….
Mãi đến năm 2016, thằng Văn, em họ của tôi mới lấy xe của chị Cả chở tôi từ Huế ra Đông Hới và giúp tôi quay lại Cộn vào trong đ̣oạn đường 15 ngày nào tìm lại nhà Thầy Hứa. Thầy Hứa đã về hưu và chuyển về quê tổ ở Ba Đồn. Tôi hỏi dò mãi mới biết bé Hới lấy chồng và có một khách sạn mini ở gần ga Đồng Hới. Thằng Văn trước sống ở Đồng Hới nên thành thạo đường ngang ngõ tắt khi Đồng Hới đã thay đổi sau gần 40 năm. Văn và tôi loay hoay cả buổi chiều mới tìm thấy cái khách sạn mini của bé Hới. Tôi từ từ tiến vào chỗ lễ tân và kéo mũ xuống giả vờ thuê phòng trọ. Người đàn bà luống tuổi đứng trong bàn lễ tân, ngước nhìn tôi….và gần như không có chút đắn đo nào gọi ngay tên tôi và chạy ra ôm chầm lấy tôi. Đó là Hới, em nhỏ buộc tóc bím gà ở trong ảnh đính kèm. Người đứng cạnh tôi là Huyền….
Đêm đó tôi ở lại khách sạn của nhà Hới. Sau khi dùng bữa tối , .tôi bảo Hới gọi cho Huyền. Đằng kia Huyền hỏi, ai đó. Tôi trả lời Nghĩa. Huyền lại hỏi Nghĩa nào. Tôi cười, bộ em quen nhiều người tên Nghĩa lắm hả….Tôi nghe đằng kia có tiếng nấc nghèn nghèn cùng tiếng trẻ nhỏ hỏi….Bà nội làm sao đấy….
Ngày hôm sau, tôi cùng vợ chồng Hới, và Huyền ra Ba Đồn thăm thầy Hứa và Cô….Thầy đã trên 90 tuổi không còn nhớ tôi nhiều lắm. Còn mẹ của Huyền thì không quên một chi tiết nào….Bà cứ tuồn tuột kể hết chuyện của ngày xưa…. Tôi quay sang hỏi Huyền, bộ chuyện gì em cũng kể cho Mẹ nghe hết hả. Huyền bảo đâu có. Cái Hới hất mái tóc hoa râm cười hì hì nói…em kể cho Mẹ nghe đấy. Tôi cú đầu Hới nói, em thì biết gì mà kể. Hới xuýt xoa…ui chao, sao anh cú đầu em mạnh thế…dù gì sang năm em cũng có cháu nội rồi đấy nhé….
Hì hì hầu như tất cả những người tôi có nhắc tên trong câu chuyện “Không Có Số Báo Danh”..đều là Fan Faceebok hiện nay của tôi….có người còn siêng comment ra phết…
“KHÔNG CÓ SỐ BÁO DANH” (ChuyệN đờI)
Đến bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn nằm mơ thấy mình đi thi. Ở trong mơ, khi thì đi thi cái này, khi đi thi cái nọ. Nhưng giấc mơ nào cũng có chuyện tôi bước vào phòng thi muộn vì không có số báo danh.
Chỉ thỉnh thoảng mới nằm mơ thế thôi, nhưng bao giờ cũng để lại cảm giác bất an và ấn tượng sợ hãi rất mơ hồ.
Tôi có Diplom về Phân Tâm Học của Đức, nên cũng khá quan tâm đến hiện tượng này. Vì vậy khi nào có giấc mơ này, tôi đều ghi chép lại, ngày tháng của đêm nằm mơ, và ghi lại những sự kiện của đời sống trong những ngày gần đó.
Có một điều chắc chắn là hầu như tất cả những lần tôi nằm mơ về loại giấc mơ này, giấc mơ vào phòng thi muộn và không có số báo danh ấy, đều nhằm vào thời điểm trăng tròn. Có nghĩa đều nhằm vào 3 ngày: 14, 15, và 16 Âm Lịch.
Tôi thuộc vào hệ người chiếm tỉ lệ 12% dân số trái đất, là những người có mắc một căn bệnh khá mơ hồ gọi là Hội Chứng Trăng Tròn (Vollmond Syndrom).
Những người có hội chứng này vào những đêm trăng tròn thường hay bồn chồn mất ngủ, trạng thái tâm lý rất nhạy cảm và có phần yếu đuối. Những người mắc chứng này, nếu có bệnh về phong thấp, bệnh suyễn..hoặc bệnh kinh niên thì đến thời điểm trăng tròn lại trở nặng.
Tôi thuộc loại bị chứng này khá nặng. Hầu hết những người bị hội chứng này biết bệnh rất muộn, hoặc là không để ý đến nhịp điệu sinh học của mình nên không biết mình bị chứng này. Nhưng tôi thì biết mình bị chứng này rất sớm, từ khi tôi còn nhỏ, Ba tôi đã nói với tôi điều đó. Có lẽ là ông nói theo kinh nghiệm dân gian thôi, chứ khái niệm bệnh lý này trong các sách Y khoa kinh điển rất ít nhắc đến.
Tôi ngủ rất ít, mỗi ngày trung bình từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ. Ngủ ít nhưng giấc ngủ sâu. Đây không phải là bệnh mất ngủ. Mà ngủ ít nhờ luyện tập. Cũng cỡ khoảng 25 năm nay đã như thế. Nhưng riêng 3 ngày trong thời điểm trăng tròn tôi hoàn toàn không ngủ. 3 ngày không ngủ này mới thực sự là bệnh lý của hội chứng trăng tròn.
Vào thời điểm trăng tròn, tính tình tôi có thay đổi chút ít, có thể gọi là bị trầm cảm nhẹ. Nhu cầu được sẻ chia tăng cao, yếu đuối và nhu nhược hẳn đi. Thông thường đúng dịp trăng tròn do nhu cầu được sẻ chia tăng cao nên tôi viết khá nhiều. Thường trong dịp này tôi viết trung bình khoảng 100 đến 300 trang viết, và khoảng 15 đến 20 bài thơ.
Những trang viết trong giai đoạn này đa số là cảm xúc về dĩ vãng, hoài niệm và buồn. Còn thơ “sản xuất” ra trong dịp này thì rối rắm khó hiểu và không có hệ thống. Đa số thơ post ở vnthuquan.net và vietshare.com của tôi đều có tên chung là “Thơ Ngày Hội Chứng Trăng Tròn” và đánh số theo ngày tháng Âm lịch.
Thực sự trong mấy ngày trăng tròn, tôi điên thật. Cũng có thể đó là “cơn điên” sáng tạo. Vì những bức tranh bán được giá, những thành quả của nghề nghiệp và kể cả những bế tắc của đời sống đều được hóa giải có hiệu quả trong giai đoạn này.
Một đặc điểm của riêng tôi nữa là “hội chứng trăng tròn” của tôi càng trở nên thậm tệ vào những dịp trăng tròn của mùa Thu.
Quay trở lại giấc mơ “không có số báo danh” của tôi. Giấc mơ đó có lẽ là ám ảnh của quá khứ, ám ảnh của ngày tôi đi thi đại học. Ám ảnh đó được khơi dậy lúc trạng thái tinh thần của tôi yếu đuối nhất. Vì vậy mà những giấc mơ kiểu ấy, thường xảy ra trong dịp trăng tròn.
Tôi được đi học lại lớp 10 (lớp cuối cấp 3 ở miền Bắc thời bao cấp) là do một quá trình bền bỉ thuyết khách kiểu “tam cố thảo lưu” của Thầy chủ nhiệm với Ba thôi. Vì quá nể sự nhiệt tình của Thầy mà Ba tôi cho tôi tiếp tục đi học lại. Tôi vào học lớp 10D cấp 3 Lệ Thủy (Lớp này do lão Sao Hồng làm bí thư chi đoàn và thằng Hoàn làm lớp trưởng).
Nhưng rồi, học gần hết học kỳ 1 thì Ba tôi lại đốt hết sách vở không cho tôi đi học nữa, với lý do chữ tôi viết quá xấu, đằng nào thi cũng trượt, học làm gì cho tốn cơm (Mặc dầu ngày ấy tôi có một trí nhớ cực siêu, nhưng tôi không thể nào viết được chữ Việt quốc ngữ. Ngược lại tôi viết chữ Nôm và chữ Hán cực đẹp trong khi không hề học qua một trường lớp nào về chữ tượng hình, tôi hiểu và viết được chữ Nôm là do đọc sách cổ…hè hè ..)
Bỏ học giữa chừng, tôi về đi đốt lò vôi và đúc gạch bê tông cho HTX Thủ Công Nghiệp.
Thầy chủ nhiệm vốn rất thương tôi, thầy khuyên tôi nên tập viết lại a,bc, trong sách vỡ lòng. Tôi nghe lời thầy. Và từ đó ngày thì làm xã viên HTX, tối đến tôi đóng giấy bao xi măng lại từng tập và bắt đầu tập viết từ Ò Ó O…và: ..a.. cờ..a..cờ..cờ a.. CA, cho đến ênh lênh khênh, cái gì cao lớn lênh khênh, đứng mà không tựa ngả kềnh xuống sân….Hoặc là: Chó bảo gà, gà định vào vườn rau, chó bèn sủa gâu gâu, công lao người trồng trọt, gà không được vào đó, để phá hoại hoa màu…Tập viết đi viết lại hoài, cho đến bây giờ đã gần 40 năm rồi tôi vẫn còn nhớ như in từng bài trong cuốn tập đọc vỡ lòng của hồi ấy.
Thằng Hào (Sao Hồng) và thằng Hoàn theo lệnh Thầy chủ nhiệm, làm hồ sơ cho tôi được dự thi thí sinh tự do. Lần đó nhờ gần 6 tháng trời tập viết chữ, tôi thi đậu tốt nghiệp phổ thông
Tôi bị buộc bỏ học, vì vậy việc thi tốt nghiệp phổ thông và làm hồ sơ thi vào Đại Học hoàn toàn được giữ bí mật. Việc này chỉ có Thầy chủ nhiệm, thằng Hào, thằng Hoàn và thêm thằng Diệu và Thiên biết nữa mà thôi.
Đến ngày thi Đại Học. Vì phải xuống tận Đồng Hới để thi, nên tôi không có điều kiện đi. Vừa đi vừa về, vừa thi cử nữa ít nhất cũng phải mất 3 ngày. 3 ngày đó phải đem theo gạo, tiền và tìm nhà ở trọ ở dưới ấy. Tôi trốn đi thi nên không có gạo mang theo.
Thằng Diệu được lệnh của Thầy, mang hồ sơ đi thi đến cho tôi. Tôi nói, e tau không đi được mì nờ. Hắn hỏi vì sao, tôi nói, không có gạo. Hắn hỏi mi nhịn không được à. Tôi nói, nếu tau được ăn một bụng no thì tau có thể nhịn được 3 ngày, nhưng đã mấy ngày ni tau ăn được có mấy chén bo bo thôi, chừ còn đói thấy mạ đi đây, mần răng nhịn được 3 ngày. Thằng Diệu thở dài, bớt phần mang theo của nó cho tôi mấy loong.
Tiền không có xu nào trong túi, tôi đành nhảy tàu chợ lậu vé xuống Đồng Hới. Dưới đó chẳng có ai quen, hơn nữa có quen cũng không dám ở nhà người ta, vì có mỗi 3 loong gạo, làm sao mà dám mở miệng nhờ cậy.
Vậy là tối đó khi cuốc bộ từ ga Đồng Hới lên tới thị trấn Cộn, tìm đến được trường cấp 3 trên Cộn, nơi mà tôi có giấy báo thi ở đó. Hình như trường đó gọi là trường cấp 3 Nghĩa Ninh thì phải. Trường nằm bên tay phải từ chợ Cộn đi lên, qua khỏi ngã tư Đồng Sơn, chỗ trường Sư Phạm 10 cộng 3 và hiệu sách Đồng Hới nhằm hướng đài Nghĩa Trang Liệt Sĩ ở cuối đường.
Tìm được trường rồi, nhưng tối đó tôi không biết ở đâu, vậy là lòng vòng đi lại mấy lần chờ trời tối hẳn, tôi lên nghĩa trang, bẻ lá bạch đàn lót dưới đất nằm ngủ với mấy chú Liệt Sĩ . Đêm đó trước khi đem gạo sống ra nhai, tôi còn biết rãi ra xung quanh một nắm, và cầu mấy Chú phù hộ cho thi đậu.
Sáng, vào trường tìm phòng thi, tìm mãi cũng không thấy có tên mình. Tôi hốt hoảng chạy đôn chạy đáo hết chỗ này đến chỗ khác. Cuối cùng ban giám thị nói, không có số báo danh.
Tôi sững sờ thất vọng, ôm mặt khóc, và thầm nghĩ chắc tối qua ngủ ở Nghĩa Trang, xúc phạm gì mấy chú Liệt Sĩ, nên mấy chú trù hại mới nên nông nỗi vậy. Tôi chấp tay khấn mấy chú liên hồi. Cuối cùng hình như cũng có hiệu nghiệm. Ban giám hiệu tìm ra số báo danh của tôi trong số thí sinh tự do.
Buổi sáng thi Toán, chiều thi Lý, còn môn Hóa sáng hôm sau mới thi. Tối đó tôi không dám lên Nghĩa Trang ngủ nữa, sợ mấy Chú trù, nên tôi lang thang đi về phía sân vận động Cộn.
Phía sau sân vận động, có con đường đi lên phía rừng đồi, hình như đường 15 thì phải. Là một trong những con đường nổi tiếng trong chiến tranh, là con lộ chính của đường mòn Hồ Chí Minh.
Tôi lang thang ra đó tìm nước uống để chiêu với gạo, nhai cho dễ nuốt.
Qua khỏi sân vận động một đoạn, đến đoạn đường vòng quanh một cái hồ lớn. Có một dòng suối nhỏ bắt nguồn từ cái hồ ấy chảy xuôi về phía Nghĩa Ninh. Tôi ngồi bên hồ vừa nhai gạo vừa bụm nước uống cho qua bữa.
Trời mùa hè, đêm xuống chậm, tôi lại tiếp tục lòng vòng dọc con đường đó đi về phía núi. Đi khoảng độ 1 cây số thì gặp 2 em gái nhỏ bày hàng bán bên đường. Một đứa khoảng bảy tám tuổi, một đứa khoảng 10 tuổi. Các em bày bán các thứ hoa quả trong vườn và bán nước chè xanh. Hoa quả chủ yếu là chanh, ổi và khế.
Tôi sà xuống bên các em và trò chuyện. Tính tôi hay bông lơn, lại có biệt tàii kể chuyện sách từ nhỏ, nên chẳng mấy chốc mà quen thân. Các em hỏi tôi ở đâu làm gì ở đây. Tôi kể cho các em chuyện tôi đi thi, chuyện ngủ ở Nghĩa Trang và đến đây để tìm nước uống. Các em cứ há hốc mồm hỏi, ngủ trên Nghĩa Trang có gặp ma không. Tôi trêu các em là được mấy Chú ma Bộ Đội mời ăn một bữa no nê. Hai đứa cười rất hồn nhiên
Bé lớn ghé tai bé nhỏ thì thầm mấy câu, rồi lấy cho tôi hai trái ổi. Tôi không lấy, chỉ xin các em bát nước. Bé lớn cứ bắt tôi phải lấy, em nói là của vườn nhà, chứ không phải buôn bán nên không sợ lỗ vốn. Đang đói bụng, các em lại quá nhiệt tình nên tôi đành miễn cưỡng lấy.
Nhưng lấy không của các em thì ngại. Sẵn các em có con dao nhọn cắt hoa quả. Tôi mượn và tiện một nhánh bạch đàn gần đó. Tôi vốn có hoa tay, thích đẽo gọt từ hồi bé. Vì vậy tôi hỏi các em sinh năm nào. Em lớn sinh năm 1966 là năm con ngựa. Tôi gọt cho em một con ngựa bé xíu bằng ngón tay, rồi gọt cho bé nhỏ một con lợn vì em sinh năm 1971.
Bé nhỏ thấy tôi tiện nhanh mà đẹp quá nên nói, anh tiện cho chị Huyền con cọp đi, chị Huyền sinh năm 1962. Tôi hỏi chị Huyền nào, em nói là chị của em, năm nay học lớp 8.
Vì trời đã tối các em phải dọn hàng và tôi cũng không thấy đường gọt nữa, nên tôi hẹn các em ngày mai thi xong sẽ ra gọt con cọp cho chị Huyền.
Tối đó, tôi lại bẻ lá bạch đàn trải ở một gốc sân vận động nằm ngủ. Có hai trái ổi của các em cho nên cũng ấm dạ.
Hôm sau thi xong, tôi lại đến chỗ các em để gọt con cọp trả nợ cho các em. Đến nơi, thấy ngoài các em ra còn có một người đàn ông trung niên và một cô bé trạc khoảng mười lăm, mười sáu gì đó nữa.
Người đàn ông trung niên nét mặt hiền hậu đó chính là Ba của các em, còn cô bé kia là chị Huyền của các em. Người đàn ông thân mật kéo tôi ngồi xuống bên quán và hỏi chuyện. Ông ta nói, nghe các em về kể, hôm qua cháu đi thi Đại Học không có chỗ trú phải ngủ ở Nghĩa Trang và nhai gạo sống phải không. Tôi bẽn lẽn gật đầu. Ông ta rơm rớm nước mắt. Và cô bé kia thì khóc hu hu và chìa ra 1 cái cặp lồng cơm.
Người đàn ông đó là thầy Nguyễn Văn Hứa. Giáo viên bộ môn Tâm Lý Học của trường Sư Phạm 10 cộng 3 Đồng Hới. Tôi có rất nhiều bạn học cũ, tốt nghiệp từ trường này ra . Sau này tôi hỏi, ai cũng biết Thầy.
Thầy Hứa có đến 7 cô con gái lận. Huyền là con thứ 3, em bé lớn mà tôi kể tên là Tứ, thứ 4, và em bé nhỏ tên là Hới, thứ 5.
Buổi chiều hôm đó, tôi gọt cho Huyền một con cọp bé bé xinh xinh cũng từ cành bạch đàn, và từ giã họ ra về. Dù mới quen có một phút chốc ngắn ngủi đó, nhưng chúng tôi ra vẻ quyến luyến lắm. Thầy Hứa bảo Huyền lấy xe đạp chở tôi ra ga, nhân tiện ghé lại chỗ Mẹ của Huyền làm việc ở trạm máy kéo trên đồi Mỹ Cương lấy rau về luôn thể.
Huyền về lấy xe đạp chở tôi ra ga. Trước lúc nhảy lên tàu, tôi gọi với lại, nhớ giữ mấy con thú anh gọt nhé, một ngày nào đó anh sẽ về thăm, xem các em nuôi chúng lớn như thế nào.
Mấy tháng sau, tôi có giấy báo đi học chuyên nghiệp. Và tôi đã làm một cuộc đào tẩu, rời khỏi quê hương, mảnh đất mà hồi ấy tôi ra đi với lòng oán hận. Vì ở đó đã chất chứa lên tuổi thơ của tôi sự cay cực, đói rét, đòn roi và côi cút.
7 tháng sau khi tôi trốn nhà đi học, Ba tôi buồn phiền và gục xuống trong một cơn đột quị bên đường tàu, khi ông đứng đó ngày này qua ngày khác để đợi tôi về. Ông trút hơi thở cuối cùng khi bàn tay còn viết dở dòng chữ lên phản, trăng trối với các anh chị tôi, hãy chăm sóc em các con dùm ba, ba có lỗi với nó.
Ba mất, sợi dây cuối cùng nối tôi với nơi chôn rau cắt rốn đã đứt. Từ đó tôi dấn thân vào kiếp giang hồ. Quê Hương trở thành vời vợi trong nỗi nhớ. 35 năm nay, tôi chưa trở về lại đó. Tôi sợ những ký ức buồn đau thưở ấy lại dồn về.
Mùa hè năm 1978 tôi trở lại Cộn thăm thầy Hứa và mấy em gái nhỏ. Bát cơm “Phiếu Mẫu” ngày nào và hai trái ổi ân tình ấy đã làm cho tôi gắn bó với mảnh đất Đồng Hới.
Dạo đó tôi đã bắt đầu rơi vào dòng xoáy của dân bụi đời. Nhưng sợ thầy Hứa thất vọng về tôi, sợ các em sụp đổ niềm tin yêu, nên tôi giấu kín thân phận. Chính vì vậy mà có dạo tôi bỏ đi biền biệt như mất tích.
Huyền được thầy Hứa đồng ý và chu cấp lộ phí đi tìm tôi khắp mọi nẻo đường của đất nước. Khi thì ở Vinh, khi thì ở Hà Nội, khi thì ở Playku… khi ở Huế, nơi đâu có in dấu giang hồ của tôi đi qua, Huyền đều đến đó để tìm. Lần thì không có duyên để gặp, lần thì tôi đang ở tù nên tôi ngại gặp. Vì vậy không có lần nào Huyền gặp được tôi.
Sau này tôi gặp được ân sư, được người dìu dắt về con đường chính đạo. Khi theo Thầy đi tìm cây thuốc ở vùng núi Quảng Bình, tôi có ghé lại thăm gia đình Thầy Hứa. Lúc đó Huyền đã đi học Sư Phạm Mẫu Giáo ngoài Phủ Lý.
Ngày tôi dừng bước giang hồ và lập nghiệp ở Huế. Tứ (em kế Huyền, thứ 4) có đến chỗ tôi trú ngụ để thi Đại Học.
Sau này Hới (thứ 5) cũng vào chỗ tôi ở để ôn thi Đại Học.
Ngày tôi đi xuất ngoại, tôi không về quê mà chỉ ghé về thăm thầy Hứa rồi đi. Ngày đó chỉ còn Hới ở nhà. Tứ đã lấy chồng và lập nghiệp ở Buôn Mê Thuật. Huyền cũng đã lấy chồng và có 2 con trai, lúc ấy đã xây nhà riêng ở dưới Hải Thành.
Thầy Hứa, pha trà mời tôi uống và nói cho tôi một bí mật. Ngày Huyền đi lấy chồng, Huyền nói với Thầy, khi nào tôi ghé về thăm thì nhắn với tôi rằng, Huyền mãi mãi chôn chặt mối tình đơn phương và mang xuống tuyền đài với con hổ được gọt bằng gỗ bạch đàn.
Đã mấy lần tôi định nhờ Mục Đồng Đoàn Hải thăm dò tin tức của những người ấy cho tôi. Vì từ khi tôi xuất ngoại đến nay tôi đã mất liên lạc với họ. Nhưng tôi nghĩ, rồi một ngày nào đó tôi sẽ về, và tự tôi đi tìm họ. Nên không nhờ Mục Đồng nữa.
Thỉnh thoảng hay đôi khi, vào mùa trăng tròn, mùa mà ký ức hay dồn về. Tôi lại nhớ họ, nhất là Huyền.
Số tôi vậy đó, lúc nào cũng gặp được người hiền lành ân nghĩa và dịu dàng. Nhưng có lẽ định mệnh đã bắt tôi “Không Có Số Báo Danh” trong cuộc thi quan trọng nhất của đời người là “Cuộc Thi Hạnh Phúc Hôn Nhân”.
Tôi tin rằng nếu định mệnh cho tôi “Số Báo Danh” trong cuộc thi này, chắc chắn tôi sẽ thi đậu để dành cho mình chức “Trạng Nguyên” của hạnh phúc.
16.07.11
TN