Nếu ai ở phía ngoài của giới tuyến 17 vào những năm đầu của thập niên 60 của Thế kỷ 20 và hình như cho đến tận sau năm 1975 rồi kéo dài cho đến những năm đầu của Thế kỷ 21. Nếu tôi không nhầm thì hiện nay trên hệ thống loa phường ở một số nơi vào đúng lúc 5 giờ sáng hàng ngày vẫn vang lên các “điệp khúc”:   Vươn thở…1,2,3,4…5,6,7,8 Tay…1,2,3, 4…5,6,7,8… Chân…1,2,3,4…5,6,7,8…

…..

Ngày nay, trong các trường học phổ thông Công lập, đặc biệt là các cấp Tiểu học và một số trường phổ thông Trung học vẫn còn hình thức sinh hoạt bắt buộc vào giữa giờ ra chơi là hình học sinh toàn trường, kể cả giáo viên cũng phải tham gia buổi vận động “Thể dục giữa giờ”. (Tôi còn nhớ, hồi còn học phổ thông ở tất cả các cấp, trong giờ “Thể dục giữa giờ” này, nếu học sinh nào cúp cua, bỏ không tập mà bị “Đội cờ đỏ” bắt được là bị “ốm đòn” vì bản tự kiểm điểm ngay…)

Sau này khi lớn lên, được tiếp cận với bộ môn Khí Công của Y học Cổ truyền, và một số môn Võ thuật, Dưỡng sinh khác. Đặc biệt là khi được truyền thừa chính thức môn “Khí Công Tâm Pháp Bí Truyền” từ một Hòa thượng của Phật giáo Miền Nam. Tôi vô cùng kinh ngạc khi tìm hiểu lại các động tác của “Thể dục buổi sáng” và “Thể dục giữa giờ” phổ cập trong toàn bộ cộng đồng và học sinh phía ngoài Miền Bắc, thì thấy các động tác của hai môn thể dục cộng đồng này lại hàm chứa một lập trình Dưỡng sinh vô cùng vi diệu của “Khí Công Tâm Pháp Bí Truyền”, đó là lập trình vận động Dưỡng sinh “KHAI- TÍCH- HOẠT- ĐỊNH”.

Để lý giải cho sự kinh ngạc này, tôi đi tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ của môn “Thể dục buổi sáng” và “Thể dục giữa giờ” vô cùng đơn giản, rất dễ luyện tập nhưng hiệu quả lại vô song với tất cả mọi tầng lớp của xã hội này.

Khi tiếp cận được các vị Lãnh đạo Lão thành về hưu, qua lời kể của họ tôi mới biết rằng sau năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ chính trị ngoài việc cử 6 người là các vận động viên thời thuộc Pháp đã đi theo kháng chiến qua Liên Xô và các nước Đông Âu để học tập cách tổ chức huấn luyện Thể thao chuyên nghiệp thì còn phát động rất nhiều phong trào thể dục, thể thao quần chúng.

Cụ thể là vào tháng 10 năm 1958, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 206-CT/TW “về công tác thể dục thể thao”, yêu cầu các cấp ủy Đảng đặt nhiệm vụ lãnh đạo công tác thể dục thể thao thành nhiệm vụ thường xuyên, phân công người có năng lực để trực tiếp phụ trách, kiện toàn Ban Thể dục Thể thao Trung ương và các cấp khu, tỉnh, mở trường đào tạo cán bộ và chọn cán bộ, vận động viên đi học dài hạn ở các nước XHCN.   Bên cạnh đó còn có Nghị định số 109/CP ban hành Điều lệ về “Chế độ phân cấp VĐV” và Điều lệ về “Chế độ phân cấp trọng tài” áp dụng trong ngành thể dục thể thao. Nghị định của HĐCP số 110/CP ban hành điều lệ tạm thời về “Chế độ rèn luyện thân thể theo tiêu chuẩn”, Chỉ thị số 38-CT/TW về “tăng cường công tác thể thao quốc phòng”, Chỉ thị số 05-TTg/VG “về việc tăng cường lãnh đạo công tác thể dục thể thao trong tình hình mới”, Chỉ thị số 180-CT/TW “về tăng cường lãnh đạo công tác thể dục thể thao trong những năm mới”  hay Chỉ thị số 187/TTg “về việc chuyển hướng công tác thể dục thể thao trong tình hình mới”.

Năm 1957, Chính phủ đã quyết định tổ chức Cuộc vận động rèn luyện thân thể mùa Xuân trên toàn miền Bắc. Tiếp theo cuộc vận động Mùa Xuân có tính chất phát động, cuộc vận động Thu Đông nhằm nâng cao số lượng và chất lượng phong trào với nhiều sự kiện thể thao đáng ghi nhớ. Tháng 10/1958, Ban Thể dục thể thao Trung ương tổ chức Hội nghị Cán bộ Thể dục thể thao toàn miền Bắc, để thảo luận việc thực hiện Chỉ thị 106-CT/TW, ngày 2/10/1958, của Ban Bí thư, mà nội dung chủ yếu là phát động cuộc vận động rèn luyện thân thể Thu – Đông – Xuân 1958 – 1959.

Trong năm 1958 đã có một số sự kiện thể dục thể thao diễn ra lần đầu tiên và trở thành hoạt động mang tính truyền thống của phong trào thể dục thể thao nước ta như: Cuộc thi chạy Việt dã “Báo Tiền phong”, cuộc thi đi bộ thể thao giải “Báo Thể dục thể thao” hay thi Điền kinh toàn miền Bắc, Cuộc thi Bơi vượt sông Hồng.

Năm 1959 có nhiều sự kiện thể dục thể thao đáng ghi nhớ như: Đại hội Thể dục thể thao toàn quân với sự tham gia của hàng vạn chiến sĩ và dân quân tự vệ, góp phần thúc đẩy phong trào thể dục thể thao trong thanh thiếu niên. Nhìn chung, đến năm 1959, phong trào thể dục thể thao đã phát triển khá rộng nhất là trong học sinh và quân đội.

Cụ thể hơn là vào tháng 9 năm 1959 Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ chính trị quyết định thành lập  Trường Trung cấp TDTT Trung ương tại Từ Sơn/ Bắc Ninh, do Đại úy Nguyễn Tình, là một vận động viên TDTT quân đội về làm Hiệu trưởng.  Và đến tháng 11 thì thành lập trung tâm thi đấu TDTT tại Hà Nội.

Đặc biệt cũng trong tháng 9 năm 1959 (Người kể không nhớ ngày). Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban bí thư Trung ương ra lệnh cho ông Tạ Đình Đề tức là tướng Đinh Đức Thiện, có sự trợ giúp của ông Nguyễn Tài Thu mở hội nghị bí mật, tập trung toàn bộ các Lương y và các Võ sư võ cổ truyền  toàn miền Bắc tập trung về Hà Nội. Và 2 bộ môn “Thể dục buổi sáng” và “Thể dục giữa giờ” cũng như môn Võ thuật cận chiến của Bộ đội binh chủng Đặc công của Quân đội Việt Nam cũng ra đời từ Hội nghị bí mật này. Cũng chính vì lẽ đó mà trong bộ môn “Thể dục buổi sáng” của toàn cộng đồng xã hội và “Thể dục giữa giờ” của Học sinh miền Bắc lúc bấy giờ lại hàm chứa “bí cấp” vi diệu của Dưỡng sinh theo lập trình của Khí Công Dưỡng Sinh là “KHAI- TÍCH- HOẠT- ĐỊNH”:

– “Khai” là Khai mở kinh mạch và thân thể

– “Tích” là Tích lũy nội lực và chân khí

– “Hoạt” là Hoạt khí, lưu thông khí huyết

– “Định: là An định thân tâm.

…Chắc chắn ai đã từng đi học, và đã là đi làm cán bộ công nhân viên thì cũng đều biết rõ hai môn “Thể dục buổi sáng” và “Thể dục giữa giờ” này vì đó là điều kiện bắt buộc của thành tích khen thưởng trong lao động và học tập.

Tôi ví dụ như môn  “Thể dục buổi sáng” bao giờ cũng lần lượt được tập luyện lập đi lặp lại 8 lần các động tác ngắn và đơn giản như sau:

1- Vươn thở

2- Tay

3- Chân

4- Bụng

5- Sườn

6- Vặn mình

7- Nhảy

8- Điều hòa

(Môn “Thể dục giữa giờ” được rút gọn từ môn “Thể dục buổi sáng này”).

Cũng chính vì nguyên lý “cốt tủy” của việc luyện tập Khí Công Dưỡng Sinh và Khí Công Trị Bệnh có hàm chứa rất ảo diệu trong môn “Thể dục buổi sáng này”, cho nên khi truyền thụ những tầng cấp cao của “Khí Công Tâm Pháp Biệt Truyền”, tôi thường nói với Học viên rằng: Nếu biết chiết chiêu bằng các loại Hơi thở, thì môn “Thể dục buổi sáng” mà toàn xã hội miền Bắc đang tập luyện bấy lâu nay, chính là một môn Khí Công thượng thừa trong Nghệ thuật bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên một số Học viên tưởng tôi nói đùa, và có ý nhạo báng hệ thống loa phường vào lúc 5 giờ sáng hàng ngày ở miền Bắc. Nếu là một hành giả Khí Công, đặc biệt là môn đồ của  “Khí công truyền nhân của Hơi thở” họ nhất định sẽ biết tôi nói với tâm tư rất là ngưỡng mộ, chân tình….

(Lưu ý: Những tư liệu trong bài viết là viết lại theo lời kể, không phải là tư liệu chính thức của Lịch sử)

Xem thêm về lập trình “KHAI- TÍCH- HOẠT- ĐỊNH” trong clip đăng lại buổi Zoom tôi trình bày hôm 05.12.21 theo đường link đính kèm:

14.12.21

Thuận Nghĩa

SHARE