Home Uncategorized “KINH TÔI” và vấn đề “PHƯƠNG TIỆN”

“KINH TÔI” và vấn đề “PHƯƠNG TIỆN”

752
0

Trong buổi tập huấn “Khí công chuyên nghiệp” vào ngày 02.01.22, tôi có nhắc nhở Học viên rằng: Động công (Các động tác vận động của cơ thể) chỉ là “phương tiện” để chuyên chở Hơi thở đến nơi cần tích liễm Nội đan (Diệu dược, năng lực tự chữa lành từ bên trong). Hình như có một số Học viên nồng cốt vẫn chưa hiểu hai chữ “Phương tiện” mà tôi đã nói là cái gì thì phải.

Để giải thích cho vấn đề này tôi xin trích lại bài thơ Lục bát “Kinh Tôi” mà tôi đã viết cách đây hơn 10 năm (2011). Bài thơ “Kinh Tôi” là các khổ lục bát được tách ra từ khổ 108 đến khổ 121 trong Bài thơ dài “Níu xưa lục bát đôi câu” có 365 khổ, mỗi khổ có 4 câu Lục bát.

Trong suốt cả bài thơ có 365 khổ và 1460 câu này chỉ có 12 chữ được viết hoa. Trong đó có hai chữ viết hoa là “Đan Hà”. Điển cố “Đan Hà thiêu tượng Phật” là một công án Thiền khá nổi tiếng của Thiền tông Trung Hoa, nói về tầm quan trọng của việc phân biệt giữa “Phương tiện” và “Mục đích” trong việc tu tập

Thiền sư Đan Hà (739-824) là một tăng nhân đời Đường, Pháp hiệu Thiên Nhiên. Bởi ông đã từng sống ở núi Đan Hà, Nam Dương (tỉnh Hà Nam ngày nay), nên thường được gọi là Đan Hà Thiên Nhiên, hoặc Đan Hà thiền sư. Sau khi viên tịch Thiền sư Đan Hà được vua Đường phong tặng là Trí Thông Thiền sư. Thiền sư Đan Hà là một trong những vị Tổ sư Thiền của Thiền Tông Đông Độ, cuộc đời của ông để lại nhiều giai thoại, trong đó giai thoại „Đan Hà chẻ đốt tượng Phật” trở thành một công án Thiền rất nổi tiếng. Đó là một công án phá vỡ sự cố chấp vào “Phuong tiện” mà quên đi “Mục đích” của việc tu hành. Giai thoại ấy như sau:

 Thiền sư Đan Hà đến Lạc Dương, vào chùa Huệ Lâm, gặp lúc trời giá lạnh, thấy các Thiền sinh trong chùa co ro lạnh cóng, bèn lấy tượng Phật gỗ chẻ ra đốt để sưởi ấm cho họ. Viện chủ trông thấy quở trách: “Sao đốt tượng Phật của ta?”.

Ông lấy gậy bới tro nói: “Tôi đốt tìm xá lợi”.

Viên chủ bảo: “Phật gỗ làm gì có xá lợi?”.

Ông chỉ vào các Thiền sinh lạnh cóng nói: “Đã không có xá lợi thì lấy thêm mấy pho nữa đốt xem trong người các vị này có xá lợi không”.

Câu chuyện về vị thiền sư Đan Hà thiêu tượng Phật luôn là đề tài tranh cãi hơn nghìn năm qua. Phần lớn mọi người đều cho rằng, ông đốt tượng để giải khai cho thế nhân, vì con người thời đó chỉ chú trọng thắp hương cúng bái, coi tượng là Phật, điều này đã trở thành chấp trước ngăn cản người tu hành ngộ Đạo. Với một cao tăng đắc Đạo như ông thì ý nghĩa đốt tượng không phải chỉ như vậy.

“Đốt tượng“ là một “công án” giải khai vấn đề tu luyện hình thức, bởi nhiều người đã coi thắp hương bái Phật, tụng kinh gõ mõ, ăn chay niệm Phật là tu hành. Kỳ thực đó chỉ là hình thức tu luyện mà thôi. Tu Phật quan trọng là thực tu, tu tâm đoạn dục, trừ bỏ chấp trước vào danh vọng, vinh hoa, tên tuổi, địa vị trong xã hội, trừ bỏ chấp trước về lợi ích vật chất của cuộc sống tiện nghi, dễ chịu, về tình cảm cá nhân, yêu người này ghét người kia….

Lục tổ Huệ Năng có giảng: “Trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật”, tu Phật là nhìn thẳng vào cái tâm mình, xem còn những nhân tâm nào, chấp trước nào thì phá bỏ nó đi, tiêu trừ nó đi. Dần dần, Phật tính càng hiển lộ, cho đến khi hoàn toàn là Phật tính thì đắc Đạo, “kiến tính thành Phật”.

Sự nhầm lẫn giữa “Phương tiện” và “Mục đích” nhiều khi nhấn chìm Hành giả tu tập vào một vòng xoáy luẩn quẩn không có “lối ra” và mất rất nhiều thời gian cho sự vô bổ…

Trong bài thơ trích xuất “Kinh Tôi” có nhắc đến Thiền sư Đan Hà, cũng có ý nói thêm rằng con chữ và vần điệu cũng chỉ là “phương tiện” chứ không phải “mục đích” (ý thơ). Cũng như “Động công” và “Hơi thở” với “Nội đan” vậy….

06.01.22

Thuận Nghĩa

KINH TÔI

„một hôm về đứng cuối ngàn

hình như em rụng thành tràng kinh tôi“

….

nén này đốt những phân vân

cho muôn xa ấy thành gần kề bên

nén này cúi lạy dịu hiền

ngày sau đền tạ cõi miền thanh cao

kinh tôi lần chuỗi hạt nào

mà tràng cát bụi nhuốm màu nâu xưa

kinh tôi lần đã nửa mùa

nửa mùa sương khói nửa mùa ẩm ương

cội tùng vãn khách vô thường

thị đồng cũng đã chớm luồng nhạn bay

tôi tìm ngửa trắng bàn tay

hạt tam thế mộng đếm ngày rong chơi

kinh tôi lần chuỗi sao trời

tụng cơn gió mặn rặn lời mây chay

lần lần em vẫn bên say

lấn nghiêng bên tĩnh trôi ngày ất ơ

mai rồi công án bất ngờ

vai em chạm một sững sờ an nhiên

bởi nơi tận tột ảo huyền

chày nguyên sơ gõ ngộ tiền kiếp nhau

cần chi nối sợi dây gàu

để đo giếng cạn để đau cơi trầu

cần chi đợi phía bờ ngâu

nhịp mùa ô thước đội cầu nhân duyên

chi bằng chọn hạt ưu phiền

xâu thành chuỗi nhớ lần miền thăng hoa

mai rồi giữa vạt nhạt nhòa

cơn em đại định vỡ òa từ ân

muôn xa cũng ấy kề gần

rạch ròi đâu khác phân vân những gì

gần từ khi nhớm chân đi

xa từ độ lỡ thầm thì vấn vương

trang nghiêm quả kết buông tuồng

bình an gieo những thèm thuồng tịnh không

tội chi thắt mở cõi lòng

tội chi tụng niệm lo dòng tử sinh

biết đâu có lúc thình lình

mở trang bất tử tượng hình môi em

nhiên nguyên thắp lại ngọn đèn

soi trong dâu bể tìm nguồn suối khe

và khi rẽ đứng bên lề

thõng nhìn phố hội trôi về trầm kha

nương theo lửa ấm Đan Hà

chẻ pho tượng Giác đốt tòa Đế Thiên

về quì dưới mái dịu hiền

chắp tay đại định ngộ duyên chữ chờ

tóc em chảy một dòng thơ

rồi thuyền tạo tác rời bờ môi buông

để khi xuôi cuối hạ nguồn

sông trăng vục một mái buồn chèo đi

sóng tình quẫy mạn tư nghì

vỗ cơn đại hạnh cuốn đi bọt bèo

hình như dưới ngọn thác reo

giọt em trắng đổ mĩ miều lên anh

hình như cuối phía đầu cành

có câu kinh lá còn xanh lời nguyền….

11.10.11

TN

SHARE