Home Khí công “HẮC HỔ XUẤT ĐỘNG” – Tâm Pháp (Cung cấp Video & tư...

“HẮC HỔ XUẤT ĐỘNG” – Tâm Pháp (Cung cấp Video & tư liệu Khí Công trị bệnh).

4452
0

Như đã hẹn, hôm nay 25.01.21 vào lúc 18 giờ (Theo múi giời Việt Nam) tôi sẽ trực tuyến tại ứng dụng “Phát trực tiếp” của Facebook (Livestream) để hướng dẫn cho cộng đồng yêu thích Sức khỏe và đặc biệt là tin tưởng lĩnh vực “Tự chữa lành” (Bác sĩ tự thân) bài tập Khí công “Hắc hổ xuất động”. Thiết nghĩ, cũng nên cung cấp một số thông tin về “Hắc hổ xuất động” cho bà con tìm hiểu trước cho khỏi bỡ ngỡ.

1/ XUẤT XỨ:

“Hắc hổ xuất động” là môn công phu của Y gia và có nguồn gốc khá rắc rối (Theo tôi nghĩ).

Lần đầu tiên tôi học được “Hắc hổ xuất động” là vào năm 1982 tại chùa Trúc Lâm- Huế, do Hòa thượng Thích Mật Hiển chỉ dạy cho. Hồi đó tôi đang học “Lục tự quyết” với Sư phụ tôi. Khi được Sư phụ dẫn lên chùa Trúc Lâm vấn an “Ôôn Trúc Lâm” (Sư ông Thích Mật Hiển). Lúc thấy tôi cứ dướn cổ lên tán thông gầm gào Hi…Hô…Ha… Ôôn Trúc Lâm hỏi, con làm gì cấy chi rứa, tôi trả lời là đang luyện môn “Chỉ âm đoạt điệp” (Cách không hái lá). Ôôn cười nói, tào lào, không có chuyện nớ mô, để Ôôn chỉ cho con cấy ni hay hơn. Và Hòa thượng dạy cho tôi “Hắc hổ xuất động”. Theo như Hòa thượng Mật Hiển nói thì “Hắc hổ xuất động” là môn công phu luyện “nói bụng” (Truyền âm nhập mật) của người Bắc Ấn, Sư ông học được từ khi theo học Mật tông với một Thiền sư Tây Tạng ở trong Quảng Ngãi.

Lúc về, Sư phụ tôi nói, Ôôn Trúc Lâm nhớ nhầm, chứ “Hắc hổ xuất động” là của môn dưỡng sinh của Thái y viện ở trong Nội, dùng để trị chứng ăn khó tiêu, táo bón… cho người Hoàng tộc, hồi nhỏ Sư ông Trúc Lâm có theo Hoàng tử Đản (Vua Khải Định) vào cung và được các quan Ngự y dạy cho để phòng thân khi ăn uống khó tiêu. Lúc Sư ông Trúc Lâm dạy cho tôi “Hắc hổ xuất động” thì không có thức thứ 3 là thức “Quần vân chỉ”. Sư phụ tôi chỉ điểm lại theo nguyên bản của Thái Y Viện thì có “Quần vân chỉ”.

Sau này trước khi Sư phụ tôi viên tịch, có gửi gắm tôi học nghệ ở chỗ thầy Trần Tiễn Hy ở dưới Bao Vinh. Thầy Trần Tiễn Hy lại nói “Hắc hổ xuất động” là do Ông nội của Thầy là quan Thượng thư bộ lại Trần Thọ Tường thời vua Thành Thái để lại.

Sau này khi đàm đạo võ thuật với ông Ba Cẩn, chưởng môn phái võ “Bạch Hổ” ở dưới An Cựu thì ông Ba Cẩn lại nói “Hắc hổ xuất động” là nội gia của môn phái “Bạch Hổ”.

Nói tóm lại là rất rắc rối, cuối cùng thì tôi cũng không biết nó xuất xứ từ đâu. Nhưng tôi rất tâm đắc với công dụng của “Hắc hổ xuất động” với khả năng điều tiết và chữa lành các triệu chứng bệnh lý của các cơ quan nội tạng ở vùng bụng dưới. Sau này tôi ứng dụng “Hắc hổ xuất động” như một “Vị thuốc” đặc hữu để phối hợp chữa lành các chứng các chứng như sa đì, sa tử cung, tiền liệt tuyến, táo bón, trĩ nội, trĩ ngoại, trào ngược dạ dày, lạc nội mạc tử cung…v..v…

“Hắc hổ xuất động” tôi đã có phổ cập trên mạng Youtube vào khoảng 10 năm về trước, với phiên bản “miên trảo” đặc trị về bệnh sa đì và hỗ trợ điều trị Ung thư đại trường.

2/ TÂM PHÁP:

“Hắc hổ xuất động” không phải là một công phu đặc biệt, nó chỉ đơn thuần là một bài tập ngắn chỉ có 3 động tác tập lặp đi lặp lại nhiều lần qua 2 bên trái và phải.

“Hắc hổ xuất động” một biến (1 lần tập cho 1 bên tả hoặc hữu) bao gồm 3 chiêu, mỗi chiêu có 3 thức, mỗi thức ứng với một hơi thở. Có nghĩa là 1 biến của “Hắc hổ xuất động” có cả thảy 9 Hơi thở. Qua trái, qua phải, liên tục lặp đi lặp lại nhiều lần nên trong Y thư của Thái Y Viện mới còn gọi “Hắc hổ xuất động” là “Cửu chuyển huyền sư” (Sư tử đen 9 lần chuyển động). Và Tâm Pháp của “Hắc hổ xuất động” sau này được tôi đúc kết lại trong quá trình tập luyện và ứng dụng bằng 2 câu “kệ” lục bát dưới đây:

“Náo sơn, Hoạt thủy, Quần vân

Ngịch tức, Đảo chỉ hí gầm huyền khê”.

Câu “kệ” này ám chỉ các chiêu, thức trong 1 biến của “Hắc hổ xuất động” đó là:

– Náo sơn trảo

– Hoạt thủy chưởng

– Quần vân chỉ

Trong “Hắc hổ xuất động” có sử dụng một hơi thở ngược, khi vận công sử dụng chiêu “Hoạt thủy chưởng” nên trong câu “kệ” có từ “Ngịch tức”. Và đặc biệt có kỹ thuật phóng chỉ (Búng ngón tay) của 2 ngón cái và ngón trỏ (Kinh Phế và kinh Đại trường) nên mới có thêm 2 chữ “Đảo chỉ”.

“Hắc hổ xuất động” vốn dùng tự quyết ngoại âm là HI và HÔ để gầm hí khi bạt chưởng và phóng chỉ (Không bắt buộc). Âm quyết HI thuộc hành Kim, âm quyết HÔ thuộc hành Thổ. Một hành sinh ra hành Thủy, một hành lại khắc chế hành Thủy. Bị một “Sinh”, một “Khắc” nên hành Thủy mới “kích hoạt, vận động” mãnh liệt mới có cụm từ “huyền khê”. “Huyền khê” cũng có nghĩa ám chỉ về “Âm thủy” (Thận), và cũng có nghĩa ám chỉ về “Chân âm” nên bài tập này mới có tên là “Hắc hổ” (Rồng bên trái tượng Dương, Hổ bên phải tượng Âm: Tả thanh long, hữu bạch hổ).

….

Viết ra cho mọi người biết chơi cho vui vậy thôi. Lý thuyết nó rối rắm phức tạp lắm. Lúc trì luyện, cảm thọ được động tác thì lúc đó mới thấu ngộ được “Hành giả” khác với “Học giả” ở chỗ nào…hì hì…nó cực kỳ đơn giản chứ không “rối rắm” tù mù như vụ “phiêu chữ” đâu…

3/ TRẢI NGHIỆM LÂM SÀNG

Có ít nhất 7 người đã được tôi trực tiếp hướng dẫn “Hắc hổ xuất động” để hỗ trợ điều trị bệnh Ung thư đại trường, Phì đại tiền liệt tuyến, bệnh sa đì và trào ngược dạ dày, hiện nay vẫn là những người tương tác thường xuyên trên FB này của tôi. Nếu các bạn không ngại, thì có thể comment vào statut này cho bà con biết kết quả tập luyện của các bạn để cho “họ” có hứng thú tập luyện nhé. Cảm ơn!!!

Hẹn các bạn 18 giờ chiều nay để trải nghiệm cùng Lão phu “Hắc hổ xuất động” nhé!!!

25.01.21

Thuận Nghĩa

(Ảnh minh họa lấy trên mạng)

SHARE