Bàn về khả năng kỳ diệu của Cơ thể, không thể chỉ vài dòng là nói hết. Tôi chỉ xin nhắc lại một nguyên lý của Đông Y bàn về vấn này với một dòng ngắn gọn như sau: “Cơ thể con người là một tiểu Vũ trụ”. Là một Vũ Trụ thu nhỏ, cho nên Cơ thể con người hàm chứa đầy đủ những điều kỳ diệu nhất của Vũ Trụ.

Bây giờ tôi chỉ đưa ra một vài ví dụ của thực tế hiển nhiên. Những ví dụ này cần sự lý giải cùa chính các Bạn. Các bạn không cần phải tra cứu những tài liệu chuyên ngành làm gì cho nó mất thời gian và thêm “loạn não”. Bạn chỉ tự mình đặt nghi vấn và lý giải theo sự hiểu biết của bạn là được!!!

Trước khi đi vào lý giải cho câu hỏi “TẠI SAO?” ở cuối bài viết, các bạn chỉ cần “đía” sơ vài Khái niệm dưới đây:

TRÍCH:

1- Chức năng của Túi mật

Trong cơ thể bộ phận gan hoạt động sản xuất mật liên tục, mật là một chất sền sệt màu vàng hơi xanh lục, có vị đắng.

Mật góp phần quan trọng vào quá trình tiêu hoá thức ăn. Muối mật là muối Kali hoặc Natri của các acid mật liên hợp có nguồn gốc từ cholesterol với glycin hoặc taurin. Muối mật có vai trò phân huỷ các chất béo, thúc đẩy cho hoạt động của các men Lipase (Phân huỷ Lipid). Các hợp chất này còn giúp cho các chất béo đã được tiêu hoá có thể đi qua được thành ruột.

Cũng tương tự như vậy, muối mật có tác dụng vận chuyển các Vitamin tan trong dầu như các vitamin A, D, E và K. Muối mật không tự mất tiêu đi mà được tái hấp thu sau khi sử dụng. Khoảng 80-90% muối mật sẽ theo máu chuyển lại về gan và kích thích gan sản sinh thêm mật. Trong một ngày cứ 12 tiếng gan tiết ra một lượng dịch mật khoảng 450ml, tuy nhiên thể tích tối đa của túi mật chỉ ở mức 30-60ml (95% là nước).

Ngoài muối khoáng, muối mật, trong dịch mật còn có cholesterol và sắc tố mật. Khi trong cơ thể không có thức ăn và không diễn ra sự tiêu hóa, dịch mật sẽ quay ngược trở về túi mật qua ống túi mật. Khi được lưu trữ trong túi mật, mật sẽ bị mất bớt nước và trở nên cô đặc hơn. Khi các Lipid đi vào tá tràng, túi mật bị kích thích, co bóp và tống mật xuống tá tràng.

2- Chức năng của Tuyến tụy

Chức năng ngoại tiết

Mỗi ngày bài tiết khoảng 1000ml dịch tụy. Lượng dịch tụy này được tiết ra nhiều nhất khi ăn: chỉ cần nhìn, ngửi, nghĩ đến thức ăn hoặc nhai và nuốt có thể tiết ra 20% dịch tụy toàn bữa ăn, khi thức ăn xuống dạ dày sẽ tiết ra 5-10% dịch tụy, còn khi thức ăn đến ruột là 70% dịch tụy.

Dịch tụy chứa nhiều muối bicarbonat và nhiều loại enzym giúp tiêu hóa hầu hết các loại thức ăn, bao gồm : Nhóm enzym tiêu hóa protein (trypsin, chymotrypsin, elastase, carboxypeptidase), enzym tiêu hóa glucid (amylase), enzym tiêu hóa lipit (lipase, photpholipase A2, cholesterol esterase), enzym tiêu hóa acid nucleic (ribonuclease, desoxyribonuclease).

Chức năng nội tiết

Các tuyến nội tiết tiết ra nhiều loại hormon vào máu, trong số đó quan trọng nhất là insulin và glucagon.

• Insulin có tác dụng giảm đường huyết (nếu thiếu hụt sẽ gây tăng đường huyết, liên quan chặt chẽ tới bệnh đái tháo đường)

• Glucagon có tác dụng làm tăng đường huyết (tăng cường phân giải gycogen ở gan thành glucose ở máu.

3/ Chức năng của tuyến giáp

Hormon tuyến giáp có chức năng:

• Làm tăng hoạt động tế bào, tăng cường chuyển hóa glucid làm tăng đường huyết và tăng cường chuyển hóa lipid tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động, gây giảm cân.

• Tác động lên hoạt động tuyến sinh dục và tuyến sữa.

• Tăng nhịp tim, tăng lưu lượng máu qua tim, tăng hô hấp để cung cấp oxy cho sự chuyện hóa ở các mô cơ quan.

• Tăng cường hoạt động của bộ não và hệ thần kinh.

• Tác dụng trên sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể, đặc biệt là bộ não.

• Duy trì ổn định lượng canxi trong máu.

4- Chức năng của Thận:

Lọc máu và chất thải

Vai trò chủ yếu của thận là lọc bỏ các chất thải ra khỏi cơ thể. Tất cả máu trong cơ thể sẽ đi qua thận theo chu kỳ dao động từ 20-25 lần/ngày và phân chia thành các mao mạch li ti bện chặt vào nephron. Sau đó, thận sẽ đưa các chất thải ra ngoài cơ thể dưới dạng nước tiểu thông qua niệu quản.

Bài tiết nước tiểu

Nước tiểu được tạo thành bởi các đơn vị chức năng thận. Bắt đầu từ quá trình lọc máu qua màng lọc ở vách mao mạch ở cầu thận để tạo thành nước tiểu đầu. Sau đó, động mạch thận đưa 1 lít máu vào thận và chỉ 60% được đưa vào cầu thận mỗi phút. Tuy nhiên 60% huyết tương ở động mạch đi chỉ còn 480ml nên có khoảng 120ml lọt qua lỗ lọc sang nang cầu thận để tạo thành nước tiểu đầu.

Sau đó lượng nước tiểu này sẽ được hấp thu lại để trở thành nước tiểu chính thức. Nước tiểu chính thức sau đó được đổ vào bể thận, xuống ống dẫn nước tiểu rồi được tích trữ trong bàng quang, cuối cùng được thải ra ngoài nhờ ống đái.

Điều hòa thể tích máu

Thận còn giữ vai trò quan trọng trong việc kiểm soát khối lượng dịch ngoại bào trong cơ thể thông qua việc sản xuất nước tiểu. Khi cơ thể chúng ta được cung cấp nhiều nước thì lượng nước tiểu sẽ tăng lên và ngược lại, lượng nước tiểu sẽ ít đi nếu chúng ta uống ít nước.

Chức năng nội tiết

Thận bài tiết hormone renin có tác dụng tham gia điều hòa huyết áp và sản xuất erythropoietin giúp tăng sản xuất hồng cầu ở tủy xương khi oxy mô giảm. Ngoài ra, thận còn tham gia vào quá trình chuyển hóa vitamin D3 và Glucose từ các nguồn không phải hydrat carbon khi cơ thể phải nhịn đói lâu ngày hoặc nhiễm acid hô hấp mạn tính.

(Hết trích)

….

CÂU HỎI:

..Có một thực tế hiển nhiên là nếu các cơ quan bộ phận trên bị suy, hư hoặc rối loạn chức năng thì đời sống của các bạn sẽ trở thành một thảm họa, và nhiều khi dẫn đến tử vong nếu bị viêm nhiễm cấp tính hoặc ung kết bất thường… Thế nhưng tại sao, những người bị cắt mất túi mật họ vẫn ăn được chất béo bình thường. Những người bị cắt mất tuyến tụy, nhịp tim họ vẫn bình thường, lượng đường trong máu vẫn được ổn định (Tỷ lệ những người bị cắt túi mật và cắt mất tuyến tụy không ít trong cộng đồng con người, nhất là ở Phương Tây). Tuyến Giáp là tuyến Nội tiết lớn nhất, quan trọng nhất, và cũng là một vấn nạn kinh dị nhất cho những người bị Suy giáp hay Cường giáp, vậy nhưng khi tuyến Giáp bị cắt mất toàn phần do bị Ung thư, thì tình trạng có vẻ ổn định hơn là khi Tuyến giáp bị các hội chứng trên. Còn nữa, người bị suy, hư… 1 quả Thận thì cuộc sống của họ khá vật vả trong sự nguy hiểm khôn lường. Nhưng khi bị cắt bỏ mất quả thận hư, thì tình trạng bệnh lý có chiều hướng ổn định tích cực hơn.

Một ví dụ khác nữa, là có người bị dao đâm xuyên qua hộp sọ, có người bị thương trong chiến tranh, mất cả một phần não bộ họ vẫn sống được. Nhưng khi chỉ bị một sợi mạch máu nhỏ như sợi tóc đã bị xơ vữa từ trước vỡ ra trong não thì lại bị tử vong…Lại nữa Dạ dày quan trọng như thế với sự sinh tồn, mà khi bị cắt đi toàn phần vì ung thư, người bệnh vẫn sống và sau đó ăn uống lại được bình thường….

Bạn thử lý giải “Tại sao” trước những thực tế đang tồn tại hiển nhiên đó theo ý của bạn xem sao nhé. Đúng hay sai chưa cần phân tích. Bạn hãy đặt ra những giả thuyết theo sự hiểu biết của bạn. Tôi chắc chắn rằng, khi tự đi tìm câu lý giải, trong tâm thức của bạn sẽ có những cách nhìn khác về chính cơ thể Bạn. Rồi bạn sẽ biết quí trọng hơn những gì bạn đang có trong chính cơ thể của bạn. Và Bạn sẽ không phải vọng tưởng “cầu cạnh” những tha lực từ bên ngoài, khi cơ thể bạn vẫn còn CÓ THỂ…

17.03.21

Thuận Nghĩa

SHARE