Home Y Khoa Khảo Luận CHUYỆN CHÓ, CHUYỆN MÈO….(Phần 2)

CHUYỆN CHÓ, CHUYỆN MÈO….(Phần 2)

1309
0

….
Ký ức về con Vện nhà tôi gắn liền với ký ức tuổi thơ của tôi, cho nên chuyện về nó có nhiều lắm. Và tôi cũng đã rất nhiều lần viết về nó trong các tự chuyện như “Thời Hoang Dại”, “Tản Mạn Về Chó”, “Người Tình Một Đêm”, “Hệ Lụy”…(Gõ vào thanh công cụ tìm kiếm của FB hoặc Google bạn các từ khoá trên sẽ tìm ra được các chuyện này….)

Tôi không muốn nhắc lại tất cả, những mẫu chuyện về con Vện mà hôm nay tôi muốn kể là những câu chuyện về nó, có liên quan đến đến những dòng dạo đầu của phần trước của loạt bài viết này, khi tôi nhắc đến công trình nghiên cứu của Giáo sư Konstantin Meyl

Trong những công trình nghiên cứu của Giáo sư Meyl và đồng nghiệp, ông khẳng định sự gắn kết và lòng trung thành của loài chó với chủ nhân của chúng, cũng như khả năng tìm đường của chúng, không phải là bản năng khứu giác siêu việt của loài chó, mà do một loại “ăng ten” vô cùng nhạy bén của giống loài để thu bắt và xử lý thông tin với một loại sóng Sinh học có bước sóng cực ngắn phát ra trong quá trình sống của các Sinh vật và vật chất khác.

Cấu trúc của loại “ăng ten” siêu việt của loài chó có liên quan quan đến một loại Protein tham gia xử lý thông tin ở não bộ gần tương tự với việc thụ cảm sóng của các loại Hương liệu.

Loài chó thông minh với chỉ số IQ khá cao, loài chó trung thành, loài chó tình cảm, loài chó có suy nghĩ với lập trình logig, loài chó biết vui, biết buồn, biết nịnh, biết giận hờn, biết cười, biết khóc, biết hy sinh, biết phân biệt phải trái, biết vâng lời… v..v… Những đề tài này đã có hàng trăm, hàng ngàn..ngàn.. ví dụ để minh chứng, tôi không bàn đến. Tôi chỉ bàn đến một khả năng khác của loài chó là khả năng xử lý thông tin của Lập trình Tư duy có trí tuệ chứ không phải là bản năng đặc thù của giống loài.

Con Vện nhà tôi đã cứu sống tôi và các anh tôi nhiều lần. Đến mức, cho đến những năm sau này, trong các buổi trà đàm tôi vẫn thường nhắc với chúng học viên, đệ tử rằng, mạng tôi có bây giờ là do con Vện cứu sống. Trong những lần tôi được con Vện cứu mạng, thì lần nó cứu tôi bị đuối nước là ấn tượng nhất.

Lần đó, lúc tôi vào khoảng 4 đến 5 tuổi gì đó, tôi theo mấy đứa trẻ trong xóm ra bờ sông trong mùa mưa lũ để vớt rều rác từ thượng nguồn trôi về. Trong lúc ham vớt một khúc củi lớn trôi theo bề rác, tôi bị trượt chân rơi xuống dòng xoáy cuồn cuộn của cơn nước lũ. Mấy đứa trẻ cùng trang lứa của tôi lúc đó chỉ biết đứng nhìn và la hét thất thanh. Khi tôi đang ngoi ngóp trong dòng xoáy nước bạc, thì con Vện lao xuống… Tôi nhớ mãi hình ảnh nó cắn áo tôi, không kéo ngang tôi vào bờ mà cứ nhích nhích từng chút một trôi theo dòng nước và từ từ… khoảng vài ba cây số trên dòng chảy mới đưa tôi vào được trong một bến nước dưới hạ nguồn. Có lẽ suốt cả cuộc đời, tôi sẽ không bao giờ quên ánh mắt của con Vện lúc đó. Ánh mắt như vừa lo lắng. vừa thương cảm. vừa động viên…

Có cái lạ là khi vào được bờ sau một quảng đường dài ì ộp giữa dòng xoáy lũ, vậy mà cả tôi và con Vện cũng không bị ngộp nước. Khi chúng tôi quay trở lại nhà theo con đường dọc bờ sông. Con Vện cứ đi bên cạnh tôi mé phía bên bờ sông. Mỗi lần tôi dừng lại nhìn một đám rều củi lớn đang cuồn cuộn trôi dưới sông thì con Vện lại cắn lấy quần tôi và gầm gừ rất hung tợn, lúc này nhìn mắt nó rất “sát thủ”…hì… hì…. Sau này lúc lớn lên tôi thường hỏi mọi người mỗi lúc nhớ về chuyện đó, là tại sao con Vện lại biết được kỹ năng bơi lội giữa dòng xoáy là phải nương theo con nước mà dịch chuyển dần vào bờ, chứ không được gấp gáp bơi ngang mà đuối sức… Bài học kỹ năng sống này không thuộc về bản năng mà thuộc về kinh nghiệm của nhận thức….

Vụ bơi lội đầy những ấn tượng kỳ lạ khác của con Vện mà sau này tôi cũng có những câu hỏi không thể lý giải được cũng là trong những lần lũ lụt.

Quê tôi nằm ở hạ nguồn sông Kiến Giang, năm nào cũng có dăm bảy lượt lũ lụt. Có những cơn nước lũ đột ngột dâng ngập nhà cửa trong đêm. Vì con nước dâng lên bất ngờ, cho nên không ai kịp chuẩn bị phòng chống. Những lần như vậy, gà vịt, vật nuôi trong nhà bị dòng nước cuốn đi. Con Vện nhà tôi lại trổ tài bơi lội hì hụp trong dòng nước, cắn đưa gà vịt nhà tôi về trên những ụ cao trong vườn nhà. Có cái lạ là những lúc dầm nước trong đêm như thế, tại sao con Vện lại nhận ra gà vịt nhà mình mà đưa về không sai một con. Không phải gà vịt nào bị cuốn nó cũng lôi về, mà nó chỉ chọn đúng gà vịt nhà mình.

Có lần nó lôi kéo gà vịt nhà tôi về hết rồi, Bà nội tôi nói với nó, mi gắng đi đưa gà vịt của hàng xóm về luôn đi Vện. Tôi cự lại Bà nội, tại sao lại bắt con Vện làm việc ấy cho hàng xóm chứ…Thấy tôi và Bà nội cãi nhau về chuyện này, con Vện lại nhìn tôi với ánh mắt khá bất thường rồi gầm gừ chỉa vào tôi sủa lên mấy tiếng, kiểu như đang la mắng tôi đừng có hỗn vậy..hì.. hì….sau đó lại lao đi trong dòng nước. Đến giờ tôi vẫn không thể nào lý giải được, tại sao con Vện lại biết gà vịt của nhà nào với nhà nào để đưa chúng về trong vườn của nhà hàng xóm ấy…

Có một chuyện con Vện trả thù mà mỗi lần nhớ đến tôi không thể không nhoẽn cười.

Từ khi có vụ “Cải cách ruộng đất”, và gia đình tôi bị qui tố “Thành phần Địa chủ”. Những chuỗi ngày sau đó là một thảm họa với gia đình tôi. Sự khủng bố tinh thần của tầng lớp “thành phần cơ bản” của Cách mạng là tầng lớp Bần cố nông cầm quyền không bao giờ ngớt đối với gia đình tôi. Về kinh tế, chúng tôi không được quyền ăn no hơn họ, không được mặc áo quần lành hơn họ đã đành. Về tinh thần thì tất cả tầng lớp Bần cố nông, từ thằng trẻ trâu, người ăn xin cho đến lãnh đạo thôn xã.., tất cả họ có quyền chửi bới, rủa mắng chúng tôi mọi lúc, mọi nơi. Câu chửi đầu môi của họ là “Đồ địa chủ”, “Đồ cường hào ác bá”, “Đồ bóc lột”, “Đồ giàu có”, “Đồ phản động”… v..v… Họ chửi và có quyền tước đi củ khoai, củ sắn trong mâm cơm nhà tôi nếu họ đi ngang qua và nhìn thấy. Họ xem đó là hành động không khoan nhượng với “kẻ thù của Cách mạng”.

Trong một lần tôi cùng Bà nội, anh Ba và con Vện đi mót lúa trên đồng Xuân Bồ. 3 Bà cháu đang hí ha hửng mỗi người được một nắm lúa rơi đi về ngang con đê mương nước của làng Hoàng Giang. Tôi đang “dâng trào cảm xúc” bi ba bi bô với Bà nội về một bữa no cơm gạo mới, thì có mấy người du kích đeo súng kíp chận lại và tịch thu mấy lọn lúa bà cháu tôi. Bà nội cố giằng lại và quì xuống xin họ thì họ đạp Bà xuống dưới mương cùng với những lời chửi bới, răn đe… Co Vện gầm gừ định xông vào cắn họ, thì anh Ba ôm lại và thì thầm với nó là họ có súng, mày cắn họ là họ bắn chết đấy. Con Vện ngồi im, nhưng lại gầm gừ đầy thù hận. Lúc 3 Bà cháu thui thủi tay không đi về, Bà nội thở dài nói, ruộng đó trước đây là của nhà mình, giờ đi mót lúa rơi ở đó cũng không được nữa… Con Vện nhìn theo mấy người du kích, cán bộ thôn đó sủa tru lên một tràng dài….

Đâu khoảng nửa tháng sau, vào một đêm tối trời, người cán bộ thôn đạp xô Bà nội tôi xuống mương hôm đó, nghe nói bị một con chó hoang cán nát bắp chân khi đi nhậu ở nhà hàng xóm về…

Và cứ năm nào cũng vậy… mỗi khi có vụ mùa về, thỉnh thoảng người cán bộ ấy lại bị chó hoang tấn công rất thảm khốc khi say rượu.

Mấy năm sau, có một hôm, tôi đang cùng bọn trẻ trâu chơi trốn tìm ở sân kho Hợp tác xã Hoàng Giang, thì nghe có tiếng người la hét lên thảm khóc, chúng tôi chạy lại thì thấy người cán bộ ấy đang ôm chân ròng ròng máu. chỉ ra phía bờ đê. Tôi nhìn theo dưới ánh trăng, và nhận ra đó là con Vện….

Hôm đó tôi tôi về ôm con Vện, cười khùng khục và nói với nó, từ bữa ni mi đừng làm rứa nữa nghe, đi đêm lắm rồi cũng có ngày gặp ma, nếu lỡ như họ biết được mi mần rứa, họ đưa Xã đội đến nhà bắn chết mi đó. Từ mùa đó trở đi người ấy không bị chó cắn nữa. Nhưng lại nảy sinh một nghi vấn khác.

Quê tôi hồi đó ruộng đất còn phì nhiêu, tôm cá bạt ngàn. Ban đêm chỉ cần vài ba chục cần câu cặm, móc mồi trùn (Giun đất) vào ra cắm vào các bờ ruộng, giữa đêm đi thăm câu, cá tràu, cá đô.. (cá chuối) ăn nhậu thõa…

Nhưng cái người cán bộ, đạp Bà nội tôi xuống mương nước hôm đi mót lúa ấy, thì không có được diễm phúc này. Cho dù ông ta có canh, có thăm câu đều đặn cỡ nào, thì cần câu cặm và lờ cá của ông ta cũng bị lôi lên chổng chơ trên bờ ruộng hết trọi.

Một đêm trắng sáng, ngồi chơi trên sân đúc gạch, nghe tiếng chửi vang ngoài đồng. Tôi ôm cổ và cà cà má mình vào mõm con Vện nói, mấy cái cần câu cặm của Ôông nớ… là mi mần phải không. Con Vện vùng ra khỏi tay tôi, chạy ra mép sân đúc gạch cúi rạp người xuống, bò bò rất nhẹ nhàng như lính đặc công đánh đồn vậy, rồi nó làm động tác như cắn những cần câu hất lên bờ… Làm xong nó ngửa mặt lên nhìn vầng trăng sáng tru một tràng dài rất thống khoái. Hôm đó tôi được một trận cười như chưa bao giờ được cười như thế… Về đến nhà tôi và con Vện cứ ôm nhau lăn lộn dưới giàn bí cười rúc ríc hoài…Bà nội thấy vậy nói, mi lại dẫn con Vện đi chọc làng phá xóm gì rồi phải không, coi chừng Ba mi tẩn cho 2 đứa một trận nhừ tử đấy…

Năm đó tôi 6 tuổi và con Vện 7 tuổi…


(Còn nữa)

22.04.20
Thuận Nghĩa

SHARE