Nói về chuyện Tiếu Lâm. Tiếu là cười Lâm là rừng hiểu nôm na là rừng cười. Mà đã là rừng thì ít nhất phài là “ba cây chụm lại mới thành hòn núi cao”. Chuyện Tiếu Lâm xuất xứ từ truyền khẩu mà có sau này mới ghi chép lại thành chuyện hài hước. Chuyện Tiếu Lâm phải được kể bằng miệng và kể ở chỗ đông người mới phát huy được cái độc đáo của nó. Một phần nhờ vào năng khiếu của người kể một phần nhờ vào sự cộng hưởng hưng phấn của đám đông nhưng điều cốt yếu nhất vẫn là do cách diễn đạt ngôn ngữ. Bởi vì hầu hết chuyện tiếu lâm đếu có ngữ cảnh và yếu tố gây cười nằm trong những thắt nút bằng ngôn ngữ nói. Ngôn ngữ Việt nam chúng ta phong phú giàu âm điệu nên khi sử dụng cũng có rất nhiều đột biến về ý nghĩa nên rất dễ tạo nên những tình huống trào lộng bất ngờ. Cũng do đặc điểm ngôn ngữ đó mà người Việt nam chúng ta được các tổ chức nghiên cứu Xã hội quốc tế đánh giá là một trong những Dân tộc hay cười nhất thế giới.
Người Bắc cười theo phong cách kẻ sĩ “Bắc Hà” thâm thúy và có sức dội nội tâm lớn. Người Trung thì cười rất giòn và phớt tỉnh theo phong cách các “Trạng” ngày xưa. Người Nam thì cười phóng khoáng thoải mái có hời hợt cũng được nhưng phải là vô tư mà hơ hơ như kiểu “Ba giai Tú Xuất” vậy. Nhưng người miền nào cũng nhờ vào truyền khẩu mà thành phong cách cười của miền đó.
Người miền Trung có giọng nói rất nặng nói lại nhanh ngôn từ thì quá nhiều những từ ngữ địa phương đặc thù. Cho nên khi họ kể một câu chuyện cười cho người khác miền nghe thì rất ít khi gây được hiệu quả. Tôi là người Trung có lẽ do con nước ở vùng tôi thấm vào giọng nói từ thủa sơ sinh cho nên dù đi Nam về Bắc xuôi ngược đó đây và xa quê đến mấy chục năm rồi mà giọng nói vẫn cứ làm nghiêng bàn cân trọ trẹ như xưa. Vì vậy dù là người nghiện cười và tàng trữ trong mình hàng kho truyện cười nhưng rất ít khi tôi kể chuyện trước đám đông.
Có một câu chuyện tôi được nghe từ hồi còn ở quê. Câu chuyện mang đậm sắc thái sinh hoạt của dân dã mà mỗi lần nghĩ đến tôi không khỏi phì cười vì hình tượng gợi cảm rất độc đáo qua cách thể hiện một từ rất đơn giản đó là từ “Ựa” trong cụm từ dao rựa.
Muốn cười từ cái từ này trước tiên phải biết từ Rựa là gì. Rựa là một loại phương tiện dùng để chặt đốn đẽo chẻ các loại vật liệu bằng gỗ cây cỏ. Rựa có hình dạng như dao quắm ở ngoài Bắc nhưng lưng nó khum hơn và có cán dài hơn. Phần cán dài tương đương bằng phần lưỡi và toàn cây rựa dài khoảng 60 đến 80 cm. Phần cán làm bằng gỗ tốt dai cứng tròn lẳn như cổ tay chính vì vậy mà cấu tạo nên một từ trong kho từ điển để ám chỉ những người đàn ông có cá tính mạnh: Đực Rựa.
Rựa là một vật dụng không thể thiếu được trong bất kỳ một gia đình nào ở miền Trung. Dù cho không có áo quần mặc không có đủ đũa để và cơm nhưng rựa thì không thể không có. Nó là vật dụng chủ yếu cho việc chặt cây đốn củi ở cả vùng đồng bằng và vùng sơn cước.
Bây giờ thay đổi thế nào thì tôi không biết nhưng vào những thập niên 60 70 quê tôi có một tập tục rất kỳ khôi đó là hầu hết mọi gia đình đều giao trọng trách về vấn đề Nhiên liệu và Thực phẩm cho bọn con nít. Còn người lớn chỉ lo vấn đề Lương thực và Nhà đất cùng với việc giỗ chạp mà thôi (Giỗ gì mà giỗ lắm thế trẻ con bị sẩy thai từ 80 chục năm về trước cũng làm đám giỗ. Khiếp nhớ dai thật).
Nói là Nhiên liệu và Thực phẩm cho oai vậy thôi chứ ở quê tôi nhiên liệu là củi mà thực phẩm dùng trong mọi gia đình là tôm cua cá ở ngoài đồng. Rừng Trường sơn bạt ngàn đó cứ vậy lên mà phang về chụm. Tôm cá đầy đồng hết vớ(vó) lại te (vó làm bằng vải màn dùng bắt tép) nơm chỉa lưới chài gàu sòng gàu đôi dủ loại. Cứ vậy bắt về mà dùng. Chặt gỗ làm nhà thì của người lớn riêng khoản củi thì giao trọn gói cho con nít. Chính vì vậy mà tuổi thơ chúng tôi hầu như đứa nào cũng có gắn bó với cái nghề sơn tràng (thợ rừng) đó. Và tất nhiên cây rựa cũng trở thành kỷ vật tuổi thơ rất sâu đậm.
Chúng tôi thường đi hái củi vào các ngày chủ nhật hay ngày hè khi không phải tới trường. Đừng tưởng hái củi là một việc làm đơn điệu và giản đơn. Nó là một công việc mang rất đậm sắc thái văn hóa của đời sống. Có tính chất sinh hoạt phường hội và cũng không kém phần nghệ thuật.
Tối thứ sáu phải chuẩn bị sẵn dụng cụ từ trước. Rựa phải mài cho thật bén. Kiểm tra lại đòn xóc (Một loại đòn gánh nhọn hai đầu dùng xóc vào hai bó củi để gánh). Rựa thì khỏi phải nói phải thửa ở những lò rèn danh tiếng thép độn phải dễ mài sắc nhưng lâu cùn. Còn đòn xóc mới là quan trọng. Đòn xóc phải được chọn từ loại tre đực ( tre đặc ít rỗng) sống lâu năm phải dẻo dai khó gãy và có độ đàn hồi nhún nhảy tốt. Chọn tre ngâm nước thui qua lửa vuốt bề cong theo thớ đúng kích thước vừa tầm không dài quá không ngắn quá với từng người…trời đó là cả một công phu. Đòn xóc cũng có lò sản xuất hẳn hoi chứ không phải tay ngang mà làm đạt tiêu chuẩn đâu. Rựa thì để thao tác đốn cho nhanh nhưng đòn xóc lại quyết định năng lực vận tải. Nếu gặp loại đòn xóc xấu độ nhún nhảy đàn hồi không hợp lệ thì người gánh rất hao sức. Đó là chưa nói đến chuyện gãy gánh giữa đường. Ngoài đòn xóc đôi khi còn phải chuẩn bị dây mây bó củi nữa. Sử dụng dây rừng để bó củi cũng được nhưng thông thường phải là những tay đã có thâm niên mới sở đắc được. Dụng cụ đã đầy đủ thì quay sang chuẩn bị đồ ăn thức uống.
Cơm được gói vào mo cau thông thường là kèm theo muối mè (vừng) hay muối lạc. Nước chè đựng vào bình toong. Cơm muối mè dùng cho đi đốn củi hay những lúc đi xa ở quê tôi thông dụng lắm. Cơm trước tiên được ém vào lá chuối non hơ qua lửa sau mới bọc vào mo cau dù để lâu lúc mở ra vẫn còn bốc hơi nóng mùi gạo mới quyện với mùi lá chuối non và mo cau tạo nên một hương vị nồng nàn thôn dã (chao ôi giờ đây muốn ăn gì cũng được nhưng thèm một nắm cơm mo cau đến tứa cả miệng mà không có).
Đến 3- 4 giờ sáng trong tiếng gà gáy tiếng chó sủa râm ran là tiếng bọn tôi gọi nhau í ới bắt đầu tụ tập lại một điểm hẹn trước nào đó rồi lũ lượt nối đuôi nhau tiến vào rừng.
Chúng tôi đi hàng đôi hàng ba vừa đi vừa trò chuyện. Chủ yếu là kể chuyện cười và chuyện cổ tích hay chuyện Tàu. Cái tính thích cười của tôi cũng có lẽ bắt nguồn từ những ngày đi hái củi ấy mà ra.
Đi hái củi cũng chia thành “môn phái” hẳn hoi. Môn phái mà tôi đang kể là thuộc về “Phái đi củi bộ”. Còn có môn phái chèo thuyền ngược dòng Kiến giang lên sâu trên thượng nguồn mà đốn củi gọi là “Phái đi củi nôốc”. Còn một phái nữa là kết hợp hai phái kia có nghĩa là ở lại trong rừng 5 7 ngày đốn củi rồi sau về thuê đò lên chở về gọi là “Đi củi ở lại”.
Khi đi hết con đường ở đồng bằng chúng tôi thường tụ lại ở dưới một gốc cây đa nơi ngã 3 Chợ Đôộng. Cây đa này là một cây đa huyền thoại nó nằm giữa ngã 3 đường con đường từ dưới xuôi lên và con đường chạy dọc từ xã Phú thủy ( Quê của nhà văn Trần Quang Đạo) đến hết tận Mai thủy (Quê của Bloger Hoài Giang). Con đường này là một con đường chiến lược trong thời chiến tranh. Nó là cái “Cột sống” của Sư đoàn 559 nghe nói sau này đổi thành Binh đoàn Trường Sơn. Có lẽ không có một con đường nào trên thế giới đã gánh chịu một lượng bom đạn dày đặc như con đường này. Người ta ước tính nếu trải số bom đạn đã dội xuống đây lên mặt đường thì phải chất lên mấy lớp chứ chỉ một mặt suốt cả con đường không đủ diện tích để chứa. Bom đạn nhiều tất nhiên chết chóc cũng vô số.
Trong chiến tranh quê tôi không còn một cây cổ thụ nào sống sót duy chỉ có cây đa đặc biệt này. Mặc dầu bị bom phạt ngọn nhưng nó vẫn tồn tại kiên cường như bản chất của người dân xứ tôi vậy. Cây đa này là chứng tích lịch sử và là dấu ấn kỷ niệm rất khó phai nhạt trong thời thơ ấu của chúng tôi. Thế hệ chúng tôi dù trai hai gái tất cả đều có những ký ức gắn liền với cây đa này. Không biết bây giờ nó có còn không hay lại như con người. Đứng vững kiên cường trong lửa đạn nhưng lại gục ngã trong thời bình…
Bắt đầu từ cây đa này vượt tắt ngang qua xã Mai thủy là chớm vào dãy Trường sơn vùng này là vùng trọng điểm trong chiến tranh là cái cối xay thịt khổng lồ trong cuộc chiến máu mủ tương tàn của Đất nước mình. Cho nên đoàn đi hái củi không còn lao nhao chuyện trò như trước nữa mà phải lầm lũi chú ý căng thẳng như một đoàn quân tiến vào trận địa. Bởi không chú lắng nghe tiếng phi cơ có thể bị oanh tạc bất thình lình khi chưa kịp tìm nơi trú ẩn chết ngay. Chúng tôi lớn lên trong lửa đạn cho nên chỉ một việc đi hái củi cũng đầy rẫy nguy hiểm chết chóc như một trận đánh. Có những giai đoạn đoàn hái củi con nít của chúng tôi lúc ra khỏi bìa rừng đến nơi ngã 3 cây đa chợ Đôộng cũng phải kiểm tra lại xem ai còn ai mất..như bộ đội đi đánh cao điểm vậy. Những người khác quê hay lớp trẻ sau này có lẽ sẽ cho tôi là bốc phét nhưng những ai cùng lứa tuổi của tôi ở vùng này sẽ chứng thực điều tôi nói không ngoa ngoắt đâu.
Đi hái củi như một phường hội sinh hoạt vì kế sinh nhai nên cũng có tay nghề khác biệt người này giỏi cái kia người kia giỏi cái nọ. Một toán đi hái củi cũng mang sắc thái của một xã hội thu nhỏ. Trong nhóm đi hái củi bao giờ cũng có 1 2 người chững chạc về tuổi tác và rất thạo về công việc rừng núi.
Trong các nhóm đi hái củi tôi cũng lại là một trong những đứa còi cọc nhất. Nên đôi khi là một gánh nặng cho cả nhóm. Tuy vậy ít có nhóm nào từ chối tôi vì thằng nào cũng thích có tôi đi để được nghe kể chuyện Tàu. Hầu hết nhóm của tôi là kết hợp những cặp anh em hàng xóm nên tinh thần tương trợ rất cao. Đầu làng thì có anh Ba và tôi Anh em nhà Lê Đệ con chú Khang. Anh em nhà Hiền Hào con bọ Tờn. Thằng Ngọc và thằng Thiên là anh em họ. Xích xuống dưới nữa có thằng Hạnh Hoãn anh em thằng Tỏa Khai con chú Phong anh em nhà Hào Dé anh em nhà anh Hộ và anh em thằng Lập Phí thằng Hiệu Hít… Trong nhóm có rựa của anh em thằng Hào Tờn và thằng Ngọc Bỗng là bén nhất vì nhà nó làm nghề thợ rèn. Còn đòn xóc thì của nhà anh Hộ là tốt nhất vì nhà Lê Bá Hộ làm thợ mộc nên ông già nó chuốt đòn xóc nghệ lắm. Đã có lần tôi phải năn nỉ anh Hộ đổi một cây bút Kim tinh lấy một cái đòn xóc rất tốt của chả. Còn dây lạt bó củi thì phải nói đến anh em nhà tôi. Vì nhà tôi gần HTX nên địa được rất nhiều dây mây tốt dùng làm quang gánh của HTX.
Khi đi hái củi cũng có sở trường sở đoản hẳn hoi. Đốn củi nhanh có anh em nhà thằng Hào Tờn thằng Ngọc. Bó củi chắc chắn thì và xóc củi điệu nghệ thì có anh Đảm anh Lê bá Hộ. Gánh củi bao giờ cũng to nặng là của nhà Hào Dé. Còn anh em nhà thằng Tỏa thì lúc nào gánh củi của nó cũng đẹp nhất. Nó chặt củi và bó củi cứ như làm một tác phẩm nghệ thuật vậy.
Còn tôi và thằng Hiệu Hít là bê bối nhất củi bó xọc xạch to nhỏ dài ngắn bất thường lắm. Tôi thì thêm cái tội cứ vào rừng là hay la cà hoa lá nên khi nào cũng làm chậm. Cuối buổi khi nào thằng Ngọc hay thằng Hào cũng phải chặt phụ cả. Còn thằng Tỏa thì đừng hòng hắn bận tỉa tót cho bó củi của hắn y chang một bà nạ dòng ngồi tô son phấn vậy.
Trong bọn hái củi tôi là thằng nổi tiếng với tài kể chuyện cổ thằng Ngọc Bỗng thì nổi tiếng về bịa chuyện cười. Còn anh em nhà Đảm Hộ thì lúc nào cũng có điệu cười hơ hơ rất riêng biệt. Đã mấy chục năm rồi mà mỗi khi nghĩ đến điệu cười của Lê bá Hộ tôi vẫn còn khoái chí. Không biết giờ này còn cười vậy nổi không.
Thằng Ngọc Bỗng thông minh học giỏi và rất giàu trí tưởng tượng. Hắn bịa chuyện cười trong chớp mắt và mặt lúc nào cũng tỉnh bơ (nghe nói hắn giờ là Đại tá thiếu tướng gì đó trong nghề công an công tác ở Hà nội). Chính hắn là người sáng tác nên bài hát nổi tiếng trong dân hái củi mà bài hát này có một thời là “Khúc quân Hành” của bọn trẻ chúng tôi. Bài hát có nội dung như sau “..Chủ nhật sáng ngày mai chúng em đi củi bộ vượt qua khe Bài…chiều về..chiều về đi dưới hàng dương bóng mạ ai như bóng mạ miềng…thấp thoáng từ xa lên ngừa đó rồi…”. Câu chuyện mài rựa mà ý nghĩa độc đáo mô tả một thế giới hoan lạc của dục tình chỉ bằng một từ “Ựa” là do hắn bịa và kể cho tụi tôi nghe. Câu chuyện nó kể như sau:
“Chúng mày có biết không chủ nhật bữa trước tao có hẹn với anh Tý mới cưới vợ ra riêng ở đầu làng đi hái củi. Đúng hẹn 3 giờ sáng tao đợi mãi chẳng thấy anh ấy ra tao mới tới đầu ngõ gọi: – Anh Tý ơi dậy chưa..tới giờ đi rồi. Gọi mấy lần vẫn im lặng gọi đến lần thứ 5 thứ 6 gì đó thì nghe tiếng chị vợ của anh ta ơi ới trả lời :- Đợi một chút Anh ấy đang mài cây r..ự..a ..ựa..hự..ựa….ựa ..ựa…..ừa…” Hết
____
Lời bình: Vợ chồng mới cưới có khác dập dữ ha!
20-09-2008