Home Ký sự Chuyện Liêu Trai “Dãy Số Huyền Bí: 2-1, 3-2, 1-4-1″…. (Chuyện Liêu Trai)- Phần 2

“Dãy Số Huyền Bí: 2-1, 3-2, 1-4-1″…. (Chuyện Liêu Trai)- Phần 2

2822
0




3
Lại nói chuyện ở Đài Trung. Mọi người trong đoàn làm việc khá ngạc nhiên khi tôi từ chối tất cả mọi cuộc gặp gỡ, ăn uống, bù khú…sau những ngày cùng làm việc chung do tổ chức liên đới của nơi sở tại chiêu đãi, để đi riêng với một mục đích khá mơ hồ. Tôi thì rất phấn khích, vì có thể nói mục đích tôi tham gia đoàn làm việc này cũng chỉ là để đến được Đài Trung và chính cái khách sạn Sư Tử Trắng toạ lạc ở số 21 đường Hàm Long mà đoàn đang tá túc cũng do tôi đề xuất, vì cái lữ quán có cái đàn ma kia cũng tọa lạc trên con đường này.

Lữ quán Nguyệt Vũ nằm ở số 32 đường Hàm Long, gần như đối diện với khách sạn Sư Tử Trắng. Vì lúc chia tay đoàn mới lúc giữa trưa, mà tôi thì lại muốn khám phá chiếc đàn tranh cổ kia vào chiều tối nên tôi trở về khách sạn làm một giấc trước khi đi.

…Tôi đến quán Nguyệt Vũ muộn, thực khách đã thưa thớt. Quán Nguyệt Vũ là một quán ăn nhưng lại nổi tiếng với các loại trà hương của bản địa. Người phục vụ khá ngạc nhiên khi tôi yêu cầu được ngồi ở Tây phòng và gọi một ấm Bạch mao trà pha trong ấm đá Thiên Mộc. Khi thấy người phục vụ có vẻ lưỡng lự, tôi nói thẳng luôn tôi là người Việt Nam, định cư và làm việc tại Đức, vì đã từng nghe đến huyền thoại về chiếc cổ tranh 16 dây nên mới tìm đến đây. Người phục vụ bảo Tây phòng là nơi để các loại nhạc khí và cổ vật, và chỉ mở cửa phục vụ khách đặc biệt đến tham quan. Tôi lấy ra một tấm cạc Visit có ghi tôi là thành viên của UNESCO Institut for Lifelong Learning đưa cho người phục vụ. Người phục vụ bảo tôi đợi để báo cáo với quản lý.

Quản lý lữ quán là một Phụ nữ trung niên. Sau cái bắt tay ấm áp, bà quản lý đích thân đưa tôi vào Tây phòng. Để khỏi mất thời gian tôi đi thẳng vào vấn đề là muốn tận mắt chứng kiến chiếc cổ tranh và xin được hỏi về thực hư những lời đồn đại về chiếc đàn này.

Quản lý đưa tôi đến nơi đặt cây đàn. Cây đàn được đặt trong một hộp kính trên một chiếc bàn cổ có bình hoa tươi và bát nhang. Tôi hỏi vì sao tất cả các nhạc khí và cổ vật không để trong hộp kinh duy chỉ riêng cây cổ tranh lại đặt trong hộp kính. Quản lý trình bày lại những gì mà tôi đã từng nghe. Vốn dĩ cây đàn tranh trước đây cũng chỉ treo ở trên tường như mọi nhạc khí cổ ở đây. Nhưng vì thỉnh thoảng giữa đêm khuya tĩnh mịch tiếng đàn lại bật lên ai oán, mọi người nghĩ có lẽ do trong đêm khuya có các loại côn trùng hay mèo chuột gì đó va chạm vào dây đàn làm bật lên tiếng kêu, nên mới đóng hộp kính đặt đàn vào đó. Tôi hỏi, vậy từ khi đặt đàn vào hộp kính thì tiếng đàn có bật lên trong đêm khuya nữa không. Quản lý ngập ngừng nhìn quanh rồi hạ giọng như thì thầm, tiếng đàn vẫn thỉnh thoảng vang lên, và thậm chí có người còn nhìn thấy bóng một người thiếu nữ ngồi đàn nữa. Bà quản lý còn nói các nhà Ngoại cảm cho rằng, vong linh của chủ nhân cây đàn do quá gắn bó với cây đàn không nỡ từ bỏ mà siêu thoát nên vẫn còn quấn quít bên cây đàn, chủ quán cũng đã mời các bậc Đại sư danh tiếng đến lập Đàn trai siêu độ, nhưng tiếng đàn vẫn thỉnh thoảng vang lên.

Tôi nói với chủ quán tôi là một Khí Công Sư, chuyên nghiên nghiên cứu về Năng lượng huyền bí, đặc biệt là năng lượng về dao động Âm thanh, tương ứng với các trường dao động của thân thể và tinh thần của con người. Tôi nói thêm về các giả thuyết đã được các nhà Khoa học trên thế giới chứng nghiệm về khả năng tích lũy năng lượng gắn kết của con người với các đồ vật thân thiết. Tôi trình bày cho chủ quán nghe về dao động Hạ Âm và Hạ Quang. Khi các tần số dao động này có cơ duyên giao thoa cùng tần số với nhau thì sẽ tạo nên các hình ảnh mờ ảo và các âm thanh mơ hồ ma mị…v…v…Nếu đó là một Vong linh thật sự, thì chắc chắn sẽ được siêu độ bởi thần lực của Kinh- Chú do các bậc Đại sư thi triển. Có thể bởi đây chỉ là một sự tích hợp hữu duyên giữa trường năng lượng của một khát vọng lớn lao với một loại gỗ nào đó làm nên cây đàn hoặc với kết cấu đặc biệt của cây đàn nên mới xảy ra hiệu ứng hình ảnh và âm thanh khi hội tụ những điều kiện kích hoạt có thể như mọi người đã từng chứng kiến. Vì vậy có thể cho tôi tiếp cận và đánh thử cây đàn này được không.

Bà quản lý nói, cũng đã có nhiều Danh cầm đến đây với đề nghị như vậy, nhưng nghe nói chỉ có một Cầm sư đến từ Việt Nam là có thể lên được dây đàn và đánh được như ý muốn, ngoài ra không ai lên lại được dây đàn và đánh được nữa, nếu ông muốn thử, thì chúng tôi sẵn sàng, nhưng khi ông thử đàn thì chúng tôi phải rời khỏi đây, vì hầu như tất cả những ai nghe tiếng thử đàn sau đó đều bị đau đầu và ám ảnh mất ngủ. Tôi đồng ý ở lại một mình trong Tây phòng, và nhờ quản lý mở hộp kính đưa đàn ra.

Khi quản lý và nhân viên phục ra khỏi phòng, tôi bình thản rót ra 2 tách trà ngồi xuống bên cây cổ cầm và nói cây đàn, uống trà đi Em rồi mình cùng chơi nhé.

Khi tôi lướt nhẹ lần lượt từ các dây Cung, Thương, Giốc, Chuỷ….thì bất chợt tôi nổi hết da gà vì tiếng đàn bật lên trong trẻo và ngân vang thật ảo diệu . Có một điều kỳ lạ là thông thường khi đánh đàn tranh, tôi thường chỉnh lại dây đàn không theo hệ thống Ngũ cung, Giốc, Chuỷ, Cung, Thương, Vũ mà theo hệ thống Lục mạch, Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Không, Ý. Cây cổ tranh này lại có sẵn các âm vực theo hệ thống Lục mạch.

Tôi học đàn tranh chỉ để tìm tòi, nghiên cứu cách nuôi dưỡng âm thanh trên các nhạc cụ mà thôi.

Theo tôi được biết những dao động Âm thanh trên nhạc khí có tương tác TÍCH CỰC lên thân thể và tâm lý của người nghe khi những âm thanh phát ra đều là đơn âm và được nuôi dưỡng theo trình tự như đời sống của một Sinh mệnh, đó là trình tự Sinh- Thành- Trụ- Hoại- Không. Bởi chỉ có đơn âm được nuôi dưỡng theo theo trình tự đó thì tần số dao động mới ổn định và không bị phá hủy hay triệt tiêu khi bị phối hợp bằng hợp âm. Trong các loại đàn dây, thì trong quá trình thử nghiệm tôi thấy chỉ có Đàn tranh 16 dây (Phím ngựa cao) và Độc huyền cầm mới có thể nuôi dưỡng âm sắc bền lâu, và người chơi mới có thể cho âm thanh Thành, Trụ… tắt dần và để lại dư âm như ý muốn được. Các loại nhạc khí khác muốn cho âm thanh bền vững và du dương thì phải nhờ vào sự nương tựa, kết nối liên tục của một hợp âm. Mà sự kết hợp các đơn âm thành hợp âm, nếu không phải là bậc Thiên tài, hiểu biết sâu sắc về dao động Âm thanh thì không thể nào sáng tạo ra được các chuỗi hợp âm, tiết tấu… bảo tồn được các tần số dao động nguyên thủy được. Sự sơ suất trong việc kết hợp các đơn âm thành hợp âm có thể khai tử, chấm dứt tần số dao động âm thanh ngay lập tức, hoặc có thể tạo ra những giao động cộng hưởng có tần số phá hủy và đó chính là nền tảng của Âm nhạc kích động, gây sự cuồng loạn, và tham gia phá hủy lập trình tự nhiên của đời sống.

Tôi học đàn tranh chỉ vì mục đích đó, cho nên không đeo đuổi đến chỗ cao siêu của cầm nghệ, mà chỉ chơi loạng quạng nửa chừng vậy thôi. Vậy mà khi lướt ngón trên cây cổ cầm này, tiếng đàn bỗng nhiên trở thành ảo diệu đến kỳ lạ. “Bản Cát Đá Trùng Lai” mà tôi viết riêng cho cung Vũ, trước đây tôi đánh trên đàn tranh của tôi, nghe cứ như mèo mửa, vậy mà hôm ấy lại du dương trầm bỗng, ảo diệu đến chất ngất. Tôi nhắm hờ mắt, hít thở theo tiết tấu hơi thở 2 thì và tay quơ, tay nhấn bất tử, tôi cào, quấu cỡ gì thì bản nhạc vẫn vang lên có tiết tấu, có nhịp điệu rõ ràng, và du dương đến dị thường. Tôi có cảm tưởng như không phải tôi chơi mà có ai đó đang chơi bằng hai bàn tay của mình vậy.

Không biết tôi cứ chơi vậy, trong bao lâu. Tôi cứ chơi mãi miết cho đến khi người quản lý gõ gõ vào vách báo hiệu tôi mới dừng. Người quản lý rất ngạc nhiên, khi tôi nói rằng cây đàn có sự tích lũy trường năng lượng gắn kết của chủ nhân cũ của nó, chứ không phải vong linh gì đâu. Tôi đề nghị nên để cây đàn ra ngoài để nó được thu nạp, bảo tồn và phát tiết năng lượng một cách tự nhiên. Người quản lý hứa sẽ đề xuất với chủ quán vấn đề tôi đề nghị.

Chia tay và cảm ơn người quản lý quán Nguyệt Vũ, tôi trở về khách sạn và ngủ tiếp. Khi tôi đang thiu thiu thì có người gõ cửa. Ra mở cửa, tôi rất ngạc nhiên khi thấy một cô gái bận trong phục như lối cổ trang, nét mặt rạng rỡ mĩm cười chào tôi. Tôi hỏi cô là ai, tìm tôi có chuyện gì. Cô ta nhỏ nhẹ xin lỗi đã làm phiền giấc ngủ của tôi, cô ta nói thêm, được biết chiều nay tôi đã rời Đài Loan, và nếu không ngại thì xin được đưa cây đàn ở Nguyệt Vũ quán đi theo. Tôi hỏi vì sao, thì cô ta nói là vì tôi có duyên với cây đàn. Tôi đang lưỡng lự thì cô ta tiến tới đặt lên má tôi một nụ hôn và thì thầm, cảm ơn anh đã giải thoát cho em…Bàng hoàng chưa kịp định thần vì nụ hôn bất chợt thì tôi lại nghe tiếng gõ cửa dồn dập, và tiếng gọi tên tôi ơi ới …hóa ra đó là mấy người trong đoàn công tác gọi tôi thức dậy để chuẩn bị ra sân bay.

Tôi choàng tỉnh dậy, vươn vai và dụi mắt, bên cạnh tôi, ngay sát mặt tôi con mèo mướp tên Cốm của chủ khách sạn mà lúc Check in vào tôi có ôm ấp và trò chuyện với nó. Con mèo nhìn tôi đưa chân chùi mép và rên ư ử. Tôi cũng đưa tay lên chùi má mình và nói, bố khỉ, mày lại liếm má tao đấy à.

Thực ra không có chuyện tôi đến lữ quán Nguyệt Vũ, đó chỉ là một giấc mơ. Tôi đã ngủ từ trưa đến giờ. Và bây giờ lại phải ra sân bay để rời khỏi Đài Loan rồi…

4
Khi Check aut khách sạn, lễ tân nhìn tên tôi trên hộ chiếu và quay vào trong lấy ra một hộp đàn dài đưa cho tôi. Tôi kinh ngạc nói, cái này không phải của tôi. Lễ tân bảo hồi chiều có một Ni sư đưa cây đàn tranh đến bảo gửi cho ông. Tôi chau mày lưỡng lự. Ở Đài Loan, tôi không quen biết ai và không có mối quan hệ với Chùa chiền nào. Trước đây thì có Đại sư tỷ tu hành ở đây, nhưng người viên tịch đã lâu, vả lại khi còn sống, tôi cũng ít biết về hành tung của người. Vì gấp gáp, nên tôi không kịp để truy cứu, chỉ hỏi lại cho chắc chắn rồi cầm hộp đàn chạy theo đoàn cho kịp ra xe đưa đón.

Ra đến sân bay, khi check in vào trong thì tôi lại bị Hải quan sân bay ách lại cũng vì cái hộp đàn này. Hải quan sân bay cho tôi biết, chiếc đàn tôi đưa đi là cổ vật, là tài sản của Trung Hoa Dân Quốc, tôi không được đưa ra khỏi biên giới của Đài Loan.

Họ mời tôi vào phòng 141 của khu vực Hải Quan sân bay và yêu cầu tôi xuất trình tư liệu liên quan đến cổ vật. Tôi chả có một chút giấy tờ gì liên quan đến cây đàn này, tôi ấm ớ nói về việc bị trao cây đàn ở khách sạn và xin họ thẩm tra ở lễ tân khách sạn.

Trong khi chờ nhân viên Hải quan thẩm định thông tin, tôi nhìn cây đàn tranh cổ màu gỗ đen tuyền, nhỏ nhắn xinh xinh và bất chợt nổi lên chủ ý tranh luận. Tôi nói với nhân viên Hải Quan đây là cái đàn có xuất xứ từ Việt Nam, vì chỉ có Việt Nam mới có kiểu Đàn tranh 16 dây, và có phím ngựa cao như thế này thôi. Đây không phải là loại Đàn tranh của Trung Hoa, vì vậy các ông không thể nói đây là cổ vật thuộc về Trung Hoa Dân Quốc. Nhân viên Hải Quan nói, bất kỳ có xuất xứ từ đâu khi nó thuộc quyền sử hữu của người Trung Hoa thì đó là tài sản của Trung Hoa Dân Quốc. Tranh luận một hồi, khi nhân viên Hải Quan nói những lời xúc phạm Dân Tộc, họ nói là Đàn bao nhiêu dây thì Việt Nam cũng bắt chước người Trung Hoa mà làm thôi. Nghe đến đó tôi nổi giận đùng và hét to lên chính người Tàu các ông mới là ông tổ của việc ăn cắp công nghệ và làm hàng giả. Tôi hét to đến mức các cửa kính trong phòng 141 nứt ra và vỡ xuống loảng xoảng.

Tôi lại giật mình thức dậy và dụi mắt, bên ngoài có tiếng loảng xoảng rít lên của xe rác kéo các thùng rác.

Hóa ra lúc đang chuẩn bị viết tiêu phổ Muôn Trùng mà tôi viết riêng cho Ngũ Hành Khí Công lên cuộn phổ, tôi đã ngủ thiếp đi. Tôi đã nằm mơ cho đến khi tiếng rít loảng xoảng của xe kéo rác vang lên tôi mới giật mình tỉnh dậy.

Tôi tỉnh dậy rồi mà vẫn còn mơ mơ màng. Không biết tôi là thằng tôi tỉnh táo của hiện tại, hay tôi lại là một thằng tôi khác trong giấc mơ của một Sinh mệnh nào đó khác nữa chăng.

Bực mình tôi bật Ipad và điện thoại lên lướt vào mạng xem sao. Thì quả đúng là trên mạng có hiện lên các viết và các comment trong bài viết mới của tôi, là bài “TIN NGHE LÕM”

…. Nhưng cũng lạ thật, rõ ràng lúc chuẩn bị viết tiêu phổ “Muôn Trùng” lên bìa da, thì tôi chưa bóc các hộp bút dạ mới mua, thì tại sao trong lòng bàn tay của tôi lại có dãy số 2-1, 3-2, 1-4-1 được viết bằng mực đen của loại bút dạ tôi vừa mua.

Để chắc ăn tôi đang là thằng tôi của hiện thực, không phải là kiểu thằng tôi trong quán Nguyệt Vũ trong giấc mơ của thằng tôi ở khách sạn, và thằng tôi trong khách sạn lại là nhân vật của thằng tôi ở sân bay…và thằng tôi lở sân bay lại là nhân vật trong giấc mơ của thằng tôi hiện tại bây giờ. Vì chuỗi giấc mơ liên tục đó và vì dãy số trong lòng bàn tay tôi nghi ngờ cả sự hiện diện của tôi, nên tôi phải thẩm định lại cho chắc ăn là tôi chính là tôi của thì hiện tại.

Tôi gọi điện cho Chị Cả của tôi ở Huế hỏi có phải Chị mới nhắn cho em phải không. Chị nói, ừ, chị muốn hỏi cậu, tháng 9 cậu về Huế lúc nào, và ở lại Huế trong bao lâu. Tôi lại nhắn tin hỏi thằng Kiên, có phải Kiên mới nhắn tin cho Thầy là đã mua đất ở Măng Đen rồi phải không. Thằng Kiên, trả lời dạ, vâng ạ. Tôi lại gọi messege cho thằng Trung hỏi, có phải hôm trước Thầy nhờ con chỉnh sửa phong tiếng Việt trên compute của Thầy không. Trung cũng dạ, và hỏi lại, compute lại bị trục trặc hả Thầy.

Thẩm định đến đó tôi mới chắc ăn tôi chính là tôi, chứ không phải là nhân vật trong các chuỗi giấc mơ của chính tôi nữa. Nhưng tôi lại thẩn thờ nhìn dãy số trong lòng bàn tay và liên tưởng đến các con số trong các giấc mẹ và giấc mơ con của tôi, số đường của khách sạn Sư tử trắng là 21, số nhà của quán Nguyệt Vũ là 32, số của phòng Hải quan sân bay là 141. Dãy số 2-1, 3-2, 1-4-1 trong lòng bàn tay của tôi là ai đã ghi vào đó. Tôi tặc lưỡi, thôi kệ bà nó, ai ghi cũng được, và tôi bây giờ có là nhân vật trong giấc mơ của một sinh mệnh nào đó khác nữa cũng kệ bà nó…Gì thì gì, thức dậy cũng cứ phải thổi tiêu phát đã. Tôi lấy cây Nhược Thủy Thất Thương Tiêu và đưa lên môi dùng kình lực đẩy ra hơi thở theo tiết tấu hơi thở 2/1- 3/2- 1/4/1….để thổi bài “Muôn Trùng”. Thật là vi diệu. Tiêu phổ “Muôn Trùng” tôi viết cho “Ngũ Hành Khí Công” trước đây viết theo tiết tấu cho nhịp thở 2/1-2/1- 3/2/1 khi thổi theo tiết tấu theo dãy số trong lòng bàn tay thì đột nhiên kình lực khắp châu thân nổi lên cuồn cuồn, da gà nổi lên toàn thân, tóc mày dựng ngược và khí lực ào ào nhảy đập phìch phịch rất rõ rệt khắp cả 12 kinh mạch. Thật là vi diệu. Thổi xong bản “Muôn Trùng” tôi bật cười khanh khách: Con bà nó!, mộng mơ cũng có lợi ra phết nhể …hehehehehe….

15.08.19
TN

SHARE