(Nụ cười của „Nước Mắt“- Phần 2)
1
Cô Diệu Ngọc hoảng hốt ngăn người đàn ông đang định hướng điện thoại vào phía người đàn bà để quay clip: „Thôi bỏ qua đi chú, đừng quay đưa lên mạng rồi làm khổ người ta“. Người đàn ông ăn mạc sang trọng, tắt điện thoại không quay nữa nhưng vẫn hậm hực „Cữ người này mà thương hại gì Cô ơi, đúng là lòng tham không đáy mà…“
Đoàn cứu trợ của một chi hội Phật tử từ TP. Đông Hà, Quảng Trị ra đến chợ Mai trên địa bàn xã Cam Thủy giáp ranh với xã Tân Thủy thì dừng lại, vì ngã rẽ từ quốc lộ 1 vào thị trấn Kiến Giang vẫn còn ngập sâu, xe cơ giới chưa vào được. Tổ chức đoàn liền cho người báo với UBND xã, xin phép được phát chẩn cứu trợ cho dân vùng ven Quốc lộ từ đoạn Cam Thủy xuống Hồng Thủy.
Khi đoàn đang cứu trợ cho mấy lán sơ tán trên cồn cát và dân vùng lân cận thì phát hiện ra một người phụ nữ luống tuổi cố tình chen vào hàng người được cứu trợ đến lần thứ 3. Người phụ nữ này mỗi lần đến nhận hàng đều cố tình choàng che mặt bằng một tấm khăn màu khác nhau. Người trong đoàn nhận ra bà ấy là vì cách nhận hàng cứu trợ của mỗi lần đều rất giống nhau. Bà ta chỉ lấy cái túi có 2 kg gạo, mà len lén bỏ lại 4 gói mì tôm, 1 cái banh chưng và 2 chai nước lọc. Bà ta đã lấy 2 lần như thế, đến lần thứ 3 thì bị phát hiện. Người ta quát đuổi bà ta đi, và thậm chí có người còn nguyền rủa lòng tham không đáy của bà ta, có người còn chửi, đã đói rét rã họng ra mà còn chảnh, còn chọn lựa đồ ngon mới lấy nữa chứ, đồ nghèo mà ham…
Người đàn ông ăn mặc sang trọng là „mạnh thường quân“ tài trợ cho đợt cứu trợ này, lúc nãy ông ta định quay clip ghi lại sự „tham lam“ của dân vùng rốn lũ, nhưng vì nể Ni Cô Diệu Ngọc nên thôi.
Người đàn bà bị bắt quả tang vì tính tham lam, bị xua đuổi ra khỏi địa điểm cứu trợ như đuổi tà. Trước khi đi bà ta còn quay lại chỉ chọc, thì thầm gì đó với mấy người xếp hàng phía sau, rồi mặt đổ sập xuống một đống lùi lũi bước ra sau cồn cát.
Khi thấy có mấy người nhận hàng xong đi ra sau cồn cát, phía người đàn bà tham lam vừa đi ra hướng đó, khi họ trở lại thì trên tay không còn bao gạo 2 kg nữa, mà chỉ còn mấy gói mì tôm và cái banh chưng. Người đàn ông sang trọng lén đi theo và phát hiện ra một chuyện động trời, mấy người nhận hàng cứu trợ xong thì đi ra sau cồn đưa cho người đàn bà kia các túi gạo của họ vừa nhận được. Thấy vậy người đàn ông sang trọng liền hô hoán lên, gọi mấy người trong đoàn đến bắt quả tang. Mấy người dân đưa gạo bỏ chạy mất hút, chỉ còn người đàn bà tham lam ngồi ôm mấy bao gạo khư khư trong lòng. Người đàn ông sang trọng giận dữ hét to lên bảo mấy người bắt người đàn tham lam kia lại, giải lên Ủy ban xã để làm cho rõ chuyện. Ông ta nói như hét: „Chắc lại là loại đầu nậu, chấn lột hàng cứu trợ của dân gặp nạn đây mà, nhất định phải làm cho ra chuyện, không thôi để các loại người này cứ tồn tại là làm băng hoại giá trị đạo đức xã hội ngay…“
Ni cô Diệu Ngọc thấy vậy lại chạy đến lần nữa can ngăn: „Phải hỏi lại cho rõ nguồn cơn đã chú, nếu có gì khuất tất, tội người ta“. Người đàn ông dứt khoát: „Thưa Cô, lần này thì không được, làm quá thế này là không được, Cô cứ để con xử, với hạng người này mềm lòng với họ là không được“. Ni cô Diệu Ngọc thở dài im lặng. Cô không làm gì được, vì người ta là người tài trợ, người ta có quyền. Cô nhẹ nhàng tiến tới hỏi chuyện người đàn bà kia. Người đàn bà, không nói gì chỉ lắc lắc đầu, vẻ mặt cầu xin rất thảm não.
Người đàn ông sang trọng cùng mấy người trong đoàn bắt giải bà kia về trợ sở UBND xã . Cô Diệu Ngọc thấy bất an nên cũng lầm lũi theo họ về trụ sở ủy ban.
Người trực trụ sở Ủy ban, thấy đám người lùm xùm nắm cổ tay người đàn bà kia kéo đến thì vội vàng chạy ra, vừa hất tay nắm của mấy người kia, vừa chụp lấy vai của người đàn bà tham lam xuýt xoa hỏi: „Thím Con Câm, thím lại gây rắc rối gì nữa đây, có ai đánh đập gì thím không“. Người đàn bà tham lam mà người trực ủy ban xã gọi là „thím Con Câm“, vừa đưa tay khoáng, vừa ú ớ một hồi liên tục. Người trực ủy ban lắng nghe xong gọi lớn vào trong nhà: „Thằng Bi, thằng Lì đâu nhanh ra đây chú nhờ“. Phía trong trụ sở hai thanh niên lực lưỡng bặm trợn chạy ra. Thấy người đàn bà tham lam bị vây hãm giữa đám đông, liền hùng hổ bước đến la lên sang sảng: „Ai… ai…ai dám đánh Con Câm hả, đứa nào dám đánh bà ấy“. Người trực Ủy ban, nạt to „Bi, mày không được hỗn, chỉ là hiểu nhầm thôi, bây giờ con vào lấy thêm 2 bao gạo 10 kí trên bàn của chú, rồi chở Con Câm đến chỗ bà, con chở bà về, nếu bà cần thì ở lại giúp bà ấy luôn“. Gã thanh niên có tên là Bi, hầm hầm nhìn đoàn người cứu trợ đã bắt người với cái nhìn rắt hằn học, rồi lặng lẽ bỏ vào trong.
Khi thằng Bi hối hả chở Con Câm đi rồi, người trực Ủy ban mới điềm tỉnh giải thích với đoàn:
– Bà ấy là người trên T. Bằng, bị câm điếc từ nhỏ, mấy hôm rồi có chú T. dưới T.Lỵ, khi nước dâng cao, nhà nào cũng lút nóc, nhà chú T ở nơi khô ráo, nên chú T có nấu cơm đưa đến cho từng nhà bị ngập nặng ở dưới T.Lạc. Bà Con Câm cũng là người phụ giúp chú T rất tích cực, bà ấy có tài bơi lội, hì hục cả đêm, không có ngõ ngách nào trong thôn mà bà không đưa cơm cứu trợ cấp bách đến cho họ. Mấy nay nước rút, quốc lộ đã thông, đã có cứu trợ, vả lại nhà chú T lại không còn gì nấu nữa, nên chú ấy cho dừng bếp. Con Câm không cam chịu vậy, bà ấy nói, người lớn thì kệ, nhưng bọn con nít dầm nước bạc lâu ngày, không thể để bọn trẻ ăn mì tôm và đồ nếp hoài được, người lớn dầm nước bạc, ăn mì tôm mãi còn bị nhiệt lỵ huống gì là trẻ con, vì vậy bà ấy về T.Bằng tự lập bếp riêng, đôn đáo khắp nơi đi xin gạo, xin rau về nấu cơm đưa đến cho tụi con nít trong vùng. Tội, tối qua còn đạp xe vô tận trong Vĩnh Mốc xin tép khô về làm cơm cho tụi nhỏ nữa. Bà ấy câm không nói được, có gì làm phiền, xin quí vị rộng lòng bỏ qua cho.
Gã thanh niên lực lưỡng, vai u thịt bắp tên là Lì, nhìn đoàn người cứu trợ nói như mếu: „Mấy người ỷ thế có tiền, rồi ăn hiếp Con Câm của tụi tui, mấy người căng biểu ngữ băng rôn hà rầm rứa, nhưng có giúp được dân tui như bà câm không, mấy người thiệt tình…“ Gã vừa nói vừa mếu máo chùi nước mắt…
Cô Diệu Ngọc, im lặng từ nãy đến giờ không nói gì. Hai tay Cô chấp vào trước cố kìm cơn run bần bật, không biết Cô bị lạnh hay vì xúc động. Khi đoàn người bắt bà Câm đã được giải tỏa sự hiều lầm kéo nhau đi làm từ thiện tiếp, thì Ni cô Diệu Ngọc xin ở lại. Cô xin người trực Ủy ban được đến thăm bếp cứu trợ của bà Câm. Người trực Ủy ban, nói Cô đợi một chút, để gọi người nhà đưa xe máy đến, rồi bảo thằng Lì chở Cô đi.
Cô Diệu Ngọc vào trong trụ sở Ủy ban ngồi đợi. Thằng Lì cũng vào ngồi đợi để chở Cô đi. Sau khi vào trong, Ni cô hỏi thằng Lì, tại sao bà Câm đứng tuổi rồi, lại tốt bụng như thế mà ai cũng gọi bà là Con Câm vậy. Thằng Lì cười hì hì nói, nó không biết, từ lúc nó đẻ ra được bà ấy xoa đầu lớn lên đến nay đều nghe người ta đã gọi vậy rồi. Cô hỏi, sao lại bà Câm xoa đầu. Thằng Lì kể là, hiềm mỗi khi trong thôn, trong xóm có ai sinh con, cũng đều mời Con Câm đến xoa đầu đứa bé sơ sinh hết, người ta nói mấy đứa trẻ được bà xoa đầu sau khi sinh, lớn lên đều khỏe mạnh, không đau ốm bệnh tật gì cả. Thằng Lì gồng bắp tay cuộn cuộn của nó lên nói, Cô xem này, con cũng được Con Câm xoa đầu nên giờ mới khỏe mạnh ri đọ.
Ni cô Diệu Ngọc, nghe thằng Lì thỉ thỉ kể chuyện bà Câm, ngồi xuống khoanh chân, mắt nhắm hờ và lầm bầm: „Ly bà ly bà đế, câu ha câu ha đế, ni ha ra đế, đà ra nị đế, tỳ lê cẩn đế, ma ha đà đế, chân lăng càng đế. Ta…bà…ha…“. Hai dòng nước mắt chảy dài trên gò má của Ni cô, và rơi xuống mỗi khi Cô ngân dài âm „ê“ của mỗi đoạn của câu chú….
2
Thằng T, kể cho tôi nghe chuyện này, khi tôi gọi điện thoại hỏi thăm lụt lội nhà hắn. Nó là em họ, con cô ruột của tôi, hiện ở dưới làng T.Lỵ. Tôi hỏi chuyện và tỏ ra khâm phục và khen ngợi hết lòng trước việc làm cứu trợ bữa cơm cấp bách cho dân làng khi đỉnh lũ ập về bất chợt. Tôi nói với nó, chú quá xuất sắc. Nó cười hô hố trong điện thoại: „Xuất sắc gì eng ơi, mấy bựa rồi vét hết đồ ăn và gạo nấu cơm cứu trợ, chừ nhà không còn chi ăn, nhà em cao ráo khang trang, nên không có đoàn cứu trợ nào cho chi cả, chút nữa em phải lên bếp Con Câm xin mấy suất về cho tụi nhỏ đây…hô..hô… rứa mới kêu là vô thường eng hè…“. Tôi cũng méo xệch cười theo nó hì hì….
27.10.20
Thuận Nghĩa