Home Khí công CUỐI TUẦN “ĐỎ TÍM” (NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH)

CUỐI TUẦN “ĐỎ TÍM” (NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH)

1194
0

1

Vụ việc bắt đầu từ cuối tuần từ ngày 21 đến ngày 25 tháng 10. Theo lịch trình là ngày 21 đi từ Hamburg đến Học viện Hơi thở “đồn trú” tại phụ cận Wüzburg/ Bayern. Ở lại đây 2 ngày 2 đêm sau đó rạng ngày 24.11 là đi đến vùng Hirtschau (Một thành phố thuộc Đức, nhưng sát biên giới Tiệp Khắc. Thành phố này có tên theo tiếng Việt là “Nơi nhìn hươu”. Đây là vùng rừng núi có những trạm nghỉ để khách du lịch ngắm hươu rừng thật sự). Từ Weibersbrunn (Nơi Học viện khu trú) đến Hirtchau khoảng 300 km nên phải đi sớm cho mới kịp giờ hẹn ở đó lúc 9 giờ sáng ngày 24.10. Làm việc ở Hirtschau xong, là tôi phải gấp rút về ngay vùng Brandenburg/ Berlin để cho kịp một cuộc hẹn khác ở vùng này vào sáng 25.10. Quảng đường này khoảng 500km. Cũng ngay ngày 25.10 vào chiều tối, tôi lại có một cuộc hẹn khác tại khu điều dưỡng của tôi tại thành Schwerin, cách Brandenburg khoảng 300km. Lịch trình là vậy!!! (Lưu ý xe tôi là xe phân khối nhỏ:1.0)

2

Thứ Năm 21.10 khởi hành từ Hamburg đi Weibersbrunn vào lúc 11 giờ sáng. Suất cả hành trình xuyên theo chiều Bắc-Nam của nước Đức này mưa như trút, mưa không ngưng nghỉ. Gần cả ngàn cây số lái xe đi bằng cái gạt nước…hì hì…Cái gạt nước không xua đi nổi nhớ…mà toàn gợi nhớ, đặc biệt là toàn gợi nhớ đến tương lai…he…he… Về đến Học viện, thở phào nghĩ. không biết trong biển nước mưa trên đường cao tốc ấy, là mình lái xe hay ai lái nhỉ, bởi có nhiều đoạn, mưa và nước bắn mù trời, đêm lại tối mịt mù có thấy đường đâu mà lái!!!. Vừa cảm tạ Trời Phật độ cho qua quảng đường “khốc liệt”, vừa tưới cây (Động thái đầu tiên khi đến Học viện sau một tháng xa cách) vừa lẩm bẩm: Khiếp! nước đâu trên trời mà đổ xuống kinh nhỉ…Tưới đến cây sen đá mà hồi xưa “Em” đã cùng với tôi chọn để trồng trước tượng Phật nhỏ. Cây sen đá này có hình hài uốn cong rất huyễn dị (Hình đính kèm) tôi hát: “Lâu lắm rồi, em không đến chơi, cây sen đá lá xanh đậm như tôi…” hehehehehe!!!! rồi nghĩ vớ vẫn, hay là cây sen đá này mãi mãi tươi xanh, không cần  nhờ ánh sáng mặt trời là nhờ ánh của ngọn đèn trong bức tranh có khung màu “đỏ tím” đặt đằng sau nhỉ…hì..hì…

Nghỉ ngơi, đọc một tờ tạp chí về Y khoa người ta mới gửi đến cho Học viện, thấy có một bài viết hay về hội chứng đau lưng. Bài viết nói đến những nghiên cứu Khoa học về  di chứng của Hội chứng đau lưng. Nội dung bài viết nói, hội chứng đau lưng là một trong nguyên nhân của các bệnh về tinh thần, như hoảng loạn tinh thần, trầm cảm, bất an, tuyệt vọng…và các chứng bệnh về “Tâm lý Xã hội” khác…. Vụ này đã nhiều lần tôi đã phát biểu và đã bị ném đá cũng khá nhiều với câu nói mang tính “thương hiệu”: Không bao giờ có một Tinh Thần an lạc trong một Cơ Thể bệnh hoạn, đừng có mà nằm mơ…”. Hình minh họa của bài viết này khá ấn tượng: Một cô gái để trần lưng và trên lưng có những họa tiết mô phỏng những “rắc rối” về Tinh Thần… Hình ảnh và chữ viết của bài viết này có màu “Đỏ tím”. Lạ!!! (Hình ảnh đính kèm). Cái màu “đỏ tím” này gợi tôi nhớ lại một bức tranh ghép bằng màu lá cách đây 10 năm trước. Bức tranh có tên “Thượng Nguồn”. Bức tranh tôi mô tả bối cảnh một “dòng sông” nhưng núi và bờ sông thì gam màu lá “Đỏ tím” và nước thì gam màu vàng…He he… sau đó thì lên “Phây” hỏi chủ nhân “đời sau” của bức tranh là màu sắc của “Em nó” sau 10 năm có thay đổi gì không…Cũng đang định hỏi, chủ nhân của bức tranh này dạo này có bị đau lưng không, nhưng sợ bị hiểu nhầm nên không hỏi nữa. He he…tính tôi thỉnh thoảng hay “liên kết” những sự kiện ngẫu nhiên, nhất là những sự kiện về “màu sắc” và “âm thanh”…

3

Sáng 24.10 dậy từ lúc 3 giờ sáng pha trà nhâm nhi tiêu sáo rồi chọn bộ đồ, áo quần, giày vớ, khăn, mũ có gam màu nâu đỏ mang theo, phòng có khi gặp hoàn cảnh “ngẫu nhiên” mà đem ra ứng xử…hê hê…

Từ Würzburg đi Hirtschau/ Tiệp Khắc là nhằm thẳng trục Tây- Đông. Vì xuất phát từ buổi sáng, đúng ngay thời điểm mặt trời mọc nên hứng trọn phát “Bình minh trong sương mù”. Buổi sáng mùa Thu, mặt trời mọc lên sau sương mù dày đặc nên có màu “đỏ tím”. Chả biết trước đây người ta thiết kế xa lộ có nghĩ đến vụ “Chói trực diện mặt trời” này không nhỉ. Quả thực là lái xe đi trong vụ chói này rất chi là căng thẳng. Cũng may đoạn đường này đang sửa chữa nhiều đoạn, nên hạn chế tốc độ khá dày đặc, nếu không cứ bắt buộc phải chạy mãi với tốc độ trên 100km/h thì cũng thật là “nổ não” vì căng thẳng…

15 giờ ngày Chủ nhật, 24.10 xong việc ở Hirtschau, gọi cho thằng Lê Uy Long ở Chemnit, bảo, con lên Leipzig thuê cho Thầy cái khách sạn, thầy sẽ đi từ hướng Tiệp Khắc về Brandenburg, nhưng không thể lái xe được quảng đường dài như vậy nữa đâu vì mệt và căng thẳng, con lên đó thuê cho Thầy trú tạm và mang theo tiêu lục mạch của con cho thầy test xem con chơi tới đâu rồi. Và nhớ lúc thuê phải cẩn thận, nếu không thì phải thuê 2 phòng, chứ vùng Leipzig là “thủ phủ” của Nazi, chúng lại nghĩ 2 thằng đàn ông thuê chung khách sạn qua đêm là chúng “oánh” bỏ bu đấy. Thằng Long nói “Con thuê qua app, căn hộ 2 phòng ngủ, Thầy yên tâm”.

Khốn nạn nữa, là từ hướng Tiệp Khắc đi Leipzig là đi theo trục Đông- Tây, lại đi vào buổi chiều nên bắt gặp Hoàng hôn màu tím chiếu trực diện. He he buổi sáng sớm đi theo trục Tây- Đông, chiều về lại nhằm trục Đông- Tây vậy là “thái dương chiếu mệnh” suốt cả hành trình… Tôi sinh nhằm tuổi “mặt trăng” nên gặp vụ “Thái dương” trực chỉ này thì có vẻ hơi bị “tan chảy”…he…he…

19 h đến Leipzig. Mệt rã rời… được một cái thấy cu này, thổi tiêu rất khá, nên vui mà hết mệt. Cái tiêu lục mạch đưa cho nó là hệ tiêu G/ 2.3, thuộc vào hệ tiêu của “Master” chơi. Nó không những thổi được tròn âm mà chơi cả âm nội lực và quảng cao đều đẹp. Có điều âm chưa dày trầm và cách bấm lỗ còn khóa cứng các ngón, nên độ linh hoạt nhả âm còn thụ động. Chỉnh cho nó xong là ngủ và ngáy rất to…hê hê…!!!. Tôi có một tật xấu là rất thiên vị những học viên thích và biết thổi tiêu lục mạch và tiêu shakuhachi. Nhất là những đứa thổi ngay loại tiêu này ra âm khi mới tiếp xúc. Mấy đứa học viên hay đệ tử có duyên với âm lực của tiêu lục mạch này, tôi thường quan tâm và dành cho chúng những tình cảm thương yêu rất đặc biệt, tôi thường o bế, chăm sóc, quan tâm chúng hết lòng hết dạ. Cu Long này cũng là một trong số môn sinh đó!!!!

Sáng ra 7 giờ sáng, bảo cu Long xuống xe lấy bộ độ toàn tập “nâu-tím- đỏ” nói: Chả biết sao mấy bữa nay thầy toàn gặp gam màu “nâu-tím đỏ”, buổi gặp sáng nay ở Brandenburg khá quan trọng, con xuống lấy bộ đồ ấy lên đây cho thầy, thầy đóng bộ nâu đỏ cho nó suôn sẻ…he..he…

Đến Brandenburg, tiếp tôi là một cô gái trẻ, mang bộ đầm nâu đỏ, tóc có nhuộm vài vài nhánh màu nâu vàng. Và tiếp tôi trong phòng khách cũng thiết kế toàn màu “đỏ tím”. Tôi đã chột dạ, nếu như cô gái này ngang độ tuổi sàn sàn như tôi, tôi đã hỏi là “phụ kiện” của cô ấy hôm nay cũng gam màu “hồng tím” phải không. Có điều cô ấy còn quá trẻ nên sợ nhạy cảm tôi không hỏi…he..he..he…

4

Trê đường từ Brandenburg về Schwerin (300 km) thông thường là tôi chạy một mạch. Nhưng vì buổi trưa chưa ăn, nên vào trạm nghỉ bên đường để tìm cái nhâm nhi tạm. Vào đến trạm nghỉ, tôi hết cả hồn, vì cái chỗ nghỉ ấy vô cùng lạ, họ thiết kế toàn màu đỏ tím, từ ghế ngồi cho đến thùng rác. Mà cái màu “đỏ tím” này lại rất hạp cạ với màu của cỏ cây hoa lá xung quanh và đặc biệt là vô cùng hợp tông với trang phục, giày, mũ, áo khoác, khăn quàng và kể cả màu cái hộp sữa mà tôi mang trên xe xuống uống…Và đương nhiên cũng là màu của Khung ảnh, bài viết, bình minh và màu váy cũng như màu phòng lễ tân mà cô gái kia đã tiếp tôi… Một sự ngẫu nhiên mang tính như “sắp xếp”… thấy vui vui…nên tôi lấy máy chụp lại những thứ này (Hình ảnh đính kèm).

Chưa hết!!! về đến Schwerin nhận được thùng hàng của học viên từ Hà Nội gửi sang. Cái thùng hàng này được đóng bao bì cũng y chang cái túi đồ nghề của tôi mang vào nhà và cũng là màu “Đỏ tím” huyền ảo kia…

Tối hôm qua lại nằm mơ, ngày thứ Tư, 27.10 về lại Hamburg có người mang đến biếu một ống tiêu Shakuhachi của một thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản. Ống tiêu này làm bằng gỗ cây phong đỏ và có màu “nâu tím”… he he he… vụ này phải chờ đến mai, về lại Hamburg mới biết được thực hư như thế nào!!!

26.10.21

Thuận Nghĩa

SHARE