thư em ướp nụ lan vàng
lời em gió núi chiên đàn thoảng xa
áo em phất cõi di đà
ngón chân em nở cánh hoa đại từ
(trích trong Động Hoa Vàng của Phạm Thiên Thư)
Hôm rồi đi dự lễ Phật Đản ở Chùa Viên Giác có một việc nhỏ xảy ra mà tôi cứ băn khoăn mãi trong lòng. Trước lúc vào lễ chính ở Chính Điện có đứa nhỏ mặc áo tràng (áo dành để đi lễ chùa) đi theo Mẹ là một Phật tử thuần thành thấy các vị Tăng Lữ đi vào chánh điện mặc đủ các loại Y lễ khác nhau vị thì choàng Y vàng ngoài áo lam vị thì choàng Y vàng ngoài áo màu đà có vị thì choàng Y nhưng để lộ vai trần. Y cũng đủ màu và có nhiều mảnh ghép khác nhau. Đứa trẻ hỏi Mẹ : „ Mẹ ơi sao mỗi Thầy mặc một kiểu áo quần khác nhau vậy Thầy Trụ Trì và quí Thầy nhà mình đắp y vàng qua áo tràng màu vàng còn có nhiều Thầy khác sao lại chỉ quấn y qua vai thôi có phải là để phân biệt đẳng cấp ai to ai nhỏ không hả Mẹ”. Bà mẹ ôn tồn trả lời con „Không phải là phân biệt đẳng cấp đâu con ạ mà là để phân biệt Tông Phái”. „Là Tông Phái gì hở Mẹ”- đứa bé hỏi lại. „ Là để phân biệt Thiền Tông và Tịnh Độ Tông đó con”. Nghe bà mẹ trả lời tôi không dám nói gì cả dù biết rằng Bà mẹ trả lời con không đúng.
Sau đó tôi có thử hỏi dò một số Phật tử thành tâm khác trong đó có một vài người đã tham gia sinh hoạt gia đình Phật tử đã mấy chục năm rồi mà chính họ cũng không phân biệt được Y lễ của Tăng Lữ như thế nào. Đối với người Phật tử còn vậy còn quí Đàn na Tín chủ khác không sinh hoạt Phật tử nhưng đi lễ Chùa thường xuyên thì còn mù mờ hơn nữa. Tôi cứ băn khoăn mãi không hiểu vì sao trong sinh hoạt gia đình Phật tử lại không giảng giải rõ về Y lễ của giới Tăng Lữ cho Phật tử hiểu. Tôi có gọi điện hỏi một vị Tỳ Kheo quen biết thì vì này nói trong giới luật không cho phép người Phật tử tại gia biết rõ giới luật của giới xuất gia có lẽ chính vì vậy mà không có những tiết giảng về Y lễ của giới xuất xa cho người Phật tử biết. Tôi hơi ngạc nhiên hỏi lại „Bạch Thầy nhưng Y lễ của giới Xuất gia thì cũng mặc trước công chúng ai cũng thấy ai cũng biết cơ mà” .Thầy trả lời „ Thấy thì thấy biết thì biết đó không còn là phạm vi của giới luật nữa”. Tôi nói „ Bạch Thầy những điều con biết con thấy có thể phổ biến cho bạn bè quen biết thấy và biết thêm có phạm giới không” Thầy trả lời là không phạm giới vì tôi không phải là Tăng Lữ.
Tôi thử kiểm nghiệm môt lần nữa là hỏi thêm nhiều người xem họ có phân biệt được Y lễ của quí vị Tăng Lữ hay không thì hầu như những người quanh tôi kể cả những người thường hay đi lễ chùa thường xuyên họ đều không biết hoặc biết rất mù mờ về Y phục của giới Tỳ Kheo. Trong khi đó Y lễ của giới xuất gia chiếm một vị trí rất quan trọng trong các nghi tiết của Phật Giáo. Từ nhân duyên này hôm nay tôi gửi đến quí vị thân hữu một bài viết có thể giúp cho quí vị thêm chút kinh nghiệm khi tiếp xúc với những tình huống có liên quan đến Chùa Chiền.
Y Phục Của Tăng Lữ
Trước lúc tìm hiểu về lễ phục và y phục của giới Tăng sĩ các bạn cần phải hiểu sơ về một vài khái niệm về Phật giáo có liên quan đến Y phục của giới xuất gia.
Đầu tiên các bạn cần phải phân biệt Tông Phái trong Phật Giáo như thế nào.
Đạo Phật dù ở đâu trên thế giới cũng chỉ có hai Phái tượng trưng cho hai con đường đi đến cùng một mục đích duy nhất là Giải Thoát. Hai con đường đó là Một Con Đường Hẹp và Một Con Đường Lớn. Con Đường Hẹp thì chỉ đi được một người hay ít người. Con Đường Lớn là con đường dành cho nhiều người đi được cùng một lúc đến đích. Con Đường Hẹp đó chính là Phái Tiểu Thừa Con Đường Lớn là Phái Đại Thừa. Đó là hai Phái Phật Giáo hiện đang tồn tại và hoạt động trên thế giới. Phật Giáo Tiểu Thừa là Phật Giáo của các nước như Tích Lan Thái Lan Cao Miên Miến Điện Lào…. Phật Giáo Đại Thừa bao gồm Phật giáo của các nước như Nhật Bản Đại Hàn Trung Quốc Việt Nam Tây Tạng Mông Cổ….
Còn Tông Phật Giáo là chỉ phương thức hành trì tu tập để đạt đến quả vị trong Đạo Phật. Tông chỉ về Pháp Môn Tu ví dụ như pháp môn phá giải Nghi Vấn để đạt đến đến sự thông ngộ thì gọi là Thiền Tông pháp môn dựa vào sự hành trì kinh kệ để đạt đến cảnh giới an lạc thì gọi là Tịnh Độ Tông. pháp môn dựa vào sự hành trì kinh Hoa Nghiêm thì gọi là Hoa Nghiêm Tông…Đức Phật đã dạy cho hàng xuất xa và tại gia cả thảy có 84.000 (tám vạn bốn ngàn) Pháp môn mỗi Pháp Môn có thể thành lập một Tông chỉ riêng
Lễ phục và Y phục của Tăng Ni hầu như chỉ khác nhau ở Phái chứ không khác nhau ở Tông.
Điều thứ hai mà các bạn cần phân biệt là cấp bậc trong giới xuất gia điều này rất quan trọng trong Y phục của Tăng-Ni.
Giới Tu sĩ Phật giáo có hai Giới Đoàn:
•11) TĂNG : là Nam giới xuất gia khi mới vào chùa còn nhỏ gọi là Điệu. Thọ 10 giới gọi là Sa Di ( cũng gọi là Chú) . Khi thọ giới Tỳ Kheo thì gọi là Đại Đức sau đó có Phẩm hạnh và đủ đức độ và thời gian thì tấn phong lên hàng Thượng Toạ cấp bậc cuối cùng là Hòa Thượng
2) NI: là Nữ giới xuất gia nguời mới xuất gia thì gọi là Điệu Chị. Thọ 10 giới thì gọi là Ni Cô. Thọ giới Tỳ Kheo Ni thì gọi là Sư Cô Đầy đủ phẩm hạnh và thời gian thì tăng lên hàng Ni Sư và cuối cùng là Sư Bà. Có nghĩa là hàng Ni Cô thì giống Chú bên tăng Sư Cô thì giống Đại Đức Ni Sư thì giống Thượng Tọa còn Sư Bà thì giống Hòa Thượng. (Đặc biệt bên Đại Thừa mới có Ni giới tu đến các bậc phẩm hạnh ấy thôi. Chứ bên Tiểu Thừa người Nữ xuất gia rất giới hạn nên không phân chia cấp bậc như vậy. Đa số xuống tóc vào chùa mặc áo tràng phục vụ sự Đạo nên chỉ gọi chung là giới Bạch Y mà thôi)
Về lễ phục cũng như y phục tăng sĩ của hai phái Đại thừa và Tiểu thừa khác nhau rất nhiều. Tiểu Thừa Phật Giáo Chư Tăng đắp y quấn màu vàng hở vai lúc đi ra ngoài làm việc hay hành lễ đều giống nhau vậy. Trong khi đó bên Đại Thừa ngoài chiếc y vàng đắp khi lễ Phật chư Tăng Ni còn có các loại áo khác mặc để lúc đi ra đường hay làm việc
Ví dụ tăng sĩ Việt nam thường hay mặc màu đà (nâu sồng) hay màu lam mỗi khi ra đường hay khi làm việc (Ni thì thường mặc áo lam hơn là màu đà). Giới tăng sĩ Nhật bản thì thường mặc áo Kimono màu đen Tăng sĩ Đại Hàn mặc áo màu lam Tăng sĩ Trung Hoa mặc áo màu đen hoặc màu đà. Y phục thường ngày của tăng sĩ của các nước Đại Thừa Phật Giáo khác nhau rất nhiều.
Riêng Việt nam thì có loại áo Nhật Bình là loại thông dụng nhất. Loại áo này có một hàng nút thẳng từ cổ xuống chân và có hình chử nhật ngay trước ngực. Loại áo này chỉ có những vị xuất gia thọ 10 giới trở lên (Sa Di Ni Cô) mới được mặc. Còn những người mới xuất gia chỉ được mặc áo 5 thân như loại áo của Phật tử tại gia thôi. Kiểu áo này bên Tiểu Thừa không có qui định.
•-
Tăng Ni khi đã thọ giới Sa Di (ít nhất phải ở chùa phải được trên 5 năm và thọ 10 giới) lúc làm lễ bên trong mặc áo nhật bình màu lam bên ngoài đắp lên mình một cái mạn y màu vàng gồm hai mảnh vải nối lại với nhau
•-
Sau đó phải 5 năm nữa tiếp tục học tập kinh điển cũng như giáo lý và tu tập phẩm hạnh nếu có khả năng sẽ được thọ giới Tỳ Kheo lúc bấy giờ phải qua một kỳ khảo hạch giới luật kinh điển do ban tuyên luật của Đại giới đàn hạch hỏi nếu đậu mới được phép đắp 3 Y Tỳ Kheo: là Y Ngũ Điều Y Thất Điều và Y Cửu Điều
* Y Ngũ Điều: là y được may bởi 5 mảnh vải thành 5 hàng dài mổi hàng bao gồm một miếng dài và một miếng ngắn
•- * Y Thất Điều là y được may bằng 7 mảnh vải thành 7 hàng dài mỗi hàng 2 miếng dài và 1 miếng ngắn
•- * Y Cữu Điều là y được may bằng 9 mảnh vải thành 9 hàng mỗi hàng bao gồm 2 miếng dài 1 miếng ngắn
Hình của các miếng y gọi là Phước Điền Y (ruộng phước) nhờ các „ruộng phước” này mà các đàn na thí chủ gieo công đức vào đây để tạo duyên lành với Phật Pháp.
Y Ngũ Điều có thể sử dụng bất kỳ chổ nào cũng có thể đắp được cả. Y Thất Điều chỉ được sử dụng ở những nơi chốn sạch sẽ như ở Chùa hay là lúc ăn cơm. Còn Y Cửu Điều chỉ đắp khi nào đến chổ đông người khi đi khất thực (ăn xin) nhập chúng (tiếp xúc với tín chủ) thọ trai khi đi nghe giảng kinh thuyết pháp khi lễ tiếp một vị Hòa Thượng một vị Yết Ma (giáo luật)….
Một vị Tăng Ni khi thọ giới tỳ kheo rồi có được 3 y trên một bình bát và một tọa cụ (Bồ đoàn miếng vải trải ngồi khi tham thiền họăc lễ Phật)
Vị Tân Tỳ Kheo được mặc áo lễ vàng bên trong còn Tân Tỳ Kheo Ni thì không được mà bên trong chỉ được phép mặc áo tràng màu lam mà thôi. Khi lên đến Sư Bà thì có thể được mặc chứ Ni Sư trở xuống không được mặc áo tràng màu vàng.
Ngoài những Pháp Y chủ yếu ấy ra giới luật còn qui định thêm các Y cao cấp hơn cho các vị Cao Hạ lạp các vị Thượng Toạ và các vị Hòa Thượng lớn tuổi như các loại Y 11 điều Y 15 điều y 17 điều y 19 y 21 y 23 và y 25 điều. Các loại Y trên chỉ còn tồn tại trong giới Tăng sĩ Tiểu Thừa.
Ngày nay trong Phật giáo Đại Thừa chỉ còn lại 4 loại là Y Ngũ Y Thất Y Cửu và Y NHị Thập Ngũ (Y 25 điều)
Y 25 điều gồm 25 mảnh vải khổ dài chấp lại với nhau mỗi khổ có 4 miếng dài và một miếng ngắn. Y này còn gọi là Y Bá Hạp có nghĩa là được nối cả trăm mảnh Phước Điền lại với nhau. Y này chỉ dùng cho các bậc Đại Trưởng Lão Đại Tăng Chánh hay Đại Lão Hòa Thượng mới được đắp. Các vị Hòa Thượng thời xưa còn may bằng nhiều màu khác nhau chứ không riêng gì một màu vàng. Đặc biệt ở Trung Hoa thì lại rất chuộng màu đỏ (Xem phim Tàu thấy các Vị Trụ Trì Trưởng lão hay Thủ Tọa Đạt Ma Đường …của Thiếu Lâm Tự hay choàng là loại loại Y 25 này đây)
Chư vị Hòa Thượng khi đăng đàn thuyết pháp hay dẫn lễ có đội thêm một cái mão gọi là mão Hiệp Chưởng (giống như hay tay chắp vào nhau đưa lên cao). Hoặc là đội mũ Tỳ Lư mũ 6 cánh như mũ của ngài Tam Tạng hay ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát đội vậy). Ngoài ra Vị Hoà Thượng còn cầm nơi tay mộ cái Tích Trượng hay một cái Phất Trần để tăng thêm vẻ uy nghi tùy theo lễ như lễ cầu siêu cầu an hay chẩn tế cô hồn….
Giới luật chung là như vậy nhưng thực ra mỗi một quốc gia Phật Giáo có những cách thay đổi riêng phù hợp với phong thổ của địa phương mình
Và ngày nay ngay cả ở Việt Nam mình cũng có nhiều thay đổi có nhiều nơi vẫn không tuân thủ theo giới luật xưa. Ví dụ Ni Giới ở ngoài Bắc thích mặc áo nâu hơn rất hiếm khi thấy mặc áo lam và có nhiều vị chưa phải là Sư Bà mà vẫn mặc áo tràng bên trong màu vàng và không đắp y khi làm lễ. Một số nhà sư Tiểu Thừa vùng Đồng bằng sông Cửu Long đắp y hở vai nhưng chân lại mang dép khi đi hành hương và khất thực. Đó là những thay đổi cho hợp với thời mạt pháp. Nhưng chung qui lại tất cả vẫn tuân thủ theo giới luật Tứ Y. Là sử dụng rất nghiêm túc 4 thứ Y pháp : Ngũ Y Thất y Cữu Y và Nhị Thập Ngũ Y. Vì vậy khi chúng ta thấy chư Tăng Ni đắp y thì chúng ta cũng dễ dàng phân biệt được cấp bậc trong giới Tăng Lữ
Kính Bút
Quảng Nhẫn Lê Thuận Nghĩa
Sưu tầm và biên soạn