1- Xin Lỗi:
Trong bài viết hôm qua, bài viết giới thiệu kỹ thuật tập luyện chiêu thức thứ 7 trong 21 thức của “Đồng Tử Công”, là thức “Kình Thiên Đoạt Địa- Song Thủ Thái Cực Đồ”, tôi có dùng cụm từ: “Hơi thở Linh Nhãn”. Để khuyến cáo các học viên của Khí công “Truyền Nhân Của Hơi Thở”, ứng dụng loại Hơi thở này vào các động tác chuyển động khi tập luyện KTĐĐ- STTCĐ.
Trích:
“…. Tất cả các học viên của Thuận Nghĩa Dưỡng Sinh Đường ở các Miền đều phải biết chiết Hơi thở 2 Thì và 3 Thì, đặc biệt là “Hơi thở Linh Nhãn” vào các chuyển động tương ứng của bài Động công này- Các học viên “TNDSĐ” liên lạc vào Grupe để được các Học viên nồng cốt trực tiếp chỉ dạy và bổ túc huấn luyện thêm…”
Thực ra không có loại Hơi Thở nào gọi là “Hơi thở Linh Nhãn” cả. Đó chỉ là một thói quen khi hướng dẫn tập luyện cho các học viên, đệ tử đã thân quen với Phúc hồ lô/ Thở bụng/ Thở bình của tôi…
Vì với học viên của Khí công “Truyền Nhân Của Hơi Thở”, cứ mỗi bài tập, mỗi bài khí công, thậm chí mỗi một chuyển động nhỏ nhất của cơ thể khi tập luyện đều gắn liền với đặc điểm của mỗi loại Hơi Thở khác nhau. Vì vậy có nhiều khi tôi gọi loại Hơi thở ứng dụng trong một bài tập nào đó, một chiêu thức nào đó… là tên của loại Hơi thở tương ứng để diễn giải. Ví dụ, khi tôi nói “Hơi thở Thiên lý tiêu dao”, tức là đề cập đến loại Hơi thở được ứng dụng luyện tập trong bài “Thiên Lý Tiêu Dao”. Hoặc khi tôi nói Hơi thở Miêu bộ, tức ám chỉ loại Hơi thở được ứng dụng trong lúc đi “Miêu Bộ” chẳng hạn …v…v… Tương tự, khi tôi đề cập đến “Hơi thở Linh Nhãn”, tức là tôi đang đề cập đến loại Hơi thở được ứng dụng trong khi luyện tập sự nhạy cảm của “Xúc Nhãn”. Ví dụ như trong bài viết về cách luyện tập này tôi có viết:
TRÍCH:
“…Trong đó ký hiệu của loại hơi thở thứ 5 là: 1-&-1, có nghĩa là thì NGƯNG phải được kéo dài thời gian như có thể. Lâu đến bao nhiêu, dài gấp thì Hít Vào, Thở Ra bao nhiêu cũng được, miễn là đừng gắng quá sức mà thôi.
Khi truyền dạy cho những người đã luyện đến tầng Trung Đẳng của Hơi Thở Tưởng Tức, trong đó đặc biệt là các Môn Sinh theo Nghề Y. Tôi luôn luôn bắt họ phải quan tâm tập luyện để đạt trình độ thấu nghiệm loại Hơi Thở 3 Thì thứ 5 này.
Nguyên tắc trì luyện loại Hơi Thở này là trước khi đi vào Thì Ngưng, thì „Đề Can“, đẩy Khí Lực vào hai lòng bàn tay và NGƯNG hơi thở ở hai lòng bàn tay, lâu như có thể. Tâm thế trống rỗng tuyệt đối. Toàn thân thể, ý niệm…và cả Vũ Trụ… chỉ còn lại THÌ NGƯNG của Hơi Thở này trong 2 LÒNG BÀN TAY.
Phương pháp tập luyện này còn gọi là đặt TÂM vào Lòng Bàn Tay. Có nghĩa là đặt tất cả Ý Niệm vào đó.
Nếu có đủ thời gian tập luyện, với phương pháp đúng và được hướng dẫn cặn kẽ. Sau một thời gian có đủ trải nghiệm. Hành Giả Khí Công có thể đạt được cảnh giới, „Nghe“ được, „Nhìn“ được và „Cảm Thụ“ được tất cả mọi tương tác của môi sinh, vũ trụ trong Lòng Bàn Tay. Kỹ Năng này rất cần thiết cho cho một Thầy Thuốc Đông Y, khi bắt mạch, xem test thuốc, thủ huyệt..hay thăm khám để ra toa chẩn trị có độ chính xác cao. Y Thuật sẽ được tinh nhạy và nâng cao….“- Hết trích
Chính vì tôi muốn nhắc nhở Học viên ứng dụng loại hơi thở này để chiết chiêu đưa vào trong việc luyện tập “KTĐĐ- STTCĐ” nên mới dùng cụm từ Hơi thở Linh Nhãn.
Vì phần bài viết có cụm từ “Hơi thở Linh Nhãn” dành cho các Học viên đã có thâm niên luyện tập “Phúc Hồ Lô”, nên tôi khá chủ quan khi đề cập đến loại Hơi thở mà tôi muốn đề cập đến. Trong khi có một số học viên không thuộc về Y lộ, chưa được truyền dạy về “Linh Nhãn”, nên có chút băn khoăn là không biết là tôi muốn đề cập đến loại Hơi thở nào. Thành thực xin lỗi quí vị.
2- Video Clip “câm”
Tôi không muốn diễn giải bằng lời nói trong khi hướng dẫn tập luyện KTĐĐ- STTCĐ, là tôi muốn có sự tập trung cao độ của người thực sự muốn tập luyện. Đặc biệt là kích hoạt sự phân tích các trạng thái chuyển động cơ thể của người muốn tập luyện. Động thái này nhằm biến bài tập trở thành “của riêng” cá nhân người tập luyện, chứ không phải mãi mãi chỉ là thứ “làm theo”.
3- Tại sao lại phải ứng dụng Hơi thở
Nội hàm thực sự của Khí Công là Hơi Thở, các động tác chuyển động của cơ thể chỉ là phương tiện để chuyên chở sự vận hành của Hơi Thở. Nếu luyện tập mà không có Hơi Thở thì gọi là tập thể dục, tập thể hình chứ không phải trì luyện Khí Công. Bởi vì mọi tác dụng, tinh tấn… có tính chất quyết định đến mục đích của sự luyện tập là quyền năng của Hơi Thở chứ không phải ở chỗ lặp đi lặp lại sự chuyển động một cách máy móc.
Ví dụ cũng một chuyển động, vận động ấy.., nhưng nếu không có sự tương tác của Hơi thở thì tập đi tập lại 100 lần, chưa chắc đã có tác dụng bằng một vài lần khi tập luyện có ứng dụng sự tương tác của Hơi Thở.
Ví dụ người tập luyện Thái cực quyền, luyện tập trong khoảng 30 năm Dương gia 24 thức, mà không để ý đến Hơi thở của Miêu Bộ thì tác dụng đối với Sức khỏe và Dưỡng sinh chưa chắc đã bằng một người mới tập Dương gia 24 thức khoảng 3 tuần, nếu ngay từ đầu đã ứng dụng Hơi thở của Miêu bộ….
Đại khái vậy….
Các bạn đọc thêm bài viết theo link đính kèm để hiểu thêm về “Linh Nhãn”
27.08.20
Thuận Nghĩa