Trích:
“…Cho đến thời điểm hiện tại, những bí ẩn của Vũ Trụ và Não Bộ của con người vẫn đang còn là một thách thức cho sự hiểu biết của Nhân Loại. Tri thức và Khoa học của chúng ta mới chỉ tìm hiểu và khám phá ra được một phần nhỏ nhoi không đáng kể của những bí ẩn đó. Bởi vì vậy trong trào lưu bùng phát các phương pháp trị bệnh và các phương pháp chữa lành ngoài hệ thống Y khoa Kinh điển (Trong đó điển hình là các liệu pháp chữa lành liên quan đến Năng lượng siêu hình, Tâm linh, Tôn giáo và Cận tôn giáo…). Chúng ta không nên vội vả phủ nhận, qui chụp, bài xích… bằng những biện lý mang tính chủ quan cá nhân và lý luận Khoa học cự đoan. Và đương nhiên chúng ta cũng không nên quá vội vả chấp nhận và tin tưởng một cách mù quáng khi chưa có sự kiểm chứng của Thời gian….”
PHẦN 1: NHỮNG VÍ DỤ “CƠ BẢN”
Đề tài mà tôi đang muốn mạn đàm vô cùng nhạy cảm. Nếu cách thể hiện không đứng trên lập trường khách quan và không thực tâm vì “một cộng đồng sống khỏe” thì có thể động chạm đến vấn đề “Tín ngưỡng” và “Tôn giáo”. Và vấn đề “đụng chạm” này vốn không phải là mục đích của bài viết và “nó” cần phải loại bỏ khỏi mọi “ngõ ngách” trong từng ý tứ, câu chữ của bài viết. Vì vậy khác với mọi bài viết có tính chất biện lý khoa học, bài viết này sẽ được tôi trình bày dưới một câu trúc cũng thuộc về lĩnh vực “Ăn chơi không sợ mưa rơi” để đáp ứng yêu cầu đã nói trên. Cũng vì lý do này mà bắt đầu viết, tôi chưa vội lý giải các khái niệm:”Cận tôn giáo là gì?, “Thế nào là Liệu pháp Trị bệnh Cận tôn giáo?”. “Lập trình sùng bái cá nhân là gì?”, “Mã độc tư tưởng là gì?”…v..v… Mở đầu bài viết tôi sẽ kể tóm tắt những câu chuyện có thật. (Những câu chuyện này đáng ra sẽ là những ví dụ minh chứng, xen kẻ cho từng phần lập luận của bài viết)
1/ Câu chuyện thứ nhất: “Xá lợi… ”
Chuyện này xảy ra ở vùng Bắc Ấn, nội dung câu chuyện đã được nhiều nhà nghiên cứu về “Huyền học” trích đăng trong các công trình của họ. Kể cả một vài ký sự, như “Hành trình về phương Đông”, “Tây tạng huyền bí”… cũng đã có trích đăng câu chuyện này. Chuyện kể về một gia đình thương gia ở một làng hẻo lánh có truyền thống theo Phật Giáo ở vùng phía Bắc Ấn Độ. Gia đình ấy có người con cả làm nghề thương lái theo dọc “con đường tơ lụa”. Mỗi chuyến buôn bán, trao đổi hàng hóa của ông phải mất vài ba tháng cho đến một hai năm. Đã rất nhiều lần bà Mẹ của người thương lái dặn dò con trai là khi đi qua thủ phủ của các Quốc gia Phật Giáo, phải tìm cách thỉnh được về cho bà một “Xá lợi Phật” để bà xây chùa thờ cúng. Người lái buôn vì mải buôn bán và khó có thể tìm kiếm đâu ra Xá lợi Phật, nên lần nào về cũng không thực hiện được lời mẹ mong muốn. Cho đến lần cuối cùng, trước khi khởi hành một chuyến về phương Đông , bà mẹ nói với con trai, nếu lần này không mang Xá lợi về, bà sẽ từ mặt. Cũng như mọi lần, khi đã hồi hương sau chuyến đi dài, sắp gần đến quê nhà, người lái buôn mới chợt nhớ lời Mẹ dặn. Lo sợ sự quở trách của mẹ già, người thương lái bèn tìm nhặt trên thảo nguyên một khúc xương nhỏ của thú hoang. Sau khi bọc khúc xương thú hoang nhặt được vào tấm vải quí và bỏ vào hộp khảm đá sang trọng, người thương gia về nói với Mẹ là đã thỉnh được Xá lợi Phật.
Hoan hỷ khi nhận được “Xá lợi Phật” giả mạo từ con trai, người Mẹ dốc toàn bộ gia tài mà mình gom góp được của cả đời xây một ngôi Chùa và thỉnh lên chánh điện sớm hôm nhang đèn, kinh kệ rất thành kính. Xa gần trong vùng nghe tin có chùa thờ “Xá lợi Phật” đều tập trung về đó để thờ cúng lễ lạt. Được sự sùng kính thờ phụng, đảnh lạy chân thành của cả một cộng đồng Phật tử lâu ngày, một ngày nọ khúc xương “Xá lợi” bỗng phát lên hào quang rực rỡ trong một ngày Đại lễ quan trọng của Phật Giáo. Và cũng từ đó Ngôi chùa có “Xá lợi” phát hào quang ấy trở thành một ngôi chùa linh thiêng ở trong vùng. Khách thập phương từ khắp mọi nơi cũng năm này qua tháng nọ hành hương về đó để chiêm bái và cầu xin bình an. Có một sự thật được giới khoa học kiểm chứng là có rất nhiều người bị bệnh nan y, kể cả những người từ phương Tây đến cầu xin cũng đều được hết bệnh.
2/ Câu chuyện thứ hai: “Đồng Dao Trẻ Trâu”
Đây là câu chuyện của trẻ trâu. Trẻ chăn trâu thật sự (Mục đồng) chứ không phải là “trẻ trâu” như từ lóng của thời đại @, ám chỉ sự ngờ ngệch, đơn giản, và khờ dại, hồn nhiên…
Trò chơi này chính tôi đã được trải nghiệm, và đã trải nghiệm tham gia chơi rất nhiều lần, và hầu hết lần nào cũng thành công.
Bọn tôi, những đứa trẻ chăn trâu trên đồng, ngoài những trò chơi “chọc trời khuấy nước” trên đồng ra chúng tôi còn có một trò chơi rất lạ. Đó là trò chơi nâng người. Chúng tôi cho một đứa trẻ tự nguyện nằm xuôi tay thằng cẳng trên thảm cỏ hay bờ ruộng, rồi 5 đứa khác, mỗi đứa chỉ chạm một đầu ngón tay vào 2 chân, 2 mạng sườn và đầu của đứa nằm. Sau đó chúng tôi cùng đọc đi đọc lại một khúc đồng dao. Có rất nhiều khúc Đồng dao khác nhau nhưng tôi chỉ còn nhớ khúc Đồng dao dưới đây:
Đoạn lập đi lặp lại nhiều lần:
“…Trời mưa lâm thâm
Cây trâm có trái
Con gái có duyên
Đồng tiền có lổ
Bánh tổ thì ngon
Bánh hòn thì béo
Cái kéo thợ may
Cái cày làm ruộng
Cái thuổng đắp bờ
Cái lờ thả cá
Cái ná bắn chim
Cây kim may áo…
Cái chảo để rang
Cái càng để kéo
Cái xéo để chưng
Ngập ngừng lưng núi
Lúi húi ven sông…”
Khi thấy đứa đang nằm tay chân bắt đầu cứng đờ thì đọc tiếp đoạn này:
“..Bế bế bồng bồng
Bay nhẹ như bông
Cùng nâng lên trời….”
Đến lúc này cho dù mỗi đứa chỉ chạm vào người của đứa nằm một đầu ngón tay, nhưng chúng tôi có thể nâng đứa đang nằm lên trên không trung một cách rất nhẹ nhàng như không hề có một sức nặng nào cả.
Trò chơi nâng người bằng Đồng dao này, hầu như tất cả trẻ trâu của đồng bằng Việt Nam nào đều đã có chơi qua.
3/ Câu chuyện thứ ba: Chỉ cần gặp là hết đau
Hơn 10 năm trước tôi có một bệnh nhân người Việt, bị đau mặt. Triệu chứng là đau buốt một bên mặt. Chỉ cần một luồng gió nhẹ thổi mạnh qua là đau buốt lên tận óc. Khi trở trời, nhiều ngày không thể ăn uống gì được vì ê buốt như dao cứa, kim chích. Bên Tây Y chẩn đoán là viêm dây thần kinh tam thoa, cho uống thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau, nhưng tình hình bệnh lý không cải thiện được. Sau đó người ta chỉ định là cắt dây thần kinh. Khi tìm đến tôi, tôi sử dụng liệu pháp châm- cứu thì có thuyên giảm. Người này ở xa chỗ tôi ở khoảng 500 km. Sau này mỗi lần lên cơn đau là lại tìm đến tôi. Có cái lạ là mỗi lần tìm đến tôi, cho dù đang lên cơn đau dữ dội bao nhiêu cứ gặp tôi là hết đau, cho dù tôi chưa dụng châm hay thực hiện một y thuật gì cả. Việc này không chỉ xảy ra một lần, mà hầu như lần nào cũng vậy. Vụ này họ không giải thích được, chỉ “đổ thừa” là vì “sợ vía” Thầy thuốc.
4/ Câu chuyện thứ Tư: “Chùa Phật Mọc”
Ở Vân Nam/ Trung Quốc có một ngôi chùa gọi là “Chùa Phật Mọc”. Tương tuyền vùng đó sau khi trải qua một cơn đại dịch, thì người trong vùng bỗng nhiên rất nhiều người bị bệnh điên loạn. Một ngày nọ có một Nhà Sư, đến ngồi trên một đất hoang đầu làng. Nhà Sư tọa thiền ở đó nhiều ngày, vừa tụng kinh vừa rảy nước “cam lồ” lên khoảng đất trước mặt. Vài ngày sau, đột nhiên dưới đất mọc trồi lên một pho tượng Phật. Người trong vùng biết vậy nên cùng nhau xây lên mảnh đất đó một ngôi chùa, gọi nôm na là “Chùa Phật Mọc”. Dân trong vùng đến chùa ấy lễ lạt, cầu xin và sám hối…Và từ đó căn bệnh điên loạn mà người trong vùng thường hay mắc phải không còn nữa. Ngôi chùa này cũng trở nên linh ứng từ đó. Khách thập phương cũng thường hành hương về đó để cầu bình an và giải trừ tai ương tật bệnh. Sau này Chùa Phật Mọc ấy được chính quyền sở tại đưa vào danh sách Di tích Văn hóa. Qua nghiên cứu thư mục của Chùa, người ta đọc được trong các văn bản do Nhà Sư là tổ “Khai sơn” của Chùa để lại, là việc tượng Phật mọc lên từ dưới đất là có thật, nhưng do Nhà Sư ấy sắp đặt. Nhà Sư thấy dân trong vùng đó bị hoảng loạn về chứng bệnh lạ, nên đến đó đào đất đổ xuống mấy bao hạt đậu, rồi đặt tượng Phật lên trên. Do ngày nào cũng tụng kinh vẫy nước, nên đậu (hạt đỗ) ở dưới thấm ẩm mà mọc mầm rồi đẩy tượng Phật trồi lên khỏi mặt đất. Dân trong vùng vì có lòng tin, xây chùa, sớm hôm thờ phụng kinh kệ nên Tâm bệnh hoảng loạn vì vậy mà được hóa giải. Từ ngày bí mật này đã được phanh phui. Nghe nói ngôi chùa ấy không còn được linh ứng trong việc giải trừ kiếp nạn như trước nữa.
5/ Câu chuyện thứ Năm: “Trừ tà”.
Ngày ấy theo Sư Phụ đi tìm thuốc ở vùng Cẩm Thủy/ Thanh Hóa, tôi có chứng kiến một pha trừ tà rất ngoạn mục của Sư Phụ tôi. Số là thế này, khi biết thầy trò chúng tôi là Đông y sĩ đi tìm cây thuốc, lại biết Thầy tôi là một Nhà Sư, nên có một gia đình có người con dâu bị chứng “ma nhập” tìm đến nhờ cậy. Cô gái này từ ngày sinh con, thì bị chứng nghe “người âm” về nói chuyện, vì vậy mà sinh ra chứng sợ sệt mê sảng, nói năng lảm nhảm suốt ngày. Gia đình này mời Thầy tôi về chẩn trị. Khi nghe gia chủ trình bày xong Thầy tôi nhận lời đến thăm bệnh. Trước khi đến thăm bệnh, thầy tôi phái tôi đi vào trong chợ người dưới xuôi tìm xin một ít máu chó. Khi đến thăm bệnh, Thầy tôi không bắt mạch ra toa như thường lệ, mà bảo là phải “trừ tà”. Thầy tôi bảo người của gia đình ấy chuẩn bị một lễ nhỏ hẹn mấy ngày sau đến làm lễ trừ tà. Chưa đến mấy ngày, đã thấy người nhà ấy hốt hoảng đến báo tin, mấy ngày nay, không chỉ có cô gái kia nghe tiếng của “người âm” mà tất cả người trong nhà, khi khuya xuống còn nghe tiếng người đi lao xao, và có cả tiếng gõ cửa, nhưng khi thắp đèn ra mở cửa thì không thấy gì cả. Hôm sau Thầy tôi đến làm lễ trừ tà. Tôi thấy ông chả làm gì cả, chỉ rầm rì đọc vài câu gì đó, sau đó ngậm rượu phun lên cánh cửa rồi dán lên đó một đạo bùa. Ngày hôm sau gia chủ đến báo tin không còn nghe tiếng thấy tiếng gõ cửa nữa, và người con dâu bệnh tình cũng đã thuyên giảm, không còn nghe tiếng rủ rê của “người âm” nữa…
Tôi theo Sư phụ học thuốc đã lâu, chưa bao giờ thấy ông nói về kiểu trị bệnh này, nên hồ nghi chất vấn ông. Ông cười nói: Hôm đến thăm bệnh, thầy bí mật xoa máu chó có pha với một số nhựa cây đặc biệt lên cánh cửa, đêm đến bọn dơi quạ bắt mùi máu lao đến cánh cửa, đập cánh vào cửa gỗ như người gõ cửa, hôm sau thầy đến phun rượu, dán bùa lên chỗ đó, hết mùi “thuốc”, nên dơi không va đập cánh vào đó nữa. Còn cô gái kia mấy hôm trước nghe thêm tiếng gõ cửa càng khẳng định trong tâm mình là có “người âm” về quấy. Thầy giả làm lễ trừ tà, tiếng gõ cửa không còn, thì coi như tà đã bị giải, tâm bệnh của cô gái kia cũng theo đó mà được hóa giải, đó là Pháp “Tâm bệnh thì phải hóa giải bằng Tâm dược” là vậy…
Các bạn lưu ý 5 câu chuyện trên, không phải là kể ra cho vui, mà là tiền đề để lý giải các phần sau của bài viết. Nhân tiện các bạn tham khảo thêm một vài khái niệm của bộ môn “Immunonkologie” (Ung thư học miễn dịch) mà tôi có đăng thêm hình ảnh dưới bài viết
(Còn nữa)
06.11.21
Thuận Nghĩa