Home Ký sự GIỌT TÌNH (truyện ngắn)

GIỌT TÌNH (truyện ngắn)

5734
0

Cho đến bây giờ tôi vẫn không biết đó là cái gì. Nhưng cái cảm giác ươn ướt, nhơm nhớp, lành lạnh… thì tôi không thể nào quên được.

Không biết nó là cái gì, nhưng chắc chắn đó là một giọt. Có thể là giọt sương chiều se sắt heo may cuối thu của Tràng An rơi xuống. Có thể là giọt nước Tây Hồ, sóng vỗ ập vào kè đá mà bắn lên. Mà cũng có thể là giọt nước mắt thương cảm Hà Thành của tôi lăn về trên gò má.

Không biết nó là cái gì, nhưng chắc chắn là nó ươn ướt, nhơm nhớp, lành lạnh, mằn mặn và tanh tanh mùi cá.

Hôm đó, tôi chắp tay sau lưng lững thững đi sát hạch các nhóm tập đánh nhục quế khinh câu. Khi đến nơi một nhóm đàn ông trải nệm ở một góc khuất trong hội trường. Nhìn thấy họ có vẻ uể oải lơ là, tôi buông thõng một câu:

– Sao mặt trời chưa xế bóng mà trên mặt của ai cũng hiện rõ hàng chữ “độ nhậu chiều” cả vậy.

5 cặp mắt đều hướng vào tôi kinh ngạc, rồi cả 5 cặp mắt đảo đảo nhìn nhau. Tôi quàu quạu quay đi.
– Thầy…!!!
– Gì?
– Bọn em hẹn nhau sau khi tan khóa, chiều nay sẽ gầy độ nhậu. Bọn em vừa bàn xong, chỉ thì thầm thầm với nhau thôi, tại sao Thầy lại biết. Không lẽ Thầy có thiên nhĩ thông thật à?
– Thông… thông… cái đầu anh ấy, ̣đàn ông Việt thì xế chiều nào trên mặt….có ai lại không hằn lên chữ “nhậu” đâu.
– Ồ…ồ…!
– Ừ….ừ….!

Tan khóa, tôi đút tay túi quần tà tà đi ra phía Hồ Tây. Mà đúng thật. Cho dù là bịt khẩu trang hay không bịt khẩu trang. Cho dù là tay ga hay đạp số. Cho dù là ngồi trên vô lăng hay đi bộ. Cho dù từ bọn kin kin cho đến người lụm khụm. Cho dù là người hối hả hay người thông thả…tất tần tật trên mặt người đàn ông nào cũng có thoáng hằn chữ ấy. Kinh thật!… Việt thật!!!…

Đến chỗ cuối gần đường Thanh Niên, nhìn xéo sang phía hồ Trúc Bạch, suốt cả con đường ven hồ song song với đường Yên Phụ đã thấy nhốn nháo kìn kịt chiếu ngồi. Lẩu đấy, nhậu đấy… hình như có cả bia Hải Xồm ở đó nữa…kinh thật…Việt thật…..

Định đến quán chay Thường Trúc nơi ngõ Trúc Lạc, nhưng nghĩ là phải đi qua xuyên qua biển nhậu ấy. Ngại. Tôi vòng lại hướng Chùa Trấn Quốc.

Trên ghế đá bên vệ đường đối diện với cổng Chùa Trấn Quốc tôi bất chợt thấy một khuôn mặt đàn ông không có hằn chữ nhậu. Ơ hay!!!, giờ này mà vẫn có đàn ông không nghĩ đến “độ nhậu chiều” nhỉ. Lạ!

Ngồi xuống bên cạnh, và cũng buông tầm mắt bâng quơ nhìn sang cổng Chùa, tôi hỏi
– Không đi nhậu à?
– Nhậu gì bác, em đang buồn đứt ruột đây này
– Buồn nên muốn cạo đầu đi tu hả?
– Em hả, em có mà tu hú
– Không nhậu, không tu, nên buồn à?
– Đâu có, em bị vợ đuổi ra khỏi nhà mấy hôm rồi
– Sao vậy, khổ, lại cuối tháng nhận lương, gầy độ nhậu chiều với đồng nghiệp, húng lên lỡ tay vung gần hết tháng lương nên vợ nó đuổi ra khỏi nhà chứ gì
– Ơ,::: bác này ma nhể, sao bác biết tỏng hết vậy
– Ma giề, thường mà, đàn ông Việt, ai mà chả có trải nghiệm đó một vài lần.
– Bác chỉ được cái nói đúng
– Vợ đuổi mấy ngày rồi
– Hôm nay nữa là 3, mấy hôm rồi em xin làm công quả nên tối tá túc trong Chùa, Thầy bảo về nhà đi kẻo vợ con mong, tối nay trở lại đó nữa ngại quá nên ngồi đây.
– Có muốn về nhà không
– Có chứ, em năn nỉ mãi rồi, nhưng lần này con vợ em có vẻ cương lắm
– Lại hứa bỏ nhậu chứ gì
– Vâng, sao bác biết, bác ma nhể
– Hì, mà giề, bợm nhậu nào chả hứa bỏ nhậu vài chục lần. Nhàm. Có muốn về không, tớ bày cho cách
– Khó, lần này con vợ em cương cực
– Có cách đấy, tin tớ không?
– Cách gì, bác nói thử xem

Tôi thò tay vào túi, lấy ra viên sỏi màu nâu tím tôi nhặt ở đằng kè hồ lở đầu đường. Tôi có thói quen lúc đi dạo, thấy viên sỏi hay đá cuội nào đèm đẹp, nằm lẻ loi bên đường là nhặt bỏ vào túi. Nếu thấy có viên sỏi cuội nào khác cũng lẻ loi, là tôi lại đặt viên sỏi mình nhặt được lúc trước xuống bên cạnh. Tôi có thói quen này là vì đã từng nghe đâu đó câu hát: ” Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”. Tôi đưa viên sỏi cho anh ta

– Cầm lấy cái này ở tay trái, tay phải bấm chuông nhà, chắc chắn vợ anh sẽ mở của cho vào
– Cái gì đây bác, bùa à?
– Ừ, bùa “hồi gia” đấy, nhưng trước lúc về anh phải làm một việc trước, anh có điện thoại không.?
– Dạ có
– Trước lúc về anh nhắn cho vợ anh: “em ơi, anh đói quá, lại bị cảm lạnh, em cho anh về nấu nước xông chống cảm đã rồi xử sao thì xử nhé”
– Được không vậy bác, con vợ em nó cương cực
– Tôi bảo đảm với anh, nắm lấy viên sỏi này ở tay trái, sau khi nhắn tin xong anh về bấm chuông tay phải, chắc chắn anh vào nhà đã có nồi nước xông nấu sẵn ở đó rồi.
– Thật không bác, cái này linh nghiệm vậy à?
– Chứ sao, bùa mà…
– Em tin bác, em về thử nhé
– Ừ, cứ về thử đi, tớ đợi, nếu không được thì cứ quay lại đây, tớ sẽ bao cậu ăn ở luôn cả tháng.
– Thật chứ bác, em đi nhé

Gã đàn ông dúi mắt vào điện thoại nhắn tin xong thì lên xe định rồ máy, tôi gọi giật lại
– Này, khoan đã, cậu phải sụt sùi chun chút mới linh chứ
– Em đâu có cảm lạnh đâu mà sụt sùi
– Mặt cậu tròn, mắt sáng, mũi có lấm tấm mụn, da mặt màu không đều, chỗ sáng chỗ tối, giọng nói có thỉnh thoảng có lúc trầm đặc vì đàm thấp…chắc chắn là cậu có dị ứng với loại các trái cây nặng mùi
– Ơ, bác này ma nhể, em là cực kỵ với mít và sầu riêng, ăn vào là biết lễ độ ngay, ngứa ngáy toàn thân, mặt mũi sưng vù, nước mắt nước mũi dầm dề, có khi nghẹt cả thở luôn.
– Tốt rồi, trước lúc về nhà, cậu đến chợ xép nào có bán hoa quả gì đó tìm xin ít cùi, hoặc xơ mít, ̣đừng ăn, lấy mấy thứ đó chà vào nách, mũ mít sẽ làm cậu dị ứng nhẹ mà thành ra sổ mũi, có thế vợ cậu nó mới tin
– Ơ, bác thánh nhỉ, chuyện này bác cũng biết cơ à, bác cho em xin cái số điện thoại, nếu con vợ em nó cho em vào thật em nhắn lại cho bác. Bác thánh thật đấy!!!.

Tôi cho gã số điện thoại, và bảo sẽ đợi gã ở đây, nếu vợ gã không cho gả vào nhà.

Gã đàn ông đi rồi, tôi cười tủm tỉm nghĩ. Thánh mẹ gì đâu. Bùa chúa gì đâu chứ. Bà vợ Việt nào chả thế. Vợ Việt nếu có 2 đứa con thì coi như là 3. Nếu có 3 đứa con thì coi như là 4. Vì bà nào mà chả phải nuôi nấng chăm sóc thêm thằng chồng nữa. Đối với vợ Việt, thằng chồng nào ở nhà mà chẳng phải là con. Vì vậy, lỡ trớn nhậu quá đà mà cứ hứa sẽ bỏ nhậu, nghe nhàm, chúng chắn. Bà vợ Việt nào có cương đến cỡ nào, khi nghe chồng đói, chồng bệnh đều cũng mũi lòng hết. Chả có bà mẹ nào bỏ con mình đói, bỏ con mình khi bị bệnh cả đâu. Vì với vợ Việt, chồng cũng như con thôi. Bảo gã kia cầm viên sỏi tay trái, bấm chuông tay phải là chỉ để cho gã có niềm tin thôi. Tôi chắc chắn sau cái tin nhắn kia, con vợ của gã đã chuẩn bị cho gã nồi nước xông rồi. Chắc chắn là sẽ có nồi nước xông, vì vợ Việt cũng khôn lắm, đuổi chồng đi ngủ bụi cao lắm là 3 ngày thôi, chứ sang ngày thứ 4 chẳng nhảy xồn xồn lên vì bất an: “Hắn không về chắc lại đi với con nào rồi”…..he…he…he…

Tôi biết chắc là vợ của gã kia sẽ cho gã về nhà sau tin nhắn ấy. Nhưng cũng ráng ngồi lại trên ghế đá trước cổng Chùa Trấn Quốc đợi. Biết đâu, con vợ gã thuộc loại trời đánh không cho vào thì sao.

Chừng khoảng gần 1 tiếng sau, điện thoại tôi tút tút báo có tin nhắn, tôi bật ra xem và bật cười khùng khục. Tin nhắn: “Em đang xông sả với hương nhu, sướng cực, mà bác là thần tiên hay là người vậy, nếu bác không nhắn tin lại cho em, thì em xem bác là thần tiên đấy, mai em sẽ đem hương hoa ra đó tạ ơn bác…”

Tôi định không nhắn tin trả lời, nhưng sau đó nghĩ, nếu mình không nhắn lại nó, nó lại đồng bóng tin là có ma quỉ thần tiên thật, nó lại lập phủ lên đồng thì còn tệ hại hơn gấp cả trăm lần nhậu nhẹt ấy chứ. Tôi bật máy nhắn lại: “Tiên… tiên… cái đầu anh ấy….bớt gầy độ nhậu chiều đi nhé…”

Hôm đó tôi về, tự nhiên trên gò má ươn ướt. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không biết đó là cái gì. Nhưng tôi chắc chắn là nó lành lạnh, mằn mặn và tanh tanh mùi cá chết….Là giọt thu săn sắt heo may của Tràng An, là giọt Tây Hồ bắn lên theo sóng vỗ, hay là giọt nước mắt thương cảm đối với trai Hà Thành của tôi rơi xuống. Cho đến bây giờ tôi cũng không biết nó là cái gì nữa.

Và cũng từ đó tôi rất sợ về lại Hà Nội vào dịp cuối Thu. Tôi sợ cái gì đó ươn ướt, nhơm nhớp, lành lạnh, mằn mặn… và tanh tanh mùi cá chết.

07.11.18
TN

SHARE