Trước khi tôi đi, Huy dặn: „Thầy đừng nói gì thêm, chỉ đưa gói quà và cái phong bì cho Châu và nói có người gửi dùm cho bé Ngọc Nhi là được rồi, nếu họ hỏi gặng thì thầy cứ nói tên con, và nói là chỉ tiện đường chuyển hộ, chứ không thân thiết gì lắm“. Tôi nghe Huy dặn, bực mình „Thầy bà gì ông ơi, ông nhỏ hơn tôi có một tuổi. Cứ mày tao cho nó thân mật, thầy thầy, con con nghe nó cồm cộm khó chịu lắm. Mà ông có nhất định phải thế này không vậy?. Huy thản nhiên: „Có gì mà nhất định hay không nhất định hả thầy, là sinh nhật 20 tuổi của cái Nhi, dù gì có một thời con cũng là Ba của cái Nhi mà, vả lại thằng cu Huỳnh cũng đã 14 tuổi rồi, sinh nhật 20 tuổi của chị nó, mà con bặt vô âm tín thì cũng kỳ, lỡ như nó tò mò hỏi chuyện thì Mẹ nó cũng khó trả lời“. Nhìn nét mặt thản nhiên vô tư lự của Huy khi nói những lời mộc mạc chân tình đó, tôi cũng chạnh lòng, gật gật… nhưng trong đầu tôi lại có ủ một „âm mưu“…
…Huy tìm đến tôi vào khoảng 4 năm trước, sau khi mãn hạn tù. Huy nói, ở trong tù có lên mạng tìm hiểu về Khí công để tập luyện bảo vệ sức khỏe nên biết về tôi. Huy tâm niệm rằng, sau khi ra tù sẽ đến Hamburg xin thọ giáo trực tiếp với tôi để tập luyện cho nó có „chân truyền“.
Cũng như những đệ tử khác, tôi thấy Huy có tâm „cầu đạo“, dù mới ra tù, chưa có công ăn việc làm, chưa hội nhập kịp với xã hội, đã chắt chiu một ít tiền bạc „cơm đùm gạo bới“ đi từ dưới Reuttingen lên Hamburg để xin học Khí công (Khoảng 800 km), nên tôi cũng khá ân cần truyền dạy cho Huy.
Khác với các Học viên Khí công đóng tiền học theo mùa, học theo từng chuyên đề, từng Semina chuyên môn khác nhau, do các cơ sở Dưỡng sinh tổ chức. Những đệ tử muốn học Khí công chuyên sâu (Chuyên nghiệp), bao giờ tôi cũng có „giáo trình“ đào tạo hoàn toàn khác. Chương trình đào tạo sẽ rất chậm, rất bài bản và có sự chọn lựa sở trường, sở đoản và truyền dạy vô cùng khắt khe. Và hầu như tất cả đều phải trải qua ít nhất từ 2-3 năm, chỉ chuyên về tập luyện về Hơi thở cơ bản
Mấy năm đầu, Huy cũng chỉ được truyền dạy các cảnh giới khác nhau của Chèo đò công và Thiên lý tiêu dao. (Các cảnh giới của các môn tập luyện đơn giản này phụ thuộc vào tầng cấp của các loại Hơi thở được ứng dụng phù hợp vào các động tác căn bản).
Sau khi Huy tìm được việc làm ở một cơ sở chăn nuôi cừu phục vụ cho mục đích nghiên cứu Y tế (Nhau thai cừu, tế bào gốc…) ở vùng núi Alpe thuộc tiểu bang Bayen Müchen thì Huy năn nỉ tôi xin học thêm tiêu Lục mạch. Tôi nói, cứ yên chí, thổi tiêu Lục mạch cũng chỉ là một phương pháp tập luyện Hơi thở khác mà thôi, nếu có duyên, thổi tiêu ra được tiếng thì cứ học.
Tiêu lục mạch có cấu trúc như tiêu „ Bát xích“, tức là loại tiêu Shakuhachi của Nhật Bản, nhưng thuộc vào loại „cổ đại“ hơn, và cấu trúc khó thổi ra tiếng hơn. (Nếu như không biết vận dụng Hơi thở bụng, thì có thổi đến tóp má cũng không ra tiếng). Người có căn duyên với Lục mạch, cầm cây tiêu là thổi được ra tiếng ngay. Người không có căn duyên với Hơi thở bụng, có tập thổi cả năm cũng không phát ra được một tiếng nào. Huy thuộc loại người vừa cầm tiêu là thổi được ra tiếng ngay, nên tôi khá „cưng“. Vả lại, Huy nhờ một người bạn tù, là một „đại gia“ về nghề Dược phạm tội trốn thuế, sau khi cả 2 ra tù, người này cho Huy làm „quản trại“ mấy quả đồi chỉ nuôi cừu để chiết tế bào gốc từ nhau thai cừu cho việc làm đẹp và thử nghiệm Y khoa. Sau này, Huy xin thả thêm một đàn dê núi, bảo để cho Thầy khi nào rảnh thì về Alpe, thổi tiêu, chăn dê „tiếu ngạo giang hồ“ chơi. Tôi khoái vụ „dê, cừu“ này nên lại càng „cưng“ Huy hơn trong việc truyền nghệ. Vì vậy tôi không những „quẳng“ cho Huy mấy đoản „Tứ đại“ và „Lục mạch“ loại xịn, mà tôi còn rốt ráo trong việc dạy cho Huy luyện mấy tiêu phổ có nguồn gốc xuất xứ từ các chủng tự Mật tông.
Hồi đầu mới quen, vì tế nhị, tôi không hỏi nhiều về „thân thế“ đi tù của Huy, sau này dần dần qua trò chuyện, tôi cũng „chấp vá“ được mảnh đời tù tội ở Đức của Huy.
…Huy và Phong là bạn thân, cả hai cùng làng. Huy làm giáo viên, còn Phong đi lính. Huy và Phong có một người bạn học cùng học thời phổ thông, tên là Châu. Phong và Châu yêu nhau. Khi Phong đi nghĩa vụ quân sự, có giao cho Huy „trách nhiệm“ trong chừng Châu dùm. Ngày Phong xuất ngũ, Châu muốn làm đám cưới ngay, nhưng Phong chưa chịu. Phong bàn với Huy, cả hai vay nợ, gom tiền cùng nhau theo dịch vụ đi lao động xuất khẩu ở châu Âu. Có đủ tiền xây nhà đã mới cưới vợ.
Khi sang đến Đức. Huy nhờ một người bà con ở Stuttgart cho nhận con để làm giấy tờ cư trú hợp lệ. Phong đi làm đầu bếp cho một nhà hàng người Việt ở Berlin, rồi bén duyên với bà chủ nhà hàng, đánh bật chồng bà chủ „ra đường“ và chiếm lấy vị trí „ông chủ“. Phong kết hôn với bà chủ nhà hàng này và cũng có giấy tờ cư trú hợp lệ.
Huy thương Châu, chờ đợi Phong bấy lâu, nhưng giờ Phong lại bỏ Châu để đi lấy người khác. Cho dù đó là tình thế vì để có được quyền cư trú hợp lệ mà Phong phải bắt buộc đi nước cờ „bội bạc“ này, nhưng như vậy cũng quá phũ phàng với Châu. Vì vậy mà Huy tích cóp tiền bạc mở một một quán ăn nhỏ để tạo cơ sở kinh tế hợp lệ để về Việt Nam cưới Châu sang.
Biết Huy về cưới Châu, Phong rất mừng cứ gọi điện chúc mừng hoài. Khi Châu sang được Đức, Phong cũng thường lui tới thăm viếng hai vợ chồng Huy.
Năm 2000, Châu sinh bé Ngọc Nhi, Phong nói với vợ chồng Huy cho nhận Nhi làm „nghĩa nữ“ (Partner Kind). Vợ chồng Huy, Châu mừng lắm, coi như bạn bè lại được đoàn tụ như xưa.
Một thời gian sau, nhà hàng của Phong làm ăn thua lỗ. „Bà chủ“ vợ của Phong quay trở lại với chồng cũ. Phong về làm đầu bếp cho quán của vợ chồng Huy.
Quán của Huy tuy nhỏ nhưng ở chỗ „đắc địa“ nên cho dù thời buổi „nhà hàng“ xuống dốc, quán của Huy cũng làm ăn được lắm. Năm 2006, Châu lại sinh tiếp cu Huỳnh.
Khi bé Ngọc Nhi được 13 tuổi, trong tiệc mừng sinh nhật của bé Nhi, Phong và Huy chúc nhau 100% đến say bí tỉ. Đến khoảng 3 giờ sáng thì Châu gọi cảnh sát đến tố cáo Huy „lạm dục tình dục“ với bé Nhi, khi thấy Huy trần trùng trục nằm ôm bé Nhi cũng áo quần hở hang đang cùng nhau nằm ngủ trong phòng bé Nhi. Vụ này ra tòa, Huy được trắng án, vì say xỉn quá độ không biết gì, và bé Nhi cũng không có gì bị tổn hại, vả lại họ là cha con, cùng ở một nhà. Có điều theo đề nghị của Châu, Huy không được quyền ở chung nhà với bé Nhi nữa, để tránh các sự cố sau này. Có nghĩa là Huy phải dọn ra khỏi nhà.
Sau một thời gian nữa, quán của Huy bị người ta tố làm ăn gian lận nên bị Sở thuế kiểm tra sổ sách, giấy tờ, thuế má… Cuối cùng bị phạt tội trốn thuế đến 250.000 EU.
Phong bàn với Huy, không nộp phạt và khai phá sản, khi người ta hóa giá quán để làm thủ tục phá sản, Phong sẽ mua lại quán và tiếp tục làm ăn lâu dài sau này. Số tiền phạt quá lớn, không theo cách này không được, nên Huy đành phải theo cách của Phong đề nghị.
Thủ tục phá sản làm xong, tội trốn thuế, nếu không có tiền nộp và tiền thế thân tại ngoại thì sẽ bị ngồi tù. Bao nhiêu tiền „đen“ giấu diếm được, Huy đã giao hết cho Phong để „mua“ lại quán, nên Huy phải chấp nhận ngồi tù „trả nợ“. Án tù là 5 năm.
Ngồi tù được gần 1 năm thì Huy nhận được đơn ly hôn của Châu. Huy chấp nhận. (Mà có không chấp nhận cũng không được. vì theo luật vẫn có thể đơn phương ly hôn khi người kia bị tù tội). 1 năm 6 tháng sau, Phong vào tù thăm Huy và báo là Châu đã có thai với Phong và họ sẽ làm đám cưới vào cuối năm khi cả hai cùng về phép ở Việt Nam. Huy không có phản ứng gì mãnh liệt cả, chỉ mỉm cười nói với Phong: „Hai đứa bay nhớ đùm bọc nhau cho hạnh phúc nhé, nhưng có điều này, mày và Châu đừng cho bé Nhi biết tớ không phải là bố ruột của nó, thì hay biết mấy“. Phong hỏi, cậu cũng biết chuyện này à?. Huy gật đầu: „Tớ biết từ khi Châu mang bầu cơ, bé Nhi là con của cậu, nên tớ mới đồng ý ngay khi cậu đề nghị làm nghĩa phụ của nó“. Phong nghe nói vậy ngập ngừng: „Nhưng bọn mình đã cho bé Nhi biết điều này rồi“. Huy xịu mặt im re, nhè nhẹ nói: „Ừ, thôi thế cũng được!!!“…
…Sau khi biết chuyện, tôi có hỏi Huy, cái vụ bị tố „lạm dục tình dục“ con ruột , bị đuổi ra khỏi nhà, rồi kế đến bị sở thuế kiểm tra, bị ép nhường lại quán, bị vào tù và cuối cùng mất vợ mất con… có phải là một „hệ thống“ âm mưu có từ đầu không?. Huy gật. Tôi hỏi tiếp, ông biết từ khi nào. Huy cười cười: „Vấn đề là từ khi nào, hay quá trình xảy ra sao, đâu có quan trọng, cái quan trọng là kết quả. Kết quả mọi người đều vui vẻ hạnh phúc là được rồi. Phong và Châu là những người yêu nhau đã được hạnh phúc quây quần bên nhau, con đây cũng vui vẻ thoải mái, an lành, được thổi tiêu chăn dê, tiêu dao cùng sư phụ thế này là vui rồi.“. Tôi hỏi tiếp: „Có thật là trong lòng ông không còn chút vướng mắc nào, không có chút oán trách thù hận nào không?“. Huy: „Dạ, thật mà thầy, thầy nhìn cái biết liền, sao thầy còn hỏi“. Tôi nhìn Huy hỏi tiếp: „Lão phu xưa nay chưa xin xỏ ông điều gì, bây giờ chỉ xin ông một điều“. Huy từ tốn: „Sao thầy lại nói vậy, thầy muốn gì cứ nói đi, con sẽ cố gắng hết sức“. Tôi sừng sừng: „Cũng chả có gì quan trọng, nếu được, mày cho tao quì xuống bái mày làm Sư phụ, khi hôm nay mày lại nhờ tao đưa gói quà và cái phong bì dày cộp này đến chúc mừng bé Nhi 20 tuổi, trong khi mày cũng biết ngày ấy, bé Ngọc Nhi đã hợp tác với bố mẹ ruột của nó định cho mày vào tù với cái cú „lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên“. Huy cười cười… dù sao đó cũng là nguyện vọng của con, mong thầy giúp con.
…Tôi đã „ủ mưu“ khi về Hessen, đến dự tiệc sinh nhật của bé Ngọc Nhi, tôi sẽ nói hoạch toẹt ra tất cả mọi chuyện. Cái quan trọng nhất là cho họ biết tất cả mọi âm mưu và cách xử thế bội bạc của mọi người đối với Huy, Huy đều biết hết, biết rất rành mạch từ đầu, nhưng Huy không muốn làm cho ra nhẽ, bởi vì Huy quí trọng và thương yêu bạn bè hết mực. Tôi định hoạch toẹt ra cho bỏ nổi uất ức bấy lâu của đứa học trò của tôi….
Nhưng rồi khi đến đó, thấy bé Ngọc Nhi xinh đẹp, thùy mị nết na, không những rất giỏi tiếng Việt mà học hành cũng đổ đạt, có danh tiếng là một cầm thủ Piano chuyên nghiệp lẫy lừng vùng Hessen… Thấy cu Huỳnh và bé Na (con sau này của Phong và Châu) cũng giống chị, đứa nào cũng mũm mĩm, dễ thương và lễ phép. Thấy cả gia đình họ hạnh phúc đầm ấm bên nhau thật đáng để ngưỡng mộ. Vì vậy „âm mưu“ hoạch toẹt mọi chuyện của tôi cũng đành phải „phá sản“ theo mây khói…Tôi im lặng không nói gì nữa và ra về.
Lúc về lại Bayen, tôi kể mọi chuyện tai nghe mắt thấy cho Huy nghe, và cố để ý xem thái độ của Huy như thế nào. Tôi thấy Huy tiếp nhận rất thảnh thơi, thoải mái, và hình như thần sắc có phần bừng sáng hơn. Thấy chắc ăn vậy tôi „bồi“ tiếp một sự thật: „Này Huy, theo lão phu, thì hình như thằng cu Huỳnh, có khuôn mặt giống Phong hơn là giống cậu“. Huy mỉm cười: „Dạ thầy, thì cu Huỳnh cũng là con của Phong mà“. Tôi cấm khẩu luôn, không còn biết nói gì hơn với gã chăn cừu này.
Tối qua, tôi bảo Huy đừng tập tiêu phổ „Ngũ Phụng Triều Âm„ nữa, mà nên tập tiêu phổ „Trung Dung Thuyết Mộng“. Huy hỏi vì sao, tôi nói: „Tính cách của ông nên thổi Trung dung thuyết mộng, thì bản tiêu phổ này có thể được nâng lên một cấp độ vô vi hơn, biết đâu sau này ông lại có gì đó đột phá cao lên nữa vì lòng nhân từ, ông lại dạy lại cho lão phu“. Lần này thì mới thấy Huy có vẻ hốt hoảng, xua xua tay: „Thầy, thầy… thầy đừng nói thế mà con tổn phước thầy. Thầy cho con xin…“. Nghe Huy nói vậy, tôi không được thoải mái, sẳng giọng: „ Ông nhờ tôi cái gì, tôi cũng làm, tôi chỉ có mỗi một việc là nhờ ông đừng xưng hô kiểu thầy thầy, con con ấy, nghe chối, khó chịu lắm, vậy mà ông cũng không làm được“. Huy cười:“.. Hì hì…vụ này con chịu…“
17.08.20
Thuận Nghĩa