Sau cơn “Đại hồng thủy” và “Đại cuồng phong” và đặc biệt là sau cơn “Cuồng phong Đại cứu trợ” ở miền Trung. Mọi thứ “đoạn hậu” vẫn còn bề bộn và rất bề bộn, nhất là vùng “Hai huyện” (Là hai Huyện đích thực và chính thống có thật trong câu Ca dao: “nhất Đồng Nai nhì Hai Huyện”. Tôi sẽ có bài viết về câu Ca dao này sau)
Chúng tôi sẽ thực hiện chiến dịch “Bao Sót”. Có nghĩa cùng hỗ trợ với chính quyền một số địa phương chúng tôi sẽ khắc phục giải quyết những “tàn dư” của các cơn “Đại…” nói trên. Đặc biệt là “tàn dư” của cơn “Đại” thứ 3. Chúng tôi tạm gọi là chiến dịch “Bao Sót”. Hiện tại chúng tôi tập trung “bao sót” 3 vấn đề sau:
1. “Bao sót” những hộ gia đình bị “quên lãng”:
– Có những hộ gia đình, nhà cửa khang trang, nhiều tầng cao ráo… Trong đỉnh lũ, nhà họ là nơi chứa chấp và cưu mang những láng giềng bị ngập sâu. Sau lũ rút, vì nhà họ khang trang cao ráo… nên “Cơn bão Cứu trợ” không “ảnh hưởng” đến họ. Nhưng về thực tế, thóc gạo dự trữ và gia cầm của họ cũng bị lũ bão cuốn trôi hoặc dầm nước hư hại hết, trước mắt họ cũng như những người dân vùng lũ khác, gặp rất nhiều khó khăn về những thứ nhu yếu phẩm cấp bách.
– Có những hộ gia đình ở vùng quê này vẫn còn giữ nề nếp khá “phong kiến”: “Sĩ khả sát, bất khả nhục”, cho nên họ khảng khái từ chối “cứu trợ”, vì sợ bị các đoàn cứu trợ “làm màu” hạ nhục. Bởi vậy qua cơn “Đại hồng thủy” gia đình của họ cũng gặp rất nhiều khó khăn về “nhu yếu phẩm” cấp thiết hàng ngày
Những cái “sót” này chúng tôi đã tiếp cận và đã chia sẻ trên tình “bằng hữu” và tình “láng giềng” rồi. Và vẫn đang trên đà “bao sót”…
2- Vùng đất “anh hùng” bị lãng quên:
Trong chiến dịch cứu trợ, cấp bách và kịp thời ở vùng rốn lũ. Ngư dân của 2 xã miệt biển là xã Hải Ninh và Ngư Thủy có những đóng góp vô cùng ấn tượng. Mà có lẽ ấn tượng nhất là họ đẩy bộ loại thuyền nan dùng để đánh bắt hải sản gần bờ vượt qua dải cát bạc và đất liền để tiến sâu vào trong vùng lục địa bị ngập lụt để tiến hành cứu trợ kịp thời những cơ dân đang chấp chới trong sóng lũ. Chính họ đã cùng các đoàn cứu trợ tự phát khác mới làm nên kỳ tích là giữa vùng rốn lũ sâu nhất, khắc nghiệt nhất của “Cơn đại hồng thủy” lịch sử tại hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy là không hề để xảy ra một ca tử vong nào do sạt lở hay bị nước cuốn trôi, hoặc bị cô lập ngập nóc.
Sau khi cơn “Đại hồng thủy” đi qua, dân chúng và chính quyền địa phương có rất nhiều lời khen ngợi và cảm kích. Nhưng có lẽ là vì bị truyền thông Trung ương xỉa xói, chê bai…(Không biết vì sao) cho nên “Cơn bão Cứu trợ” cũng nương theo mà quên lãng họ.
Tuy Hải Ninh và Ngư Thủy là các xã ven biển, không bị ảnh hưởng trực tiếp của nước lụt, nhưng họ đã dốc hết toàn lực về lương thực, thực phẩm để cứu trợ kịp thời cho các vùng bị cô lập. Vả lại lũ chồng lũ, bão chồng bão… biển động dữ dội đời sống của họ cũng khá bấp bênh. Và đó cũng là các xã thuộc vào diện “vùng sâu, vùng xa” rất nghèo. Hiện nay tình trạng lương thực của họ sau bão lũ cũng rất ngặt nghèo. Ngư dân có thần thái phóng khoáng của biển cả, nên cho dù các đoàn cứu trợ có “đổ hàng” bạt ngàn dư thừa dọc đường quốc lộ 1A, thì họ cũng chỉ lặng nhìn và chia sẻ cho nhau những nắm gạo cuối cùng…
Hiện nay chúng tôi đang vận động “bao sót” vụ này.
3- Trong các loại hàng “đổ xuống” từ cơn “bão cứu trợ” cho vùng rốn lũ ngập sâu có 2 thứ thuộc vào loại khủng hoảng “thừa”. Đó là mì tôm và áo quần cũ. Trong khi các xã vùng xa, cao, và đồng bào Dân tộc thiểu số vùng sâu thì bị thiếu hụt trầm trọng. Đặc biệt là áo quần cũ được các đoàn cứu trợ “trút hàng” ở vùng ven quốc lộ và đổ đống ở các trụ sở ủy ban hoặc các nhà văn hóa rất nhiều. Gây nên tình trạng khá phản cảm cho cả 2 phía: Người cứu trợ và người được cứu trợ.
Hiện nay chúng tôi cũng “bao sót” vụ này. Một nhóm bạn trẻ khoảng 20 người, với phương tiện thô sơ đã “lùng sục” khắp nơi và tập kết những thứ “dư thừa” đang vương vãi ở các vùng “rốn bão cứu trợ” về một chỗ. Nhóm bạn trẻ này sẽ tập kết về một nơi, sắp xếp phân loại lại, và phân công nhau từng tốp chuyên chở vào các vùng sâu xa như Ngân Thủy, Kim Thủy, Trường Thủy, Thái Thủy…v…v… để hỗ trợ, chia sẻ cho đồng bào Dân tộc thiểu số và những hộ gia đình nghèo ở vùng sâu, không tiếp cận được “bão cứu trợ”.
…
Về mục 1 và mục 2 do Gia đình và Môn hộ của TN-DSĐ đảm nhận và trực tiếp tiến hành “bao sót”.
Riêng mục 3 nếu các bạn và quí đoàn cứu trợ quan tâm thì xin liên hệ với nhóm “xung kích” bản địa theo địa chỉ dưới đây để “bao sót”:
Lê Thuận Hải, địa chỉ thôn Tân Lỵ, xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Điện thoại liên hệ: 0837959068
Chân thành cảm ơn các bạn đồng hành cùng chiến dịch “bao sót” của chúng tôi.
(Những hình ảnh đính kèm là hình ảnh hàng hóa “khủng hoảng thừa” mà nhóm xung kích của Lê Thuận Hải đang tập kết về để chuẩn bị chia sẻ cho vùng sâu, xa…)
01.11.20
Thuận Nghĩa