https://www.facebook.com/thuannghia.le/posts/2067052356724362
https://www.facebook.com/thuannghia.le/posts/2074569615972636
….
2
Cái Thúy cầm mấy cuốn tập cũ nát và tấm hình nó chụp bà Bé Sẹo gánh khoai luộc đi bán rong hồi nó đang còn học trung học ở trường Hai Bà Trưng. Nó khóc. Khóc ấm ức, rưng rức và hờn tủi…
Nó nhớ lại. Nhớ lại…nhớ mãi, lục lọi lại trong ký ức của nó xem nó biết bà Bé Sẹo bán khoai từ khi nào. Nó không thể nào nhớ nổi. Nó chỉ biết rằng từ cái hồi Mẹ nó đèo nó trên chiếc Honda 50 đổ dốc Trần Phú để đưa nó đến nhà trẻ Hoa Mai trên đường Hàng Đoác (Đường Đống Đa bây giờ). Lúc đổ hết dốc Trần Phú qua khỏi cầu Đò Rèn, đến trước cửa Nhà Đèn (Sở Điện Lực) là Mẹ nó phải dừng lại mua khoai lang luộc, khoai sáp luộc hay củ từ, củ mìn tinh luộc từ gánh hàng rong của bà Bé Sẹo. Mẹ nó nói bà Bé Sẹo bán khoai luộc ở đây đã mấy chục năm nay. Mẹ nó nói từ cái hồi mẹ nó còn bé tí teo, Bà Ngoại cũng chở mẹ nó đi học ngang qua đây, cũng thường ghé lại mua hàng của bà Bé Sẹo cho mẹ.
Cái Thúy ưng ức nghèn nghẹn nuốt nước mắt nhìn chăm chăm vào vết sẹo sần sùi phá nát cả khuôn mặt bên trái của bà Bé Sẹo trong tấm hình nó chụp. Khuôn mặt bên trái của bà Bé ai nhìn vào cũng thấy ghê ghê, nó thì không. Chẳng biết vì sao nó không sợ nét mặt bên trái của Bà, nó chỉ thấy thương thương, thấy gần gũi, nhất là đôi mắt thăm thẳm diệu vợi khi bà gói khoai, gói sắn luộc cho nó.
Thúy òa khóc như gào lên, khi nhớ lại hồi nó đi học Đại Học ở Đà Nẵng. Nó gặp một bà gánh bán mỳ Quảng cũng có nét hao hao giống bà Bé, cũng có khuôn mặt bên trái loang lỗ vết chàm. Bà mỳ Quảng tuy nói giọng Quảng, bà Bé nói giọng Huế nhưng cả 2 bà đều có giọng nói ngọt ngào trìu mến như nhau. Nó nhớ, có lần nó đi chơi khua về, lúc về gần nhà trọ, bị mấy đứa say xỉn phóng xe ép vào gốc hẽm chọc ghẹo. Bọn kia chưa kịp làm gì nó thì bà mỳ Quảng ở đâu thình lình xuất hiện. Bà mỳ Quảng thả gánh, cầm đòn gánh, đứng chặn trước mặt Thúy, bà thổ dọng thình thịch đầu đòn gánh xuống đất mắt nhìn trừng trừng giọng gằn lên với tụi kia. Bà nói, từ nay trở đi, nếu con bé này có chuyện gì, thì bọn bay có trốn ở chân trời góc biển nào bà cũng đến đánh cho gãy giò hết. Lần đó Thúy sợ hết hồn, lúc bọn kia bỏ đi, mới run rẩy ôm bà mỳ Quảng rối rít cảm ơn bà. Lúc ôm bà nó mạnh dạn định đưa tay sờ vào mặt bên trái của bà mỳ Quảng. Bà mỳ Quảng gặt tay nó và quay mặt chỗ khác. Nó hỏi, Bà ơi, mặt bà bị sao thế, cháu cũng quen một bà hàng rong có khuôn mặt hao hao giống bà. Bà mỳ Quảng ậm ừ không nói gì lầm lũi xỏ gánh, gánh đi. Trước lúc đi bà còn dặn ngoái lại, người với người có nét giống nhau có gì là lạ, cháu nhớ đừng đi đâu về khuya nhé. Không chỉ là lần đó, có nhiều lần khác nữa, hồi nó đang học ở Đà Nẵng nó vẫn thỉnh thoảng thấy bóng dáng bà mỳ Quảng lẫn quất gánh hàng đi bán khuya đâu đó trên những khúc đường vắng nó thường phải đi qua.
Rồi khi trở lại Huế trong dịp hè, nó kể chuyện này với Mẹ. Mẹ nó nói dạo này Mẹ cũng ít thấy bà Bé Sẹo gánh khoai đi bán. Nghe mẹ nói thế, Thúy nói đùa, có khi nào bà Bé Sẹo là bà mỳ Quảng không hả Mẹ. Mẹ nó cười rang rảng, nói nó khéo tưởng tượng. Hôm đó nó thấy nét mặt Ông Ngoại bỗng chùng xuống và tái ngắt đi, nó cũng không biết tại sao.
Rồi hôm làm lễ cầu siêu 49 ngày cho Ông Ngoại ở chùa Tường Vân. Thúy gặp lại bà Bé Sẹo lãng vãng trong sân chùa. Nó đã biết bà Bé không còn gánh khoai đi bán nữa vì đã già không còn đủ sức gánh bán hàng rong, bà đã chuyển sang đi bán vé số dạo. Nó biết vậy nhưng cũng hơi bất ngờ là thấy bà Bé tay cầm tập vé số lụm cụm trèo mấy con dốc mà lên chùa vào buổi cầu siêu thì bán cho ai. Nó thương cảm chạy đến hỏi han bà. Nó hỏi bà có đói bụng không nó lấy đồ chay cho bà ăn. Bà lắc đầu. Nó hỏi còn vé số nhiều không nó mua dùm cho bà một ít. Bà lắc đầu bảo vé sắp xổ bà không bán nữa, để về cho kịp đổi vé ở đại lý. Thúy đưa tay ôm vào lồng ngực chặn một cơn nức nghẹn. Hình ảnh cuối cùng nó nhìn thấy bà Bé Sẹo là hình ảnh bà lụm cụm cúi đầu kéo lê từng bước chân già nua ở cuối chân dốc lên chùa. Nó òa lên nức nở: – Ngoại ơi, sao Ngoại phải khổ vậy Ngoại ơi!!!!.
Thúy chỉ biết bà Bé Sẹo chính là bà Ngoại ruột của nó khi sau khi cúng 100 ngày cho Ông Ngoại. Sau ngày đó. Nói đúng hơn sau khi Ông Ngoại mất, mẹ nó bỗng nhiên suy sụp hẵn đi. Ngoại mất là một mất mát lớn của cả gia đình. Nhưng sao Mẹ rất ít khóc, mẹ chỉ trầm tư lặng lẽ, nhiều lúc thẩn thờ như vô hồn. Ông Ngoại mất chưa đầy 3 tháng, mà Mẹ gầy rọc xanh xao già đi như cả hàng chục tuổi. Tóc mẹ đang xanh đen tự nhiên đã lốm đốm muối tiêu. Mẹ tránh giao tiếp, ngay cả Ba, cả Thúy mẹ cũng ít khi nói chuyện hàn huyên. Mẹ chỉ lặng lẽ như chiếc bóng, nét mặt trầm mặc vô hồn. Thúy đã lén theo dõi mẹ, Thúy thấy mẹ tay cầm mấy cuốn tập nhàu nát, nhìn vào đó trân trân và nấc lên nghẹn ngào.
Rồi một lần Thúy rình lúc mẹ sơ hở, Thúy lấy trộm mấy cuốn tập mà mẹ hay nhìn vào đó mà khóc để xem trong ấy là viết cái gì. Hóa ra đó là nhật ký của Ông Ngoại, tron đó có cả tờ giấy khai sinh của Mẹ. Mẹ tên là Phùng Thị Ngọc Châu sinh ngày 27.02 năm 1973, tại bệnh viện Dân Sinh, Thành phố Đà Nẵng. Trong giấy khai sinh ghi tên người mẹ là Phùng Thị Dạ Thảo 24 tuổi. Bên cột tên người cha thì ghi “Không có cha”. Mẹ của Thúy tên thật bây giờ là Nguyễn Khoa Ngọc Châu cũng có ngày sinh là 27.02.1973 . Có lần Thúy hỏi bà Bé Sẹo bán khoai, tên thật của bà là gì, tại sao lại có vết sẹo trên mặt như vậy. Bà bảo tên bà là tên của một loài cỏ đêm, xấu lắm còn vết sẹo thì bà không còn nhớ tại sao
Đọc và chắp nối lại các trang ghi chép rời rạc trong nhật ký của Ông Ngoại. Thúy đã hình dung ra được mọi chuyện. Thúy đau đớn cầm chặt các cuốn tập mà uất nghẹn từng cơn.
Bà Ngọc Châu từ giảng đường về thấy con gái tay cầm các cuốn tập mắt nhòa lệ. Bà ráo hoảnh hỏi, con biết hết mọi chuyện rồi phải không. Thúy nức nở ôm mẹ hỏi trong dàn dụa nước mắt, giờ làm sao hả Mẹ. Bà Ngọc Châu ôm con vỗ về nói, Mẹ cũng không biết làm sao nữa, mẹ rất muốn đón bà Ngoại con về phụng dưỡng, nhưng trong nhật ký của ông Ngoại, cũng như tờ huyết thư cam kết của bà Ngoại ruột cũng như bà Ngoại nuôi, họ đều thề là giữ bí mật này cho đến khi chết, nên mẹ cũng không biết làm sao.
Thúy chở Mẹ đến đám tang của bà Bé Sẹo. Khi Thúy dìu mẹ run rẩy nấc lịm vào trước căn nhà cấp 4 của bà Bé nằm trong hẽm nhỏ trên đường Phan Đình Phùng thì bị ông Tư Xích Lô chặn cả hai mẹ con lại. Ông Tư nói giọng nhỏ nhẹ nhưng rất dứt khoát: “Mẹ con cô đến đây chắc là biết hết mọi chuyện rồi, mà bà Bé chết là do con bé này đến tìm bà ấy mấy hôm trước đấy. Mấy người cũng biết rồi, họ, tức là ông Ngoại của con bé này, cùng Bà Ngoại và cả bà Bé nữa, tất cả họ đều muốn chôn vùi chuyện quá khứ này vào dĩ vãng. Họ không muốn ai biết chuyện này là vì tương lai của các người. Ý họ đã mong muốn như vậy thì nên tôn trọng di nguyện của người đã khuất. Bà Bé có để lại di thư, viết rằng bà muốn ra đi sớm là vì con bé này đã đến tìm bà, tức là đã biết chuyện. Bà Bé muốn giữ lời thề nguyền với bên nhà cô nên đã vội quyên sinh sau khi con bé này nước mắt dàn dụa đi tìm bà. Chuyện đã vậy cho nên các người chỉ nên đến thăm viếng đám tang như một người quen biết bình thường, không được khóc lóc kể lể mà lộ chuyện. Hiểu chưa…”
Hôm đó sau khi khâm liệm, di quan cho Bà Bé xong, bà Ngọc Châu và Thúy ngồi nghe ông Tư Xích Lô kể lại mọi ngọn ngành….
….
“Còn nữa”
27.02.19
Thuận Nghĩa