Home Khí công THIỀN THỔI- ÂM CÔNG- (吹 禅)- Phần 2

THIỀN THỔI- ÂM CÔNG- (吹 禅)- Phần 2

2018
0

(Tiếp theo phần 1)

B- Tiêu Shakuhachi và công pháp Thiền Thổi (吹 禅) của Phái Thiền Hư Vô (Fuke Zen)- Nhật Bản

1- Tiêu Shakuhachi- Nhật Bản

Tiêu Shakuhachi tiếng Nhật cổ gọi là Bát xích, nay là Shakuhachi, phiên âm ra tiếng Việt đọc là Sa- cu- ha- chi.

Tên shakuhachi có nghĩa là “1,8 shaku”, đề cập đến kích thước chiều dài của Tiêu.

Shakuhachi là từ ghép của hai từ:Shaku và Hachi

Shaku (尺) là một đơn vị đo lường cũ của vùng Đông Á, Shaku gốc tiếng Hán gọi là Xích, trong hệ thống đo lường “tấc”, “xích”, “trượng”… của Trung Hoa cổ, (tiếng Nôm gọi là “thước””. Một “Xích” (shaku) có chiều dài bằng 30,3 cm (0,994 foot Anh) và được chia nhỏ thành mười đơn vị con, gọi là tấc

Hachi (八) có nghĩa là “tám”, ở đây có nghĩa là tám phần mười, của một shaku.

Vì vậy, “shaku-hachi” có nghĩa là “một shaku thêm tám phần mười shaku nữa”. Tức là tổng chiều dài của một cây Tiêu chuẩn là 1 Xích 8 phân (Bát Xích), Tính theo hệ thống đo lường hiện đại là: 54,54 cm

Đó là chiều dài chuẩn của một cây tiêu Shakuhachi chuẩn. Ngoài ra còn có các loại shakuhachi biến tấu khác, có độ dài biến tấu từ khoảng 1,3 shaku đến 3,6 shaku.

Mặc dù kích thước khác nhau, tất cả vẫn phải tuân thủ theo kiểu thổi và hệ thống âm luật nhất định và vẫn được gọi chung là “shakuhachi”

Tiêu Shakuhachi được du nhập từ từ đất Tây Thục, Trung Quốc vào Nhật Bản vào thế kỷ thứ 7 và phát triển rầm rộ nhất vào thế kỷ 17-18.

Shakuhachi từ Trung Quốc du nhập vào Nhật Bản đã thay đổi hình thức và cấu trúc nguyên bản, và shakuhachi như hiện nay được hoàn chỉnh như vào thế kỷ 17.

Sự phát triển của tiêu Shakuhachi cổ truyền của Nhật Bản, có rất nhiều giai thoại, và luôn luôn gắn liền với sự hưng thịnh và suy thoái của các trường phái Thiền của Phật Giáo.

Shakuhachi theo truyền thống được làm bằng tre,trúc với kỹ thuật tuyển chọn nguyên liệu rất phức tạp và kỳ công nhưng các phiên bản hiện nay thường dùng cho âm nhạc hiện đại đã được làm bằng nhựa ABS và gỗ cứng.

Shakuhachi là một trong những Pháp bảo tu luyện cũng như là vũ khí tùy thân của phái Thiền Hư Vô (Fuke Zen). Tiêu Shakuhachi được các Tỳ kheo phái Hư Vô của Thiền tông Phật giáo Đại thừa sử dụng trong việc thực hành Quán niệm hơi thở (吹 禅- Thiền thổi).

Thuở xa xưa vào thời Trung Cổ, các Thiền sư phái Hư Vô không có chùa chiền cố định, họ thường đi “lang bạt kỳ hồ” từng người riêng lẻ, hoặc từng tốp vài ba Thiền sư, tục gọi là “Du Tăng”.

Pháp tu điển hình của các Du Tăng phái Hư Vô là trùm mặt bằng một cái lồng tre vừa đi vừa tụng Kinh, niệm Chú qua việc thổi tiêu Shakuhachi.

Ban đầu tiêu Shakuhachi mới du nhập từ Trung Hoa vào cũng giống như các loại tiêu cổ là làm bằng đoạn trên của thân cây Trúc. Nhưng vào thời kỳ hưng thịnh nhất của Kiếm đạo Samurai và Ninja tại Nhật Bản. Để tự bảo vệ trên đường đi tu hành, các Thiền sư phái Hư Vô đã chế tác tiêu Shakuhachi thêm đoạn gốc cứng oằn cong của cây trúc để tiện làm luôn vũ khí tùy thân chống lại sự ức hiếp của Samurai và Ninja.

Tương truyền, tiêu Shakuhachi là nổi ám ảnh của các môn phái Samurai và Ninja. Vì không có loại vũ khí và định lực, nội công nào có thể chống lại Âm lực cũng như khúc côn chùy gốc trúc của các Thiền sư phái Hư Vô được cả.

Vì vậy Shakuhachi sau này thường được làm từ phần cuối gốc của thân tre madake (真 竹) (Phyllostachys bambusoides) là một loại tre cứng như sắt thép có xuất xứ từ núi Phù Tang.

Shakuhachi không những là một loại vũ khí khắc chế các loại dao kiếm của Kiếm đạo mà còn là một nhạc cụ cực kỳ linh hoạt.

Vì cấu trúc đặc biệt của Shakuhachi mà người chơi chuyên nghiệp có thể tạo ra hầu như bất kỳ cao độ nào họ muốn từ loại nhạc cụ có cấu trúc Ngũ âm này. Cho nên một cao thủ Shakuhachi có thể chơi bất kỳ loại nhạc nào, từ các bản nhạc Thiền nguyên bản, nhạc hòa tấu với loại nhạc cụ cổ truyền như koto, biwa và shamisen cho đến các loại nhạc jazz, nhạc giao hưởng và các bản nhạc, ca khúc hiện đại khác.

Phần lớn sự tinh tế của shakuhachi được thể hiện qua kỹ năng của người chơi. Nó phụ thuộc vào âm sắc phong phú từ khả năng biến tấu của các ngón bấm, cách luyến ngón, và đặc biệt là tư thế nâng lên hạ xuống chuôi tiêu để tạo ra các nốt có cùng cao độ, nhưng có sự khác biệt tinh tế về âm sắc và độ cảm âm khác nhau.

Các lỗ tiêu có thể được ngón bấm che đi một phần (che 1/3, 1/2, 2/3, v.v…) sẽ tạo ra cao độ thay đổi một cách cực kỳ tinh tế. Hoặc kết hợp việc che bớt lỗ với việc thay đổi gốc thổi thì trên cùng một lỗ tiêu, trong cùng lúc, cùng một hơi thở thổi ra, các nốt nhạc, các chủng âm sẽ được trình diễn, trường độ, cao độ, và tiết tấu, âm sắc, melodi…khác nhau rất kỳ ảo. (Các bản nhạc Honkyoku (本 曲) chủ yếu dựa vào khía cạnh này của nhạc cụ để nâng cao độ tinh tế và chiều sâu của chúng)

Không giống như các nhạc cụ bộ hơi khác, kể cả tiêu, sáo bình thường. Trong đó người chơi thổi vào một ống dẫn, một đường dẫn khí hẹp trên một khối thường được gọi là lẫy thổi, do đó có khả năng kiểm soát cao độ khá hạn chế.

Người chơi shakuhachi thổi như thổi qua đỉnh của một chai rỗng (Mặc dù shakuhachi có một cạnh vuốt sắc hơn các cạnh khác của lỗ tre, nhằm để định hướng để thổi trúng chỗ gọi là utaguchi) do đó có khả năng kiểm soát, điều chỉnh cao độ vô cùng linh hoạt .

Năm lỗ ngón tay được điều chỉnh theo âm giai ngũ cung, tưởng chừng như không có các nốt thâng, giáng, nhưng khi sử dụng các kỹ thuật gọi là meri, và kari , tức là kỹ thuật nâng lên hạ xuống thân tiêu, thì khi đó góc thổi được điều chỉnh để uốn cong cao độ xuống và lên tương ứng, kết hợp với điều chỉnh luyến láy và bấm ngón che bớt lỗ tiêu. Kỹ thuật này giúp người chơi có thể uốn cong, lẫy khúc từng cao độ như thành như cả một giai điệu hoặc cả một câu dài của bản phổ trên một nốt tiêu.

Shakuhachi có phạm vi âm vực bao gồm hai quãng tám đầy đủ (âm dưới được gọi là otsu 乙 / 呂, âm trên, kan 甲) và một phần ba quãng tám (dai-kan 大甲). Với những người chơi có kinh nghiệm có thể tạo ra các nốt lên đến E7 (2637.02 Hz) trên shakuhachi.

Đạc biệt các quãng tám khác nhau cũng có thể được tạo ra bằng cách sử dụng các biến thể tinh tế của Hơi thở, vị trí ngón tay và cách đan ngón bấm.

Một cây tiêu Shakuhachi loại đúng chuẩn 1,8 thông thường là loại tiêu RÊ tương đương với nốt D4 trên thang âm chuẩn của Piano (D ở trên nốt Đô trung tức C có tần số 293,66 Hz). Đây là nốt là nốt cơ bản chuẩn của Shakuhachi, tức là nốt thấp nhất mà nó tạo ra với tất cả năm lỗ ngón tay được bấm che bịt kín các lỗ và ở góc thổi bình thường.

Ngược lại, shakuhachi 2,4 thì có nốt cơ bản là A3 (LA dưới Đô trung, 220 Hz).

Lưu ý, khi chiều dài tăng lên, khoảng cách giữa các lỗ ngón cũng tăng lên, kéo dài cả ngón tay và kỹ thuật chơi cũng phải thay đổi.

Những cây tiêu dài hơn, để tạo loại tiêu thổi nốt Bass thường có lỗ xỏ ngón tay, và những cây tiêu rất dài hầu như luôn được tùy chỉnh để phù hợp với từng người chơi.

Do yêu cầu về kỹ năng chơi, thời gian ôm trúc và chất lượng của vật liệu để tạo ra shakuhachi bằng những loại trúc, tre đặc biệt, nên giá th25nh của một cây tiêu Shakuhachi rất đắt. Dao động trong khoảng từ 1.000 đô la Mỹ đến 8.000 đô la Mỹ cho một cây tiêu mới hoặc đã qua sử dụng.

Bởi vì mỗi cây tre chỉ dùng một đoạn gốc duy nhất, cho nên Shakuhachi không thể được sản xuất hàng loạt. Đặc biệt là các thợ thủ công phải dành rất nhiều thời gian để tìm hình dạng và chiều dài chính xác của tre. Mặt khác nguyên liệu tre, trúc dùng để chế tác Shakuhachi phải qua một quá trình bảo dưỡng rất lâu, ít nhất là hàng chục năm trong môi trường được kiểm soát. Để tránh nứt nẻ và biến dạng âm khi sử dụng.

Từ nguyên liệu được om giữ sau hàng chục năm,sau khi tạo hình lỗ khoan cho đúng kích cỡ tiêu yêu cầu phải để hơn một năm, mới bắt đầu chế tác hoàn thiện bằng khảm tráng keo sứ. Họ sử dụng một loại keo bí truyền gọi là Ji (地), gồm nhiều lớp hỗn hợp bao gồm bột tonoko (砥 の 粉) và seshime tráng đắp, phủ kín khắp ruột tiêu, cuối cùng thì được hoàn thiện bằng sơn mài urushi. Họ lầm vậy để mỗi cây tiêu riêng biệt đạt được cao độ và âm sắc chính xác trên tất cả các nốt.

Các loại Tiêu có chất lượng cực cao, có lớp khảm có giá trị hoặc có ý nghĩa lịch sử, được chế tác từ các gia tộc nổi tiếng có thể được rao bán từ 20.000 đô la Mỹ trở lên. Có những ống tiêu Shakuhachi có thể bán đấu giá tới hàng triệu đô la Mỹ.

Tuy rằng Shakuhachi bằng nhựa hoặc PVC có một số ưu điểm hơn so với các sản phẩm tre truyền thống, ví dụ như chúng nhẹ hơn, cực kỳ bền, gần như không thấm nhiệt và lạnh nhưng chỉ có giá thường không quá 100 đô la Mỹ.

Shakuhachi làm bằng gỗ cũng có sẵn, thường có giá thấp hơn tre nhưng cao hơn vật liệu tổng hợp. Tuy nhiên, gần như tất cả người chơi đều thích tre hơn, vì chất lượng âm thanh, có tính thẩm mỹ cao và tính truyền thống đậm đặc.

2- Shakuhachi và Pháp tu của phái Thiền Hu Vô- Nhật Bản

(Còn nữa)

14.09.20

Sưu tầm và Biên soạn

Khí công sư Thuận Nghĩa

SHARE