Vui mừng quá độ thì gây nội thương ở Tâm, Phế, làm cho Tâm hư, Phế nhược, huyết dầu cho có đủ, nhưng Tâm hư hao loạn nhịp, không đủ lực vận khí đưa huyết dịch đến khắp châu thân. Mọi sự phiền não từ đó mà phát sinh, lo lắng hồi hộp, nóng giận thất thường, thần tán khí trệ …từ đó mà khởi căn. Dầu khí có dư nhưng Phế nhược, nội tức không nơi bám víu nương tựa làm cho thủy dịch kết tụ mà sinh chứng đàm uất, nhịp thở do ấy mà sinh tắc nghẹn…
Buồn não quá độ, thì hại đến Tâm, Thận, nguyên lực từ đó mà cạn kiệt, Dương khí từ đó mà thất thoát, tất cả các chứng suy giảm chức năng tạng phủ, hao nhược năng lực sống từ đó mà khởi nguồn…
Âu lo quá độ, thì tổn thương đến Tỳ Vị, dưỡng sinh do vậy mà rối loạn, tà khí có cơ hội mà hoạnh phát, các chứng phù nề, mệt mỏi chán chường, tê liệt, bại xuội từ đó mà nảy nòi….
Kinh sợ quá độ, thì thương hại đến Can Đởm, các chứng bế tắc, uất trệ từ đó mà khởi sinh, mọi căn nguyên của đau nhức do vậy mà hoành hại và phát lộ…
….
Nhưng, có một thứ trạng thái khác của Tư Duy, cho dù có vượt ra khỏi giới hạn cho phép (quá độ, thái quá) thì vẫn không thể gây nên một thứ nội thương nào cho Lục phủ, Ngũ tạng. Đó là sự hiểu biết quá độ.
Ví dụ, kể từ ngày, anh biết em, rồi hiểu em, và cuối cùng thấu ngộ được em. Thì anh hoàn toàn không còn có một thứ thương tổn nào nữa cả. Vì…vì anh đã trở thành một thây ma.
(He he he he….)
Tháng 2/2012
TN