Khi đang ngồi dưới hòn đá Ba Chồng ở Định Quán, lưng tựa vào tảng đá Mẹ dưới cùng, ngẫm nghĩ về trường năng lượng kỳ lạ của loại đá ở vùng này.
Tôi đã đi qua nhiều nơi trên thế giới, đã từng chiêm nghiệm nhiều loại núi đá kỳ dị và ẩn chứa nhiều huyền thoại nổi tiếng bí hiểm. Nhưng chỉ vô tình đi ngang qua nhìn thấy mà ghé lại Định Quán thì thật quá bất ngờ. Vì ở đây lại có một quần thể đá khá kỳ lạ và bí hiểm. Nó không những kỳ lạ ở chỗ sắp xếp chồng lên nhau và vị trí tọa lạc rất ngoạn mục, mà còn kỳ lạ ở trường năng lượng vô đối của nó
Điều kỳ lạ hơn nữa là một vùng đất huyền diệu thế này tại sao lại ít nghe nhắc đến trong danh mục danh lam của Việt Nam. Định Quán nếu biết cách khai thác, tôi nghĩ rằng nó sẽ là một thánh địa để dân đam mê Yoga, Khí Công và những người biết cách tận dụng thiên nhiên để bảo vệ sức khỏe hành hương về đó mà trải nghiệm trường năng lượng siêu nhiên của Vũ Trụ.
Đang ngẫm nghĩ vậy thì chuông điện thoại réo. Nhóm khảo sát dự án Ngân hàng thảo dược từ Sài Gòn gọi đến, họ bảo cần gặp tôi gấp trước 8 giờ tối, tại số nhà 273, Đường Điện Biên Phủ.
Lúc đó là 5 giờ chiều, đoạn đường từ Định Quán lên Sài Gòn còn khoảng 130 Km. Lưu lượng giao thông thuộc giờ cao điểm. Tôi không biết làm sao để có thể về đó cho kịp thời gian.
Quay trở lại phố chính trên Quốc lộ 20, tôi thơ thẩn tính kế. Đi bộ dọc phố, tôi vô tình thấy một quán giải khát nhỏ nằm dưới tán lá cây xoài rậm lá, tôi ghé vào gọi nước dừa tươi uống.
Gọi là quán, chứ thực ra một mái che tạm ra phía ngoài sân của một căn nhà lá. Căn nhà nằm lọt sâu sau một đường ngõ rãi sỏi đất đỏ, hai bên ngõ có trồng mấy cây mãng cầu đang mùa kết trái sum sê. Trong sân nhà lác đác có vài cặp gà vịt quanh quẩn vào ra.
Cảm giác đầu tiên của tôi là sự yên bình, sau đó là có cảm giác như thèm khát. Thèm khát một sự thanh thản nhẹ nhàng, một cảnh giới an lành giản dị.
Bên cạnh quán là 2 góc xoài vừa đủ treo một cái võng. Trên võng có một cụ ông đang lim dim đong đưa. Chủ quán là một cô gái trạc tầm 22, 23 gì đó.
Cô hỏi tôi dùng gì với giọng nói ngắt quảng như hụt hơi. Thấy mặt cô tái mét, trán lấm tấm mồ hôi hột, nụ cười chào khách như ẩn chứa điều gì đó u uất. Theo phản xạ nghề nghiệp, tôi buột miệng hỏi, con đang phải chịu đựng một cơn đau phải không?. Cô ngẩng đầu ngạc nhiên trả lời, dạ, mà sao bác biết.
Tôi nói tôi là thầy thuốc, đang đi tìm thảo dược ở vùng này, và nghề chính của tôi luôn tiếp xúc với sự đau nhức của con bệnh, nên nhìn thoáng qua thì biết.
Có lẽ vì thái độ chân tình của tôi nên cô không ngại ngùng vén lai quần lên và chỉ cho tôi thấy một vết sưng đỏ tím ở bắp chân và nói, cái bắp chân này nó hành cháu đấy.
Nhìn vết tấy sưng căng tròn cả bắp chân, thiết vấn thêm mấy điều nữa, rồi tôi im lặng không nói gì. Tôi biết chứng bệnh này, nó không phải sự là viêm nhiễm bình thường, nó liên quan đến một bệnh lý hiếm gặp về gene. Triệu chứng bệnh là máu khó đông và thường bị giãn vỡ tĩnh mạch ở bắp chân. Khi bị giãn vỡ tĩnh mạch chân, máu dồn tụ lại đó gây sưng tấy và đau nhức thật khủng khiếp. Bệnh chưa có phương pháp trị liệu hữu hiệu. Tây Y thường sử dụng mocphin để giảm đau cho bệnh nhân, vì các thứ thuốc giảm đau khác đều vô hiệu với những cơn nhức buốt kinh hoàng này của bệnh nhân.
Thấy mặt tôi trầm trọng, cô gái cười động viên tôi, ông thầy không cần phải lo cho con, bệnh này không chết đâu, chỉ mỗi tháng đôi ba lần, con chịu đau là hết mà.
Tôi hỏi, và xưng hô xuôi theo cách xưng hô thân mật của cô, vậy có khi nào con đau đến xỉu chưa. Cô mĩm nụ cười méo xệch nói, dạ cũng xỉu thường mà ông thầy, nhưng được cái là trước khi xỉu thì biết trước, nên nằm xuống rồi mới xỉu, nằm một hồi là tỉnh lại.
Tôi ái ngại, con thật dũng cảm. Cô nhỏ nhẹ, dạ cũng không dũng cảm gì đâu, con mỏng manh lắm..nói đến đó cô rưng rưng ngấn lệ. Những giọt nước mắt chiết ra từ sự nhức nhối, đau buốt, lăn dài trên gò má tái nhợt, tạo nên một bức tranh thật thảm não.
Tôi không biết làm gì được trong lúc này, nên nắm lấy tay cô bóp nhẹ, tay kia vỗ vỗ lên vai cô. Chút sau, có lẽ cơn đau tạm dịu lại, mặt cô ửng hồng dần lên. Chút hồn nhiên như trở lại với cô, cô rạng rỡ hỏi, có phải ông thầy truyền năng lượng cho con, nên con hết đau không. Tôi bảo, không phải vậy đâu, trong cơn đau quằn quại, nếu có ai đó người thân của con, úp nắm lấy tay con với một sự cảm thông thương mến chân tình, thì cơn đau của con cũng sẽ dịu lại phần nào. Cô đổ mặt buồn héo queo như nũng nịu, đã có ai làm vậy với con đâu mà biết.
Cô hỏi tôi giờ về đâu. Tôi nói với cô về sự lo lắng không có phương tiện về Sài Gòn cho kịp hẹn. Cô đăm chiêu nói, bắt xe khách thì không thể nào kịp, nếu đi tắc xi thì giờ này kẹt xe lắm, cũng khó có thể về thành phố trước 8 giờ tối, chỉ có cách cưỡi xe máy mà lạng thì may ra còn kịp. Nghe cô nói vậy tôi buồn xo nói, xe máy đâu ra, mà ông thầy đâu chạy được xe máy.
Cô rạng rỡ hỏi, ông thầy có tin con không?. Tôi trố mắt nhìn cô. Cô đến bên võng lay lay cụ già trên đó, này ông nội, ông nói đi. Cụ già trên nằm trên võng không mở mắt buông một câu: ” Bây giờ lên xe, tý nữa lên đường cao tốc, 2 tiếng sau lên tới Thành phố”.
Cô quay sang tôi, ông thầy thấy chưa. Tôi vẫn chưa hết ngỡ ngàng hỏi, con chạy xe hả. Tiếng ông già lại vang lên trên khuôn mặt nhắm kín mắt “Bây giờ lên xe, tý nữa lên đường cao tốc, 2 tiếng sau lên tới Thành phố”.
Không biết vì sao tôi không nghĩ ngợi gì cả, gật đầu ngay. Nó, vâng, là nó, Quái Xế của tôi, chạy vào trong nhà. Khi đi ra, đã là một người hoàn toàn khác lạ, chiếc áo choàng chống nắng, phủ kín, mũ bảo hiểm đội đầu, khẩu trang, kiếng đen. Tất cả như một phép tàng hình bí ẩn. Nó không còn hình hài của một bé gái mỏng manh tái nhợt vì đau nhức nữa. Nó như một người hùng trong phim Star Wars, trong thật dũng mãnh, không khác gì một tay đua thiện chiến giữa các vì sao.
Tôi rất an tâm, với sự tin tưởng gần như tuyệt đối, nhảy lên sau xe chiếc Honda của nó. Trước khi rồ máy, nó quay lại nói với ông cụ trên võng, con đi nghe nội. Ông cụ vẫn không mở mắt, và vẫn thốt lên câu nói đó: “Bây giờ chạy, tý nữa lên đường cao tốc, 2 tiếng nữa là lên tới Thành phố”
Tôi không có một chút gì sợ hãi, mặc dầu tốc độ và sự lạng lách của nó thật kinh hoàng. Chỉ rặt một nỗi là hôm trước tôi cưỡi xe đạp vượt 18 km đường sỏi đá, vì lâu ngày không đạp xe đạp, nên khi đạp trên đường rừng, hai cái xương mông của tôi nó ê ẩm vô cùng. Giờ nó lao xe đi trên đường, mỗi lần băng qua ổ gà là tôi ê thốn lên tận óc. Có lúc chịu không nổi, tôi vỗ vai hỏi nó, sao con cứ nhằm ổ gà mà phi qua vậy. Nó cười khanh khách, con lao qua thế mới có cảm giác mạnh, thì cơn đau của con mới hết được.
Mà quả thật thế, từ khi nó rồ máy, thì hình như nó không còn đau nữa, nó tươi tỉnh hẳn lên, vui vẻ, hoạt bát hồn nhiên hẳn lên, có lúc tôi còn nghe nó thì thầm hát lúc lượn lách nữa.
Chạy qua khỏi ngã ba Dầu Giây, độ khoảng vài chục Km, cái mông tôi bị dần ê quá, tôi nói giả bộ khát nước bắt nó tấp vào quán cà phê võng để nghỉ.
Khi xuống xe, vừa lột mũ và cởi áo, thì khuôn mặt nó lại dần dần tái mét, trán lại lâm râm mồ hôi. Tôi hỏi, con lại đau à. Nó gật đầu, lên xe thì hết, xuống xe thì buốt nhức lên tận đỉnh đầu. Thấy thương quá, tôi uống vội trái dừa và dục nó lên xe.
Thật không thể tưởng tượng nổi là chuyện gì xảy nữa, chỉ cần nó khoác áo chống nắng vào, deo mắt kiếng lên là hoàn toàn khác lạ. Hình như nó có hai thế giới vậy, thế giới mạnh mẽ hùng tráng và phơi phới tươi roi rói khi cưỡi xe, và thế giới thảm não rũ rượi của nhức nhối khi xuống xe.
Sắp đến gần Sài Gòn thì xảy ra sự cố. Khi có ngã ba hay ngã tư thì nó đều rà xe lại hỏi đường người đi xe cùng chiều: “Đường nào về thành phố hả anh…hả chị…hả chú…”. Tôi hỏi nó, con không nhớ đường vào Sài Gòn à. Nó lại khanh khách, con đã chạy lên Sài Gòn bao giờ đâu mà nhớ. Tôi chỉ biết kêu lên một tiếng: “Trời…”. Nó lại khanh khách, ông thầy cứ mà yên tâm, mỗi khi con đã ngồi lên xe, thì chỗ nào con chạy mà không tới. Mèng đéc ơi, lần này thì tôi hơi run thật.!
Bắt đầu vào đến gần cầu Sài Gòn, thì thật sự là tôi không còn tự chủ nữa, giao toàn bộ tính mạng mình cho nó. Vì nó cứ vèo vèo mà lượn, mặc cho những xe khác nổ banh lốp rê ngả bên vệ đường vì đinh tặc. Tôi thấy nó cứ vèo vèo vượt qua hết các xe khác. Có khi hình như nó nhầm đường, quẹo xe xẹt ngang qua những chỗ không phải là đường, phăng phăng cho đến khi tới được trường đua Phú Thọ.
Khi nó dứng lại, tôi nói, ông thầy về đường Điện Biên Phủ chứ không phải đây. Nó vẫn ngồi trên xe, chống chân xuống đất, nói, từ đây đến đường đó có em họ con ra chở ông thầy đi, chứ con mà chạy hỏi đường trong phố thì tới khuya chưa tới.
Chút sau, có một xe máy khác rà tới. Người đó là em họ nó. Nó đã gọi điện báo trước. Khi tôi vừa lên xe em họ nó. Nó đã đưa tay vẫy chào tôi và nở một nụ cười rất khó tả, rồi rồ xe lao đi, i hệt một tay đua thượng thặng….
…..
(Xem tiếp phần 3)
27.05.16
TN