Đời này, vào thời của cuộc „Đại cách mạng“ của Văn minh loài Người. Là cuộc cách mạng chuyển dịch từ „Đời sống thực“ sang „Đời sống ảo“ . Với sự hỗ trợ tích cực của mạng 4G, 5G… cáp quang, máy tính lượng tử, trí tuệ nhân tạo… và cả sự thúc đẩy đốt cháy giai đoạn của đại dịch Corona nữa, cuộc „Đại chuyển dịch“ này có vẻ như ngày càng thần tốc hơn.
Trong giao tiếp và sự vận động xã hội của văn minh „Đời sống ảo“ thì Kỹ thuật…, Danh từ, Tính từ, Trạng từ, Động từ… mang ý nghĩa „TỰ SƯỚNG“ có vẻ như đã trở thành một mốt „thời thượng“ của mọi giai tầng xã hội.
Nhưng cho dù „Tự sướng“ kiểu gì thì kiểu cũng chẳng có ai „tự sướng“ đến mức tự „bình“ thơ của mình cả. Vậy mà tôi phải „tự sướng“ một cách quá miễn cưỡng để giải đáp thắc mắc cho một số bạn bè, em út, con cháu… luôn có có câu hỏi, câu bình phẩm tương tự nhau: „Đọc thơ thầy không hiểu nói gì, nhưng thấy thích, cảm thấy hay, thấm…“… và tương tự kiểu ấy!!!
Thơ, cho dù là „Thơ tự sự“, „Thơ nhật ký“, „Thơ cách tân“, „Thơ niêm luật“, „Thơ mới“, „Thơ hiện đại“, „Thơ hậu hiện đại“ và kể cả „Thơ hò vè“, „Thơ trường phái“, „Thơ hội thơ“, „Thơ hội hưu trí“… gì gì đi nữa, thì cũng phải thông qua, cấu tứ, ngôn từ để truyền tải thông điệp cảm xúc của người viết đến người đọc.
Viết thơ, làm thơ mà để người đọc có cảm nhận „Không biết nói cái gì“ thì quả là thất bại. Nhưng…(Lại nhưng): „Thất bại là Mẹ của Thành công“. Thơ của tôi „thành công“ nhờ cái „thất bại“ nói trên. „Không biết nói cái gì“ nhưng lại tạo ra cảm giác thích thú, dễ chịu, ngấm… thậm chí là cả „say đòn“ chữ nghĩa nữa. Đó chính mục đích của loại Thơ „Chấn động tâm thức“ . Bài thơ tôi mới viết hôm qua là bài „Lâu Không Tám“ chính là dạng thơ „vừa thất bại, vừa thành công“ này.
Đầu đề là „LÂU KHÔNG TÁM“, vừa có nghĩa lâu rồi không „tám chuyện“ tào lao, vừa có nghĩa là lâu rồi không làm thơ „Tám chữ“ hì hì….
Các bạn lưu ý, có nhiều bạn comment nói là „Thơ bát cú“ là không chính xác. „Cú“ có nghĩa là „Câu“, chứ không phải „Chữ“. „Bát cú“ có nghĩa là „8 câu“, ví dụ như người ta nói „Thất ngôn tứ tuyệt“ tức là ám chỉ loại thơ niêm luật, mà bài thơ sẽ có 4 câu (Vì độ súc tích tu từ nên gọi là „Tứ tuyệt“), và mỗi câu bắt buộc chỉ được phép có 7 chữ (Thất ngôn). Tương tự người ta nói „Thất ngôn bát cú“ cũng là loại thơ Niêm luật gồm có 8 câu (Bát cú) và mỗi câu có 7 chữ „Thất ngôn“.
Loại thơ mỗi câu có 8 chữ, và bài thơ không hạn định số lượng câu, thực ra không phải là loại thơ „Niêm luật“, nó thuộc vào loại thơ tự do, muốn viết kiểu gì thì viết. Tuy vậy người viết muốn có „nhịp tứ“ thì thường dùng có 8 chữ cho mỗi câu, và tự tạo ra phong cách gieo vần riêng của mình (Không bắt buộc). Viết kiểu gì thì viết, miễn sao đọc ra nghe suôn sẻ là được.
Bài „Lâu Không Tám“ được viết ra trên „phương tiện“ điển tích của „Thập mục ngưu đồ“ (10 bức tranh chăn trâu của Thiền tông). „Thập mục ngưu đồ“ là loạt tranh Thiền tông, mô tả các cảnh giới thành tựu của „Tu Tâm“. Trong đó „Tâm“ hay „Bản lai diện mục“ được ví bằng hình tượng „Con trâu“, và quá trình „Tu Tâm“ là được mô tả như quá trình đi tìm „Trâu lạc“ (Tâm vốn có sẵn, chỉ vì bị trùng trùng ý niệm của Tham, Sân, Si mà thất lạc, khuất lấp mất đi thôi). Bởi vậy quá trình „Tu Tâm“ là đi tìm cho ra dấu, vết…của „con trâu“ thất lạc kia. Thấy dấu, thấy vết, mò tìm cho ra, bắt nó lại, chăn dắt nó cho thuần thục, rồi đưa nó về cội nguồn, cho nó an lạc trong cảnh giới „Trâu người đều quên“ (Không). Rồi cuối cùng hóa nhập với Không (Phản bản hoàn nguyên- Bức tranh thứ 9). Nhưng vẫn chưa xong, còn phải „Thõng tay đi vào chợ, để hàng tôm, hàng cá gì cũng độ cho thành Phật hết“ (Nhập triền tùy thủ). Đó là cảnh giới của bức tranh thứ 10 trong „Thập mục ngưu đồ“.
Ý nghĩa của các bức tranh trong „Thập mục ngưu đồ“ đã bị tôi mã hóa thành các từ ngữ „tào lao“ để làm phương tiện gây chấn động tâm thức cho người đọc. Nếu chưa biết về „Thập mục ngưu đồ“ thì quả thật là „Không biết nói cái gì…“ thật.
Nhưng bài thơ „Lâu rồi không tám“ này không cần phải hiểu „Nói cái gì“, chỉ cần có cảm giác có cái gì đó thôi thúc, cần phải đối mặt với thực tại hiển nhiên. Không cuồng vọng, không ảo tưởng, không mê hoặc chính mình bằng những giáo lý viễn vong, mê muội, cuồng tín…Và đó cũng là ý nghĩa cốt tử của hai từ „Dấn thân“. Có „dấn thân“ vào „nơi đó“ mới biết „đó“ là cái gì. Và kể cả việc có „Dấn“ vào „Thân“ mới biết „Tâm“ là gì mà chăn dắt như „Chăn trâu“….Hì hì….
Ví dụ: „Vùng nhục thể đã mấy lần sơ khởi/ Mà hàm ân kén chưa đủ tơ trời“ ý nói là „Thân xác“ (Nhục thể) đã qua nhiều lần đầu thai (Qua mấy lần sơ khởi), Nhưng cái „Ơn trên“ vẫn chưa đủ cho chính mình nhận ra được „Chân lý“ trường tồn của Tâm/ Bản lai diện mục (…Kén chưa đủ tơ trời…). „Miền lã lướt“ tức là cảnh giới an lạc, không biết khi nào sẽ có được (…Hỏi khi nào bung lụa). „Mé chợ chiều sao đủ thõng buông lơi“ là „mã hóa“ ý nghĩa của bức tranh thứ 10 trong „Thập mục ngưu đồ“: „Nhập triền tùy thủ“ (Thõng tay vào chợ. Hàng tôm hàng cá cũng độ cho thành Phật hết…).
Hoặc: „Biết chưa vội cho vài lần phản bản/ Miếng nguyên sơ không cắn nữa. Để dành“ là „mã hóa“ ý nhĩa bức tranh thứ 9 trong „Thập mục ngưu đồ“ (Phản bản hoàn nguyên/ Trở về với nguồn cội)…
Và vân …vân… nói tóm lại là không cần hiểu làm gì, chỉ cần có cảm xúc không?, có suôn sẻ không?, có thôi thúc?, có vỡ lở cái gì không“, và túm lại đọc có „sướng“ không. Nếu không sướng thì cho qua…. He….he….
Post lại bài thơ này cho khỏi bấm tìm:
LÂU KHÔNG TÁM
Vùng nhục thể đã mấy lần sơ khởi
Mà hàm ân kén chưa đủ tơ trời
Miền lã lướt hỏi khi nào bung lụa
Mé chợ chiều sao đủ thõng buông lơi
Trâu kiếp trước dấu vết còn lồ lộ
Khỏi mất công dây đảy cuối nẻo tìm
Chưa kịp chăn vội về nơi biếng khổ
Tạm bơ vơ quá vãng phía đức tin
Biết chưa vội cho vài lần phản bản
Miếng nguyên sơ không cắn nữa. Để dành!
Tiếng bìm bịp cuối nom ngày thúc nhịp
Cũng đành thôi nghe chèo bẻo đành hanh
Đừng tưởng bở!. Rồi cõi nào cũng tạm
Khi cõi này chưa chạm đến bao la
Đừng huyễn tượng vãng lai miền bánh vẽ
Khi nơi đây chưa thấu ngộ nuột nà
Bởi vì vậy mà chắp tay cúi lạy
Nụ cười em là thượng đỉnh thần thông
Chẳng cần đâu nơi trùng trùng vũ trụ
Đuôi mày em mới đúng nghĩa hư không.
Vùng nhục thể biết nhòe nơi lẻo mép
Nên xin đừng nhục mạ vệt bồ đoàn
Nào có dám chuỗi bồ đề lần ngược
Nếp cà sa khâu bằng sợi đa đoan
Có dám không?. Nơi dốc tình dấn bước
Hít từng hơi xác thịt để phiêu linh
Có tả tơi đến tận cùng tro bụi
Hạt yêu thương mới xá lợi thành hình
Miền lã lướt hẹn lại ngày với lụa
Cũng như từng đã lỡ với à ơi…
Xin ngược lại phía lạc đàn nghé ọ
Giấu bàn tay ngọ nguậy muốn buông lơi!
19.01.21
Thuận Nghĩa