Có câu chuyện cũ viết gần 10 năm trước. Nay có người muốn biên tập vào trong một tuyển tập truyện ngắn viết về số phận của những lao động ở Châu Âu. Chuyện viết về đời thường, nên tôi đã dùng “ngôn ngữ” đời thường để mô tả. Hôm nay đăng lại mẫu chuyện đời này cho bà con xả stress cuối tuần chơi.

Vì ngôn từ của câu chuyện rất “tục trần”, nên không phù hợp với những người “đức độ”. Xin lượng thứ.

12.07.20

TN

CON VỢ NHÀ LÃO HIỆT (chuyện đời)

– Người Hà Nội „địt mẹ“ một cách nhiên nhã, tự tin, vô tư và lãng mạn, họ thả tiếng chửi thề ấy vào trong câu nói cũng rất điệu đàng và thơ mộng, thơ mộng như chuỗi lộc vừng thả màu óng ả lung liêng xuống mặt hồ Hoàn Kiếm vào độ thu về vậy, tiếng “địt mẹ“ của họ nghe miên man như một câu đồng dao đủ sắc màu, vừa trang nghiêm cổ kính, vừa đột phá hiện đại, họ nói như không cần phải nói, họ nghe như không hề nghe, họ xem đó là một mạc định cho phẩm cách ngôn ngữ truyền thống, tôn tạo nên độ vĩnh hằng cho sự thanh lịch của Tràng An. Người Hải Phòng lại dùng từ đệm đó trong một phong cách hoàn toàn ngược lại, họ không xem đó là một sự tất yếu của ngôn ngữ giao tiếp, „địt mẹ“ đối với họ là minh chứng cho phẩm giá anh hùng, là cách thể hiện cho sự dũng mãnh, quả cảm, là sự bùng cháy của cảm xúc hào sảng, nồng nàn như cánh phượng hồng khoe sắc rực rỡ giữa mùa hạ cháy. Người Hà Nam, „địt mẹ „ một cách từ tốn khiêm nhường và chuẫn mực hơn, họ dừng cụm từ đó trong những ngữ cảnh thích hợp. Cho dù tần suất xuất hiện cụm từ đó trong giao thiệp xã hội dày đặc và bộn bề hơn cả, nhưng lúc nào cũng rất hài hòa và chính xác về cú pháp và ngữ nghĩa. Còn người Quảng Ninh thì dùng câu chửi thề đó khá vụng về, tiếng „địt mẹ“ của họ nghe rất quê mùa và đậm màu sắc đua đòi, họ buông ra câu đó, mà không hiểu mình nói gì, họ làm chủ được câu nói, biết mình đã nói, đã nghe, dù không biết, có nên nói, có nên nghe hay không…..

Tôi nghe lão Hiệt diễn giải thế, khi tôi hỏi lão, sao vợ mày chửi thề kinh thế, đàn bà con gái gì, mà mở miệng ra là „địt mẹ“, „địt mẹ“ miên man không cần biết trời trăng gì cả.

Lão Hiệt giải thích theo kiểu hội chứng nghề nghiệp của lão như thế. Vì lão chính là một tiến sĩ Khoa Học Nhân Văn và Xã Hội. Lão giải thích xong rồi trả lời đì rếch vào trọng tâm câu hỏi của tôi một cách xanh rờn, „…vì cô ấy là người Đông Triều“.

Thương thay cho đạo lý có nếp có tẻ, có âm có dương. Tạo hóa trớ trêu đã ghép lại một cặp đôi, một cặp đôi hạnh phúc hi hữu trên cái xứ nghiệt ngã này, cái xứ mà hầu hết mọi thành viên xã hội đều xem gia đình là địa ngục. Lão Hiệt và vợ lão là hai thái cực, hai thái cực sinh ra để giao hòa thành một thể đồng nhất: “gia đình hoàn hảo „

Lão Hiệt, đường bệ, điềm đạm, từ tốn và chuẫn mực trong giao tiếp bao nhiêu thì mụ vợ của lão hoàn toàn ngược lại bấy nhiêu. Mụ ồn ào, xang xảng, mạnh bạo và rất võ biền, nhất là vấn đề chửi tục, trong lĩnh vực này có thể nói mụ đã thành thần.

Ô kê, cứ như lão Hiệt nói, vì mụ ta là người Đông Triều đi. Nhưng còn khoản oánh chồng thì sao. Cho dù lão Hiệt chấp nhận đó như là bằng chứng hùng hồn của duyên phận và quả báo đi chăng nữa. Nhưng điều đó không đủ sức thuyết phục cho hạnh phúc thật sự của gia đình lão.

Không ai có thể phủ nhận, gia đình của lão Hiệt là gia đình không hạnh phúc được. Cho dù trong nhà của lão luôn râm ran tiếng „địt mẹ“ và thỉnh thoảng có tiếng hứ hự vang lên do mụ vợ lão Hiệt tẩn lão. Không phải là nói lóng đâu, mà tẩn thực sự đấy, là thượng cẳng tay hạ cẳng chân, nguyên bản một trăm phần trăm.

Lão Hiệt nói, đó là sự cố ngoài sự kiểm soát của nhận thức, là một hội chứng bệnh lý, ngoài hội chứng ấy ra, vợ lão thực sự là một phụ nữ cực kỳ hiền thục. Tôi nói với lão, nếu hiền thục mà như vậy tao sẽ chọn vợ sư tử chứ không chọn vợ hiền . Lão cười, bởi thiếu mất sự trải nghiệm về phụ nữ như vậy, nên suốt cuộc đời của mày chỉ có sự nhầm lẫn mà thôi.

Phải công nhận mụ vợ lão Hiệt cực đảm lược. Ở cái xứ sở phù phiếm này, hiếm thấy một người phụ nữ Việt nào đảm đang như mụ. Mụ không những là người đứng mũi chịu sào trong mọi bão táp phong ba, mà mụ thực sự còn là cột buồm vững chải trong con thuyền gia đình của lão Hiệt. Mụ như một con đại bàng mẹ luôn xòe đôi cánh vĩ đại của mình ra để che chở cho đàn con. Mà lão Hiệt cũng là một cánh chim non nớt dưới đôi cánh vĩ đại ấy.

Nhìn vào cách bài trí trong nhà, chúng ta có thể biết được tình trạng hôn nhân của gia đình ấy. Cách sắp xếp, và bài trí trong căn hộ của lão Hiệt, không những gọn gàng ngăn nắp, sạch sẽ đến ngưỡng mộ, mà còn có cả sự hài hòa, mẫn tiệp, lãng mạn, đặc biệt là rất ấm cúng.

Mà thực ra, không khí ấm cúng của gia đình cũng không phụ thuộc vào dụng cụ trang thiết bị gia đình thuộc loại hàng xịn hàng hiệu, loại thứ dữ hay không. Mà năng lượng ấm cúng toát ra nhờ sự tích trữ cảm giác hài lòng của từng thành viên trong gia đình vào những trang thiết bị ấy.

Năng lượng đầm ấm của gia đình lão Hiệt là nhờ vào vấn đề đó. Hai đứa con của lão Hiệt, một trai, một gái. Đứa nào cũng ngoan, cũng hiền lành và học rất giỏi. Hai đứa không những là niềm tự hào của gia đình lão mà còn là niềm tự hào của cả chung cư và khu phố ấy. Vì cả hai đứa đều là học sinh ưu tú, có những kết quả học tập nức tiếng cả châu Âu. Đứa con gái còn là một thần đồng hội họa đang được các đài báo nước Đức nhắc tới như một hiện tượng nghệ thuật đương đại. Cái quan trọng nhất là cả hai đứa rất hiếu thảo với bố mẹ và chan hòa, thân thiện với hàng xóm. Hai đứa con ấy góp phần rất lớn tạo nên không khí đầm ấm trong nhà lão Hiệt.

Tôi hỏi lão Hiệt, mụ vợ mày chửi thề như hát hay vậy, tại sao mấy đứa con mày không nhiễm nhỉ. Lão nói, chúng nó dám à, hồi nhỏ chỉ cần bắt chước nói như mẹ theo phản xạ, là bị tẩn ngay. Mụ ấy tẩn xong là ngồi khóc, bảo, đời mẹ mới tý tuổi đầu đã phải lăn lộn với dân bụi đời dưới thị xã Hòn Gai rồi, nên mẹ bị nhiễm chứng chửi thề từ nhỏ, lớn lên không thể nào bỏ được, đời mẹ khổ ải và hèn mạt lắm, các con đừng có bắt chước, các con phải đàng hoàng mà vươn lên làm người. Mấy đứa con của mình không sợ đòn roi, mà sợ nước mắt của mẹ, sợ mẹ buồn nên chúng không nhiễm thói ấy của mẹ chúng.

Lão Hiệt làm việc ở văn phòng du lịch. Lúc nào áo quần, giày dép cũng là lượt, ăn nói từ tốn, thân thiện. Mụ vợ của lão lại làm nghề lau chùi quét dọn, bản tính sồ sề cộng với đặc điểm nghề nghiệp nên nhìn cứ như người đoang đoảng. „Cặp đôi hoàn hảo“ này là nét tương phản nền và cảnh, tạo nên một bức tranh thật ấn tượng.

Ấy, đừng vội nhìn người mà bắt hình dong nhé. Các cụ ngày xưa nói “người làm sao, vác cái ngao làm vậy“. Nhầm! , nhầm to, đừng nhìn thấy vẻ đoang đoảng của mụ vợ lão Hiệt mà nghĩ rằng cái năng lượng đầm ấm trong căn hộ nhà lão Hiệt là do chính lão kiến trúc và xây dựng nên chứ không phải do cái người đàn bà sồ sề luôn mồm „địt mẹ“ và oánh chồng như chảo chớp này kiến tạo nên.

Không phải là do mụ làm chủ về kinh tế vì nguồn thu nhập từ công việc lau chùi quét dọn của mụ (Putzenfrau), mới thực là thu nhập chính của gia đình lão Hiệt, nên mụ mới có tiếng nói quyết định trong tất cả mọi chuyện trong gia đình của lão. Cái chính là không ai trong gia đình lão Hiệt, kể cả đứa con gái là thần đồng hội họa của nghệ thuật đương đại cũng không đủ trình độ thẩm mỹ về trang trí nội thất như mụ ta được. Từ cái rèm cửa, đến màu sắc của bộ sofa, từ cái thùng đựng rác cho đến cái bàn trà của lão Hiệt cũng đều do mụ đề xuất kết cấu trong hội nghị gia đình. Và cuối cùng ý kiến của mụ bao giờ cũng được toàn bộ gia đình thông qua vì tối ưu nhất. Ngay cả cái bình hoa tươi điệu đà và lãng mạn mà trong nhà của lão Hiệt bao giờ cũng được chưng ở trên bàn giữa phòng khách, cũng do chính một tay mụ mua hoa và cắm vào. Đã một vài lần lão Tiến sĩ khoa học nhân văn và xã hội, định thay mụ làm công việc ấy, nhưng đều nhận được thái độ phản đối của các thành viên trong gia đình, vì không được mãn mắt như hoa mụ ta cắm. Những khi đó, thằng con trai của lão Hiệt lại phải thốt lên, sao mẹ giỏi thế nhỉ. Mụ lại cúi gằm mặt xuống e lệ, địt mẹ, giỏi cái của khỉ, mẹ chỉ bắt chước người khác khi mẹ thấy trong những nhà mẹ đến lau chùi quét dọn thôi.

Nhiều người trầm trồ khi thấy cha con nhà lão Hiệt, ăn mặc tươm tất, điệu đàng, và bộ nào cũng vừa vặn khít khao rất bắt mắt. Khi họ hỏi, sao mua ở đâu mà vừa vặn xinh xắn thế, thì đứa con gái liền nhanh nhảu tự hào, là mẹ cháu may đấy, là mẹ cháu sửa lại đấy, cháu cứ bảo mẹ cháu mà mở cửa hàng may mặc thì ối khách. Những khi đó, mụ lại e lệ cúi mặt lẩm bẩm, địt mẹ cái con ranh con láu táu, mẹ chỉ bắt chước người ta thôi, chứ mẹ đâu có biết may vá gì đâu

Mụ vợ lão Hiệt làm nghề quét dọn tư gia, nên phải chạy job suốt ngày. Mụ rất ham việc và ham cả tiền. Nhưng nếu ai có trả tiền cao đến bao nhiêu thì mụ vẫn từ chối thẳng thừng, khi cái job đó rơi vào khoảng sau 5 giờ chiều và ngày chủ nhật. Mụ nói, tiền là quan trọng, nhưng chồng con quan trọng hơn.

Nhà lão Hiệt có cái lệ, bữa sáng, bữa trưa, mọi người tự túc, mang theo hay ăn quán thì tùy. Nhưng riêng bữa tối và ngày cuối tuần thì cả nhà phải ngồi ăn với nhau. Riêng khoản này thì mụ không thỏ thẻ e lệ nữa mà hùng hồn tuyên bố, địt mẹ, người trong một nhà mà không có bữa cơm chung thì còn gì người một nhà. Vì vậy cứ sau 5 giờ chiều dù „trôi sông lạc chợ“ ở chốn nào, thì mụ cũng lần về để ngự trị cái bếp nhà mụ.

Nói là mụ ngự trị nhà bếp là chính xác, vì nơi đó là vương quốc của riêng mụ. Nơi đó lão Hiệt và hai đứa con không được phép bén mảng vào. Có nhiều khi lão Hiệt về trước, hoặc rảnh rổi, hoặc thấy thương vợ chạy job vất vả, vừa về đến nhà chưa kịp thở lại phải lao vào lo chuyện bếp núc, lão lãng vãng bên cạnh âu yếm, anh có thể giúp được gì cho em không. I như rằng sẽ nhận được phản hồi thô bạo ngay, địt mẹ, chuyện bếp núc là của đàn bà, ông giúp làm đéo gì, để dành sức tối làm việc khác.

Ăn tối xong cả nhà quây quần ngồi xem tivi, mụ lại bồn chồn đi ra đi vào, nhìn chỗ này xoi chỗ kia rồi bâng quơ chửi đổng, địt mẹ, thấy chồng con người ta bừa bộn mà ham, nhà mình có muốn dọn dẹp, cũng đéo biết dọn cái gì. Nói xong mặt buồn hiu, quay sang gạ con gái, con trai, có ăn chè hạt sen không mẹ nấu cho, có ăn sương sa hạt lựu không mẹ làm cho, này lão già có ăn bánh khúc không để tui làm. Thấy mấy đứa con lắc đầu nguầy nguậy, lão Hiệt bao giờ cũng phải làm công việc đoạn hậu. Khi thấy mụ vợ mình bắt đầu ngồi thở dài, là lão biết mụ đang lên cơn, nếu không có việc gì làm là mụ lại đem đồ nghề ra chùi cầu thang mấy tầng lầu của chung cư, hoặc kiếp cớ đánh chồng. Vì vậy khi thấy mụ vợ hỏi vậy trong lúc nhàn rỗi nghỉ ngơi, là lão Hiệt lại phải bịa ra một món ăn chơi nào đó để mụ lao vào bếp, nếu không, loạng quạng, không cẩn thận mụ lại cho lão ốm đòn. Mụ đánh chồng nguyên nhân chủ yếu là vì tay chân thừa thải chứ không phải vì thù hận gì chồng, hoặc vì chồng hư đốn

Lão Hiệt nói, nếu lão còn đương chức ở Viện Khoa Học Việt Nam, nếu lão không theo vợ chuồn đi nước ngoài, thì từ tính cách của vợ lão, lão có thể làm một luận án cấp nhà nước về tệ nạn xã hội „Người Việt hay chém giết nhau là vì nhàn rỗi”, không khéo lại được cấp khối tiền cho đề tài khoa học này.

Có lẽ lão Hiệt nói đúng, ngoài sự cố hay tẩn chồng vô cớ và địt mẹ không ngớt miệng ra, mụ vợ lão đích thị là một Cô Tấm thật. Thấy mụ oánh chồng riết rồi cũng quen, nghe mụ „địt mẹ“ hoài rồi cũng không còn thấy chướng tai nữa, đôi khi lại có cảm giác hay hay, là lạ.

Chỉ duy có một điểm mà tôi vẫn không thể lý giải được là mụ ta không hề biết gì về thời sự chính trị, nhưng lại cực kỳ căm ghét những người làm chính trị. Lão Hiệt mà hó hé bén mảng đến các hội đoàn dính dấp đến màu cờ sắc áo là bị ốm đòn với mụ ngay.

Một lần tôi rủ lão Hiệt đi tham gia biểu tình về vấn đề Hoang Sa và Trường Sa truớc lãnh sứ quán của Trung Quốc dưới Harburg, bất ngờ thấy mụ vợ của lão đang cầm cờ và ngoác mồm lên, gào thét chỉa vào lãnh sự quán Trung Quốc. Lão Hiệt nhìn thấy vợ, hớt hải lấy cổ áo che mặt và kéo tôi lủi đi. Nhưng không kịp, mụ ta phát hiện ra, và tức khắc lao tới, lôi chồng sòng sọc ra xe. Tôi biết chắc chắn là lão Hiệt gặp nạn, cũng vội lao về phía ấy để giải cứu. Thế mà cũng chậm. Đến nơi, đã thấy lão Hiệt mặt sưng vù, mắt thâm đen và mụ vợ lão ta thì ngồi ôm mặt khóc. Tôi nghe lão Hiệp phân bua, tại sao mẹ mày đi biểu tình được, còn tôi thì không. Mụ ta thổn thức trong nước mắt, đúng vậy tui thì được còn ông thì không, vì tui có bị sao cũng chẳng có quan hệ gì, còn ông mà bị bắt hay bị trả thù, thì ai sẽ dạy dỗ con cái nên người được.

Lão Hiệt cũng khổ, tối ấy mụ vợ lão vừa xoa bóp vết thương cho lão vừa trách lão, địt mẹ, anh thấy em nổi cơn thì anh lánh đi cho lẹ chứ. Lão Hiệt thản nhiên, mẹ mày ra tay nhanh như điện thế, anh làm sao tránh kịp. Mụ vừa tấm tức khóc vừa hỏi chồng, anh có đau lắm không?

Lão Hiệt cũng có lãnh địa riêng của lão. Lãnh địa mà mụ vợ của lão không được phép bén mảng tới. Đó là bàn cờ tướng.

Lão Hiệt có một cuốn kỳ phổ tên là Vạn Kỳ Thế Chiến, trong đó có ghi chép lại các biến chiêu của 36 thế khai cuộc và 72 thế cờ tàn của nghệ thuật cờ tướng. Lão dạy cho con trai của lão chơi cờ tướng từ nhỏ. Không biết có phải vì những nét cờ tướng từ thuở ấu thơ, nên con trai lão lớn lên mới trở thành cao thủ cờ vua quốc tế hay không. Nhưng phải công bằng mà nói, con trai lão không đọc được Vạn Kỳ Thế Chiến, vì nó được viết bằng chữ Hán. Nhưng con trai lão xứng đáng là một kỳ thủ đáng gờm. Có nhiều khi tôi và lão Hiệt hợp nhau lại mà vẫn không làm khó được thằng bé

Tuần nào cha con nhà lão Hiệt cũng có vài trận đấu máu lửa. Những khi ấy, mụ vợ của lão Hiệt lại trở thành rất dịu dàng. Mụ không dám sồ sề ong ỏng nữa. Mụ rón rén đi lại như mèo rình mồi, chẳng dám to tiếng vì sợ kinh động đến bàn cờ của cha con lão Hiệp.

Mới mấy tuần trước, gia đình của lão Hiệt lại có sự cố. Một sự cố liên quan đến hai vấn đề tối kỵ của gia đình lão, đó là vấn đề liên quan đến chính trị và bàn cờ tướng

Hôm ấy, mụ vợ lão Hiệt đi làm về, thấy thằng con trai ấm ức ngồi khóc, còn lão Hiệt thì ngồi xổm mặt hầm hầm ngửa cổ nốc bia liên tục. Thấy mẹ về, con trai của lão chạy đến ôm mẹ tức tưởi, mẹ ơi, bố chửi thề đấy, bố lại còn bợp tai con nữa. Mụ vợ lão Hiệt, tay giật giật nguýt lườm chồng rồi hỏi con, địt mẹ, bố con nhà mày có chuyện gì thế. Thằng con chỉ bố nói, thì bố đấy, trước đây, bố bảo, là một người cầm quân phải lo cả tiền phương và hậu phương, cho nên cờ cao thì không cần phải cấm chiếu hậu, vì vậy lúc giao tranh, có điều kiện chiếu tướng, cứ chiếu, không cần nghĩ là chiếu trước hay chiếu sau, vậy mà hôm nay con chiếu hậu bố, bố lại bợp tai con và mắng con, tiên sư mày, nam nhi đấng trượng phu, kẻ đàng hoàng thì sao lại phải chơi trò chiếu đít.

Mụ vợ lão Hiệt nhìn thấy chồng mặt lạnh tanh không nói gì cứ đưa chai bia lên nốc liên tục. Mụ chợt hiểu ra điều gì đó, hai tay không giật giật nữa. Mụ cúi xuống vuốt tóc con trai nói, thôi nín đi con, con nói con thích cái iPad 4, tý nữa mẹ đưa con đi mua, để cho bố con yên.

Trước khi dắt con trai ra cửa, mụ vợ lão Hiệt quay lại nói với chồng, ông lại vừa đọc tin tức báo chí, nói về vụ điều tra, cấm đoán, xử phạt nghiêm khắc blog và báo lề trái chứ gì, chuyện người ta đấu đá nhau, mắc mớ gì ông mà đèo bồng vào cho khổ thân, già rồi, lo sức khỏe của ông đi, vướng vào ba cái chuyện tào lao ấy, có nhiều khi uất ức đứt gân máu mà chết đấy.

Đây là đầu tiên, mụ vợ của lão Hiệt nói trọn một câu, trong một sự cố quan trọng mà không hề có hai từ “địt mẹ“…

03.10.12

Thuận Nghĩa

(Ảnh chỉ có tính minh họa)

SHARE