(PHẦN 3: Các Qui tắc ứng dụng “NGUYÊN LÝ ÂM-DƯƠNG” trong “ Y Thuật “LƯƠNG- HỎA ĐỊNH PHONG CHÂM” và “LƯƠNG- HỎA ÁN MA PHÁP”)
1- Qui tắc: “Người Cấy Lúa” (Xem phần 1)
2- Qui tắc: “Dòng Sông” (Xem phần 2)
3- Qui tắc: “Rừng Cây”
Qui tắc “Rừng Cây” hay còn gọi là “Qui tắc Tam Tài”, “Qui tắc Tam Bảo”…Các qui tắc này được thiết lập dựa vào Học thuyết “Tinh- Khí- Thần”. Là một trong các Học thuyết căn bản của Cơ thể học Đông Y, Qui tắc như sau:
– Từ tổng thể toàn bộ cơ thể của một Con Người, cho đến các cơ quan bộ phận, các phần nhỏ nhất của cơ thể cũng đều có cấu tạo Tinh- Khí- Thần theo nguyên tắc “Gốc- Thân- Ngọn” như một “Cái cây” mọc trong một “Rừng Cây”. Tinh là phần “Gốc rễ”, Khí là phần “Thân cành”, Thần là phần “Lá hoa”
– TINH là vật chất cụ thể cấu tạo nên cơ thể, ví dụ: Như cơ xương, gân cốt, huyết dịch, các chất đàm giải…v..v.. thuộc về phần “Gốc rễ” của đời sống Sinh Mệnh. KHÍ là Năng lượng điều khiển chức năng hoạt động, hành hóa của Cơ thể, thuộc về phần “Thân cành” của đời sống Sinh Mệnh. THẦN là chất lượng thể hiện ra từ sự vận động chuyển hóa của Tinh và Khí, thuộc về phần “Ngon- hoa lá” của đời sống Sinh Mệnh
– Trong tổng thể của toàn bộ Cơ thể sống, Thân mình thuộc về TINH là “Gốc rễ”của “Cái cây Sinh mệnh”. Tứ chi (Tay, chân) thuộc về KHÍ, là “Thân cành” của “Cái cây” Sinh mệnh. Đầu mặt thuộc về THẦN, là “Hoa lá” của “Cái cây Sinh mệnh. Mỗi bộ phận của Cơ thể chia nhỏ ra từng chi tiết cũng có trúc “Tam bảo” TINH- KHÍ- THẦN (Gốc- Thân- Ngọn). Ví dụ trong Tứ chi thuộc về KHÍ trong tổng thể của Cơ thể. Nhưng chỉ riêng cánh tay, thì “nơi sinh ra” cánh tay (Cánh tay mọc ra từ vai) thuộc về TINH (Gốc rễ) của cánh tay. Phần khuỷu tay thuộc về KHÍ của cả cánh tay. Bàn tay và ngón tay thuộc về THẦN… Ngón tay thuộc về THẦN của cả Cánh tay, nhưng ở đốt thứ nhất “nơi ngón tay mọc ra” gọi là TINH/ Gốc rễ của Ngón tay, đốt thứ 2 thuộc về KHÍ/ Thân cành của Ngón tay. Tương tự, Đầu mặt thuộc về THẦN của toàn bộ Cơ thể, nhưng riêng cái Mũi, thì phần gốc mũi ở dưới trán lại là Tinh của Mũi, sống mũi là Khí của Mũi, đầu chóp mũi lại là Thần của Mũi…v..v.. Nói tóm lại từ bộ phận nhỏ nhất đến toàn bộ tổng quan của cơ thể đều có cấu tạo “Tinh- Khí- Thần” (Gốc- Thân- Ngọn) như đã nói trên.
– Trong Y thuật “Lương- Hỏa định phong châm” để đặc trị chứng co quắp và bại xuội do Trúng phong (Đột quị) thì chủ yếu sử dụng qui tắc Tinh- Khí- Thần (Gốc- Thân- Ngọn) trong cấu tạo của Huyệt vị của các đường Kinh. 1/3 Phần sâu nhất trong cùng của mỗi huyệt gọi là phần Gốc huyệt thuộc về TINH của Huyệt, 1/3 của phần giữa của huyệt là phần Thân huyệt thuộc về Khí của Huyệt, 1/3 phần ngoài của huyệt là phần Ngọn huyệt thuộc về Thần của mỗi huyệt.
Ví dụ Y thư viết như sau: “…Dụng huyệt Ngoại quan, tấn kim từ từ thuận đường Kinh vào Tinh huyệt, vê thuận từ trái qua phải 3 vòng, lưu lại khoảng 3 hơi thở, sau đó rút kim nhanh ra Thần huyệt lưu lại một hơi thở, rồi lại tấn kim từ từ vào Khí huyệt, bình bổ, bình tả, có nghĩa là vê nghịch qua trái, thuận qua phải mỗi bên 3 lần, lưu kim lại ở đó 5 hơi thở, rồi bất thình lình tấn kim nhanh vào Tinh huyệt, tại Tinh huyệt từ từ vê nhịp 3 vòng thuận từ trái qua phải, lưu lại 3 hơi thở rồi lại vê lại nhịp khác, cho đến khi đắc khí thì lưu lại vài khắc, ngắn dài tùy bệnh. Khi thối kim, thì rút nhanh kim ra đến Thần huyệt, bế huyệt và đưa kim ra ngoài…” Đây là một đoạn trong Y thư, dụng thuật “Thiêu sơn hỏa” trên huyệt Nội quan để chữa trị chứng méo mặt do Trúng phong Thiếu dương Kinh. Giải nghĩa đoạn văn trên như sau:
“ Sử dụng huyệt Nội quan, đẩy kim từ từ vào trong đáy huyệt (Gốc huyệt) nằm ở giữa 2 xương cánh tay dưới phía ngoài, gốc huyệt hay là Tinh huyệt sâu khoảng 1 thốn, tại gốc huyệt vê kim thuận chiều kim đồng hồ 3 vòng, dừng lại khoảng thời gian bằng 3 hơi thở, sau đó rút kim ra phía ngoài da, không rút kim ra ngoài mà dừng lại đó khoảng thời gian một hơi thở, sau đó đẩy kim sâu vào từ từ đến lưng chừng giữa chiều sâu của huyệt thì dừng lại (Thân huyệt/ Khí huyệt), vê qua ngược chiều kim đồng hồ 3 vòng, rồi vê thuận chiều kim đồng hồ 3 vòng, sau đó ngưng lại đó thời gian bằng 5 hơi thở, rồi bất thình lình đẩy kim nhanh vào trở lại Tinh huyệt/ Đáy huyệt, tại đáy huyệt, cứ mỗi nhịp vê thuận chiều kim đồng hồ 3 vòng, thì ngưng lại thời gian khoảng 3 hơi thở, rồi lại tiếp tục vê lại nhịp khác cho đến khi đắc khí. Khi đã đắc khí thì lưu kim lại một khoảng thời gian, ngắn hay dài tùy vào thể trạng của bệnh lý (Khoảng 15 phút). Khi rút kim ra thì rút kim ra nhanh đến phía ngoài da, phần ngọn của huyệt thì dừng lại, dùng ngón tay khác, phong bế lại huyệt xong mới rút kim ra khỏi huyệt..”
Hoặc trong một đoạn Y thư khác lại viết:
“ Phàm khi day vuốt, ấn bấm, điểm huyệt… khi muốn dụng Tả thuật trong phép Án ma, thì phải ấn, vuốt, day, bấm, điểm…vào tận vùng Tinh huyệt, và phải bắt đầu từ Hạ nguồn của đường Kinh, cứ từng khúc, từng khúc, từng huyệt, từng huyệt… lần lượt từ Hạ nguồn cho đến tận Thuợng nguồn. Khi dụng Bổ thuật trong phép Án ma, thì chỉ cần day vuốt, ấn điểm… nhẹ nhàng từ vùng ngoài Thần huyệt/ Ngọn huyệt, và phải bắt đầu vuốt dọc dài từng lần một, bắt đầu từ Thượng nguồn cho đến tận Hạ nguồn của đường Kinh…”
(Phần lý giải đoạn văn này tôi xin để ngõ, để cho các Bạn, các Học viên. Môn đồ… thử căn cứ vào các “Qui tắc” đã trình bày trên, tự mình giải nghĩa đoạn văn này để trắc nghiệm. Nếu được, các bạn cứ thử lý giải theo ý mình và gửi vào dưới comment, nếu ai ngại thì cứ gửi vào Messege hoặc tại các Grupen đã có sẵn, tôi sẽ trực tiếp “luận bàn” với từng ý kiến lý giải…)
4- Nguyên tắc Vật lý của hiện tượng “co quắp” tay chân sau Đột quị
06.06.21
Thuận Nghĩa