Home Y Khoa Khảo Luận KHÁT VỌNG MỘT ĐỜI…..

KHÁT VỌNG MỘT ĐỜI…..

830
0

Cuối tuần rồi tôi có tham gia một “trò chơi” của một nhóm nghiên cứu về Tâm Lý Học Trị Liệu. Nhóm này đang chuẩn bị cho ra một lập trình trị liệu “Phục hồi sang chấn tâm lý cho người lao động sau đại dịch covid-19”.

Tôi được mời tham gia trò chơi này như một “chuột bạch”. Có nghĩa là tôi thuộc vào đối tượng được/ bị nghiên cứu, chứ không phải là chuyên viên nghiên cứu.

Những “chuột bạch” tự nguyện làm đối tượng nghiên cứu gồm 21 người, được chia theo từng nhóm tương ứng theo 7 cấp độ cấp độ khác nhau của các trạng thái tâm lý, từ tiêu cực nhất đến tích cực nhất. Bao gồm:
1- Khủng hoảng tâm lý trầm trọng có xu thế tự tử
2- Khủng hoảng tâm lý nặng có xu thế xa lánh giao tiếp xã hội
3- Khủng hoảng hoảng tâm lý nhẹ có xu thế lo âu, sợ sệt, buồn phiền
4- Tâm lý bình thường
5- Làm chủ được cảm xúc
6- Cảm thấy hài lòng và hạnh phúc
7- Tự tại và an lạc

Trò chơi được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là giai đoạn phỏng vấn. Giai đoạn này có nhiệm vụ test tâm lý để chia nhóm cho thích hợp. Giai đoạn 2 là giai đoạn kiểm tra sóng não.

Những người tham gia được gắn bằng một đống dây nhợ lằng nhằng vào một hệ thống máy móc, compute cực kỳ rắc rối. Và được đo đạc trong vòng khoảng 20 phút.

Ban đầu tôi được xếp vào nhóm thứ 5 là nhóm “Làm chủ được cảm xúc”. Nhưng khi có kết quả đo sóng não thì kết quả lại xếp tôi “lơ lững” giữa nhóm 6 và nhóm 7.

Lúc kết thúc đo đạc và đánh giá kết quả, tôi lại được tiếp tục phỏng vấn.

Họ nói, họ rất bất ngờ khi kết quả sóng não của tôi lại cho ra kết quả có thể được xếp vào nhóm tâm lý thứ 7. Một kết quả vượt trội hơn rất nhiều những người ban đầu được xếp vào nhóm 6 và nhóm 7 (Trong đó có 2 Thiền sư và một hành giả Yoga khá nổi tiếng). Trong các câu hỏi trắc nghiệm về tâm lý cuối cùng, tôi khá có hứng thú với câu hỏi:
– Ông còn có vấn đề gì cảm thấy không được hài lòng trong cuộc sống hiện nay?

Câu hỏi này này làm tôi ngập ngừng, đắn đo suy nghĩ mất khoảng độ vài chục giây, cuối cùng tôi trả lời:
– Tôi có một thói quen hưởng lạc rất đắc ý là thỉnh thoảng tắm ngâm bồn và chà gót chân. Trong thói quen hưởng lạc xa xỉ này, tôi vẫn còn một chút không hài lòng là không có ai kỳ lưng cho. Bởi vì vậy sự hưởng lạc bớt mất phần thú vị vì phải vận dụng khá cưỡng ép cánh tay vòng ra phía sau để kỳ lưng.

Mọi người cười khi nghe tôi trả lời. Và có một người nói rằng, theo họ, đó không phải là nguyên nhân để cho chỉ số Hạnh Phúc của sóng não của tôi không thể đạt được ngưỡng tối đa của nhóm 7. Tôi tủm tỉm và trả lời:
– Rất có thể, vì gãi lưng là một động tác đưa cơ thể vào trạng thái buông thư khá hữu hiệu, nó không những là một kỹ thuật thư giản có hiệu quả trong các kỹ thuật masage mà còn là một động tác trấn an tinh thần rất hiệu quả với trẻ sơ sinh lúc ngủ và cả với vật nuôi, thú cưng…. Hồi tôi còn ở quê nhà ở đất nước chúng tôi. Vào những lúc trưa hè nóng bỏng, khi ngả lưng tựa vào vào cột nhà bằng gỗ lim để cà lưng chống sự nóng bức ngứa ngáy của rôm sảy. Cái cảm giác thống khoái của động tác cà lưng vào cột nhà này, đến bây giờ tôi vẫn còn cảm thấy sung sướng khôn nguôi… hì..hì… Các ông biết tôi thường mơ ước điều gì không?. Tôi mong ước có một lúc nào đó, tôi sẽ được dầm mình trong dòng sông trên quê hương tôi vào một buổi trưa hè có gió nồm hiu hiu và được cà vào những mạn thuyền độc mộc để kỳ lưng, hoặc là cọ vào thân cây cừa loà xòa trên dòng nước để kỳ lưng mà không cần phải ép tay vòng ra sau lưng để kỳ cọ …. Bây giờ thì các Ông có thể hiểu vì sao có thể đó là một nguyên nhân để làm cho chỉ số Hạnh Phúc của tôi không đặt được đến ngưỡng tối đa rồi chứ.

Một người gật gù nói, có thể đó là một trạng thái tâm lý thuộc vào hiệu ứng “Heimwehr” (hiệu ứng nhớ nhà). Tôi cười lên khùng khục rất to và khẳng định đó không phải là hiệu ứng “Heimwehr” mà là đích thực là một khát vọng của đời người chưa được thỏa mãn.

(Bài viết nhân ngày 04.05, ngày nước Đức nới lỏng luật “giãn cách xả hội”, cho phép tiệm hót tóc được phép mở cửa có hạn chế số lượng người cắt tóc, gội đầu…he…he…he….)


04.05.20
Thuận Nghĩa

SHARE