuổi, vợ chồng hắn bị bác đơn tỵ nạn, đang nhận giấy tạm dung chờ ngày đuổi về nước.
Vợ Thanh sợ bị hồi hương, bỏ cha con hắn, đi lấy một Việt Kiều ở mạn Nordern để kiếm giấy tờ ở lại. Thằng Thanh, yêu vợ, đau lắm, muốn làm cho ra môn ra khoai, nhưng vì thương cái Thảo, nên đành nuốt hận, ngồi ôm con ở trại tỵ nạn.
Trong cái rủi có cái may. Một lần thằng Thanh nghĩ quẩn thế nào, uống vào tý bia rồi lao mình qua cửa sổ tự vẫn. Hắn không chết, nhưng gãy xừ nó cánh tay. Sau vụ xui xẻo này, hắn lại gặp may. Nhờ vậy mà luật sư của hắn đệ đơn lên tòa án, với lý do là sợ hồi hương nên mới tự vẫn. Tòa xử nhân đạo, cho nó giấy tờ thường trú, được phép ở lại Đức. Sở bảo vệ bà mẹ trẻ em cũng ngán hắn làm thêm cú nữa, nên cũng dễ dàng chấp nhận cho hắn quyền nuôi dưỡng con.
Tôi cũng là đàn ông độc thân nuôi con, nhưng hoàn cảnh không được may mắn như hắn. Kém may mắn là vì tôi bắt buộc phải bỏ Đàn Bà, chứ không được Đàn Bà bỏ như hắn. Và để có giấy tờ lưu trú dài hạn, và được quyền nuôi dưỡng con, tôi phải trầy vi tróc vảy mới có được.
Tôi và mẹ thằng nhóc nhà tôi chẳng cưới xin gì, cũng chẳng có tình nghĩa vợ chồng gì. Bèo nước gặp nhau trong chuyến xe chở người từ Tiệp sang Đức tỵ nạn. Ở chung một phòng trong trại chuyển tiếp. Trai đơn gái chiếc mà trở nên nông nổi.
Ngày đi định cư, mỗi người một nơi. Mấy tháng sau, thấy sở xã hội đánh đơn về bảo tôi là chủ nhân của một cái bụng bầu. Vậy là tôi làm bố.
Tôi xin giấy phép ra khỏi vùng, đến trại mẹ thằng nhóc ở, để nuôi bà đẻ đến hơn 3 tháng. 3 tháng sau mẹ thằng nhóc hỏi, ông tính làm sao, có muốn về ở chung thì làm đơn xin xã hội chuyển vùng về đây mà sống. Tôi nói, trách nhiệm nuôi con, tôi luôn sẳn sàng, nhưng lấy vợ thì tôi chả, xin lỗi em nhé.
Mẹ thằng nhóc nhà tôi cực thoáng, một phần cũng hiểu cái tính cục mịch nhưng phong lưu của tôi, nên cười cười nói, có người thương tui thực sự đấy, nếu ông không muốn sống chung, thì tôi biết để còn kiếm đường lo cho cái thân tui. Tôi OK cái rụp, nhưng năn nỉ, thỉnh thoảng cho về thăm thằng nhóc. Cô ta dễ dãi, thì con ông, ông cứ về thăm, chứ ai cấm cản gì đâu.
Mẹ thằng nhóc cũng lấy người có giấy tờ ổn định để được ở lại. Ban đầu có vẻ hạnh phúc. Tôi cũng mừng.
Lúc thằng nhóc được hơn 11 tháng, ̣đang nửa đêm, mẹ thằng nhóc, ̣đùng đùng gọi điện thoại xuống, vừa nấc, vừa hổn hà, hổn hển nói, anh xem thế nào, lên đón thằng bé về nuôi ngay, để tôi nuôi nguy hiểm quá, hôm trước đã một lần, đêm nay cũng vậy, thằng bé trở chứng khóc đêm, ông ấy ngủ không được, lấy gối đè lên mặt nó, xém ngộp mấy lần.
Tôi cúp máy cái rụp, gọi điện cho một người bạn, nhờ chở lên Hildesheim đón thằng bé về. Tới nơi đã gần sáng, tôi gõ cửa, chẳng nói chẳng rằng tống cho lão chồng mẹ thằng nhóc một phát gãy mất hai cái răng cửa, rồi bồng thằng bé ra xe về. Vụ hai cái răng cửa này ra tòa, tôi phải bồi thường, trả dần đến mười mấy năm sau mới hết.
Cho dù mẹ thằng nhóc đã ra luật sư, làm giấy tờ nhường quyền nuôi dưỡng, nhưng để có quyền nuôi dưỡng con thật sự theo luật pháp, tôi cũng phải nhiều phen lên bờ xuống ruộng mới có được. Thôi thì đủ thứ hầm bà lằng, nào là chứng minh thu nhập, nào là chứng minh nơi ở đủ rộng, có đầy đủ phòng ốc cho trẻ chơi, rồi cuối cùng lại tương thêm một quả, trẻ cần phải có bàn tay phụ nữ chăm sóc mới phát triễn được tự nhiên. Làm tôi phải chạy long tóc gáy mới vay tạm thế gian được một cô bồ hờ, chịu ra tòa làm chứng là sẽ hết mình tận tụy vì thế hệ mai sau…hehehehe….
Hồi gặp thằng Thanh ở phòng khám nhi khoa là đúng vào thời gian tôi bê bết nhất. Lúc đó tôi đã nghĩ làm việc chính thức, mà theo học một khóa trợ lý bác sĩ (Arzthelfer) để có giấy tờ ở lại hợp lệ. Lương học nghề trong phòng mạch (Ausbildung) chỉ được có 900 DM. Tiền thuê nhà hết xừ nó 700 DM. Túng thiếu vô cùng, nên tối tối phải chạy hết chỗ này đến chỗ kia để kiếm việc làm thêm.
Làm thêm buổi tối, nên phải nhờ người trong con. Mỗi tháng lại phải chi thêm vào khoản này mất 600 DM nữa. Vì vậy có khi ban đêm tôi phải hoàn toàn thức trắng. Hết phụ rửa bát, làm tả chạp ở nhà hàng Tàu xong, lại chạy đến McDonald làm ca 3. Vậy mà chi tiêu nhiều khi cũng xất bất xang bang. Nên hồi đó nếu có ai gọi đi làm gì thêm là mắt cứ sáng rực lên như sao băng. Chùi toilet, rữa bồn cầu mà lúc nào cũng huýt sáo vang lừng như được vào mánh, trúng quả đậm vậy.
Chuyện xưa, giờ nhắc lại vẫn còn rơm rớm nước mắt. Có lần đón thằng bé cuối tuần ở chỗ gửi về, nó đòi đi chơi hội chợ. Gặp lúc đang túng, hai cha con dốc hết hủ lớn, hủ bé ra, gom hết tất các Pfenig lẻ, đem ra chỗ đổi tiền lẻ tự động trong ngân hàng đổi. Thằng bé nghe tiếng tiền xu chạy rào rào trong máy, mắt cứ sáng rực lên, ba nhỉ… ba nhỉ..ỏm tỏi. Nó đâu có biết mình đứt từng khúc ruột khi thấy nó vui như vậy.
Mẹ thằng nhóc bây giờ đọc những dòng này chắc cũng không tưởng tượng nổi. Bố nó, ở trên nước Đức này, có khi phải nhịn đói mấy ngày liền chỉ vì bữa ăn kem hay mua đồ chơi cho nó. Bởi khi nào, cô ta gọi điện thoại hỏi, bố con anh có cần giúp đỡ gì không, thì bố nó cũng cười phây phây và trả lời, em yên tâm, hai bố con anh sống rất thoải mái…. hehehehe…
Có tự nuôi con mới thấu cảm được nỗi khổ đích thực của những bà Mẹ như thế nào. Những gã đàn ông, chỉ đêm tiền về quẳng cho vợ, và cứ nghĩ rằng mình hết lòng vì vợ con là những gã đàn ông chả ra gì.
Nuôi dạy một đứa trẻ nên người, tiền bạc và những tiếng rầy la, trách mắng hay cả những lời dạy dỗ đích thực cũng không đáng giá gì đâu. Với trẻ, cần phải có một tình cảm dịu dàng, trìu mến và và cực kỳ nhu thuận của người Mẹ, mới có thể cảm hóa nó được.
Tôi hiểu điều đó, nên trong cuộc sống, cho dù tôi khá coi thường Đàn Bà, nhưng tôi vẫn luôn luôn kính trọng những bà Mẹ là vậy.
Hôm ngồi với thằng Thanh ở phòng khám nhi khoa. Tuy chúng tôi cùng một hoàn cảnh, là hai gã đực rựa, độc thân nuôi con. Nhưng hai thằng có hai tâm thế khác nhau. Thằng Thanh nhận trợ cấp xã hội, nhà cửa và chi tiêu không cần phải lo, nhưng trong lòng chất chứa thù hận, nên nó khổ. Tôi tuy có hơi vất vả, nhưng trong lòng thư thái nên tôi sướng hơn hắn.
Nhìn mặt Thanh đăm đăm khổ sở đầy lo lắng vì bệnh của cái Thảo. Tôi cũng chạnh lòng thông cảm. Thằng nhóc nhà tôi cũng bị bệnh giống cái Thảo, nhưng tôi biết đó chỉ là bệnh trẻ con. Chúng có sốt cũng không có gì nguy hiểm cả.
Tình cờ ngay lúc ngồi đợi đến phiên, duyên số sao tôi lại vớ phải cuốn họa báo có bài viết về loài chim mura ở Úc Châu. Là loài chim gần giống như Đà Điểu. Đây là loài chim không bay, là một loài chim lớn nhất trái đất. Và cũng là một loài chim có cuộc sống rất kỳ lạ. Con cái đẻ xong khoảng chục quả trứng, là để lại cho con đực tự ấp và tự nuôi con lấy. Đẻ xong mấy quả trứng là con cái hết nhiệm vụ bảo tồn nòi giống, nó đẻ xong, vứt đó cho con đực muốn làm gì thì làm, còn nó thì kiếm con đực khác giao hoan và đẻ tiếp.
Đọc đến đây, tôi không cầm được mình, cứ hộc lên cười sùng sục, hết nhìn thằng Thanh lại quay lại nhìn mình, lại cười sùng sục như mắc nghẹn. Thằng Thanh, ngạc nhiên cứ gạn hỏi mãi. Tôi chỉ cho hắn trang báo và dịch lại cho hắn nghe. Hắn nghe xong, nghiến răng trèo trẹo nói, địt mẹ, tớ mà sang Úc việc đầu tiên là tao thuê một dàn hỏa tiễn, bắn tiệt chủng hết cái giống chim khốn nạn này.
Nói xong hắn chụp lấy tay tôi bóp chặt và lắc lắc, tôi với ông cùng thề nhé, nếu hai đứa bé này chưa đủ hai mươi tuổi, bọn mình thề là đéo thèm dây với cái lũ đàn bà khốn nạn ấy nhé…nhé… nhé..
Tôi tưởng hắn bốc đồng nói chơi, ai dè hắn làm thật. Đi đâu miệng cũng ra rả chửi đàn bà khốn nạn. Thấy hắn quá cố chấp, cố chấp đến bệnh hoạn. Nên hơn chục năm về trước, tôi có dựa vào huyền tích một loài chim lửa trên sa mạc để sáng chế ra một bộ khí công định tâm truyền dạy cho hắn.
Tôi lấy Thái Âm Công làm nòng cốt, lấy tên một thế võ cổ truyền là thế Bí̀nh Sa Lạc Nhạn, cãi thành Bình Sa Hỏa Điểu đặt tên cho môn khí công này.
Bình Sa Hỏa Điểu dùng tâm thức của loài chim lửa trên sa mạc làm tâm pháp.
Truyền thuyết của vùng sa mạc Cận Đông có nhắc đến một loài phụng hoàng lửa. Loài chia này có đôi cánh rực rỡ như ánh mặt trời, luôn sãi đôi cánh rộng chao liệng giữa bầu trời nắng cháy của sa mạc. Mỗi khi con của loài chim này vừa ra đời. Đôi cánh còn non nớt chưa cất lên được dưới vòm trời bao la. Lúc đó loài chim này tức khắc lao mình xuống cát nóng và tự bốc cháy, hóa thân làm những ngọn phong hỏa để nâng cho đôi cánh của con mình lên cao.
Đây là một huyền thoại về sự quên mình hểt sức hoành tráng và cũng không kém phần lãng mạn. Tôi rất thích huyền thoại này, nên mới khổ công sáng chế ra bộ khí công Bình Sa Hỏa Điểu, và truyền thụ cho thằng Thanh, để nó diệt bớt sự sân hận trong tâm thức hắn. Ai dè….
….Thanh thấy tôi im lặng hồi lâu không trả lời. Hắn lại gào lên, ông có còn giữ lời nguyền về chim mura không thì nói. Tôi, bật cười khùng khục, thề với nguyền cái cục cứt a, từ dạo đó đến nay, tao phải trải qua hàng chục người phụ nữ khác nữa rồi. Thanh như tắc nghẹn hỏi lại, ông nói thật không vậy. Tôi trả lời, tao mà nói phét tao làm con mày.
Giọng Thanh buồn rười rượi, vậy ông dạy cho tôi Bình Sa Hỏa Điểu để làm gì, chả phải là để canh giữ lời nguyền chim mura đó sao. Tôi, cười lên phơ phớ, ngược lại thì có, là để hóa giải sự uất hận trong lòng mày í.
Bên kia máy, tiếng Thanh thở dài, hèn chi, tớ chẳng còn cảm giác giận dỗi gì bà ấy nữa, cách đây mấy năm về trước, bà ấy có tìm đến tớ xin tha thứ, và muốn quay về sống lại với cha con tớ, tớ cũng muốn vậy, nhưng kẹt lời nguyền chim mura với ông năm xưa, nên tớ từ chối, bây giờ bả đã theo Ni Sư Diệu Hạnh trên chùa Phật Bảo đi tu rồi.
Lần này thì đến lượt tôi thở dài, mấy năm nay chắc mày sống khổ sở lắm hả Thanh.
Không nghe tiếng Thanh trả lời, nhưng tôi có cảm giác như bên kia máy, hơi thở cùa hắn nghèn nghẹn….
Hamburg 17.04.13
TN