1
Mấy tuần trước, cái Hà đến tìm tôi, má vẫn còn hằn đỏ dấu bàn tay, mắt sưng bùm bụp. Gặp tôi nó khóc nghèn nghẹn, nó nói sẽ kiện bố nó ra tòa vì bạo lực gia đình. Tôi im lặng bảo nó ngồi xuống, bình tĩnh, có gì kể lại cho bác nghe. Nó vừa khóc vừa kể, ấm ức, sụt sùi, câu được, câu mất, tiếng Việt, tiếng Đức lẫn lộn tùm lum trong nước mắt. Nghe một hồi tôi vẫn không hiểu gì về câu chuyện xảy ra giữa nó và Bố nó như thế nào cả.
Cái Hà là con gái của vợ chồng Dũng, Hoài. Hồi những năm đầu của thập niên 2000, tôi không còn nhớ là năm nào. Vợ chồng Dũng, Hoài đưa cái Hà, lúc đó tầm 4, 5 tuổi gì đó đến tìm tôi để chữa bệnh về da cho con bé. Con bé bị chứng ngứa da, móng chân, móng tay, ngứa gãi bong tróc cả móng, môi miệng và những chỗ mẫn cảm gãi nứt tứa cả nước vàng, nhìn rất thảm hại. Đưa đi khám ở Bác sĩ bên này họ bảo là bị Neurodermitis (Viêm thần kinh da), cho bôi thuốc Cortison, chỉ đỡ được vài hôm rồi đâu lại vào đấy. Đem về Việt Nam chữa trị thì bị phán là “Viêm da cơ địa”, bị Chàm Eczema, rồi cũng chỉ cho thuốc mỡ Cortison để bôi.
Vợ chồng Dũng, Hoài nghe ai nói, tôi chữa được chứng này cất công nghỉ mấy tuần, đưa cái Hà từ bên Frankfurt- Oder gần biên giới Ba-lan sang chỗ tôi chữa trị. Tôi coi bệnh theo Đông y, đúng chứng của chàm phong nhiệt, cơ địa không phù hợp với một số loại thức ăn và mẫn cảm với thời tiết. Tôi bổ một toa cây cỏ bình dị ở lề đường, chân đê như cỏ vòi voi, cỏ đuôi ngựa, tía tô, rễ tranh… bảo về vừa sắc uống trong vừa đắp rửa bên ngoài, và chủ yếu là kiêng cữ một số loại thức ăn thường gây nhiệt lộng. May sao hợp thuốc, mấy tháng sau bệnh ngứa của cái Hà vì thế mà dứt. Kể từ đó đến nay không còn tái phát nữa.
Sau này, qua tuổi dậy thì, cái Hà trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, da dẽ trắng hồng như trứng gà bóc, nhiều người xúi nó đăng ký dự thi hoa hậu Người Việt ở châu Âu, mẹ nó không cho đi. Vợ chồng Dũng, Hoài thường nhắc với con bé, là con được như bây giờ là nhờ tôi. Vì vậy, cái Hà từ lúc chưa lớn cho đến bây giờ, lúc nào có chuyện quyết định gì quan trọng cũng đều đến tìm tôi xin ý kiến.
… Tôi vẫn không hiểu có chuyện gì ra nông nỗi mà lão Dũng lại tát con bé, để rồi nó đến tìm tôi đòi kiện bố nó ra tòa. Tôi trấn an cái Hà: “Bác không hiểu chuyện gì xảy ra, nhưng xưa nay bố con rất hiền, bố con là một trong những người đàn ông đức độ ở bên này mà bác luôn luôn cảm phục về cách đối nhân xử thế của ổng, thôi con cứ bình tĩnh cái đã, chuyện gì có đó, con đừng làm chuyện kiện tụng tào lao mà chúng cười gia đình con, con cũng biết là bố Dũng không phải là bố đẻ của con, nhưng bấy lâu bố Dũng thương yêu, lo lắng cho con còn hơn con ruột, bây giờ bố con nóng giận nhất thời vậy chắc cũng có chuyện gì bức xức lắm, con nỡ đẩy ổng vào vòng lao lý sao?”. Cái Hà gật gật nghe lời, nhưng có lẽ vẫn còn ấm ức…
2
Tôi không chỉ nể phục lão Dũng về cách đối nhân xử thế của lão như tôi đã nói với cái Hà. Ngoài việc đối đãi trong cuộc sống với phong cách rất lịch lãm, nồng ấm và vị tha ra, chuyện tình của lão Dũng cũng làm tôi vô cùng ấn tượng. Ấn tượng vì sự chung tình, có trách nhiệm là chuyện nhỏ, ấn tượng về tính trào lộng về chuyện tình hy hữu của lão mới là chuyện đáng nói.
Lão Dũng vốn là một tay “anh chị” khá có tiếng tăm trong thời hậu DDR của vùng Cottbus và Frankfurt- Oder. Dũng là người khá thành công trong thời “thuốc lá lậu” sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Thành công nhờ sự tinh tế chuẩn mực, uy tín trong cách làm ăn, và thành công nhất là biết dừng đúng thời điểm.
Cuối những năm thập niên 90 của thế kỷ trước. Khi đang ở đỉnh cao của “Đại gia thuốc lá”. Dũng dừng cuộc chơi, âm thầm rút lui giang hồ, ôm một cục tiền tổ chảng về Việt Nam ăn chơi và đầu tư.
Năm đó, Dũng bay từ Vinh vào Tp. Hồ Chí Minh dự đám cưới của một người mà do bạn của hắn bên Ba-lan ủy thác. Trước lúc đi dự lễ cưới theo giấy mời, Dũng đã làm một chầu nhậu bí tỉ với bạn bè rồi mới đi. Do đường bị ùn tắc, lúc Dũng đến chỗ tổ chức lễ cưới thì đã muộn, đám cưới đã gần tàn. Thấy hắn ăn mặc sang trọng, lại đến muộn, những người tiếp tân vẫn bày cho hắn một mâm cổ riêng. Lúc hắn đang ngồi ăn, thì nghe loáng thoáng những người xung quanh bàn về cô dâu chú rể. Họ nói cô dâu chú rể là người đi làm thuê, ở nhà trọ, bày đặt tổ chức đám cưới sang chảnh làm gì, để rồi sau này cày mửa mật đến bao giờ mới trả hết nợ…v..v… Nghe nói vậy Dũng đã thấy chột dạ, cho đến khi cô dâu chú rể đi đến chỗ hắn ngồi để chào khách, hắn mới biết mình đã vào dự nhầm đám cưới. Với bản lĩnh của một tay lão luyện giang hồ, với lại cảm ơn vì bữa ăn ngon sau chầu nhậu, một phần cũng vì trắc ẩn vì hoàn cảnh của cô dâu chú rể. Sau này Dũng kể lại lại là do lúc đó thấy cô dâu, chú rể quá đẹp đôi, nên Dũng vẫn rất bình tĩnh, tự tin không một chút bối rối, bắt tay chú rể chúc mừng, và thò tay vào túi áo rút ra cái phong bì dày cộp đã chuẩn bị sẵn, thuận tay Dũng lấy luôn cái hộp có 2 cái nhẫn cưới mà hắn mới đánh ở tiệm vàng ở Sài Gòn, nhằm để dành sau này làm đám cưới của hắn nếu có ai đó chịu lấy hắn. Hắn trao cái phong bì và hộp nhẫn cho cô dâu, rồi theo phong cách Tây, ôm vai cô dâu vỗ vỗ chúc mừng hạnh phúc. Lúc cô dâu chú rể vừa quay mặt đi vào trong. Dũng vớ vội cái thiếp mời ai đó bỏ lại trên bàn, cười khùng khục vì sự nhầm lẫn dở khóc dở cười của và lượn phắn gấp…
Cô dâu năm ấy chính là Hoài, vợ Dũng bây giờ.
…Bẵng đi đâu đó một vài năm sau. Dũng có dịp về lại Sài Gòn. Hắn vẫn còn giữ lại tấm thiệp cưới năm xưa làm kỹ niệm. Vì vậy Dũng hiếu kỳ muốn tìm lại đôi vợ chồng là cô cô dâu chú rể năm xưa để xem giờ họ ra sao. Trớ trêu thay, lúc tìm ra họ, thì Dũng mới biết rằng, vì cái phong bì dày cộp Đô-la và cặp nhẫn cưới nặng như có thể mà hắn tặng cô dâu chú rể trong cơn bốc đồng ngày nọ, chính là nguyên nhân để có một cuộc ly hôn chỉ vẻn vẹn sau 3 tháng làm đám cưới.
Người chồng, tức là chú rể ngày ấy, trước cái phong bì dày cộp và cái hộp nhẫn cưới cùng cái ôm chúc mừng của Dũng với cô dâu, đã nghi ngờ cô dâu có mối quan hệ bất chính với đàn ông lạ trước ngày cưới. Cô dâu thì không thể nào giải thích. Cuối cùng họ rã đám. Hoài (Tức cô dâu) bỏ thành phố về quê dưới Vĩnh Long sinh con.
Dũng biết chuyện, rất áy náy vì việc làm tai hại của mình, về Vĩnh Long tìm lại cô dâu cũ ngày ấy. Duyên phận đưa đẩy thế nào không biết. Theo Dũng nói là do tình yêu thương thực sự chứ không phải là lòng thương hại. Họ kết nhau, và thành vợ chồng. Dũng về Vĩnh Long cưới lại Hoài và đưa sang Đức cùng định cư cho tới bây giờ. Hà là con gái của Hoài với chú rể trong đám cưới ngày ấy.
Chuyện đến đó chưa hết. Sau này Dũng truy tìm lại chú rể ngày xưa. Biết anh này vì buồn phiền chuyện vợ con dạo đó, nên bỏ bê làm ăn, sinh tật ăn nhậu, suốt ngày chỉ khật khựa trong hơi men. Dũng bàn với Hoài, bí mật thông qua người thân của anh này, cung cấp vốn cho anh này mở một tiệm sửa chữa xe máy bên Thủ Đức. Vì không chí thú làm ăn, tiệm sập. Dũng lại bàn với Hoài mua cho anh này một chiếc xe Hyundai chạy Uber, cuối cùng xe cũng bị bán phục vụ cho các chầu nhậu.
Thấy có vẻ gì đó không ổn, có lần tôi khuyên Dũng: “Lỗi lầm hay bù đắp gì gì…đó cũng có giới hạn, khi một người đã chìm đắm vào ma men, thì mọi vấn đề đạo lý trên đời này đều là giẻ rách đối với họ, với họ chỉ khi đáp ứng đủ cơn say của họ thì Ok, còn khi không đáp ứng cho cơn ma men của họ, thì mọi thứ trên đời này cũng chỉ là cái làng Vũ Đại để cho họ được chửi cho sướng mồm mà thôi…”. Dũng nghe, cũng chỉ gật gật, nhưng trong mắt hắn vẫn còn gờn gợn một nét u hoài….
3
Do có bão tuyết nên giao thông gián đoạn, cũng vì vậy mà tôi có được mấy ngày rảnh rỗi, mới có dịp để ghé thăm vợ chồng Dũng, Hoài để tra cho ra cái vụ lão Dũng tát sưng mặt cái Hà.
Nhà chỉ có Hoài ở nhà. Hoài nói, Dũng bận lên Berlin giúp người bạn giải quyết một vụ lùm xùm tiền bạc gì đó. Tôi hỏi cái Hà đâu. Hoài bảo, Dũng ép nó về Việt Nam rồi. Tôi hỏi tại sao?, dịch bệnh thế này sao ép nó về Việt Nam. Hoài kể, khi Dũng nghe tin bố đẻ cái Hoài đang bị bệnh nặng, nghe nói là bị xơ gan, tiểu đường, suy tim, suy thận… Dũng bắt cái Hoài phải về thăm. Cái Hà cự nự không đi, còn bảo là chỉ thích thỏa mãn dục vọng ham muốn của chính mình, con cái đẻ ra cũng không một ngày chăm sóc thì còn trách ai chứ. Dũng nóng giận vì nghe con nói hỗn, nên lỡ tay tát cái Hà. Sau đó hai bố con ngồi lại nói chuyện. Dũng khuyên Hà nên cố gắng về thăm bố, không phải là về chăm nom giúp đỡ gì, nhưng có sự hiện diện của Hà, một đứa con gái trẻ trung, nết na, hiếu thảo, biết đâu người kia chuyển hóa, mà biết trân trọng lại cuộc đời… Hà nghe lọt, nên Dũng đã lo được dịch vụ, tìm được vé về Việt Nam trong dịp tết cho Hà.
Tôi nghe Hoài kể đến đó, sóng mũi cay cay, buột miệng lầm bầm: “Gã bố nuôi khốn nạn”. Hoài nghe không rõ hỏi lại, anh nói gì cơ ạ. Tôi nói: :”Là mong cho cuộc đời ai cũng xán lạn”….
10.02.21
Thuận Nghĩa