Chưa có ai làm thống kê để có số liệu khẳng định một cách chắc chắn. Nhưng nếu tinh tế quan sát thì bạn sẽ thấy người miền Bắc thường uống trà/ chè vào buổi chiều, tối và mùa Đông. Người miền Trung lại hay uống trà/ chè vào buổi trưa và mùa Hè. Người miền Nam lại thích uống trà vào buổi sáng và mùa Xuân. Chính „cách“ uống trà có chút khác biệt về đặc điểm của „thời gian“ này đã tạo nên „huyền thoại“ độc đáo về thú uống trà/chè của 3 miền khác nhau rất thú vị.
– „Chè chén“ của dân Bắc Kỳ. Chè chén là loại chè pha bằng trà móc câu trong bình tích ủ nóng, thường bán ở các quán lề đường, và các người bán dạo vỉa hè. Chè chén thường được pha chung và rót ra từng ly nhỏ bằng gốm Bát tràng. cho từng người. Một bình tích chè chén có thể được bán cho nhiều người tại nhiều địa điểm và thời gian khác nhau. Chè chén được ưa chuộng nhất là uống vào đêm khuya. (Vào đêm mùa đông gió bấc căn cắt, mà được ôm một ly chè chén, ngồi xổm hít hà từng ngụm nghe tiếng rít của điếu thuốc lào thì quả là còn vượt xa „thần tiên chi đạo“ một bậc….)
– „Chè đọi“ của dân Miền Trung. Người miền Trung thường uống chè lá , chè xanh om và thường được om nấu trong nồi to tổ chảng. Nước chè được rót ra trong tô hoặc bát lớn gọi là „đọi“. Dân miền Trung thường uống chè đọi với loại kẹo lạc nấu bằng mật mía, gọi là kẹo „cu đơ“. Chè đọi là thứ nước giải khát „vô đối“ của dân miền Trung vào trưa hè hâm hấp gió Lào. (Giữa trưa hè mà bạn nghe một hồi kẻng vang lên từ một nhà nào trong xóm, đó chính là tiếng kẻng thông báo: „Nhà tôi vừa om xong nồi nước chè“. Và bạn sẽ thấy các Cụ và các trai đinh, mỗi người cầm theo một cái bát B52 lũ lượt đi về hướng tiếng kẻng. Họ đi thưởng thức thứ „lạc thú“ vô song của trưa hè cháy khét đất miền Trung đấy…)
– Có người cho rằng, người miền Nam thưởng Trà tao nhã hơn người của miền Bắc và miền Trung. Họ phân tích và ví dụ qua loại trà ướp hương, uống vào buổi sáng của các vị Thiền sư và người ở Chùa. Lý luận này không chính xác vì chỉ phân tích trên số ít. Tôi công nhận các loại trà của thổ nhưỡng miền Nam rất thích hợp với trà ướp hương, nhưng đặc điểm uống trà của số đông người miền Nam lại là một cách uống hoàn toàn khác. Người miền Nam thích uống „Trà đá“. Trà đá là loại trà pha loãng bằng trà bồm phơi khô và được rót ra ly cối uống chung với nước đá. Trà đá được người dân uống mọi lúc, mọi nơi… (Và nó là thứ „khai vị“ không thể không có cho tất cả các loại quán xá, kể cả quán nhậu, quán cà phê, quán game, quán bi-da… có nghĩa là nó sẽ xuất hiện bất kỳ chỗ nào có người ngồi, dù là ngồi riêng hay ngồi chung với nhau….)
Bạn nghĩ rằng đó là do đặc điểm thói quen của người vùng miền khác nhau, hoặc là do đặc điểm thời tiết khác biệt của 3 miền khác nhau nên mới „phân chia“ ra các kiểu uống trà khác nhau đó. Không sai, nhưng chưa đủ và chưa hoàn toàn chính xác.
Là dân Đông Y, lại chuyên về Nam Dược, chúng tôi có cách đánh giá về „hiện tượng“ này dưới một gốc độ khác. Gốc độ: „đặc điểm của thổ nhưỡng, thời khí… liên quan đến dược tính của thảo dược“.
Chè xanh có nguồn gốc xuất xứ sâu xa từ Trung Quốc, và theo các tài liệu cổ thì đã được người Thượng cổ sử dụng như một thức uống vào khoảng 2500 năm trước Công nguyên.
Về công dụng thảo dược thì Chè xanh không được dùng nhiều, theo Đông Y thì chè xanh có tính Hàn, vị Đắng, đi vào các kinh Thận, Tâm và Tỳ Vị. Trong các toa thảo dược cổ, chè xanh chỉ được sử dụng trong một vài phương toa kết hợp để chữa bệnh Kiết lỵ và chữa vết thương bị trùng khuẩn.
Theo nghiên cứu mới của Khoa học thì trong chè xanh có rất nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe. Cụ thể là trong chè xanh có:
– Trong chè xanh có tới 20% tamin là một hoạt chất có tác dụng săn da, sát khuẩn
– 1,5-5 % cafein có tác dụng chống buồn ngủ, giảm mệt mỏi và lợi tiểu.
– Vitamin C: Tăng sức đề kháng, chống cúm.
– Vitamin nhóm B trợ giúp cho quá trình trao đổi cacbon hydrat của cơ thể.
– Chất flavonoid có tác dụng giảm huyết áp, tăng độ bền vững thành mạch tim
– Các hoạt chất chống oxi hóa mạnh: Bảo vệ các tế bào da. Nước chè tươi đặc còn có chất diệt khuẩn, sát trùng mạnh nên dùng để rửa mặt, trị mụn hiệu quả.
– Chất polysaccarides làm giảm đường máu, điều hòa huyết áp ở mức ổn định.
– Chất flouride chống sâu răng, bảo vệ răng miệng, viêm lợi
Và ở một số nghiên cứu khác về tác dụng của chè xanh có thêm rất nhiều những tác dụng có giá trị điều tiết trọng lượng cơ thể và làm đẹp (Hơi nặng về quảng cáo, tôi không đưa lên ở đây. Các bạn có thể gõ vào thanh công cụ Google để tìm kiếm)
Tuy nhiên tôi chỉ xin nhắc lại một số tác dụng phụ của khi uống trà/ chè xanh:
Trà xanh có nhiều tác dụng tốt đến sức khỏe. Tuy nhiên, sử dụng nước trà xanh sai liều lượng gây nên nhiều tác dụng phụ ngoài ý muốn như
– Gây thiếu máu: Catechin có trong trà xanh có thể khiến bạn bị thiếu máu do thiếu sắt. Nếu là người nghiện trà xanh, bạn nên ăn bổ sung các loại thực phẩm giàu chất sắt và vitamin C.
– Gây bệnh loãng xương: Trà xanh ức chế việc sử dụng canxi của cơ thể, làm cho bạn dễ bị loãng xương. Điều này gây ra sự suy yếu của xương do thiếu canxi.
– Dạ dày khó chịu: Uống trà xanh khi dạ dày trống rỗng sẽ làm tăng axit dạ dày, gây ra một số tác dụng phụ như táo bón, buồn nôn, chống mặt và tăng nhịp tim.
– Ảnh hưởng đến thai nhi: Nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú, bạn không nên uống nhiều hơn 2 tách trà. Một ly trà xanh có chứa khoảng 200mg caffeine. Nếu bạn uống nhiều hơn có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai.
– Tương tác với thuốc: Các caffeine trong trà xanh tăng tốc độ hoạt động của hệ thần kinh gây nên các triệu chứng như chóng mặt, tăng huyết áp, tăng nhịp tim. Caffeine đi qua sữa mẹ và có thể ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh trong thời kỳ đang bú sữa mẹ.
Quay trở lại vấn đề „Thổ nhưỡng và Thời khí“ ảnh hưởng đến „cách“ uống trà của cư dân 3 miền xứ Việt, dưới gốc độ đặc tính của „Thảo dược“.
– Trà/ chè xanh của miền Bắc dưới „tầm kiểm soát“ châu thổ thuộc về „ăng ten nạp tinh khí của trời đất“ là Đỉnh núi Phan Xi Pan (Lào Cai). Núi Phanxipan thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, nằm trên địa phận tỉnh Lào Cai, cao 3.143m. Trà/ chè xanh của vùng này có vị đắng chát nặng, hương hơi cay cay nồng nàn, dư vị ngọt nhẹ và hướng mặn, nước pha có màu xanh ngọc sóng sánh. Có ảnh hưởng và tác dụng vào Hạ tiêu/ Tinh nhiều hơn.
– Trà/ chè xanh của miền Trung dưới „tầm kiểm soát“ châu thổ thuộc „đỉnh nạp tinh khí trời đất“ là đỉnh Hồng Lĩnh thuộc dãy Ngàn Hống, nơi khởi nguồn của dãy Trường Sơn. Trà/chè của vùng này có vị chát nhẹ, hương ngọt ngào đậm đà, dư vị thẳm ngọt, nước pha thường có màu nâu vàng óng ả. Có ảnh hưởng và tác dụng vào Trung tiêu/ Khí nhiều hơn
– Trà/ chè của dân miền Nam, dưới tầm „kiểm soát“ châu thổ của đỉnh Núi Langbiang hay còn gọi là núi Lâm Viên nằm cách thành phố Đà Lạt 12km về phía bắc. Đỉnh núi cao 2.163m. Thuộc về nơi kết cuộc của dãy Trường Sơn. Trà/ chè của vùng này cả hương và vị không đậm nét rõ rệt, vị không quá chát đắng, hương thoang thoảng dịu dàng, dư vị thoáng chát cay. Ảnh hưởng và tác dụng vào Thượng tiêu/ Thần nhiều hơn.
Cũng chính vì ảnh hưởng của các „đỉnh nạp“ có vai trò như những cột „ăng ten“ thâu liễm Khí hóa của Trời- Đất khác nhau, nên không chỉ có chè xanh mà các loại thảo dược có cùng một chủng loại nhưng sinh sống ở các vùng thổ nhưỡng đặc thù này đều có tác dụng „sâu“ vào các Tiêu khác nhau trong Tam Tiêu, hay là „nặng“ về Tinh, „chủ“ về Khí, „trọng“ về Thần có chút khác nhau.
Cũng vì lý do này mà người uống trà/ chè sành sỏi nên chọn „chè Bắc“ thu hoạch vào vụ Thu- Đông, „chè Nam“ thu hoạch vào vụ Xuân- Hè, và „chè Trung“ thu hoặc vào các thời vụ giao của các mùa…mới có thể tận hưởng đến chỗ tận cùng „tinh túy“ của các loại trà….
Thực ra „nổ“ tràng giang đại hải về Trà/ chè như vậy nhưng thông tin mà tôi muốn truyền tải lại có chút hơi „lạc đàn“. Thông tin mà tôi muốn đưa lại cho các Học viên và các đối tác về Đông Y trong các dự án nuôi trồng thảo dược và truy tìm thảo mộc cho „Ngân hàng thảo dược Việt Nam“, là cần chú trọng và ưu tiên các chú ý sau:
– Các thảo dược thường chỉ dùng thuốc từ „gốc- rễ- củ“, và được thu hoạch vào mùa Thu, mùa Đông, nên „tuyển hậu“ từ các loại thảo dược sinh sống ở vùng thổ nhưỡng ngoài Bắc-
– Các loại thảo dược thường chỉ dụng thuốc từ „vỏ thân cây mộc, dây leo, chi cành“… và thu hoạch vào các giao mùa cuối Xuân, cuối Hạ, cuối Thu, cuối Đông… thì nên „tuyển hậu“ từ các loại thảo mộc sinh sống ở miền Trung
– Và ở miền Nam thì nên „tuyển hậu“ từ các loại thảo dược chỉ chuyên về dụng thuốc „hoa và lá“ và thường thu hoạch vào Xuân và nùa Hạ…
Động thái „lưu ý“ và „chú trọng“, sẽ định hướng và tập trung sự chọn lựa có tính khả thi về tìm kiếm, kết tập và ứng dụng được nhanh và dễ dàng hơn….
(Các thông tin trong bài viết này chỉ thể hiện Ý kiến của cá nhân và dành cho các đối tượng trong dạng hẹp. Không phải là tư liệu Khoa học chính thống, các bạn lưu ý khi tiếp nhận thông tin)
Bài đọc thêm: Một „mẹo vặt“ về trồng cây chè trong phạm vi gia đình của một người trồng chè chuyên nghiệp:
04.07.20
Thuận Nghĩa