Home Ký sự „VẤN NẠN“ CỦA KHU VƯỜN THỪA KẾ (Chuyện đời)

„VẤN NẠN“ CỦA KHU VƯỜN THỪA KẾ (Chuyện đời)

1947
0

Tôi khá bất ngờ khi em vượt „nghìn trùng xa cách“ để đến thăm tôi. Có thể đối với người khác thì quảng đường đó không quá xa, nhưng tôi biết, đối với em thì quảng đường mà em vượt qua mọi trở ngại để đến được bên tôi quả thật là không đơn giản chút nào.

Tôi không những bất ngờ và kinh ngạc mà còn rất cảm động, khi em không màng đến quảng đường khó khăn ấy, không màng đến những sự hiểm nguy của mùa dịch bệnh đến thăm tôi chỉ là để tặng cho tôi những hoa trái đầu mùa trong khu vườn của em.

Mở hộp quà ra, tôi thấy một vài bông hoa sen cạn, một nhúm lá rau diếp dại, một trái bí ngồi nhỏ chưa bằng ngón chân cái, vài trái cà chua bi màu vàng, dăm trái đậu cô ve, mấy trái dưa chuột bao tử và độ hơn chục trái phúc bồn tử để lẫn cùng việt quất… Nhìn thấy những thứ rau cỏ “tý hon“ trong hộp quà mà em đã chịu bao nhiêu là khổ lụy để mang đến cho tôi, mắt tôi canh xè… tôi không cầm đặng lòng mình, dang tay ôm chặt em vào lòng. Siết chặt vai em, tôi đặt lên má em một nụ hôn chân tình và nói trong nghẹn ngào:

– Sao Em không gọi cho Lão phu, để Lão phu đến lấy, mà em phải vất vả thế hả Manuela?.

Em nhoẽn miệng cười, vẫn là nụ cười như ngày nào, nụ cười thanh thản và thánh thiện… Rồi em lắc mình nũng nịu:

– Ai biểu sinh nhật 95 tuổi của em, anh không thèm đến với em.

Tôi hơi ngượng ngùng, vì quả thật tôi đã quên ngày sinh nhật của em vào tháng 4, nhưng tôi cũng còn chống chế:

– Thì tại bởi dịch bệnh người ta cấm và hạn chế đến thăm người già mà!. Em giả bộ xịu mặt xuống nũng nịu tiếp:

– Ứ, có nghĩa là anh nghĩ em già lắm rồi phải không? Tôi cũng cười hùa theo với em:

– Ừ, cho Lão phu xin lỗi, so với lớp chín xọi trở lên, em vẫn còn xuân xanh hơn họ nhiều. Em lại cười…

Tuy là ngày làm thêm do bệnh nhân „đột biến“ từ xa theo mùa nghĩ hè đến thăm bệnh, nhưng lịch hẹn của tôi cũng rất dày đặc. Tôi lại nói bọn Rezeption, kéo giản bệnh nhân ra để cho tôi có chút thời gian hàn huyên với em. Em tinh ý, thấy tôi thỉnh thoảng liếc nhìn lên đồng hồ treo tường, nên nói lời tạ từ.

Tôi gọi tắc xi và đưa em ra xe. Khi dìu em ra xe, tôi thấy bước chân em đã run run, và hơi thở đã thì thào khá mệt nhọc. Lòng tôi như quặn thắt lại. Hồi đại thọ 90 của em, em còn tràn đầy sinh lực và xuân xanh. Chỉ mới có mấy năm, sau vụ con cháu của em đòi bán căn nhà của em để chia gia tài và đưa em vào trại dưỡng lão. Em không chịu, nên con cháu từ mặt em. Em buồn, nên phút chốc sa sút đi nhiều.

Khi tắc xi sắp sửa chuyển bánh, em vẫy tay rồi chỉ thẳng vào tôi nói lớn: „Anh nhớ lấy nhé, anh phải thừa kế khu vườn của em đấy“.

Xe chạy rồi, tôi vẫn còn bàng hoàng, vậy là em „cài bẫy“ được tôi rồi. Lúc nãy khi ngồi trò chuyện, em hỏi địa chỉ nhà tôi và xin lại số điện thoại của tôi. Tôi hỏi để làm gì, em nói để khi nào có điều kiện hoặc có chuyện gì thì sẽ ghé thăm tôi. Bây giờ tôi mới hiểu, tên tôi, địa chỉ của tôi, số điện thoại của tôi… là để em làm tư liệu cho việc thừa kế khu vườn của em.

Manuela là bệnh nhân của tôi gần 10 năm về trước. Khi Manuela đã khỏi bệnh, thỉnh thoảng vẫn đặt hẹn chữa trị, mỗi tháng vài ba lần. Em có hẹn thì đến, không chữa trị mà chỉ đến để „tám“ chuyện với tôi, cười no rồi về. Không chỉ có em hể hả vui cười khi trò chuyện với tôi, mà tôi cũng rất khoái chuyện trò với Manuela. Nhất là chuyện kể của em về thời vàng son của em trong Đệ nhị thế chiến.

Manuela thân với tôi là bởi vì có lần trong một dịp lễ Valentin em mang một bó hoa bách hợp đến tặng tôi. Tôi nhận hoa, và ôm chặt em và giả bộ sụt sùi. Em hỏi vì sao tôi khóc. Tôi nói“ Sao đời ta khổ thế này, không lẽ mãi mãi chỉ có U80 và U90 tặng hoa cho ta, không lẽ không có một lần nào có U20 tặng hoa cho ta sao?“. Em vỗ vỗ vào tôi nói: „Thôi nín đi, em sẽ toại nguyện cho anh“.

Mấy ngày sau, em dẫn theo cô chắt ngoại mới 7 tuổi của em đến mang theo một bó hoa hồng tặng cho tôi. Khi chắt ngoại của em trao hoa cho tôi, em đưa tay lên che miệng cười khúc khích như gái tơ nói „Anh đã hài lòng chưa, bây giờ là gái cực trẻ, là U10 chứ không phải U20 nữa đâu nhé“.

Tính hài hước của em, cùng với sự bông lơn trào lộng của tôi làm cho mỗi cuộc gặp gỡ của chúng tôi trở thành một không gian rạng rỡ thật khó quên.

Tôi nhớ có lần em kể chuyện tình yêu của em từ hồi chiến tranh Thế giới thứ 2 chưa kết thúc. Em nói, có ngày em phải hôn đến 5 chàng trai Sĩ quan SS, mỗi nụ hôn đổi lấy một ổ bánh mì. Tôi cười chọc em, là nụ hôn của em cực kỳ „chiến lược“. Tôi hỏi em, vậy hôn nhiều thế mà có „ấy ấy..“ không. Em cười như nắc nẻ bảo, có lần em phải lòng một lúc 2 chàng Sĩ quan công binh điển trai, và có đêm em làm cho cả hai sáng mai không còn ra trận được nữa. Nói xong em lại cười rất vô tư như mới „bội thu“ đâu đó từ hôm qua…. he…he…

Tôi đã nhiều lần ghé thăm khu vườn của em. Khu vườn nằm ở ngoại ô Hamburg. Đó là khu vườn không thuộc quyền sở hữu đất đai của em, chỉ là đất vườn thuê dài hạn trong hệ thống vườn sinh thái của Thành phố. Trong ngôi nhà vườn của em có treo rất nhiều ảnh và các kỷ vật thời xuân xanh của em. Em đã nhiều lần đề nghị tôi tiếp quản khu vườn của em. Em nói chỉ có tôi mới biết trân trọng những Kräuter (Thảo dược) và những cây cỏ và kỷ vật của em trong khu vườn này mà thôi. Nhiều lần em đề nghị, nhưng lần nào tôi cũng từ chối, với lý do, tôi không có thời gian để chăm sóc vườn tược. Nếu tôi tiếp quản khu vườn mà để bỏ bê cây cối thì tội nghiệp chúng.

Vậy mà hôm nay, em đã gài độ, đã lấy được tư liệu cá nhân của tôi. Khi em chỉ vào tôi và nói, tôi phải thừa kế khu vườn của em là tôi biết tôi đã trúng „Mỹ nhân kế“ của em rồi.

Em đi rồi tôi vẫn còn đứng như trời trồng trước cửa trung tâm. Một phần vì lo „vấn nạn“ của khu vườn thừa kế của em, một phần buồn rười rượi…. Với động thái „hối hả“ lo chuyện thừa kế này của em, tôi đoán chắc là em đã chuẩn bị cho một ngày rất gần, ngày em rời xa cõi tạm để về với chàng sĩ quan công binh đẹp trai trong thế chiến thứ 2, mà mỗi lần nhắc đến người ấy, em đều mơ màng ngấn lệ….

21.07.20

Thuận Nghĩa

SHARE