Cứ mỗi độ trăng tròn là mình lại muốn trầm mình vào trong đống thư tịch cũ, đọc nghiến ngấu và viết thiên thung bang nai chơi chờ cho qua thì nguyệt tận. Nhớ có lần mình bị một vị Ni Sư soi kiếp nói rằng, kiếp trước mình là vị lang băm, bỏ nghề thuốc đi làm thư lại, giúp quan quân hại dân lành, nên kiếp này phải bỏ đèn sách làm nghề thuốc cứu người để trả nghiệp của kiếp trước.
Mình không tin vào chuyện soi kiếp, nên chẳng mấy để ý. Nhưng đôi khi ngẫm lại, chuyện xưa và nay, thấy không khéo lời răn của vị Ni Sư ấy đúng cũng nên.
Vì hồi còn nhỏ mình không viết được chữ Quốc Ngữ, cho dù Ba mình luyện chữ cho mình, nhiều khi đánh nát nhừ cả hai bàn tay, nhưng làm thể nào cũng không viết ra được loại chữ có nguồn gốc chữ Latinh. O ép thế nào rồi chữ của mình cũng ra thành vạch vạch vuông vuông như chữ Nôm vậy. Ngược lại khi tới các miếu thờ, đền chùa, thì mình lại lấy que vạch theo chữ trên các câu liễn, câu đối lên đất, ai cũng nói như rồng bay phượng múa …he he he….
Còn nay, cho dù đã đọc thông viết thạo tiếng Việt, mấy thứ tiếng Tây, nhưng cứ mỗi khi tâm thức có chuyện bất an mình lại thích trầm mình vào cái đống sách cổ có chữ vạch vạch vuông vuông, cứ như thể cái thứ chữ nặc nô này mới là thứ thuốc định thần chính hiệu cho mình vậy.
Đặc biệt nhất là các mùa trăng, khi tinh thần và thể chất của mình vào thì suy hư, thì mình lại càng tìm đến thư tịch cũ để tự vấn an mình và sau đó thì phóng bút viết bậy, chửi tục để buông xả..khẹc khẹc khẹc…
Mùa trăng này cũng vậy, mình lại tìm về thời Lý Trần, lại ngâm nga Trần Minh Tông, Trần Mạnh.
Khi đọc lại bài Bạch Đằng Giang, của vị vua rất nhân ái này, mình lại làm một phát dịch. Thú thật với các Bác, chứ mỗi làn đọc lại trước tác của các cụ này, là í em lại làm lại một quả dịch khác, mà chả có bản dịch nào giống bản nào he he he…Í em cũng nói thật với quí Bác là quí Bác đừng có tin vào thằng dịch giả nào cả, họ là những người bố láo nhất trong giới học thuật đới, trong một bản dịch, bao giờ cũng hơn phân nửa là hơi hám của người dịch rồi, còn hồn cốt của bản gốc e chỉ còn non non một nửa thôi. Bởi vậy quí Bác muốn chiêm ngưỡng cái tinh túy của Văn Nghệ, thì í em khuyên quí Bác cứ bản gốc mà chơi, chỉ cần hiểu mài mại quá bán là hơn hẳn bản dịch rồi..khẹc..khẹc..khẹc…
Phiên Âm
Vãn vân kiếm kích bích toàn ngoan,
Hải thẩn thôn triều quyển tuyết lan.
Xuyết địa hoa điền xuân vũ tễ,
Hám thiên tùng lại vãn sương hàn.
Sơn hà kim cổ song khai nhãn,
Hồ Việt doanh thâu nhất ỷ lan.
Giang thủy đình hàm tà nhật ảnh,
Thác nghi chiến huyết vị tằng can.
Dịch nghĩa
Núi xanh cao vút nhọn như gươm giáo chọc thủng cả tầng mây,
Hải thần cuộn nuốt lấy thủy triều dâng lên làn sóng bạc.
Hoa điểm xuyết đất vàng lúc cơn mưa xuân tạnh,
Tiếng sáo rung chuyển cả bầu trời trời khi màn sương chiều lạnh lẽo buông xuống
Non sông này xưa nay đã hai lần mở mắt,
Cuộc thư hùng giữa Hồ và Việt thoàng qua như một lúc dựa vào lan can.
Nước sông soi bóng mặt trời buổi chiều đỏ rực,
Còn ngỡ là máu chiến trường từ thuở trước đến nay chưa từng khô.
Dịch thơ
SÔNG BẠCH ĐẰNG
Núi sắc kiếm báu chọc tầng mây
Thủy thần cuốn sóng vỗ dâng đầy
Hoa điểm đất vàng mưa xuân tạnh
Sáo chiều rung động chuyển rừng cây
Đất nước đã hai lần sáng mắt
Thoáng trận Việt- Hoa đánh nơi này
Soi bóng hoàng hôn sông đỏ ối
Ngỡ máu chiến trường vẫn còn đây
Bản dịch riêng của Thuận Nghĩa
Đêm nay đọc lại Bạch Đằng Giang, mình cứ nghĩ mãi không ra, ý cái câu này
của Cụ Trần Mạnh nói cái gì
Sơn hà kim cổ song khai nhãn
Tại sao lại nói đất nước đã hai lần mở mắt. Có phải là Cụ nhắc đến việc chống quân Nguyên không. Nếu nhắc đến việc chống quân Nguyên thì phải là ba lần, chứ sao lại hai lần. Vì Cụ Trần Mạnh, sinh ra sau hai ngày, ngài Hưng Đạo Trần Quốc Tuấn qui tiên mà.
Hay là cụ nhắc đến hai lần dùng một mưu là cắm cọc nhọn trên sông Bạch Đằng để đánh hải thuyền của quân xâm lược phương Bắc của Dân Tộc ta trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Đó là trận Bạch Đằng Giang nổi tiếng kim cổ của Ngô Quyền và trận Bạch Đằng Giang của ngài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Nhưng tại sao cụ lại bảo là khai nhãn nhỉ. Song khai nhãn, là hai lần mở mắt.
Sơn hà kim cổ song khai nhãn, hay là ý Cụ gửi gắm lại cho hậu thế nói rằng, đối với bọn Tàu Khựa thâm hiểm khôn cùng, cần phải mở to mắt ra nhiều lần mà suy xét về họ.
Mình cứ nghĩ mãi mà không biết ý của MINH TÔNG nói gì, nghĩ mãi thành ra biêng biêng cả cái đầu và vung ra một câu chửi thề.
– Thưa cụ, con bà nó, đến bây giờ mà chúng vẫn còn chưa chịu mở mắt cụ ạ
He..he..he..
31.07.12
TN