Home Khí công BIỆT LÝ TAM TIÊU- phần 4b: Kỹ Thuật Tập Luyện TÁN HƯƠNG...

BIỆT LÝ TAM TIÊU- phần 4b: Kỹ Thuật Tập Luyện TÁN HƯƠNG CÔNG

3793
0

Cửu Chuyển Tán Hương Công hay gọi tắt là Tán Hương Công, nó còn có một tên gọi khác theo đặc điểm tác dụng đặc thù của môn dưỡng sinh này nữa, đó là Hóa Huyết Chuyển Sinh Hương.

 Theo lời lưu truyền của những người trì luyện môn dưỡng này, Tán Hương Công có nguồn gốc xuất xứ từ môn Hương Công. Một môn dưỡng sinh đơn giản nhưng rất huyền vi của Nhà Phật. Có người lại nói ngược lại là Hương Công có nguồn gốc xuất xứ từ Cửu Chuyển Tán Hương Công.

Theo sự hiểu biết của tôi thì không đúng vậy. Có lẽ người ta dựa vào chiêu thức phức tạp của Tán Hương Công rồi so sánh với chiêu thức đơn giản của Hương Công rồi nói Hương Công xuất xứ từ Tán Hương Công.

Tôi nghĩ, căn cứ vào bộ pháp vững chải và sự buông lỏng phần thân trên và dòng chảy nguyên khí không ngưng nghỉ, không gián đoạn trong quá trình trì luyện Hương Công, thì những yếu quyết cơ bản nhất của Tán Hương Công đều lấy tâm quyết của Hương Công. Vì vậy, nói Tán Hương Công có nguồn gốc xuất xứ từ Hương Công mới đúng.

Sở dĩ có thêm Tán Hương Công, là vì môn dưỡng sinh này có đúc kết sự trải nghiệm từ Hương Công, rồi đưa những sự trải nghiệm đó, nâng cao thành một môn công phu có khả năng hòa giải cao hơn và đạt được thành tựu nhanh hơn. Đặc biệt là khả năng ứng dụng trong luyện tập trị bệnh cao hơn, nhất là trị những bệnh và hội chứng có liên quan đến sự rối loạn chức năng của Tỳ Vị và hòa gải được các chứng của Kinh Thiếu dương, hòa giải được Can Tỳ, Phế Thận và Doanh Vệ.

Nhưng cái nào xuất phát từ cái nào không quan trọng. Cả Hương Công và Tán Hương Công không những được người Á châu ưa chuộng mà người các nước phương Tây cũng đặc biệt quan tâm. Cả hai môn đều đang được phổ cập rộng rãi ở Âu Mỹ. Trong đó Tán Hương Công được người Âu Mỹ đánh giá cao trong việc cân bằng lại chức năng của Tỳ Vị, hòa giải và thanh ôn được các chứng trạng do ăn uống có quá nhiều chất đạm, thừa mứa chất dinh dưỡng không cần thiết, hoặc thức ăn bị nhiễm độc. Ngoài ra họ xem đó như một môn dưỡng sinh loại trừ được mùi của mồ hôi, tạo nên một thứ Nhân Hương quyến rũ khác…

Một Dưỡng Đường Hương Công ở Đức

Như đã nói Tán Hương Công đặc biệt liễu nghiệm trong việc điều hòa Tỳ Vị, ổn định được khí hóa của Trung Tiêu. Mà khí Tỳ Vị, (chủ của Trung Khí),  tức là khí Hậu Thiên. (Xem thêm phần Tỳ Luận phần trước). Tức là có thể nói Tán Hương Công là môn dưỡng sinh đặc biệt dành cho việc hòa giải khí Hậu Thiên.

Xin nói thêm về khí Hậu Thiên (Phần này chỉ dành cho những người Tây Học, hay những người mới nhập môn Khí Công, bởi vì khái niệm Khí Tiên Thiên và Hậu Thiên là hai khái niệm đặc biệt quan trọng cho hành giả Khí Công nói riêng và cho người hành nghề Đông Y nói chung, ai cũng biết).

 Con người ta tồn tại được hay nói cách khác sống được là nhờ vào năng lượng sống. Cũng có thể gọi là Khả Năng Sinh Tồn. Mọi hoạt động của các cơ quan nội tạng, thần kinh, sự vận động chuyển hóa của cơ thể… có được là nhờ vào một loại năng lượng sinh học được tạo thành từ các Mitochondrien/ Ty Thể, ở trong mô tế bào. Năng lượng này Khoa Học gọi là Năng lượng Sinh Học ATP/ NO-GAS. Đông Y gọi là Khí.

Khí có hai loại, loại khí chất được bẩm thụ từ giống nòi, cha mẹ, trời đất, thời khắc sinh ra….từ khi mới lọt lòng đã có sẵn, loại khí này gọi là Khí Tiên Thiên, tức là khí hóa bẩm sinh đã có từ trước. Loại khí này có thể tạm hiểu là khí chất bẩm sinh do cấu trúc của Nhiễm Sắc Thể, Gen, sự di truyền của giống nòi và điều kiện Sinh Học Môi Sinh ấn định sẵn. Đông Y còn có một tên gọi khác là khí Chân Nguyên và nơi tàng liễm của nó là hai quả Thận. Hay còn gọi là Thận Khí

Loại khí do thu nạp từ quá trình sinh sống và trưởng thành phát triển như ăn uống, hít thở, và cảm nhận từ môi sinh gọi là Khí Hậu Thiên, vì khí này được thu nạp từ sau lúc sinh ra, và luôn luôn thường xuyên được bổ sung. Khí Hậu Thiên có hai loại chính là khí chất thu nạp từ ăn uống, còn gọi là khí Ngũ Cốc, hay còn gọi là Khí Tỳ Vị. Ngoài ra còn loại khí là Dưỡng Khí, được thu nạp và bài tiết qua mũi và phổi. Bởi vì năng lượng sống luôn luôn được bồi đắp bằng thức ăn và vị uống. Khí Chân Nguyên cũng từ đó mà được nuôi dưỡng và bảo tồn, cho nên hầu như khi nhắc đến Khí Hậu Thiên, thì người ta chỉ nhắc đến khí Ngũ Cốc, hay là khí Tỳ Vị, mà ít quan tâm đến Dưỡng Khí. Vì người ta nghĩ rằng Hít Thở là chuyện đương nhiên, vì không hít thở tức là Chết, nên Dưỡng Khí ít được riết ráo bàn tới.

Vì khí Hậu Thiên quan trọng như vậy, lại được thu nạp và chuyển hóa qua Tỳ Vị, nên các Y Thư đều cho rằng: Tất cả các bệnh chứng từ Tỳ Vị mà sinh ra (Xem thêm phần Tỳ Luận). Cũng vì lẽ đó mà các Danh sư, các Đạo sư đều khuyên chúng sinh rằng: „Bệnh tòng khẩu nhập, bệnh tùy khẩu xuất“. Tức là bệnh từ lỗ miệng vào, thì bệnh cũng có thể từ miệng mà đi. Ý chỉ của Quí Cao Nhân ấy nhằm khuyên rằng từ việc thay đổi cách ăn uống cho hợp lý, khoa học thì tất cả mọi bệnh tật, dù nan y đến đâu cũng đều có thể chữa trị được.

Cũng chính vì lẽ đó mà Đại Danh Y Cảnh Nhạc, Tổ Y Gia Lê Hữu Trác và một số Y Sư khác đều phán một câu xanh rờn: „ Nếu chưa biết xác định Tỳ Vị hư thực ra sao, không biết được cái lý Thăng Giáng Phù Trầm của khí Hậu Thiên thì đừng gọi là Thầy Thuốc“. Cái lý Thăng Giáng Phù Trầm đó chính là phép Hòa Giải trong Bát Pháp, tám cách chữa bệnh cốt yếu của Đông Y.

Và Tán Hương Công chính là phép Hòa Giải nhiệm mầu không cần đến Thầy Thuốc và cũng chả cần gì đến các Phương Toa. Vì đó chính là môn Dưỡng Sinh đặc biệt cho Trung Khí (Hậu Thiên).

Bát Pháp là gì, và Phép Hòa Giải là gì?

Bát pháp là tám phương pháp dùng thuốc của đông y, nó bao hàm cả phương pháp dùng thuốc  uống và dùng ngoài.

1.     Hãn pháp là pháp dùng các thuốc gây ra mồ hôi để uống, xông nhằm cho tác nhân gây bệnh bị đẩy ra ngoài bằng đường mồ hôi.

–     Dùng thuốc cay nóng là tân ôn giải biểu chữa phong hàn

–   Dùng thuốc cay mát là tân lương giải biểu chữa phong nhiệt

–   Dùng thuốc hoặc cay nóng, cay mát hoặc vị đạm tính bình là trừ thấp giải biểu chữa phong thấp.

2.     Hạ pháp là phương pháp dùng các thuốc tẩy xổ nhuận tràng đẩy tác nhân gây bệnh ra ngoài bằng đường đại tiện.

–   Hàn hạ dùng thuốc mát lạnh gây xổ, nhuận tràng

–    Nhiệt hạ dùng các thuốc nóng gây xổ nhuận tràng

               –    Thuần nhuận thuốc không nóng không lạnh gây nhuận tràng.

3.     Thổ pháp là gây nôn: Dùng các loại cuống dưa, cuống nhân sâm, mùn thớt gây nôn nhằm loại bỏ chất độc ra khỏi dạ dày.

4.     Hòa pháp: Là pháp hòa giải sự tương thừa giữa các tạng phủ, giải bán biểu bán lý, giải uất

–   Chữa dạ dày tá tràng viêm loét do can mộc tương thừa tỳ thổ.

–     Chữa sốt rét có lúc sốt nóng, lúc sốt rét do hàn nhiệt vãng lai

–     Chữa suy nhược thần kinh thể can khí uất kết do uất ức.

–    Chữa rối loạn kinh nguỵệt.

5.     Ôn pháp dùng các thuốc ấm nóng chữa chứng hàn trong cơ thể

–     Dùng thuốc ấm nóng chữa chứng đau bụng do lạnh gọi ôn trung trừ hàn như bài đại kiến trung thang, tiểu kiến trung thang, lý trung thang…

–     Dùng thuốc tuấn dược sức ôn ấm mánh liệt để cấp cứu choáng ngất, trụy mạch..gọi hồi dương cứu nghịch

6.     thanh pháp : dùng các thuốc mát lạnh chữa chứng nhiệt

–    thanh nhiệt tả hỏa dùng các thuốc lạnh để hạ sốt như thạch cao ,tri tử .lá cối say cốc tinh thảo hạt muồng muồng tri mẫu, mật gấu…

–     thanh nhiệt lương huyết dùng các thuốc mát chữa chứng huyết nhiẹt như cơ địa dị ứng nhiễm chùng ; mụn nhọt kéo dài…

–     thanh nhiệt chừ thấp dùng các thuóc chữa nhiễm trùng tại hệ thống tiêu hóa tiết liệu sinh dục như viêm gan , viêm thận viêm đường sinh dục

–    Thanh nhiệt giải thử dùng các thuốc chữa tây khoa hà diệp, bạch biển đậu…

–    thanh nhiệt giải độc dùng thuốc kháng sinh thậc vật để chữa các chứng nhiễm trùng như kim ngân hoa bồ công anh, xạ can sài đất, ngư tinh thảo, liên kiều.

7.       Tiêu pháp: Tiêu là làm mất đi, tiêu đi những khối u, khí trệ, huyết ứ, đàm trọc, phù thũng…không nên dùng tiêu pháp khi cơ thể quá suy nhược hoặc có thai.

–    Khí trệ huyết ứ tiêu bằng thuốc hành khí hoạt huyết

–     Khối u tiêu bằng thuốc hóa đàm nhuyễn kiên

–    Đàm trọc tiêu bằng thuốc hóa đàm

–     Phù thũng dùng thuốc hành khí lợi thủy…

8.       Bổ pháp: là thuốc bồi bổ những phần thiếu hụt trong cơ thể. Chính khí của cơ thể chủ yếu nhất là âm, dương, khí, huyết nên thuốc bổ chính gồm thuốc bổ âm, bổ dương, bổ khí, bổ huyết.

–    Bổ âm chủ yếu dùng bài lục vị, tùy theo vị trí tạng phủ cần bổ khác nhau có thể bổ vị âm, bổ can âm, bổ phế âm…

–     Bổ dượng chủ yếu dùng bài bát vị, tùy theo vị trí cần bổ khác nhau có thể bổ tỳ dương, phế khí, tâm dương…

–   Bổ khí chủ yếu là bổ tạng tỳ, ngoài ra cũng có thể trực tiếp bổ thẳng vào khí như nhân sâm, cam thảo..

–     Bổ huyết chủ yếu vào tang can, vừa bổ vừa phải hành huyết

Các thuốc khác dùng ngoài tuy hình thức khác nhau như thổi ngâm, đút, ngậm, tắm, rửa, bôi, xông hơi, xông khói nhưng vẫn tuân theo 8 pháp trên.

 

 Phép Hòa Giải là Hòa Pháp trong Bát Pháp, nhưng còn mang ý nghĩa Trung Pháp, tức là phép Điều Hòa và Bổ Dưỡng còn mang luôn ý nghĩa của Tiêu Pháp và Bổ Pháp

Mục đích của Phép Hoà Giải là dùng thuốc hoà, hoãn để điều chỉnh công năng của cơ thể con người giải trừ bệnh tật. Căn cứ vào nguyên tắc trị liệu nói chung. Thì bệnh tà ở biểu/bên ngoài, thì cho ra mồ hôi, ở phần lý/bên trong,  thì có thể công hạ. Bệnh ở Thiếu dương thì Tà khí ở nửa trong nửa ngoài, gọi là bán biểu, bán lý, nên đã không thể cho ra mồ hôi, lại không thể công hạ, do vậy cần phải dụng phương pháp Hòa Giải. Phép Hoà Giải, ngoài trừ cái gốc của tà khí ra, còn phải bao gồm giúp chính dẫn tà, điều chỉnh khí huyết, điều chỉnh quan hệ giữa các nội tạng lại với nhau, đừng để thiên thắng/ môi trường. Thiên thắng sẽ gây bệnh. Hòa Giải tức là  đem hòa giải thiếu dương, điều chỉnh Vị Tràng, điều hòa Can Tỳ, điều hòa Thận Phế và Doanh Vệ tất cả mọi phương diện đó qui nạp thành Phép Hòa Giải

Và Cửu Chuyển Tán Sinh Công nhằm mục đích xử lý hết mọi phương diện đó trong cùng một lúc

Tán Hương Công bao gồm 9 thức theo khẩu quyết tâm pháp sau:

1-    Phi Long Chuyển Cốt gọi tắt là Phi Long

2-    Giáng Long Dịch Cân gọi tắt là Giáng Long

3-    Tiềm Long Náo Thủy gọi tắt là Tiềm Long

4-    Hoạt Long Đằng Vân gọi tắt là Hóa Long

5-    Phục Long Đảo Vị gọi tắt là Phục Long

6-    Huyền Long Thanh Thanh gọi tắt là Huyền Long

7-    Tàng Long Yểm Nguyệt gọi tắt là Tàng Long

8-    Liệt Hỏa Long Tranh gọi tắt là Hỏa Long

9-    Miên Miên Long Hội gọi tắt là Long Hội

10-  Hương Công Đáo Thành là câu kết Tâm Pháp

Sở dĩ các thức trong Tán Hương Công được lấy tên theo tượng của con vật huyền thoại là con Rồng là vì Tán Hương Công có 9 thức chuyển hóa. Mà con số 9 là tượng cực Dương trong Kinh Dịch và là tượng của Cửu Long trong quẻ thuần Càn. Vì lẽ đó mà Hóa Huyết Chuyển Sinh Hương mới được gọi là Cửu Chuyển Tán Hương Công là vậy.

Tán Hương Công được chia làm 4 Thành(phần) và 3Tầng (cấp độ)

4 Thành là bốn phần thứ tự bắt buộc phải luyện cho trọn vẹn cả công phu, người bắt đầu mới nhập môn và người đã có chiều sâu luyện tập đều phải thực hiện, đó là:

1-      Khởi Công: là các động tác khởi động, bao gồm có 2 thức là Phi Long Chuyển Cốt và Giáng Long Dịch Cân, tức là hai tư thế nhằm mục đích chuyển dịch gân cốt cho ngay ngắn, thân thể được thả lỏng dễ dàng, chuẩn bị cho các tư thế tiếp theo. Trong đó Giáng Long có thêm nhiệm vụ khai mở và kích hoạt khí hóa của Tam Tiêu

2-      Chuyển Công: là các động tác có chức năng, tác dụng lay chuyển khai mở kinh mạch huyệt vị, chuyển dịch, vận động khí hóa và huyết dịch khắp kinh mạch và châu thân…Bao gồm 3 thức, Tiềm Long Náo Thủy, Hoạt Long Đằng Vân và Phục Long Đảo Vị

3-      Hóa Công: Là các động tác có tác dụng huyền hóa, kích thích sự biến hóa qua lại giữa Tinh/Khí/ Thần/Thủy Dịch và Hương Sắc. Bao gồm các thức Huyền Long Thanh Thanh, Tàng Long Yểm Nguyệt và Liệt Hỏa Long Tranh

4-      Hòa Công: Là động tác cuối cùng tức là Miên Miên Long Hội. Cũng có nghĩa là hội tụ tinh hoa của Cửu Long, đây chính là thức hoàn công, lấy lại công lực, tích liễm nội lực và phát tiết tinh hoa của cả Cửu Long. Và chính ở thức này, nếu đạt được trình độ liễu nghiệm cao, cơ thể có thể tự toát ra mùi hương của thiên nhiên hoa lá cỏ cây, có thể làm cho chim muông, bướm và côn trùng tụ về bay lượn xung quanh (Kinh sách nói vậy, tôi chưa chưa chứng ngộ ai đã được cảnh giới này cả…)

Ngoài ra người có căn cơ cao, và khả năng luyện tập bền bỉ, ăn uống thanh đạm, đời sống an nhiên, không vọng tưởng nhiêu khê, trì luyện Tán Hương Công lâu dài có thể đạt được cảnh giới liễu nghiệm của Tiềm Tức và Qui Tức, lúc ấy cơ thể không những có mùi thơm mà còn có hào quang phát ra và thân thể bất hoại khi đã thăng lên Tiên Giới hay Tây Phương Cực Lạc (Kinh Sách nói thế, tôi chưa chứng nghiệm được người nào có khả năng này)

Bởi vì Tán Hương Công có liên quan đến ba loại hình thâu nhiếp hô hấp trong Khí Công và Thiền Định nên trong phần này tôi sẽ trình bày qua các cách thâu nhiếp hô hấp của Khí Công.

Dù là môn công phu Khí Công, Dưỡng Sinh hay môn Thiền Định nào, có các cách thâu nhiếp hơi thở như thế nào cũng phải tuân thủ theo một nguyên tắc cơ bản nhất là thuận theo tự nhiên. Đó là Mũi dùng để thở, Miệng dùng để ăn. Hít vào là thu nạp, thở ra là bài tiết. Vì vậy hơi thở dù là hít vào hay thở ra đều phải ngậm miệng và chỉ thở bằng mũi đó là hơi thở thuận lý của Tự Nhiên.

Không nên tranh cãi là nên thở ra bằng mũi hay bằng miệng. Ngoại trừ trong một vài thức của Hành Tức (Tức tiếng là chữ Hán Nôm chỉ sự hô hấp), người ta có thực hành thở ra bằng miệng nhằm mục đích đào thải triệt để trọc khí ra ngoài. Cho nên người có công phu hàm dưỡng nội hàm cao thường là người rất kiệm lời, vì họ sợ bị tán khí là vậy

Và cách thở đúng cách của Khí Công, Thiền Định là cách thở Hít Vào, phình bụng dưới ra, Thở Ra thóp bụng dưới/Đan điền lại. Cách thở này gọi là thở bụng. Khí Công hay Thiền Định đều qui ước đó mới là cách thở đúng. Cách thở bụng không được phân biệt trong 5 tầng cấp của thuật Hô Hấp. Vì đó là điều bắt buộc hiễn nhiên của Hành Giả Khí Công, Thiền Sinh.

  5 Cấp Độ hay là 5 phương pháp Thở của Công phu được chia thành như sau:

1-      Tự Tức: Là cách thức hô hấp theo khả năng của bẩm thụ tự nhiên. Người có hơi thở ngắn, thì thở ngắn, người có hơi thở dài thì thở dài. Thở một cách bình thường, không có sự khống chế của ý nghĩ hay hay sự tiết chế của ý chí. Nhưng vẫn phải tuân thủ theo cách thở bụng và thở bằng mũi

2-      Tưởng Tức: Là cách hô hấp, hít vào thở ra có sự theo dõi của ý chí. Ví dụ hít vào, tâm trí chỉ đạo cần phải hít vào, thở ra, tâm trí kiểm soát sự thở ra. Hay nói cách khác, ý chí và tâm thức cần bám theo hơi thở để an định Tâm, không cho Tâm thức vọng niệm lung tung làm tán khí. Vì lúc kiểm soát hơi thở, tâm thức luân cùng theo hơi thở mà hành ý, nên Ý vững, anh định, thì Khí mới cường thuận được.

3-      Hành Tức: Là cách thâu nhiếp hô hấp có sự sắp xếp, tiết chế và điều hành của ý chí. Đây là phương pháp luyện công nhằm mục đích dùng hơi thở dẫn khí đi qua những kinh mạch mà mình cần thông hoạt hay thủ dụng. Bởi vì Bí Kíp của Khí Công là Dùng Mắt Dẫn Ý, Ý Tự Dẫn Khí. Nhờ đó mà Ý đến tức Khí đến, Khí Hành thì Huyết Hoạt (Chân Kinh). Có nghĩa là mắt nhìn đâu, thì Ý đặt ở đó. Ý đặt đâu thì Khí chạy đến đó. Để đạt được những công phu tối thượng, phi thường. Hành Giả các môn Khí Công thượng thừa đều nhờ vào cách thâu nhiếp hô hấp này. Hơi thở hai thì, hơi thở ba thì, hơi thở bốn thì, hơi thở âm công, hơi thở dương công, hơi thở hỏa xà….đều thuộc về cách thâu nhiếp Hành Tức

4-      Tiềm Tức: Là hơi thở của Tiềm Thức, nó khác với hơi thở tự nhiên của Tự Tức về cảnh giới  an định, nhưng về hình thức thì giống nhau. Đó là hơi thở hàm chứa công phu của Tưởng Tức và Hành Tức, nhưng đã trở thành một phản xạ tự nhiên của cơ thể. Hơi thở không có sự tiết chế của ý thức. Nhưng lại có sự chi phối của Tiềm Thức. Cách thở này còn gọi là Thở Vô Thức. Người có thành tựu Tiềm Tức, thường có hơi thở chậm, và thở rất ít lượng hơi. Và họ có một khả năng khác thường là không chỉ thở bằng mũi mà họ thở bằng Đan Điền và thở bằng Biểu Bì. Có nghĩa là sự thu nạp dưỡng khí và bài tiết trọc khí không cần phải qua phổi và mũi. Đan điền và da tóc của họ cũng có thể thẩm thấu được dưỡng khí cần thiết cho sự sống. Họ là những bậc Phi Phàm

5-      Qui Tức: Là hơi thở như giống rùa. Thở rất ít, rất chậm và hầu như ngưng thở. Nhịp tim của họ rất thấp. Và họ có khả năng giả chết lâu dài như chết thật, và họ có khả không cần dưỡng khí trong một thời gian dài, trái với qui luật của tự nhiên. Điều mà làm đau đầu và tốn hết rất nhiều thời gian tranh cãi cho các nhà khoa học. Những người này thường có những quyền năng siêu nhiên. Họ là các bậc Thánh Nhân

Diễn giải theo Kinh Sách cho cạn nghĩa vậy thôi. Chứ bí quyết thành công của Khí Công là ở chỗ: Hít Vào, Thở Ra, Nâng Lên Hạ Xuống, Dang Ra Kéo Về một cách hài hòa, đúng cách là được.

Như thế nào là đúng cách: Là chuyên cần, thường xuyên, tâm, thân, ý, hơi thở hợp nhất thành MỘT là đại công cáo thành.

Lưu ý:

1- Theo kinh nghiệm truyền thụ Tán Hương Công của bản thân. Tôi thấy đa số môn sinh đều phải qua ít nhất một tuần mới tạm nắm bắt được các động tác cơ bản của Tán Hương Công, vì vậy mỗi ngày, tôi chỉ đưa lên một Thức trong Cửu Long mà thôi. Để nhằm tránh cho việc môn sinh loạn tâm, dục tốc bất đạt

2- Sở dĩ có phần lý luận dài dòng văn tự như vậy là vì tôi „thiên thung bang nai“ có chủ đích. Có những môn sinh vượt hàng ngàn km đến tìm tôi để học Tán Hương Công. Những người này có tuổi đời lớn hơn tôi rất nhiều. Họ cũng đã có công phu hàm dưỡng các môn khí công khác, và đã từng nghiên cứu Đông Y. Họ yêu cầu tôi viết cách kiến thức nhập môn Đông Y. Nhưng tôi nói, bể học mênh mông, biết viết cái gì. Thôi thì cứ viết những gì tinh túy mà mình đã trải nghiệm ra. Từ những cái giản đơn mà có sức hàm chứa sâu xa đó, họ có thể liễu nghiệm ra được thứ gì thì ra. Chứ bây giờ mà ngồi viết từ A, B, C thì quả thật không có hứng thú, vả lại tài liệu trên mạng thiếu gì, gõ vào Googe một cái là có ngay mà.

Bây giờ thì mời các bạn cùng tôi luyện tập thức thứ Nhất của Cửu Chuyển Tán Hương Công nhé:

PHI LONG CHUYỂN CỐT.

  

27.11.12

L.Y QN Lê Thuận Nghĩa thực hiện

SHARE