Home Uncategorized HỒI HỘP MONG CHỜ…

HỒI HỘP MONG CHỜ…

243
0

… Sự tích của cây trà xanh thì có nhiều huyền thuyết khác nhau, nhưng sự tích có liên quan đến ngài Bồ Đề Đạt Ma (Đạt Ma Sư Tổ/ Thiền tông) thì được xem là „hay nhất“. Đặc biệt trong giới Thiền/ Zen thì truyền thuyết về cái cây mọc lên từ sợi lông mi của ngài Bồ Đề Đạt Ma lại càng được coi trọng và đôi khi còn được xem như „Pháp Tu“ đối với người „nghiện“ trà….hì hì…

Truyền thuyết kể lại rằng, khi ngài Bồ Đề Đạt Ma  mang Y bát của cùa Đức Cồ Đàm Thích Ca sang Đông Độ để truyền Pháp, ngài có dừng lại ở chùa Thiếu Lâm ở núi Tung Sơn và có diện bích 9 năm ở đấy (Ngồi quay mặt vào núi và thiền định trong 9 năm liên tục. Định lực của „Cửu niên diện bích“ này đã để lại ấn chứng là hình ảnh nhục thân của Ngài khắc in vào trong lòng của đá núi. Khối núi ngọc nơi chỗ Ngài diện bích có ám ấn hình ảnh ngồi thiền của Ngài hiện vẫn còn. Và đó cũng là một trong Thánh địa của Phật giáo và Thiền tông Trung Hoa). Lúc mới bắt đầu nhập định, ngài Bồ Đề Đạt Ma có chút hôn trầm (Buồn ngủ). Nên Ngài mới lấy tay giật vài sợi lông mi của Ngài cho tỉnh ngủ. Mấy sợi lông mi của Ngài giật ra, quẳng xuống đất sau này mọc lên một loại cây mà ai hái lá cây ấy sắc nước uống đều có vị chát và bị mất ngủ, tỉnh như sáo dù đêm hay ngày… Người đời sau gọi đó là cây Trà. Dần dần cây lá trà được trồng trọt thâm canh coi như là một thứ thức uống „Ăn chơi và nghiện ngập“  dành cho người không thích ngủ…hì hì….

Cũng vì truyền thuyết này mà hình ảnh của Đức Bồ Đề Đạt Ma sau này được người đời mô tả lại bằng tranh vẽ hay tượng tạc đều có đôi mắt to long lanh, kiên định và sắc dữ dưới đôi mày rậm sề cùng hàng lông mi thướt mướt dài. Hậu duệ đời sau của Thiền tông Đông độ cũng từ đó mà rất coi trọng việc uống trà và từ đó mới nảy sinh ra „Trà đạo“ hoặc „Thiền trà“…v..v…

Xưa kia, dân làm nghề gốm sứ, làm ấm, tách… cho „trà đạo“ không phải ai cũng có gan liều lĩnh đưa hình ảnh của Bồ Đề Đạt Ma vào trong sản phẩm của mình đâu. Có lời nguyền nói rằng, nếu đất sét không phải là loại tinh khiết thượng hảo hạng, tay nghề không phải là bậc kiệt xuất mà làm đồ gốm sứ cho việc uống trà có nặn thêm hình ảnh của Bồ Đề Đạt Ma lên sản phẩm của mình thì ắt có ngày diệt vong vì táng gia bại sản. Vì vậy để sở hữu một cái ấm, một cái ly uống trà có hình ảnh của Sơ tổ Thiền Tông là phải có thiện duyên và căn cơ mới có được.  Tuy nhiên sau này ở thời „Mạt pháp“ người ta ít chú trọng đến „lời nguyền“ này, và vì lợi nhuận kinh tế trước mắt, người ta bất chấp việc „tổn phước“ mà cứ nặn bừa hình ảnh của người „khai sơn“ ra lá Trà lên tách ấm để kinh doanh. Bởi vì lẽ này, nếu ai may mắn có được một cái ấm hay một cái tách, ly…làm bằng đất sét loại thượng thặng từ thời cổ xưa, ắt cũng là thứ trân quí được kiến tạo ra từ đôi bàn tay của bậc Nghệ nhân xuất chúng.

Tôi có duyên có được một cái ấm làm bằng đất „tử sa“ của một Nghệ nhân là truyền nhân của một dòng họ gốm sứ nởi tiếng của Trung Quốc. Và hiện đang sử dụng một cái chén cổ làm bằng đất sét banko của Nhật Bản. Mỗi khi dùng cái chén banko này để uống danh trà, tôi thường khát khao một ngày nào đó sẽ có được một cái ấm banko yaki chính hiệu từ các thế kỷ trước.

Nghe „đồn“ rằng, trước Tết nguyên đán Nhâm Dần, tôi sẽ có được cái ấm banko yaki huyền thoại này. Cái ấm đã được gửi đi và đang trên đường đến Đức Quốc…

Hồi hộp kinh người!!!!

04.01.21

Thuận Nghĩa

SHARE