Từ cái mốc 53 tuổi này, tôi đã bắt đầu túi bụi với việc thâu nhận môn đồ và công truyền pháp môn Khí Công Dưỡng Sinh. Pháp môn Khí Công Dưỡng Sinh này được chính tôi đặt tên theo Pháp Hiệu truyền thừa gọi là khí công: “TRUYỀN NHÂN CỦA HƠI THỞ”. Với tôn chỉ “Làm chủ được Hơi Thở là làm chủ Sinh Mệnh”.
Việc tuyên dạy và tìm truyền thừa của Hơi Thở, tôi vốn đã thực hiện từ đầu năm 2013 chứ không phải đến bây giờ mới bận bịu vì nó. Chỉ tại từ hồi cuối năm 2016 đến nay, chưa kể các buổi tôi được mời làm Giáo Thọ về Hơi Thở cho các Pháp Đàn tu hành Phật Giáo tại Châu Âu và Đông Á ra, thì chỉ riêng các buổi hội thảo và huấn luyện về Khí Công Dưỡng Sinh bảo vệ sức khoẻ cho Người Việt và người Châu Âu sở tại, thì đã có 12 cuộc hội thảo huấn luyện có qui mô lớn.
Tính từ tháng 11.2016 đến thời điểm này thì có, 1 hội thảo ở Rumani, 1 ở Myanmar, 1 ở Thái Lan, 2 ở Đức và 7 cuộc báo cáo, tập trung huấn luyện và hội thảo ở Việt Nam. Chưa kể cuộc hội thảo dành cho Bác sĩ chuyên khoa và chuyên viên trị liệu Y Học Tự Nhiên tại ngoại ô thành phố Hannover vào cuối tuần này ngày 25 và 26 tháng 3.
Vâng, học viên thì đông, đông lắm, đủ các thành phần, và có nhiều sắc tộc đến từ nhiều Quốc Gia khác nhau. Nhưng Học Trò, môn sinh đúng nghĩa của môn Khí Công tôi đang tuyên dạy thì..thì chỉ đành buông một “nốt buồn”.
Hình như, (chỉ là hình như thôi nhé), những học viên tham dự các khóa học của tôi. (Kể cả việc phải đóng tiền mới được tham dự, ví dụ buổi tập huấn vào ngày 25, 26 tháng 3 này, phải đóng đến 320 Euro cho một ngày rưỡi). Họ đến chỉ vì tò mò với những “Show” diễn mang tính thị hiện quyền năng của hơi thở và đến chỉ hy vọng có được “một bước mà bước lên tận thấu Trời”. Mà rất ít học viên quan tâm đến Hơi Thở một cách thực thụ. Trong khi, mục đích truyền dạy của tôi, là cách luyện Khí lấy Hơi Thở làm nền tảng chủ chốt của phương pháp Dưỡng Sinh.
Trong 5 cuộc tập huấn của tháng 2 và tháng 3 vừa rồi tại Sài Gòn và Hà Nội. Có mấy ai trong số họ biết cùng tôi đi chung trên từng đoạn đường của Hơi Thở?. Cái buồn đến tận “Thiên Thu” của tôi là ở đó. Cũng hình như tôi đã sai, đã sai một điều gì đó rất cơ bản trong phương pháp diễn dạy của mình. Nên học viên chưa thể hiểu hết được tầm quan trọng của các tiết đoạn kỹ thuật thở của Hơi Thở Bụng, hơi thở Phúc Hồ Lô.
Nói vậy thôi chứ cũng có nhiều nhóm học viên đã nhận ra được điều đó. Ngoài các nhóm đam mê Khí Công của Hải Phòng, Bắc Cạn và Lào Cai… ra còn có một vài vị “Độc Hành” từ Huế từ Sài Gòn, cứ tôi có hội thảo chỗ nào, bất kỳ chủ đề gì cũng đều có mặt.
Có một Ni Cô đến từ Huế, tôi có hội thảo ở Huế có mặt đã đành. Tôi vào Sài Gòn tập trung chúng đệ tử ở đó, cũng thấy mặt Sư Cô trong nhóm học viên mới. Tháng 2 tôi Hội thảo về nhập môn Hơi Thở cho học viên mới tại Hà Nội, cũng thấy mặt Sư Cô trong nhóm này. Tháng 3 tôi có hội giảng về nhập môn Hơi Thở ở Sài Gòn cũng thấy Sư Cô trong nhóm mới. Tôi bay ra Hà Nội làm tiếp cuộc nhập môn Hơi Thở mới, cũng thấy Sư Cô cặm cụi tập luyện trong nhóm mới. Thấy vậy tôi hỏi Sư Cô, sao con làm cú Hơi Thở mới nào cũng thấy Sư Cô trong nhóm người mới vậy, Sư Cô chưa “cũ” được à. Sư Cô trả lời, Thầy tu tập Hơi Thở đã mấy mươi năm mà lúc nào cũng còn mới huống chi Con vừa mới tiếp cận Hơi Thở. (Đối với giới Tu Sĩ, tôi thường xưng “Con” với họ, và xưng họ là “Thầy”. Và họ cũng xưng ngược lại vậy. Đó là một vấn nạn xưng hô làm tôi khá bất an, vì mình là Đà na Thí chủ, không được phép tiếp nhận cách xưng hô như vậy từ gới Tu Sĩ). Nghe Sư Cô trả lời như vậy, tôi khá vui khi có người đồng cảm về Hơi Thở. Tôi nói đùa, trên đời này đâu có mấy ai nhận biết về Hơi Thở như Sư Cô đâu. Sư Cô trả lời, bởi vì cũng có mấy ai nhìn thấy Thầy đâu. Nghe mà não cả tâm can…
Có nhiều ấn tượng vui buồn khác nhau trong các đợt tập huấn vừa rồi. Nhưng có hai ấn tượng cứ làm tôi nao nao mãi.
Đó là ấn tượng về một nhóm học viên quen. Quen là vì biết họ trong các buổi giảng của tôi từ năm 2013. Họ thuộc về một Trường phái Y thuật khác xuất xứ từ Châu Âu. Họ đã được chia sẻ về Hơi Thở cách đây 4 năm. Vậy mà trong 5 cuộc tập huấn về Nhập Môn Hơi Thở vừa rồi tại Hà Nội và Sài Gòn. Dù buổi tập huấn nào cũng chỉ một đề tài về Cơ sở của Hơi Thở Bụng. Vậy mà dù là lúc giảng lý thuyết hay lúc hướng dẫn thực hành cũng đều có họ, say sưa tập luyện như những người mới bắt đầu. Tôi hỏi người trưởng nhóm rằng, cũng chỉ là nhập môn về Hơi Thở sau lúc nào cũng thấy quí vị tham gia vậy. Hắn ta trả lời, chỉ là nhập môn thôi Hơi Thở thôi mà buổi tập huấn nào của Thầy cũng đều có điều mới lạ cả. Họ để lại cho tôi một ấn tượng sâu sắc về tinh thần cầu thị.
Còn một ấn tượng khác rất ngoạn mục. Ấn tượng để lại cho tôi nhiều sự thèm khát học trò như vậy. Trong buổi chia sẻ mang tên “Tăng Cường Năng Lượng Phòng Vệ -Xả Trược – Điều Tâm Dưỡng Khí” chiều 13.03 tại Hà Nội. Khi thấy số học viên tham gia có nhiều đẳng cấp khác nhau, tôi không đi vào chủ đề chính vì cảm nhận Học Viên chưa đủ căn cơ của Hơi Thở để chia sẻ về thuật Vận Khí. Nên tôi quyết định thay đổi chủ đề, chia sẻ về tầng thứ 2 của Hơi Thở Bụng là tầng quyết định thành bại và tinh tấn của Khí Công. Hơi Thở Tưởng Tức. Lúc bắt đầu giảng về Tưởng Tức, có một học viên đến từ Cao Bằng, khăn gói lên bục giảng cúi lễ chia tay tôi. Tôi hỏi, đóng tiền rồi sao không ở lại học nốt kẻo phí đường xa. Học viên này trả lời, Con chưa thành thục Tự Tức, sợ biết Tưởng Tức rồi ham luyện nó mà sao nhãng Tự Tức thì sẽ khó tinh tấn được. Nói xong thì ra về. Thú thật cả buổi thuyết luyện hôm đó, tôi chỉ ngóng học viên kia đổi ý mà quay trở lại. Không phải là để học tiếp, mà để tôi chắp tay đảnh lễ về cái sự hiểu Khí Công của anh ta. Khí Công chỉ có thành tựu khi tập luyện kiên trì và chuyên cần. Khí Công không có “Một bước là bước được lên Trời”
Nhưng có lẽ, ấn tượng nhất vẫn là của một học trò Truyền Thừa để lại. Tối hôm chuẩn bị sáng mai ra sân bay. Khi từ nơi đo đạc và trị bệnh tại Trung Tâm ở Hồ Ba Mẫu trở về khách sạn Công Đoàn vào lúc 1 giò sáng, nơi tôi trú ngụ trong thời gian ở Hà Nội. Môn sinh này nhìn tôi giữa khuya soạn hành lý để 4 giờ sáng mai ra Nội Bài bay vào Sài Gòn để bay tiếp sang Đức từ đó. “Hắn” ngồi uống trà, nhìn tôi cặm cụi xếp đồ buông một câu xanh rờn thay tiếng thở dài “Đạo hạnh của Thầy có vấn đề, vì trong các cuộc tập huấn không có một Môn Sinh nào của Thầy, phụ Thầy hướng dẫn về Hơi Thở…”.
Tôi ngừng tay xếp hành lý, trân trân nhìn hắn và mình gần như rơm rớm nước mắt vì… xót xa, nói với “hắn” rằng “Lão Phu dậy từ 5 giờ sáng suất ngày chủ trì hai cuộc tập huấn, 5 giờ chiều rời hội trường về ngay phòng trị liệu đến 12 giờ đêm vẫn không có gì mệt mỏi, giờ nghe mi buông một câu này, lão phu giờ không biết là mình rã rời hay thăng hoa đây. Rã rời vì bị xát muối vào nỗi đau, thăng hoa vì cuối cùng trong số Môn Sinh cũng có đứa hiểu mình…”. Hắn cười xé lên trong điệu nấc ngậm ngùi, “Thầy muốn biết mình rệu rã hay thăng hoa thì nghỉ tay làm chén trà rít vài hơi thuốc là biết ngay mà..”
Và cũng thú thật luôn, trà hôm đó uống cực kỳ ấn tượng, thuốc hôm đó rít cực phê. Chỉ có điều, ấn tượng nhưng không biết là ấn tượng ngon hay dở, phê nhưng không biết sướng hay đau..he ..he..he….
(Có hai phần viết về Môn Sinh 1 và 2 cũng đề tài này, viết từ năm ngoái, ranh rảnh tôi sẽ tìm nó ở chỗ nào post lại cho học viên của môn Khí Công “Truyền Nhân Của Hơi Thở” đọc chơi để biết thêm cách tập luyện và tầm quan trọng của Hơi Thở trong việc làm chủ Sinh Mệnh của chính mình)
24.03.17
thuận nghĩa