….
Tôi không hề quen biết bà Ngọc Châu và gia đình bà ta, nhưng khẩn khoản gọi điện thoại cầu khẩn tôi về gấp là bà ấy. Và đón tôi ở sân bay Phú Bài cũng là bà ấy và cái Thúy.

Vừa gặp 2 người họ chương tấm bảng có đề tên tôi ở cửa ra sân bay tôi, đã nói với họ: “Nhà tôi ở Huế nên không cần phải thuê khách sạn hãy đưa tôi đến thẳng chỗ chú Tư”. Bà Ngọc Châu lễ phép “Dạ”, còn cái Thúy thi cứ nhìn tôi trân trân. Ngay cả khi ngồi trên xe do bà Châu cầm lái, cái Thúy ngồi ở ghế trước cũng thỉnh thoảng ngoái đầu lại nhìn tôi ngồi ở ghế sau. Thấy vậy tôi hỏi: “Cháu có điều gì không phục, hoặc có điều gì muốn hỏi tôi phải không?”. Cái Thúy gật gật: “Dạ thưa Ông, nghe ông Tư và Mẹ nói chuyện, cháu cứ nghĩ ông là một ông lão râu tóc bạc phơ, ai ngờ nhìn Ông còn trẻ hơn cả Mẹ cháu nữa. Tôi cười: “Vậy hả, cảm ơn cháu hi, mẹ cháu sinh năm 1973, nhỏ hơn ông hơn một con giáp, cách nhau cả một thế hệ, cháu gọi bằng ông là đúng rồi, sao lại không phục”. “Dạ thưa Ông, tại bởi cách ông Tư nói chuyện và cả trong di thư của Bà Ngoại của cháu cũng có nói về Ông, nhưng họ không dám gọi tên mà chỉ gọi là Người Ấy, qua cách họ xưng hô kính cẩn như vậy, nên cháu cứ nghĩ Ông là một người rất già, rất tiên phong đạo cốt, cháu đâu ngờ Ông là một người rất trẻ, chỉ tầm nhỉnh hơn tụi cháu chút thôi”. Bà Ngọc Châu đang cầm lái quay sang trách mắng con Thúy, không được hỗn. Cái Thúy dạ, im lặng không nói nữa, nhưng nhìn mặt nó vẫn có vẻ không phục.

Xe chạy thẳng về đường Phan Đình Phùng. Căn nhà cấp 4 khá tồi tàn nằm lọt thỏm giữa 2 khu cao ốc đồ sộ là nơi chú Tư đang trú ngụ. Căn nhà này trước đây là của bà Bé Sẹo bán khoai luộc hàng rong.

Tôi biết bà Bé Sẹo và biết cả chỗ ở này của Bà từ hồi tôi còn dạy nghề ở Trung Tâm Hướng Nghiệp trên đường Đống Đa (Tức là đường Hàng Đoác trước 1975). Đó là thời gian đầu thập kỷ 80 của Thế kỷ trước, là những năm tháng ác mộng đối với cán bộ công nhân viên nhà nước, đặc biệt là ác mộng miếng cơm manh áo của giới Giáo chức.

Tôi vốn rất thích ăn khoai, sắn, củ từ và môn sáp luộc vào buổi sáng. Nhưng có nhiều ngày không có tiền, đành phải đi ngang qua gánh hàng rong của bà Bé Sẹo mà không dám ngoái đầu nhìn lại. Một lần bà Bé Sẹo gọi tôi lại hỏi tại sao không thấy mua khoai luộc ăn sáng nữa. Tôi nhe răng nhìn bà cười cười rồi chìa ngón tay cái chà chà lên ngón trỏ rồi hát: “ồ mani…mani…á …mani… á mani….”. Bà biết tôi hát chế một kinh chú thượng thừa của Phật Giáo, nên cũng tủm tỉm cười, bảo cứ lấy ăn, rồi khi nào có lương trả cũng được. Tôi cảm ơn bà, nhưng lại lắc đầu từ chối. Dù cũng muốn vậy nhưng trong lòng thầm nghĩ, ai lại đi “cắm sổ” với một bà hàng rong.

Nhà tôi ở số 11 Đống Đa, gần cổng Nhà Đèn, nơi bà Bé hay bán khoai vào buổi sáng. Vậy rồi một hôm, sáng ngủ dậy thức giấc, tôi thấy trên bàn bên bệ cửa sổ nhà tôi có một gói giấy báo, gói mấy củ khoai, mấy củ sắn và môn luộc. Rồi từ đó đều đặn cho đến cả hết gần 10 năm sau khi tôi còn ở Huế. Sáng nào trên bệ cửa sổ của nhà tôi cũng có gói giấy báo, gói chừng ấy thứ. Tôi biết nhà bà Bé Sẹo, là vì khi có lương, động thái đầu tiên sau khi nhận tiền lương từ thủ quỉ là chạy đến nhà bà Bé trả tiền “cắm sổ”.

Tôi có quan hệ rất đặc biệt với chú Tư Xích Lô. Nhưng hoàn toàn không biết giữa Chú Tư và bà Bé lại có mối quan hệ còn đặc biệt hơn cả tôi và chú Tư nữa. Tôi biết đạp Xích Lô là nhờ chú Tư. Và hàng đêm trong những năm tháng ác mộng của thập kỷ 80 đó, tôi vẫn thường lấy xích lô của chú Tư để chạy khách ở ga Huế kiếm tiền mua sách. (Cái “huyền thoại” một giáo viên nghèo nhịn ăn để mua hàng xích lô sách vào đầu kỳ lương ở xứ Huế vào thời kỳ đó chính là tôi)

…Vào nhà, thấy chú Tư gầy đét, khô queo nằm trên tấm ngựa gỗ ở chái hiên. Đôi mắt sáng rực như hai viên ngọc lưu ly của chú Tư nhìn tôi chớp chớp ngấn lệ. Chú Tư thều thào: “Chú Quảng Nhẫn về rồi hả, dạ, cảm ơn chú nhiều”. Tôi ngồi xuống cầm tay chú Tư lạnh tanh nói: “Chú chưa đi được đâu, môn phái gặp gia cảnh nồi da xáo thịt có thể sẽ bị tận diệt vì lòng tham của người đời, nhưng di nguyện của Sư Phụ thì không thể nào không thực hiện. Giờ con đã trả lại Y bát cho Tổ đình, không còn là người của môn phái, nhưng Sư Phụ chỉ còn lại con và Chú là tâm đắc về Y lộ của Thanh Long phái, vì vậy phát huy quang đại của những bí mật trong Thanh Long Diệu Dược Kỳ Thư là trách nhiệm của con và Chú, Chú đâu có quyền bỏ con khơi khơi giữa chừng vậy được, vả lại Nhị Thập Nhất Huyền Công là để Phục mệnh Hồi chân, chứ không phải để tự đoạn “. Chú Tư khều khào đưa tay lên lau nước mắt, gật gật….

Phục mệnh hồi chân lại chú Tư sau 43 ngày Chú nhịn ăn để có ý định quyên sinh vãng lai, đối với tôi không khó. Cái khó nhất vẫn là thuyết phục Chú và bà Ngọc Châu không được ép tôi nhận thừa kế như trong di thư của bà Bé Sẹo để lại.

Sau khi chú Tư lai tỉnh lại nguyên lực, tôi bắt chú kể lại ngọn ngành.

Tóm tắt lại câu chuyện rắc rối tùm lum làm kết nối những người không hề quen biết lại với nhau trong một ngữ cảnh trớ trêu qua lời kể của chú Tư như sau.

Chú Tư và bà Dạ Thảo, tức là bà Bé Sẹo bán khoai vốn là một cặp trai tài gái sắc của Đại Học Văn Khoa Huế vào đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Bà Đạ Thảo người Đà Nẵng, chú Tư người Huế. họ cùng học một lớp trong Đại Học Văn Khoa. 2 người vốn là bạn tâm giao nhưng chưa chính thức hẹn hò. Năm 1971 chú Tư bị bắt đi quân dịch và vào học trong trường Sĩ Quan Đà Lạt. Năm 1972 bà Dạ Thảo đem lòng say mê ông Giáo sư Nguyễn Khoa Lân, trong khi ông Lân đã có vợ. Bi kịch xảy ra từ đó. Giữa năm 1973 bà Dạ Thảo đột nhiên bỏ học và quay về Đà Nẵng.

Tháng 3 năm 1975 trong khi mọi người hối hả chạy vào Nam, thì bà Dạ Thảo lúc đó mới hai mươi mấy tuổi bồng một bé gái, tức là bà Ngọc Châu bây giờ chạy ngược ra Huế. Bà Dạ Thảo tìm ông Lân muốn báo cho ông biết là bé Ngọc Châu là con của họ. Vì tình hình nhộn nhạo lúc bấy giờ không biết chế độ lưu dung như thế nào, nên ông Lân bảo bà Dạ Thảo vào Đã Nẵng trước đợi tình hình yên ổn rồi giải quyết sau.

Đến cuối năm 1977 ông Lân vào Đà Nẵng tìm bà Dạ Thảo, thì nghe người nhà bà Dạ Thảo bảo, đầu năm vừa rồi bà Dạ Thảo bị bắt đưa trại Phục Hồi Nhân Phẩm, nên có đưa bé từ Huế vào nhờ chăm nom họ.

Ông Lân lấy vợ đã lâu không có con, nên nói hết sự thật với vợ. Vợ ông khuyên ông nên tìm bà Dạ Thảo xin đưa con bé về nuôi. Sau đó hai vợ chồng tìm gặp cô Dạ Thảo ở trại Phục hồi Nhân phẩm ở trên A Lưới. Sau khi nghe hai vợ chồng ông Lân đề nghị, bà Dạ Thảo liền quì xuống dưới chân vợ ông Lân mà nói rằng: Thân phận của bà quá thấp hèn, vì sau 1975 bà không trở lại Đà Nẵng mà ở lại Huế, vì kế sinh nhai, và vì lúc đó bé Ngọc Châu bị bệnh tật triền miên, nên bà bị sa ngả vào dòng xoáy giang hồ, và hành nghề ban đêm trên vạn đò ở Sông Hương. Ở với bà thì tương lai của bé Ngọc Châu rất mờ mịt, nên nhờ Cô đem cháu về nuôi nấng dùm.

Sau khi đưa lại toàn bộ giấy tờ khai sinh cho vợ chồng ông Lân, bà Dạ Thảo và vợ chồng họ có viết một bản cam kết là sau khi đưa bé Ngọc Châu cho họ nuôi nấng, vì tương lai của Ngọc Châu, bà Dạ Thảo sẽ vĩnh viễn phải giữ kín việc này.

Khi hết hạn giam giữ ở trại Phục hồi nhân phẩm, bà Dạ Thảo vẫn ở lại Huế mà không về Đà Nẵng. Mặc dù ở Đà Nẵng, bố mẹ bà đã tìm đường vượt biên đã để lại cho bà toàn bộ khu biệt thự nhà vườn ở ngay trung tâm ành phố. Bà cho người em họ trước đây đã từng chăm sóc Ngọc Châu thuê lại, roi ở lại Huế cho gần bé Ngọc Châu.

Để giữ đúng lời cam kết, bà Dạ Thảo, rạch mặt mình và bôi ruột pin vào để huỷ hoại khuôn mặt cho không ai nhận ra mình, và từ đó bà hành nghề hàng rong, bán khoai sắn luộc trên con đường mà vợ chồng ông Lân thường đưa bé Ngọc Châu đi học ngang qua đấy

Còn chú Tư sau khi từ trại Học tập cải tạo trở về thì hành nghề đạp xích lô. Chú Tư tìm lại được bà Dạ Thảo và có ý muốn nối lại tình xưa nghĩa cũ, nhưng bà Dạ Thảo từ chối, bà nói trái tim và cả cuộc đời của bà chỉ hướng đến một người duy nhất là ông Lân. Bà Dạ Thảo trước đó ở tạm trong một khu trọ tồi tàn ở chợ An Cựu, sau đó chú Tư đề nghị bà về ở trong căn nhà ở đường Phan Đình Phùng. Căn nhà này trước đây là căn nhà lánh nạn sau khi hoàn tục của Sư Phụ tôi. Vì là căn nhà bí mật đứng tên chú Tư nên không ai biết, vì vậy thoát khỏi vụ tranh chấp tài sản đất đai của con cháu họ hàng bên Sư Phụ tôi. Chú Tư vẫn ở vậy một mình ở dưới đường Phan Đăng Lưu. Bà Dạ Thảo tức là bà Bé Sẹo vẫn ở căn nhà ở đường Phan Đình Phùng cho đến khi bà tự vẫn khi cái Thuý tìm đến bà.

Ông Lân chết để lại cuốn nhật ký. Bà Ngọc Châu đọc và biết hết mọi chuyện. Trong khi bà gục ngả trong đau đớn và chưa biết nên giải quyết thế nào. Thì cái Thuý cũng biết chuyện và vì trẻ người non dạ nên vội vả tìm đến nhà bà Bé Sẹo. Lúc này bà Bé Sẹo đã già yếu không còn gánh hàng rong nữa mà đi bán vé số dạo. Khi cái Thuý tìm bà, bà biết mọi chuyện đã vỡ lỡ. Bà nghĩ cách tốt nhất không gây áp lực cho bà Ngọc Châu và tương lai của cái Thuý là cách bà biến mất khỏi thế gian này.

Trong di thư của bà Bé để lại cho chú Tư trước lúc trầm mình tự vẫn dưới dòng An Cựu, là bà xin lỗi Chú và hứa sẽ trả lại ân tình mấy chục năm của Chú ở kiếp sau. Bà Bé có nguyện ước là muốn tro cốt của mình sau khi hỏa táng được chôn dưới gốc cây lộc vừng trước ngõ nhà bà Ngọc Châu để sớm hôm được nhìn con cháu. Vì vậy mới xảy ra vụ án chú Tư đào trộm cây cảnh gây nên sự xáo hôn nhân trong nhà giữa bà Ngọc Châu và ông Thoại…. Và còn gây nên vụ án đưa tôi vào người trong cuộc trong tâm thế khá bất an.

Trong di thư của Bà Bé để lại, nói rằng căn nhà của bà ở Đà Nẵng hiện có giá khoảng 25 tỷ. Toàn bộ giấy tờ bà để lại cho chú Tư thừa hưởng sau này nhờ chú Tư bán đi và trích một phần làm của hồi môn cho cái Thuý, một phần còn lại đưa cho Người ấy góp phần vào công cuộc thực hiện di thư của Sư Phụ. (Người ấy trong di thư của bà Bé là tôi)

Ít lâu sau khi bà Bé mất, chú Tư đột nhiên dụng y thuật Nhị Thập Nhất Huyền Công để đoạn mạch mà thăng. Chú cho bà Ngọc Châu số điện thoại của tôi, và muốn gặp tôi trước lúc nhắm mắt.

He he he…..nhưng chuyện này không có dễ, khi tôi chưa cho chú Tư chết, thì đố chú không dám nghe lời.

Chú Tư gọi tôi về là muốn tôi thừa kế lại căn nhà ở đường Phan Đình Phùng, tuy căn nhà ở trong hẽm, nhưng chủ của hai tòa cao ốc hai bên muốn mua lại đất nên trả giá rất cao và muốn tôi giải quyết di thư của bà Bé về căn nhà của bà ở Đà Nẵng.

Tôi thẳng thừng từ chối vụ rắc rối thừa kế này. Tôi nói với chú Tư và bà Ngọc Châu rằng cái gì không thuộc về mình thì không nên lấy. Vụ căn nhà của Bà Bé ở Đà Nẵng chuyển nhượng lại hoàn toàn cho bà Châu, còn căn nhà ở Phan Đình Phùng này chú Tư bán đi lấy tiền mà dưỡng già.

Bà Ngọc Châu khóc lóc ầm ỉ cả lên, nói khi sống không báo đáp được gì cho Mẹ, nay muốn báo hiếu bằng cách thực hiện di ngôn của Mẹ là xin hiến toàn bộ căn nhà cho tôi để thực hiện các dự án trong việc phục vụ cộng đồng. Tôi thẳng thừng từ chối, bảo việc của tôi, chúng tôi tôi tự lo, chúng tôi không muốn dính líu đến các việc tranh chấp sau này. Chú Tư thấy bà Châu khóc lóc năn nỉ mới bảo rằng, Ý chú Quảng Nhẫn đả quyết thì không ai thay đổi được đâu.

Còn về vụ căn nhà ở đường Phan Đình Phùng, tôi bảo chú Tư bán đi, mình không có nhu cầu xây dựng, giữ lại chỉ làm mất đi cảnh quan của phố xá. Nếu chú không có ý sử dụng số tiền này, thì vào trong Đại Lãnh mua lại một quả đồi, để gây trồng một giống khoai lang rất đặc biệt phục vụ cho việc hoàn thành ứng dụng lâm sàng toa thuốc Ích Mẫu Dạ Thảo Đan.

Tôi nói cho chú Tư và bà Châu nghe về một hội chứng gọi là Biofilm, đó là một loại màng sinh học do vi khuẩn tạo ra trong đường ruột, nó là một trong những nguyên nhân gây nên chứng biếng ăn ở trẻ em và chứng rối loạn chuyển hóa dinh dưỡng ở những người mẹ sau khi sinh do bị áp lực thần kinh quá độ. Để tẩy rữa loại màng sinh học này trong đường ruột là một công việc khá gian nan của Y lộ, song tôi đã tìm ra được một loại thảo dược tự nhiên có khả năng này, đó là một phương toa kết hợp giữa lớp vỏ lụa của khoai lang cùng với xơ của củ sắn dây và một vài loại cỏ lá khác trong đó có cả cây ích mẫu, vì vậy tôi đặt tên là “Ích Mẫu Dạ Thảo Đan”. Ích Thảo Dạ Thảo Đan là một toa nhuận trường rất khả dụng, nhất là trong việc tẩy rữa Biofilm ở đường ruột. Phương toa đang thử nghiệm lâm sàng ở Phương Tây, vài bữa nữa nếu được ứng dụng đại trà, thì việc gây trồng một giống khoai lang đặc biệt, theo di thư của Sư Phụ thì loại khoai lang này sẽ có dược tính của vỏ lụa cao nếu được trồng ở vùng núi rừng Đại lãnh trong Quảng. Vì vậy tôi rất cần một chú Tư khoẻ mạnh để lo vụ này cho tôi

Nói thế rồi, mà họ vẫn im lặng, không đồng ý với việc từ chối vụ thừa kế dỡ hơi này. Cuối cùng bực mình tôi lôi cây Tử đằng Huyết trúc ra tùy hứng thổi một khúc nhạc có nguồn cảm hứng từ câu chuyện của bà Bé Sẹo.

Sau khi nghe tôi khúc tiêu này, thì chú Tư và bà Châu, mặt mũi sáng rạng cả lên, và hoan hỉ nghe theo đề nghị của tôi

Sau này về lại Đức tôi hoàn thiện bản tiêu phổ và đặt tên nó là “Trung Dung Thuyết Mộng”. Mà kể cũng lạ, khi tôi thổi bản tiêu này, thì hầu hết người nghe ai cũng rớm rớm nước mắt. Chả biết là vì sao, ngay cả tôi cũng không lý giải nổi.

08.03.19
Thuận Nghĩa

SHARE