Home Ký sự Ấm Lạnh Một Tình Yêu

Ấm Lạnh Một Tình Yêu

1422
0


1
Ông Bình người xã Thủy Dương thuộc thị xã Hương Thủy, hồi kháng chiến chống Pháp ông theo Việt Minh, bị Pháp bắt đi tù và giam ở Phú Quốc.

Sau 1954 ông trở về Huế, lấy bà Bông ở làng La Chữ ngoài Hương Trà, và lập nghiệp tại phường An Cựu, Huế.

Tuy có 3 mặt con bấy giờ cũng đã lớn hết rồi. Nhưng từ hồi mới lấy nhau bà Bông đã biết chuyện ông Bình có phải lòng một cô gái làng chài ở ngoài Phú Quốc.

Hồi mới cưới, bà Bông biết chuyện nhưng không chấp, nghĩ đó là chuyện quá khứ. Nhưng sau đó, lâu lâu ông Bình lại biến mất vài ba tuần. Tra hỏi thì ông nói là đi công tác.

Một lần bà Bông nhờ anh cháu họ làm bên Công Anh tỉnh tìm hiểu, thì biết ông Bình vẫn thỉnh thoảng trốn nhà ra ngoài Phú Quốc thăm người yêu cũ.

Người yêu cũ của ông Bình, cũng biết ông đã có vợ con, khuyên lơn ông đừng ra Phú Quốc nữa kẻo gia đình tan nát. Nhưng vì bà ấy vẫn ở giá, không cặp kê và cũng chả lấy ai, nên ông Bình thấy mình có lỗi. Vì vậy, lâu lâu găm được đủ tiền ông lại trốn gia đình ra đảo thăm bà Huệ. Huệ là tên bà người yêu cũ ở Phú Quốc của ông Bình.

Từ ngày biết ông Bình thỉnh thoảng trốn nhà ra Phú Quốc, bà Bông buồn mà sinh bệnh. Tuy ở một nhà mà ngủ hai giường, cứ vậy cho đến khi 3 đứa con khôn lớn và lấy vợ lấy chồng.

Khi con cái đã ra riêng, tình cảnh của ông bà càng ngày càng lạnh nhạt. Bà Bông có chồng mà như góa bụa, sớm tối kinh kệ giải khuây.

Con cháu có đứa nào rảnh, dù bất cứ lúc nào bà Bông cũng nhờ chở lên chùa Tù Đàm lễ Phật. Có điều rất lạ. Ở nhà thì không sao, tỉnh như sáo. Nhưng hể bước qua cổng Chùa là mắt bà lại lại nhíu lại. Cứ thắp xong tuần hương, ngồi xuống chưa đọc hết một câu Kinh là bà đã ngủ gà ngủ gật. Con cháu thấy ngượng nói bà cứ vậy thì lên Chùa mần chi. Nhưng bà không chịu, cứ có đứa nào rảnh là bà lại bắt chúng chở lên Chùa.

Sau này, anh trai cả làm ăn phát đạt, quyết định xây cho Bà một am đường khá lớn trong vườn, cho bà khỏi phải đi lại cầu Kinh niệm Phật ở Chùa. Ấy vậy mà bà cũng không bỏ được tật. Cứ có điều kiện là lên Chùa, thắp nhang và ngồi ngủ dưới Chính Điện.

Một ngày nọ, bà Bông không đau ốm gì cả, gọi ông Bình lại và giao hết cho ông tất cả giấy tờ, trong đó có cả giấy tờ nhà và sổ tiết kiệm. Ông Bình kinh ngạc hỏi, mụ mi mần chi lạ rứa. Bà Bông cười cười nói, chắc tui đi tu quá, ông cứ giữ đi cho chắc.

Có lẽ bà Bông có linh tính gì đó trước. 3 hôm sau bà Bông ra vườn hái khế, có cái cành khô gãy, đập nhẹ vào đầu. Tối về kêu đau đầu buồn nôn. Con cháu đưa vào bệnh viện. 2 ngày sau thì mất.

Tang lễ cho bà Bông xong, anh con trai cả lấy hết giấy tờ nhà và sổ tiết kiệm chỉ để lại cho ông Bình một số tiền và hứa chu cấp đủ hàng tháng cho ông ăn tiêu.

Từ khi bà Bông mất cho 3 năm sau, ông Bình không ra Phú Quốc. Nhưng khi mãn tang xong thì ông lại quay lại tật cũ, thỉnh thoảng lại biến mất dăm bữa nữa tháng.

Có hôm chạp họ, cháu chắt và người già trong họ hỏi ông dạo này sinh sống ra sao, ông bào khổ, thằng cả cho quá ít tiền nên không đủ sống. Người già tra vấn anh cả, thì anh cả bảo, không dám cho ông nhiều, vì cho nhiều, ông đem cho bà Huệ hết. Ông bảo thằng cả điêu, bà Huệ cần gì tiền của thằng cả cho chứ.

Con cháu trong nhà có thằng Phùng là cháu đích tôn thương ông nhất. Thằng Phùng một hôm bóp vai cho ông hỏi, có phải ông thương bà Huệ lắm không. Ông ừ. Hắn lại hỏi, thương răng. Ông nói, thương như hồi trẻ rứa, như mi thương con bồ của mi rứa. Phùng hỏi, sao ông không ra đó ở với bà Huệ cho vui. Ông nói, ông cũng tính rứa nhưng không có tiền. Ông nói ước mơ của bà Huệ là có một căn nhà nho nhỏ, trồng hai cây sưa cho ông mắc võng nằm hóng gió biển. Còn ông thì ước mơ đào cho bà cái giếng nước ngọt, chiều chiều múc nước gội đầu cho bà. Thằng Phùng cười hô hố bảo, ông tra rồi mà lãng mạn hè, vụ này để con lo.

Thằng Phùng nói là làm. Hắn về nhà ăn cắp sổ đỏ của ba hắn hồi trước lấy của ông nội qua giao lại cho ông Bình. Hắn xúi ông Bình bán nhà lấy tiền ra ngoài Phú Quốc cất nhà sống với bà Huệ cho vui vẻ quãng đời còn lại. Không biết hắn thuyết phục sao mà ông Bình nghe và làm theo.

Ông Bình được sự hỗ trợ của thằng Phùng bán nhà, ôm một cọc tiền và vàng ra Phú Quốc tìm mua đất xây nhà để sống chung với bà Huệ.

Ông Bình ra Phú Quốc tìm mua được một mảnh đất hoang kề núi làm tạm được căn nhà gỗ đón bà Huệ về ở chung. Bà Huệ tìm đâu về được hai cái cây nhỏ thân thẳng, trồng kề nhau trước cửa nhà, nói sau này cây lớn cho ông Bình treo võng. Ông Bình tuổi già sức yếu cầy cục mãi mà vẫn chưa đào xong cái giếng. Bà Huệ khuyên thuê người đào thì ông từ chối, nói đã hứa đào cho bà thì tự tay đào cho trọn tình trọn nghĩa.

Ngày vui của ông bà chưa tày gang, thì nghe phong phanh anh cả nhà ông khởi đơn kiện ông về vụ bán nhà. Vì đó là tài sản chung của gia đình.

Vụ kiện chưa có trát tòa, thì vào một đêm rằm tháng 7, căn nhà trên mảnh đất hoang của ông Bình và bà Huệ bốc cháy. Xác ông bà cũng bị cháy rụi trong đống tro tàn. Người ta không biết nguyên nhân vì sao, nhưng vì cám cảnh tình yêu của ông bà, người làng chài quanh đấy an táng hai ông bà dưới góc hai cây sưa còn sót lại và lập một bàn thờ ở đấy.

Một thời gian khá lâu sau, bên phía gia đình ông Bình mới biết chuyện thì đã muộn. Ngày đoạn tang cải mộ, con cháu ông Bình vào làm đám rước rình rang to lắm. Nghe đâu chỉ đưa hài cốt ông Bình ra quê chôn cất và xây lăng to nhất nhì xã Thủy Dương ngoài Hương Thủy.

Khi gia đình ông Bình đưa hài cốt ông ra quê an táng. Không lâu sau thì hai cây sưa cũng chết mất một cây. Chỉ còn lại một cây dãi dầm nắng gió với một nấm mồ và cái bàn thờ bằng đá hoang lạnh.

Khi người ta qui hoạch vùng đất hoang này để làm sân bay Phú Quốc. Nghe nói, cái khu đất hoang có cây sưa ấy nằm trong vùng đất qui hoạch đường băng. Rất nhiều lần người ta dùng các phương tiện để đốn hạ nhưng không thể nào đốn được. Rìu búa chạm vào thì văng ra, đưa xe đến ủi thì chết máy. Vả lại nghe người dân thổ địa đồn thổi đó là cây thần rất linh thiêng cho nên không có người thợ nào đủ can đảm dám đốn hạ cả.

Và cho đến ngày nay, khi sân bay Phú Quốc đã nhộn nhịp các chuyến đi về. Nhưng giữa sân bay thoáng rộng bát ngát có đường băng thẳng tắp ấy vẫn còn cây sưa sừng sừng với đất trời mưa nắng. Có lẽ đây là sân bay duy nhất trên thế giới có một cây cổ thụ tỏa bóng ngay giữa sân bay.

2
Tháng 4 vừa rồi, khi biết tôi có việc ra Phú Quốc, thằng Phùng là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực bất động sản ở Tp. HCM, kể cho tôi nghe chuyện này. Hắn nói, cái cây sưa bà Huệ ấy, giờ nằm ngay giữa sân bay, không thể nào đến gần được. Nếu chú có ra Phú Quốc, thì phía trước đường vào sân bay, ngay ngả ba trước khi chạy vào trong sảnh đợi, có một hòn đá to đặt bên đường. Hòn đá ấy có cắm nhiều chân nhang là cái bàn thờ lộ thiên mà cháu làm để tưởng niệm bà Huệ đấy. Chú có lòng thì thắp hộ cháu mấy nén nhang. Ra ngoài đó nếu chú có hỏi về cây thần trong sân bay, thì người Phú Quốc ai cũng biết, nhưng có điều họ thêu dệt nhiều huyền thoại về cây sưa Bà Huệ lắm, chú đừng tin.

Ngồi trên máy bay chuẩn bị cất cánh về Sài Gòn, tôi đã thấy cây sưa ấy. Máy bay chạy trên đường băng ngang qua chỗ cây sưa. Mặc dù ngồi trong máy bay mà tôi vẫn cảm thấy như ớn lạnh. Cô chiêu đãi viên hỏi tôi, Bác có lạnh lắm không con lấy cho Bác cái chăn. Tôi không trả lời thẳng câu hỏi mà hỏi lại một câu rất bâng quơ, tình yêu sẽ làm cho người ta cảm thấy lạnh lẽo hay cảm thấy ấm cúng cô nhỉ. Cô chiêu đãi viên mĩm cười, dạ thưa Bác, con không biết ạ……

(Trích trong tập “Dưới Tán Cây Huyền Thoại”, tập truyện của Thuận Nghĩa.)

08.05.17
tn

SHARE