Bài viết này viết vào tháng 12 năm 2018, trong loạt bài “Tinh- Khí- Thần Lược Giải”, nay đăng lại coi như cung cấp thêm tư liệu cho lớp Tập huấn Đông y trị liệu: “Thanh Long Thái Y Viện Chân Truyền”

27.12.21

Thuận Nghĩa

Trích:

…..

Kệ rằng:

Giải cơ, rã khớp đả lỏng thân

Phá ung, tán kết, tẩy trược trần

Bình tinh, liễm khí, thông huyết mạch

Phục mệnh, hoàn chân, an định tâm.

PHẦN 3: PHỤ LỤC VỀ TNH- KHÍ- THẦN LƯỢC GIẢI…..

……

b/ Lịch Sử Ra Đời Của Một Bài “Y Kệ”

Thực ra 3 mệnh đề trong nghệ thuật Dưỡng sinh mà Cụ Tuệ Tĩnh nêu ra trong “tuyệt đại bí cấp” của Y lộ nước Nam: „Bế tinh, Dưỡng khí và Tồn thần“, đó là những Nguyên lý của Sinh tồn có sức hàm chứa quá rộng lớn. Tách riêng mỗi một mệnh đề đó ra đã có thể trở thành kim chỉ nam cho một con đường, một đạo lý uyên thâm mà cả một đời người chưa chắc đã tu tập đến chỗ tinh túy của nó.

Và kể cả 4 Liệu pháp căn bản để khả dĩ đưa được những “Mệnh đề” lớn ở trên vào thực tế của đời sống hàng ngày mà Cụ Tổ Sư Gia đưa ra cũng đã là những “Công án” về Sức khoẻ quá đồ sộ: „…Thanh tâm, Quả dục, Chủ thân, Luyện hình”. 4 Phương pháp thực hành này không những là những cảnh giới tu tập tối cao của Phật gia, Đạo gia ngày xưa …. mà hiện nay trong đời sống của Thế giới Văn minh các vị Đạo sư, các Bác sĩ, các Chuyên viên trị liệu, các nhà Tâm lý học, các Chuyên viên Tâm lý trị liệu…v..v….cũng đều có những lời khuyên tương tự, khi tư vấn bảo vệ sức khoẻ về thể chất cũng như tinh thần cho Thân chủ và Người bệnh của họ…

Thanh tâm/ Tâm trong sáng. Làm sao để có được một trạng thái tinh thần an lạc, không lo lắng, ưu tư…sợ sệt, không vẩn đục với những mưu mô tính toán, không đố kỵ, không bị nhấn chìm trong những cơn bão của tham, sân, si…. Đó là cả một vấn đề quá lớn của Đạo hạnh, của Một Con Đường.…

Quả dục/ Tiết dục, hay là giảm bớt những tham muốn của Dục vọng. Khi đời sống của Thế giới Văn minh lấy vật chất làm nền tảng của phát triển, thì vần đề Tiết dục này quả là một sự “phù phiếm” nan giải. Người ta sẽ không có 5-7 phút thời gian để luyện tập, nhưng sẽ có hàng nhiều tiếng đồng hồ để.. dzô …dzô…nơi lễ hội bia của hè phố trong mỗi ngày.…

Chủ thân là Ý chí làm chủ về thân thể, làm chủ về cảm xúc làm chủ về sự Thọ hưởng. Không có cảnh giới của Tâm- Thân- Ý hợp nhất, việc này quả còn khó cả hơn lên Trời.…

Luyện hình. Luyện tập thể dục, Khí công, Yoga…đi bộ, bơi lội, thể thao, khiêu vũ, vận động tích cực….Vụ này thì có vẻ dễ dàng thực hiện được. Nhưng để rốt ráo và có những phương pháp vận động thích hợp và cần mẫn, chuyên cần như một phần không thể tách rời của Đời sống thì cũng không phải là quá dễ dàng.

Bí cấp là vậy đó. Ngắn gọn nhưng sức hàm chứa rất lớn. Đột phá, giải mã nó…sẽ có được những thành tựu vô đối trong sự tồn sinh.

Nhưng để đưa thực tế hiện hữu của sự thành tựu đó vào đời sống không phải là “một phát ăn ngay”, không phải là “quả vị” từ trên trời rơi xuống như cơn mưa móc của Phước đức.…

…Vì vậy, đột phá, giải mã….rồi, lại phải tìm những phương cách cụ thể hơn, rõ ràng hơn, mang tính thực nghiệm hơn, lại nảy sinh ra những “Công án khác”, những “Nẻo đường khác”.…

Sinh thời, tôi đã từng nghe, từng đọc nhiều về các cuộc tập kết và đột phá Y thư, Y thuật của người Trung Hoa, chứ ít nghe về các cuộc tập kết kiểu tương tự vậy ở nước Nam. Trong lịch sử tôi chỉ có đọc được trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí và Đại Nam Thục Lục Chính Biên về cuộc tập kết các Y gia của Nước Nam vào thời Hậu Lê ở phủ Chúa Trịnh. Cuộc tập kết này cũng chỉ ở mức độ như một cuộc hội chẩn của các Danh Y về cách chữa trị bệnh cam tích cho Chúa Trịnh Cán. Việc này Cụ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cũng có ghi rõ trong cuốn Thượng Kinh Ký Sự.

Ngoài ra tôi cũng có nghe kể về 2 cuộc tập kết Đông Y của Việt Nam trong thời cận đại. Đó là cuộc tập kết Danh Y Nước Nam về Cố Đô Huế để hoành dương Thái Y Viện của Vua Tự Đức nhà Nguyễn. Và cuộc tập kết Đông Y Sĩ vào thập niên cuối 50 của thế kỷ 20 theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ngoài Bắc.

Tôi nghe có nghe Sư phụ tôi kể, vào giữa thế kỷ thứ 19, Vua Tự Đức có ra một chỉ dụ rằng: “Truyền chỉ cho các quan địa phương, đều xét hỏi trong hạt, có người nào quen nghề làm thuốc, được mọi người khen hay và xuất sắc trong hạt, trong trấn, thì mỗi tỉnh chọn thật kỹ lưỡng, lọc ra độ 1 đến 2 người giỏi nhất. Ghi rõ họ tên, tuổi, quê quán rồi tư giao cho bộ Lễ, hội lại, lập danh sách mà tâu lên. Lại hậu cấp tiền lộ phí, cấp giấy thông hành cho đến Kinh Đô chờ đợi, rồi giao cho Viện Cơ Mật, Nội các, Thị vệ, lập hội đồng sát hạch, chia hạng tâu lên, đợi Thánh chỉ bổ dụng cho rộng nghề làm phúc. Nếu quan tỉnh để cho họ giấu giếm, trốn tránh, để đến nổi bỏ sót người giỏi, khi bị phát giác ra thì có lỗi không phải là nhỏ…”

Sư Phụ tôi kể rằng, Thái Y Viện là cơ quan Y tế cao nhất của Triều Nguyễn, tập trung nhân tài các Y lộ về Kinh Đô để chuyên trị bệnh cho Vua và Hoàng thân, Quốc thích. Người nói Thái Y Viện thành lập vào thời Vua Gia Long và đóng ở phường Dưỡng Sinh, gần chợ Tây Lộc. (Hì hì…cái phường Dưỡng Sinh chính là ở cái vùng đất mà nhà Chị tôi ở bây giờ, và chị tôi có một mảnh đất ở ngay nơi trên nền đất của phường Dưỡng Sinh, kế sông Ngự Hà. Mỗi lần có cuộc hội ngộ chúng đệ tử ở Huế, tôi thường dẫn bọn đệ ra đó và nói, chỗ ni mà mở Dưỡng Sinh Đường là bá văn chấy đấy…he…he.…)

Sau này Thái Y Viện dời vào nhà Dục Đức ở trong Tử Cấm Thành. Và vào thời Thiệu Trị thì Thái Y Viện, dời ra ngoài Duyệt Thị Đường. (Duyệt Thị Đường ngày nay vẫn còn bảo tồn, nhưng lại cho kinh doanh quán cà phê. Duyệt Thị Đường cà phê này nằm đối diện với trường phổ thông trung học Thuận Thành bây giờ, gần cuối khúc đường Phùng Hưng đổ xuôi xuống đường Lê Huân. Mỗi khi về Huế, có đệ tử phương xa đến vấn an hay học nghệ, tôi thường dẫn ra Duyệt Thị Đường cà phê này ngồi để mong khởi duyên. Nơi tôi chọn ngồi thường là ở bên một gốc trúc cổ. Thầy tôi nói, Tổ sư gia của Thanh long Ngự y phái thường ngồi chầu ở gốc trúc này. Vì hồi đó Tổ sư gia chỉ là quan Y phó, hàm Bát phẩm, là tùy tùng của quan Y chính hàm Ngũ phẩm. Tổ sư gia họ Đặng. Quan Y chính họ Hoàng.)

Trong các thời Vua Mênh Mệnh cho đến Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định….Quan Ngự Y trong Thái Y Viện rất đông, nhưng nổi lên xuất chúng và thường đứng đầu các lộ Y chính là truyền nhân của 4 họ. Là họ Nguyễn Văn, họ Đặng, họ Trần và họ Hoàng. Ngoài họ Trần và họ Hoàng vốn xuất thân từ Võ tướng ra thì 2 họ còn lại vốn xuất thân từ các Danh Y ở các hạt tuân chỉ mà ứng Kinh. Họ Đặng xuất thân từ Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Dòng họ Đặng là truyền nhân của quan Y chính Đặng Văn Giảng, là một Danh y từ Hương Sơn được vua Minh Mạng ban chỉ dụ vào Kinh làm Chính y, phong hàm Ngũ phẩm làm Viện sứ Thái Y Viện. Truyền đến đời Y chính Đặng Văn Chức, Y phó Đặng Công Tuấn.

Họ Hoàng là Võ tuớng cũng là Danh y ở miền trong được vời ra.

Họ Trần và họ Nguyễn cũng mấy đời truyền nhân làm Ngự y đảm nhận những chức vụ cao trong Thái Y Viện.

Vào thời cuối thời Vua Minh Mạng, Họ Hoàng và họ Đặng bị vạ diệt môn vì bị xúc hiểm tranh dành quyền vị trong Thái Y Viện.

Trong sử giám của Cơ Mật Viện giai đoạn này có ghi và trong sách Thanh Long Diệu Dược Kỳ Phương cũng có ghi rõ đoạn nghi oán oan khúc này. Sử ghi rằng: “Giam hai thầy Hoàng Đức Hạ và Đặng Công Tuấn vào ngục, khi trước Thánh tổ nhân Hoàng Đế , yếu nặng, bọn họ Hạ chữa thuốc không có công hiệu, đưa xuống đình thần bàn xét, tất đều nói, bọn họ Hạ, họ Đặng biết mà giấu nghề là bất trung, làm theo ý mình là bất kính. Tội bất trung và bất hiếu không gì to bằng, xin khép vào tội trảm giam hậu”.

Sau này khi Vua Thiệu Trị đăng quang lên ngôi, vì thấy người hai họ Hoàng, Đặng xưa nay đều có xuất những danh y lừng danh, và mấy đời truyền nghề và đảm nhận nhiều trọng trách trong Thái Y Viện, nên mới ra chỉ dụ giảm tội: “Bọn Hoàng Đức Hạ, Đặng Công Tuấn giữ việc chữa thuốc, trước đây ta vẫn gọi vào thăm bệnh, khi xem mạch, hỏi bệnh, xem khí sắc, nghe tiếng nói không phải là không kỹ, kê phương ra toa không phải là không hiểu, chắc có điều gì đó oan khuất, nay thể theo lời đình nghị, giảm tội xuống, điều đi làm việc ở đồn điền ở trên nguồn.”

Hoàng Đức Hạ và Đặng Công Tuấn sau đó bị sung công đi làm lao dịch ở trên Tuần.

2 Người vốn là 2 bậc quái kiệt của Ngự Y, bị đày đi lao dịch. Tuy công việc lao dịch cực khổ, nhưng 2 vị vẫn sớm hôm đèn sách, trao đổi, bàn luận về Y Đạo không ngưng nghỉ. 2 vị Ngự Y lao dịch này sau nhiều năm tháng cùng nhau trao dồi Y Đạo, mới viết ra 2 cuốn Y Thư. Cuốn của Họ Hoàng lấy tên là “Bạch Hổ Võ Chí Kỳ Môn”. Cuốn của Họ Đặng lấy tên là “Thanh Long Y Tâm Diệu Pháp”.

Khi Ngự Y Hoàng Công Nhạ tuổi già sức yếu lại bị khổ ải lao dịch mà lâm trọng bệnh qua đời. Ngự Y Đặng Công Tuấn thương tiếc bạn già đồng liêu, định đem 2 cuốn Y thư mà một đời họ đúc kết ra đốt để tống tiển vong linh của Hoàng Công Hạ. Quan lãnh binh trong coi lao dịch thấy vậy can ngăn, và lấy 2 cuốn Y thư ấy dâng biểu về Kinh định đoạt. Viện sứ Cơ Mật Viện lúc đó là Nguyễn Kim Bảng, dâng tấu lên Vua. Vua đọc tấu cùng 2 cuốn Y thư, thấy công trình tập kết Y lộ trăm nhà của 2 vị Danh Y, cảm khái lòng thành và đức độ nghề nghiệp của họ mà ra chỉ dụ tha tội và phục chức cho Đặng Công Tuấn, cho làm Y phó ở Duyệt Thị Đường.

2 Cuốn Y thư đó sau này được Hữu viện phán của Thái Y Viện là Nguyễn Văn Hạnh bổ sung viết lại thành một cuốn gọi là “Nguyễn Phước Tộc Thái Y Ký Phổ”.

Đến thời Vua Hàm Nghi, khi gặp nạn Kinh Đô Thất Thủ. Tôn Thất Thuyết phát động phong trào Cần Vương, đưa Tôn thất nhà Nguyễn lánh nạn ra phía Bắc. Trần Tiễn Thành là một trong những Tứ Trụ triều đình lúc bấy giờ, phụ trách luôn Cơ Mật Viện. Thượng thư Trần Tiễn Thành vốn là hậu duệ của quan Chính ngự y Trần Duy Hân. Nên lúc kinh đô thất thủ, Trần Tiễn Thành đã cất giấu cuốn “Nguyễn Phước Tộc Thái Y Ký Phổ”, kẻo sợ lọt vào tay người Pháp. Sau này hậu duệ của họ Trần, đều cáo quan về làm Y. Con cháu 3 đời của Thượng thư Trần Tiễn Thành là Cụ Trần Tiễn Hy, là một Danh Y nổi tiếng của miền Nam sau này. Cụ hành nghề ở Bao Vinh, Huế. Cụ là một thầy thuốc lừng danh về châm cứu ở đất Kinh Thành, nhưng cũng nổi tiếng là một thầy thuốc khó tính, nên môn đồ ít ai có đủ phẩm hạnh kiên trì theo học cho hết tinh hoa của Cụ.

Hậu duệ của quan Chính ngự y Nguyễn Văn Hạnh sau này, có Ngự Y Nguyễn Văn Ái, là cũng là một Danh y quái kiệt ở Miền Nam vào những năm cuối của thế kỷ trước. Không biết bây giờ Y gia nhà họ Nguyễn Văn có còn ai hành nghề Y nữa không thì tôi không được rõ.

Riêng Ngự Y, Đặng Công Tuấn, về ngồi ở Duyệt Thị Đường, vì tuổi đã già, lại bị “dớp” tù tội, nên không được trọng dụng, thêm nữa lại bị hậu duệ của họ Trần và họ Hoàng chèn ép, dèm pha, nên cáo lão về an dưỡng ở Nguyệt Biều.

Sau này đến đời Vua Thành Thái, Thái Y Viện có loạn, những vụ án cũ lại bị truy lật trở lại. Dòng họ Đặng lại bị truy sát. Hậu duệ của họ Đặng phải vào các chùa chiền, am thất… ẩn tu để lánh nạn.

…..

Có một vị Thiền sư, tục danh là Đặng Công Thuận, thọ giới Tỳ Kheo ở chùa Trúc Lâm. Năm 1963, vị Thiền sư này tham gia phong trào đấu tranh của Phật giáo, nên bị sự truy sát của Ngô Đình Cẩn, của nền Đệ nhất Cộng hòa. Thiền sư này vì tránh sự liên lụy cho nhà Chùa, nên giả hoàn tục trở lại “Giang hồ” và lánh nạn sang Cao Miên, Miến Điện.…

Năm 1975. Thiền sư trở lại Việt Nam, và vào xin thọ giới lại với Hoà Thượng Thích Trí Thủ lúc đó là Trụ trì chùa Báo Quốc. Thiền sư chính là người cùng với Sư huynh của mình là Hòa thượng Thích Thanh Trí quyết định phát động và phục hưng Tuệ Tĩnh Đường ở chùa Diệu Đế, Huế.

Năm 1979, một nhóm Phật tử ra một cuốn bán nguyệt san viết tay, nguyệt san chỉ đơn thuần là các bài viết của các Phật tử trẻ. Nguyệt san mang tên „Tự Nguyện“. Nhóm nguyệt san Tự Nguyện bị chính quyền bắt và truy tố thành tội phát hành tài liệu phản động, và xử tử lập tức các biên tập viên ở sân vận động. Nhóm Phật tử này sinh hoạt dưới sự chỉ dạy của vị Thiền Sư kia. Và lại một lần nữa Thiền sư lại phải hoàn tục, trở lại “Giang hồ.…”

Trong hành trình ẩn danh lánh nạn, Thiền Sư gặp và cứu một đứa trẻ giang hồ đang nằm chờ chết bên bờ Sông Hương vì bị nhiễm trùng vết dao đâm, và sau đó vì thấy hữu duyên nên nhận đứa trẻ này làm môn sinh, truyền lại Y bát của nhà họ Đặng.

Trong những cuối của thập niên 70 và đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, khắp các rừng thẳm, hang sâu, cùng cốc của núi rừng Việt Nam, từ Bắc chí Nam không nơi đâu lại không có dấu chân của 2 người, một già, một trẻ, lang thang đi “ngửi lá” và làm thơ về thuốc …he…he…he..…

Trong quá trình hành tẩu khắp rừng thẳm cùng cốc này. Vị sư già có chấp bút viết lại “Thanh long y tâm diệu pháp”, và bổ sung thêm các loại thảo dược mới tìm ra. Người đặt tên là “Y Tâm Diệu Dược Kỳ Phương”. Khi viết xong Người bắt người học trò của mình phải học thuộc lòng và tham thấu thật tận tường cuốn Y thư này. Và bắt phải đưa ra một “công án” mang tính tổng luận. Người học trò sau nhiều năm tháng trì ngẫm mới đưa ra một bài Tứ tuyệt để tổng luận. Bài tứ tuyệt đó như sau:

„Giải cơ, rã khớp đả lỏng thân

Phá ung, tán kết, tẩy trược trần

Bình tinh, liễm khí, thông huyết mạch

Phục mệnh, hoàn chân, an định tâm“

Đọc xong bài Tứ tuyệt Tổng luận, vị Sư già ngửa mặt lên trời cười ngất, sau đó chấp bút viết bài tứ tuyệt này vào đầu cuốn “Y tâm diệu dược kỳ phương” và chua thêm một câu “Thanh long đích tử Quảng Nhẫn đề”

Tháng 4 năm 1984. Khi nghe tin Hòa thượng Thích Trí Thủ tử nạn tại chùa Già Lam ở Sài Gòn. Vị Thiền Sư già cùng Sư huynh của mình là Hòa thượng Thích Thanh Trí bay vào Sài Gòn để thọ tang. Và một tuần sau cái chết của vị Tăng thống Hòa thượng Thích Trí Thủ. Hòa thượng Thích Thanh Trí và Sư đệ của mình, cùng hơn 100 vị chức sắc của Phật giáo Thống nhất Việt Nam (Phật giáo Miền Nam) đều bị viên tịch cùng một lúc do ngộ độc thức ăn. (Nghi án chùa Già Lam là một bí ẩn rất lớn của lịch sử Phật Giáo Việt Nam).

Đứa trẻ giang hồ nằm chờ chết bên Sông Hương, và cũng là gã thị đồng tinh nghịch của vị Thiền sư già đó, chính là tôi.

Sau khi Sư Phụ viên tịch, tôi được gửi gắm và nhờ cậy dạy dỗ thêm về Y đạo, cũng như có trách nhiệm truy nguyên về nguồn của cuốn “Nguyễn Phước Tộc Thái Y Ký Phổ”. Không tìm đến được hậu duệ của dòng dõi Ngự Y họ Nguyễn Văn. Nhưng tôi cũng được sự chỉ giáo tận tình của 2 bậc tiền bối của Y lộ đất Thần Kinh là Hoà thượng Thích Mật Hiển, một thần tăng bí ẩn, có nhiều huyền thọai về các liệu pháp trị bệnh kỳ lạ của chùa Trúc Lâm. Và Danh y Trần Tiễn Hy ở Bao Vinh, Huế. Hai người này chính là hậu duệ dòng dõi các vị Ngự Y đã từng có cuốn Thái Y Ký Phổ nói trên.

Sau nhiều năm lưu lạc hành nghề Đông Y ở xứ người. Khám phá trước tác của Gia sư, và tôi hoàn toàn tuân thủ liệu pháp khép kín như bài tứ tuyệt tổng luận đã nêu trên. Khám phá Y thư, học hỏi không ngừng các Y thuật của mọi nhà, của Y học hiện đại để làm sáng tỏ thêm, và cụ thể hóa, hiện thực hóa các ý chỉ của người xưa.

Khát vọng mở một Dưỡng Sinh Đường, với liệu pháp khép kín: “Đả thông kinh mạch- Tư vấn dinh dưỡng- Luyện tập tích cực- Thào dược hỗ trợ” vẫn luôn luôn cháy bỏng và chắc chắn trở thành hiện thực nơi tôi.

Đã gần 10 năm miệt mài đi tìm người cùng chí hướng. Chắc chắn khát vọng của tôi sẽ thành công. Nhưng….nhưng để tìm ra những người có căn cơ hiền lương để trao truyền lại Y bát nhà họ Đặng mà nhẹ gánh “giang hồ”, để vân du tứ hải e còn quá khó khăn.

Có được chút thành tựu trong nghề nghiệp như bây giờ, tôi chẳng tài cán gì xuất sắc cả đâu, chỉ vì tôi biết trân trọng và kiên trì mãi không ngưng nghỉ để tham thấu, đột phá, thực hành theo những tinh hoa của Đông Y chính thống của người xưa để lại mà thôi.

Thực ra trong đợt hồi hương lần này, tôi có mở một khóa huấn luyện chuyên sâu cho chuyên viên trị liệu, tại Hà Nội, với tiêu mục: “Lập trình sóng tủy”. Lớp sơ khai đợt này chú trọng vào các kỹ thuật: Gải cơ, rã khớp, đả thông kinh mạch và phá ung, tán kết. Các liệu pháp này đều được đúc kết, phát huy, chỉnh lý từ các Y thuật có trong cuốn “Y tâm Diệu dược Kỳ phương”. Hy vọng phổ cập thì ít, vì liệu pháp đòi hỏi tính kiên trì, nhẫn nại rất cao ở học viên. Mà hy vọng tìm được người có tâm, có căn cơ, và có cả hứng thú về Đông Y chính thống để trao truyền lại “Y Tâm Diệu Dược Kỳ Phương” cho nhẹ gánh (..hehehehehehe) ….thì nhiều..…

Và chương trình cho lớp học “khai tâm” này, chủ yếu là thực hành tập luyện các kỹ thuật để làm giản cơ triệt để, lỏng khớp tối đa, và thuật xác định nơi ung kết, và cách phá ung, tán kết xả trược cho người bệnh nhanh nhất, để đạt đến cảnh giới thông kinh lạc hoàn mỹ nhất.

Thực ra chương trình học rất đồ sộ, nếu không có sự quyết tâm cao độ, không có đam mê và nhẫn nại đến cùng thì chắc chắn Y thuật xuất phát từ Nguyên lý Tinh- Khí- Thần này sẽ giống như một “khóm hoa nhài” nhỏ nhoi cho các vị có tiền lại hay thích sướng “cưỡi ngựa xem hoa mà thôi”.

…..

15.12.18

Thuận Nghĩa 

SHARE