Thầy giáo già về hưu Lê Thuận Lễ là anh ruột của tôi, anh là con thứ ba trong gia đình, tôi là út. Anh vừa tạc xong bức tượng “Lòng Mẹ” dựa vào cảm xúc từ câu chuyện có thật của một người Mẹ. Người Mẹ trong câu chuyện mà anh tôi lấy cảm xúc để tạc tượng tôi có quen biết, là rất quen nữa là đằng khác…hì hì…Không những thế tôi còn cực kỳ thân quen với người Chồng của bà Mẹ này nữa kia. Chuyện anh tôi nghe kể về người Mẹ ấy qua lời kể của chị tôi, và người trong cuộc…là chuyện “bình thường” của hồi ấy. Chuyện tôi nghe Chồng của người Mẹ ấy kể còn đáng để tạc hơn. Chuyện rằng:

Gia đình của người Chồng (của bà Mẹ ấy) vốn là cái nôi của CM. Nơi gia đình ấy là nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng Sản đầu tiên của Nam Trung Bộ vào mùa thu năm 1931. Những Đảng viên đầu tiên của cái chi bộ ấy đều có họ là Lê Thuận, cái họ “Địa chủ” của làng Mỹ Thổ. Người “chồng” ấy cũng họ Lê Thuận, trước khi trở thành một cán bộ “tiền khởi nghĩa” (Đàn em của tướng G. cũng là người Lệ Thủy), hồi mới thành lập Chi bộ đầu tiên ấy, ông ấy mới chỉ là liên lạc viên của Xứ ủy Trung kỳ….

Tôi nghe chính miệng người Chồng của bà Mẹ ấy kể lại câu chuyện. Câu chuyện cũng làm ám ảnh tôi dữ lắm, cũng đáng để lấy cảm xúc để tạc tượng lắm… Chuyện kể về “Đội cải cách” trói giật khuỷu tay của người Chồng ấy, định đem ra pháp trường dùng mã tấu chém đầu vì bị qui là gia đình Địa chủ. Cũng may mà người bần cố nông mang danh đội trưởng đội cải cách ấy lại là người do người Chồng dìu dắt theo CM, cho nên không nỡ xuống mã tấu lên cổ của người chỉ huy cũ của mình… Vì vậy mà người Chồng ấy mới sống sót để kể lại cho câu chuyện kinh dị ấy cho tôi nghe…

Có bức ảnh về “Lòng Cha” Một bức ảnh không biết chụp từ “chiến tuyến” nào, nhưng đó là một trong những bức ảnh làm “nao lòng” tất cả những ai yêu chuộng hòa bình trên Thế giới (Bức ảnh đính kèm bài viết). Tôi muốn lấy hình ảnh của người cha trong bức ảnh này, để cạnh tranh công bằng với anh Ba tôi. Tôi muốn tạc một bức tượng với chủ đề “Lòng Cha”…Hì hì…

Xem bài viết về lý do anh Ba tôi tạc nên bức tượng “Lòng Mẹ” ở đây:

https://www.facebook.com/le.lethuan.1/posts/1112696472468489

Tôi không muốn kể chuyện ngày xửa ngày xưa ấy, bởi sai đã có sửa, mà tôi  kể câu chuyện về tấm lòng của một người mẹ thời Cải cách ruộng đất. Chuyện rằng:

   ” Có hai thanh niên trẻ gặp nhau trên chiến khu kháng Pháp rồi thành vợ thành chồng. Hoà  bình về, gia đình người chồng bị quy thành phần địa chủ, người nghèo lên ngôi, chánh án(Đội cải cách) không biết chữ đứng ra tổ chức đấu tố chém giết….gây bao tang tóc đau thương.

  Một ngày nọ,  em của người vợ (một Đảng viên được người chồng dẫn dắt đi theo con đường cách mạng) đến nói với chị mình:

   – Thôi, ả bỏ  về đi, gia đình mình là thành phần bần cố nông không thể làm bạn với thành phần Địa chủ được!

     Người chị suy nghĩ hồi lâu và trả lời trong dứt khoát:

   – Chị không về đâu, sống chết chị cũng theo chồng, theo con!…”

        Câu chuyện tôi nghe từ lời kể của chị tôi, và chị tôi nói cũng nghe lại từ một người trong cuộc. Mấy ngày liền tôi thẩn thờ, lặng im và miên man nghĩ suy về tấm lòng cao cả của người mẹ trong câu chuyện rồi liên tưởng đến trong cuộc sống hiện tại. Nước mắt tôi đã rơi, tôi quyết định cho ra đời tác phẩm LÒNG MẸ.

     Tác phẩm số 13/2021

– Tên tác phẩm: LÒNG MẸ

– Thể loại: Phù điêu

– Chất liệu: Đá vôi, đá cuội, xi măng.

– Cấu tạo: Hình ảnh người mẹ với hai bầu vú lép kẹp, mái tóc dài xoè rộng che chở cho con, bàn tay ôm con vào lòng. Thân thể tàn phai theo tháng năm mưa gió .

Phía dưới là dấu chân mẹ bước qua con đường thời gian đầy sóng và gió.

– Thông điệp: Lòng mẹ đối với con bao la biển trời. Dù trong hoàn cảnh nào người mẹ cũng luôn vì con .

———

TL – 22/11)2021

23.11.21

Thuận Nghĩa

SHARE