Tôi quen Klara đã mấy năm. Cô ấy là một cô gái xinh đẹp, tài ba, hiện đại. Là một phụ nữ thành công trong nghề nghiệp, lại có nhan sắc, nên cô biết phẩm vị của mình như thế nào.
Nói chung là kiêu sa. Kiêu sa cả trong phong cách xử thế và cả trong phong cách chưng diện, ăn mặc.
Áo qần, giày dép, đồ trang sức và vật dụng trang điểm toàn là hàng hiệu. Những thứ đó, tóm lại, kết hợp trên người cô ta, tạo nên một tác phẩm của tạo hóa rất đáng nể phục nhưng cũng rất khó gần.
Trước đây, công việc của tôi có nhiều lần phải tiếp xúc và nhờ vả đến Klara. Mỗi lần như vậy, tôi đều có cảm giác như đang làm việc với cái lỗ mũi hếch lên trời, và đôi mắt không hề biết dừng lại tia nhìn trên bất cứ một thứ gì của người đối diện.
Rất may, là tôi, tuy rất háo sắc, nhưng chỉ xem nhan sắc như một thứ trò chơi, một loại hàng hóa để tiêu xài, đơn giản thế thôi. Vì vậy, cái thái độ dửng dưng, lạnh nhạt của cô ta chẳng làm cho tôi có cảm giác mếch lòng chút nào cả. Ngược lại, nó kết hợp với cái tính bơ bơ, gàn gàn của tôi, lại đâm ra thành một cặp bài trùng khá ngoạn mục.
Bẳng đi mấy năm không gặp. Hôm rồi, tôi vì có việc liên quan đến bên bảo hiễm y tế, nơi Klara đang làm sếp ở đó, nên mới có cơ hội gặp lại cô ấy.
Nói một cách vuông vắn là kinh ngạc. Cái mũi không hếch lên, đôi mắt không còn thờ ơ nữa. Khuôn mặt mộc không trang điểm, áo quần giản dị đến bất ngờ. Cái quan trọng nhất là thái độ gần gũi và cởi mở, thân thiện khác thường. Khác thường một cách thật phi thường. Phi thường quá đi chứ. Thử hỏi thời buổi nay, có phụ nữ nào dám vác mặt mộc đến công sở không?. Cực hiếm đấy
Tôi hỏi, tại sao? Klara mỉm cười hỏi lại, tại sao là tại sao?
Lần đầu tiên, tôi quẹt một tia nhìn khá nham nhở, từ trên đầu, xuống ngực, xuống mông, và cuối cùng là dừng lại ở đôi giày rẻ tiền dưới chân cô ta và hất đầu một phát đầy hàm ý chứ không trả lời.
Klara biết ý tôi, cô không có phản ứng gì mà hỏi lại:mày có rảnh không?. Tôi hỏi: để làm gì. Cà phê. Mịa, mày đã biết tao có uống cà phê bao giờ đâu. Thì uống trà. Nhưng vì sao?.
Klara trả lại cho tôi một tia nhìn, cũng từ đầu xuống chân. Cái nhìn của cô ta chậm hơn cái nhìn của tôi, vì tia nhìn của cô ta dừng lại khá lâu nơi bộ trang phục toành toàng có phần luộm thuộm của tôi, cuối cùng thì buông một câu: vì mày khá giống một người. Tôi đá một phát lông nheo với đầy hàm ý tội lỗi: mày định kiếm kẻ thế mạng à?. Klara ngước nhìn tôi thong thả, mày đừng giả vờ buông thói đểu giả nữa, mày có cố gắng bao nhiêu cũng không thể đểu nổi đâu, khả năng đểu giả của một con người cũng là thiên phú đấy, để làm được một người đểu tài ba không phải ai cũng làm được đâu.
Con này khá. Tôi nghĩ vậy và đồng ý: mịa, cà phê thì cà phê, tuy không thích, nhưng thằng này đâu có sợ cái gì trên đời này chứ, kể cả sự rùng rợn của Đàn Bà. Klara cười cười: đôi khi mày cũng phát tiết thiên phú đểu khá rõ ràng.
Cố gắng nhấp một ngụm cái thứ nước kinh tởm mà người đời gọi là cà phê. Đắng nghét, đen ngòm và thum thủm như nước giặt vớ. Tôi chăm chú nghe Klara kể chuyện về gã đàn ông mà tôi may mắn được cô ta cho rằng hao hao giống hắn.
Nhà của Klara ở Emshorn, cách Hamburg gần 30 cây số. Đường bộ từ Emshorn đến Hamburg lúc nào cũng ở trạng thái cao điểm. Người ở đó đi làm ở Hamburg, hầu hết chả ai đi xe, đa số là đi tàu. Vì đi tàu vừa tiện lợi, rẻ, và không khi nào sợ bị chậm trễ. Trừ tàu cao tốc và tàu liên vận quốc tế ra, những loại tàu nối giao thông giữa các thành phố nằm kế nhau, người Đức đều gọi là tàu làng.
Mỗi ngày, Klara đều phải hai bận đi về, đáp chuyến tàu làng ấy để đi làm. Klara tan sở lúc 4 giờ chiều, ra đến bến tàu vừa đúng chuyến tàu 4 giờ 15 phút. Ngày nào cũng như ngày ấy, Klara đều ngồi ở hàng ghế cuối ở toa số 2 trên chuyến tàu làng Hamburg đi Emshorn, khởi hành lúc 4 giờ 15 phút đó.
Thoạt đầu Klara không để ý, nhưng sau đó thì phát hiện ra cũng trên chuyến tàu khởi hành vào giờ này, luôn luôn xuất hiện một người đàn ông kỳ lạ. Anh ta không ngồi một chỗ cố định, cứ có chỗ ghế trống nào là lại sà vào ngồi. Sau đó nhanh chống bật nắp thùng rác bên hông tàu nhìn vào đó. Hóa ra đây là một gã „ve chai“. Anh ta dạo qua tất cả các toa và nhặt những chai nước không mà hành khách để lại trên đó.
Những chai nước sau khi uống hết, đều được các cửa hàng thu mua trở lại. Tất cả các loại chai không này được thu hồi với giá 25 cent. Đi nhặt những chai nước này ở các chỗ công cộng gom lại đem đổi thành tiền ở các siêu thị vốn là công việc béo bở của những người vô gia cư, hoặc nghiện ngập. Ở những nơi có hội hè đông đúc khách thập phương qua lại, đôi khi mỗi ngày họ có thể kiếm được hàng chục, thậm chí hàng trăm euro.
Những người „ve chai“ này rất thường nhìn thấy ở các ga tàu, trạm xe bus. Nhưng là một người đàn ông khỏe mạnh, áo quần khá tươm tất, ra dáng công chức như anh chàng này thì khá hiếm. Đặc biệt, anh ta làm công việc này rất nghiêm túc, với một thái độ đầy trách nhiệm, và còn tỏ ra khá hạnh phúc, mãn nguyện với công việc của mình.
Từ tò mò đến để ý, sau đó là quan tâm, và cuối cùng trở thành thói quen. Ngày nào, Klara cũng mua hoặc xin lại vài vỏ chai nước không của đồng nghiệp, mang lên tàu rồi chia ra, bỏ vào các thùng rác trên toa số 2. Ban đầu Klara cảm thấy vui vui, khi được nhìn đôi mắt rạng rỡ của người đàn ông kia sau khi bật nắp các thùng rác. Lâu ngày, rồi cái thói quen ấy trở thành một nhu cầu từ lúc nào không hay.
Nhiều khi vì bận việc gì đó, Klara không đáp được chuyến tàu khởi hành lúc 4 giờ 15 phút. Hoặc đôi khi người đàn ông đó không xuất hiện cùng chuyến tàu. Ngày đó Klara sẽ cảm thấy bất an và thiếu vắng một cái gì đó khá mơ hồ.
Có một lần Klara bị tai nạn giao thông, phải nằm viện mất mấy tuần. Trong những ngày nằm viện này, cô cũng không từ bỏ được thói quen đó. Klara kể lại chuyện này với một bà xơ giúp việc thiện nguyện ở trong bệnh viện, và chiều nào cũng nhờ bà ta đem mấy vỏ chai không để trên toa số 2 trên chuyến tàu khởi hành đi Emshorn lúc 4 giờ 15 phút.
Một ngày kia, bà xơ bận việc, không thực hiện được yêu cầu của Klara. Bà ta báo với Klara là đã nhờ một người tốt bụng khác làm dùm cho cô. Thấy bà xơ nhắc đến người kia với thái độ rất thành kính. Klara tò mò hỏi. Bà xơ bảo, đó là một „vị thánh“ của bệnh nhân nghèo trong bệnh viện này, là một bác sĩ có trái tim nhân hậu, ông không những tận tình hết mình với bệnh nhân với trách nhiệm và tài năng của mình, mà còn giúp đỡ rất nhiều tài chính và vật dụng cá nhân cho những bệnh nhân không có thân nhân thăm viếng thường xuyên.
Klara bàng hoàng sững sờ, khi, ngày hôm sau bà xơ giới thiệu cô với vị bác sĩ có trái tim thánh thiện ấy. Đó chính là gã “ve chai“, trên chuyến tàu làng từ Hamburg đi Emshorn khởi hành lúc 4 giờ 15 phút chiều.
Người đàn ông cũng nhận ra vị hành khách thường xuyên của chuyến tàu này, ông cũng tỏ vẻ có chút kinh ngạc. Vì không ngờ người phụ nữ thanh lịch và sang trọng, vị khách tao nhã thường xuyên của chuyến tàu làng này, cũng chính là tác giả của những chiếc vỏ chai may mắn của ông trên toa số 2.
Klara rất buồn và như cảm thấy mình có lỗi, khi, kể từ ngày cô ra viện, trên chuyến tàu khởi hành lúc 4 giờ 15 phút, người đàn ông ve chai ấy không còn xuất hiện nữa.
Klara đến bệnh viện tìm ông ta, thì người ta nói ông ta đã theo đoàn bác sĩ không biên giới đi làm việc ở Châu Phi rồi.
Kể từ dạo đó, dù người đàn ông ve chai kia không xuất hiện nữa, nhưng Klara vẫn không thể từ bỏ được thói quen mang theo mấy vỏ chai, để bỏ vào thùng rác trên toa số 2.
Nghe Klara kể đến đấy, tôi hỏi: cũng từ dạo đó mày mang mặt mộc đi làm việc, và trên toa số hai không còn một hành khách trang phục hàng hiệu, mũi hếch lên trời nữa chứ gì?.
Klara mỉm cười hiền lành gật đầu: Ừa, đúng vậy, từ đó tao mới nhận ra rằng, cái vẻ đẹp bề ngoài, những thứ hàng hiệu đắt tiền, cái sang trọng quí phái của Audi, Merzedes…chỉ là những thứ phù phiếm rẻ rúng vô cùng, thậm chí sẽ trở thành cạch cỡm, thô lậu khi những người dùng nó thiếu đi trái tim nhân hậu, đôi lúc tao còn nghĩ rằng, những người đam mê những thứ đó chẳng qua là họ muốn dùng nó như một loại bùa chú để ma mị, đánh lừa đẳng cấp nhân cách với cả chính mình.
Tôi nhấc ly cà phê lên, ngửa cổ tu hết một phát ực. Klara hỏi: cà phê ngon lắm hay sao mà mày uống kinh thế. Tôi nghiêm trang: Là tao uống lời nói của mày đấy, nhưng chuyện này cũng chả có gì mới lắm, vả lại mày không phải là người đầu tiên phát hiện ra điều đó. Đã nhiều người biết lắm rồi, ngay như bọn xôi thịt hoa hậu, chúng cũng biết đến rồi, thậm chí chúng còn biến lòng nhân từ thành một thứ son phấn để trang điểm cho vương miện người đẹp của chúng, tiếc rằng, cho dù chúng có làm trời gì đi nữa, thì cũng không thể che đậy được bản chất phù phiếm giả tạo được, lòng bao dung độ lượng nó phát hào quang lên từ trong sâu thẳm của tâm thức, không thể có một thứ hàng mã nào có thể mạ bóng được nó đâu. Cũng như cái mặt mộc và những trang phục bình dị của mày chẳng nói lên được điều gì cả. Nhưng ánh mắt trìu mến kính trọng, vẻ chờ đợi hạnh phúc của mày với „gã ve chai“ kỳ dị kia thì nói lên được rất nhiều điều. Mày trở nên cực kỳ xinh đẹp, sang trọng, quí phái và đáng yêu vô cùng Klara ạ.
Klara cúi đầu có chút e thẹn: Quả thực ông ta là người đầu tiên đã cho tao biết thế nào là vẻ đẹp của tâm hồn, và hình như tao đã yêu ông ta rồi mày ạ.
Tôi gật đầu: Chứ còn gì nữa, mày đã chờ đợi ông ta trở lại trên chuyến tàu ấy từ dạo đó đến bây giờ à. Ừa, tao tin là có một ngày tao sẽ được gặp lại ông ta. Mày tin rằng, mày sẽ chiếm được trái tim của ông ta sao. Tin chứ, không tin thì làm sao tao có thể chờ ông ta được 2 năm trên chuyến tàu làng này
Thứ Năm tuần rồi tôi đi thăm bệnh cho một người bạn mới bị đột quị ở Pinenbeg, tình cờ lại gặp chuyến tàu khởi hành lúc 4 giờ 15 phút. Tôi tò mò lên toa số 2, và gặp lại Klara ở đó. Trước khi đến chào hỏi Klara, tôi thử đến bật nắp các hộp rác, ở đó, quả thật mỗi hộp có một cái vỏ chai không.
Tôi đến chào hỏi Klara và ngồi xuống nói với cô ấy:Mày thật là hạnh phúc Klara ạ. Klara hỏi: Tại sao mày lại nói thế. Tôi trả lời: Không cần biết ông ta có trở lại trên chuyến tàu này không, và nếu ông ta có trở lại, cũng không cần biết mày và ông ta sẽ ra sao, cuộc sống chỉ cần có cái đáng để chờ đợi là hạnh phúc lắm rồi. Klara không nói gì, vẻ mặt rất thánh thiện nhìn tôi khuyên: Mày cũng vậy, hãy nên có lòng tin vào phụ nữ, hãy cởi mở chân tình của mình ra, có lòng tin sẽ có tất cả, tình yêu cũng chẳng phải là cái gì vời vợi đâu, nó rất gần gũi và cận kề, nếu như trái tim mình biết bao dung và độ lượng.
Tôi xuống ga Pinenberg, Klara đi tiếp về Emshorn. Nhìn theo con tàu lao vút đi trên hai đường ray thẳng tắp song song, tôi nghĩ, Klara nói đúng, có lòng tin là có tất cả. Bởi con người có lòng tin bay được vào không gian, nên con người mới có những phi thuyền bay lên mặt trăng, lên sao kim, sao hỏa.
(Nhưng nếu để có lòng tin đi bộ lên trời thì quả thật rất khó. Nhưng dù có khó đến đâu, tôi cũng chọn lòng tin là mình đi bộ lên trời được, chứ khó có thể nào tạo được cho mình lòng tin tưởng vào Phụ Nữ. He he he….)
18.02.12
TN